Lan man với Vương Trí Nhàn
Là một cây bút nghiên cứu phê bình văn học sắc sảo hay “đụng độ”, Vương Trí Nhàn gần đây quan tâm nhiều đến văn hóa, đô thị, lối sống, với cách nói thẳng băng.
Phóng viên: Dạo này thấy ông ít viết bài cho các báo?
- Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: Bây giờ không theo được “nó”. Cổ rồi. Cảm thấy không làm được nữa.
Phóng viên: Vì đâu nên nỗi?
- Nếu làm báo, dẫu sao anh phải nể người ta. Bà còn lạ gì nữa. Phải tuân thủ lề luật, ông sếp cũng phải theo lề luật. Tôi phải chọn cái gì thoải mái. Viết blog. Tản mạn, tự phát, già hợp.
Phóng viên: Ông nói ngược. Trẻ nó mới mê mạng?
- Già, làm cái gì lớn khó khăn. Còn tôi suy nghĩ nó cứ tứa ra như cây dại. Tản mạn mà.
Phóng viên: Vậy ông tản mạn “tứa ra” trên những chuyện gì?
- Hai mảng, thứ nhất là nhật ký xã hội. Đọc được cái gì hay thì nghĩ. Thí dụ chuyện người ta cho nước ngoài thuê rừng với giá chỉ bằng 10 bát phở. Đọc báo Nga thấy có tự do mà không có dân chủ. Rồi những quan sát hàng ngày. Tôi rất hay chú ý các vấn đề giao thông. Tôi đi đường cũng nghĩ: sao Hà Nội lộn xộn, hoang dã (lời của một ngôi sao nước ngoài nhận xét, không phải tôi). Xe thô sơ chèn xe cơ giới. Tôi nhớ lúc nhỏ đi học người ta dạy: xe thô sơ nhường đường cho xe cơ giới. Sao bây giờ lại “khốn nạn” vậy? Ngày xưa, người đi ô tô là người quan trọng, tử tế. Nay người tử tế vẫn còn, nhưng người ăn cắp ăn cướp, trốn thuế nhiều.
Phóng viên: Thảo nào có người bảo cái tên ông Trí Nhàn nhưng không nhàn trí?
- Tôi muốn nói là bao giờ cũng có người tử tế, cũng kính trọng người tử tế. Nhưng dường như người tử tế đang ít dần đi. Tôi buồn, phản ứng tiêu cực. Có quan hệ đảo ngược với lương tri thông thường. Thầy không được trò kính. Rối quá.
Phóng viên: Đó là mảng nhật ký xã hội trong cuốn sách rất hay của ông mới ra “Những chấn thương tâm lý hiện đại”.
- Mảng hai là văn hóa-xã hội. Theo thời sự thôi. Thí dụ họa sĩ Nguyễn Quân ra sách, triển lãm hay, hai phe “Cánh đồng bất tận”… Tôi ghi lại, để dùng về sau. Không hy vọng phát hiện vấn đề lớn lao. Già rồi. Ngoài ra làm lại một số sách cũ.
Phóng viên: Người ta bảo phải đủ giàu mới ngồi nghiên cứu. Ông không phải “đi cày” nữa?
- Vẫn cày. Nhưng uể oải chậm chạp. Không phải lo kiếm sống nữa.
Phóng viên: Vậy ai nuôi để ông ngồi nghiên cứu?
- Bà xã. Có cửa hàng. Bây giờ nghĩ lại thấy Nguyễn Khải xui đúng. Lúc trẻ ông Khải bảo tôi dân viết là chọn một nghề khổ không sống bằng lương. Phải lấy đứa nào đó nuôi mày, mới theo nghề được (!)
Phóng viên: Ông định nghiên cứu gì?
- Lắm việc. Hoàn chỉnh số đề tài cũ như: “Nhà văn tiền chiến”, “Hiện đại hóa văn học”. Có cuốn do NXB Đại học Quốc gia Hà Nội in, được 1,4 triệu nhuận bút, in 600 cuốn không báo nào nhắc, xếp xó. Tôi gửi Giáo sư Trần Hữu Dũng, ông trân trọng đưa lên trang mạng Viet-studies.info.
Phóng viên: Những đề tài cũ, được làm lại hôm nay có gì mới không ông?
- Trước đây làm vụn vặt. Nay thu gọn tổng quát, dẫn luận quan trọng văn học Việt Nam thế kỉ 20 dưới thước đo của văn học thế giới. Phải đo văn học Việt Nam bằng chuẩn mực thế giới. Một số nước, thí dụ Ấn Độ dù có nhà văn nổi tiếng, vẫn chỉ là cho mình thôi. Phải đóng góp cho văn minh thế giới. Trung Quốc họ khát khao chinh phục thế giới, không đòi nhà nước cho tiền để quảng bá ra ngoài như ở Việt Nam.
Phóng viên: Vậy ông đã làm được nhiều chưa?
- Mới thu dọn thôi. Tôi chuyển hướng nghiên cứu của mình 20 năm cuối, sang nghiên cứu văn hóa.
Phóng viên:Ông có một lần bỏ ra về khi đang được phỏng vấn về chuyện ông làm hàng loạt bài về thói xấu của người Việt. Có người còn bảo: Phải nghiêm cẩn khi bàn về tính cách dân tộc? Nhưng rồi trên mạng người ta treo hai câu của ông như “danh ngôn”: “Dân tộc Việt là khối tự phát khổng lồ”. “Thói xấu lớn nhất của người Việt là sợ nói về thói xấu của mình”. Ông không ngại hay bị phản ứng?
- Nếu tôi không tin vào tôi thì còn làm làm gì? Cái bài về Tô Hoài, có cô Vàng Anh cho là tôi ác, thấy người ta già… Tôi ghi từ lâu chứ có phải đợi người ta già đâu. Tôi cũng đưa cho chính nhà văn Tô Hoài đọc rồi, ông bảo được mà. Tôi biết thân phận tôi chứ. Nhưng rất cần nói cái ác cái dở để nói rất nhiều vấn đề đáng báo động. Tôi cảm ơn nhà văn Tô Hoài đã hiểu.
Phóng viên: Nhưng ông thường hay đụng độ với nhiều người nữa?
- Sao không đụng độ được? Vì sao Nguyễn Khải có lúc ghét tôi? Vì tôi biết cái phần ông muốn giấu mọi người. Cảm xúc như một nghệ sĩ, viết như một cán bộ. Tôi biết mạch ông ấy rồi. Với ông ấy tôi chỉ như một học trò, có thời ông quý có lúc ông mắng mỏ. Bạn văn cũng có người bênh vực ông, mắng tôi là chọc gậy bánh xe. Nhưng là nhà phê bình, tác phẩm các nhà văn in cho công chúng đọc, tôi phải viết.
Phóng viên: Nhưng có điều ông nói, thật sự “ác”?
- Nếu tôi ác thì không bao giờ người ta đọc tôi một cách lâu dài. Chỉ lừa được một lần thôi.
Phóng viên: Ông là nhà nghiên cứu phê bình văn học. Nay lại nhìn văn học từ góc độ tư tưởng sang nhìn dưới góc độ văn hóa… nên gọi ông là “nhà” gì cho đúng?
- Gọi là nhà gì tôi cũng sợ lắm. Sang quá. Có thể tôi còn kém vụng, nhưng đặt trên con đường 5 ki lô mét còn hơn người khác đi 10 ki lô mét. Sức khỏe, tầm vóc khái quát cao còn khó. Nhưng tôi tiếp tục học.
Phóng viên: Ông nổi tiếng tự học và đọc nhiều. Ông học cả khoa học tự nhiên?
- Tôi khốn nạn cực kỳ không biết tiếng Anh, Pháp, phải đọc qua tiếng Nga. Tôi có cái nhìn mềm là do học thêm vật lý. Học với tôi cứ như định mệnh (cười). Bà có nhớ hồi nhỏ học sinh vật có cái thí nghiệm phản xạ có điều kiện Paplop không. Con gà mổ hạt ngô, đến lúc người ta không bỏ ngô vào, nó vẫn mổ toét cả mỏ cho đến chết….
Phóng viên: Ông sống ở Hà Nội, thấy Hà Nội như thế nào?
- Tết rồi tôi nảy ra ý nghĩ và đã đi… bơi qua sông Hồng. 8 giờ sáng mưa lạnh lất phất, đi qua phố cổ không có người. Nó phong trần cổ lỗ. Sức sống lâu dài ở cái cổ đó. Sự ghê gớm của thời gian, lịch sử, trong đó bao phong trần từng trải đầy đau khổ. Sao giống Bùi Xuân Phái thế. Không cây. Nhà có linh hồn, không đặc tả mặt người. Người Hà Nội ẩn sau đó.
Phóng viên: Vậy theo ông chất Hà Nội là gì?
- Theo tôi, đó là trí tuệ chứ không phải thanh lịch như vẫn nói. Nó gạn lọc, hút cái hay của các nơi. Nay không lọc hoặc lọc nhầm. Hỏng nhanh quá không chữa được. Đô thị là cuộc sống được tổ chức lại, từ quê ra tỉnh làm lại cuộc đời chứ không phải vác cái nhà quê của mình ra “nông thôn hóa Hà Nội”. Không bằng Sài Gòn: yếu tố nông thôn lên Sài Gòn, bị Sài Gòn buộc theo cái văn minh của nó. Người tứ xứ về lái taxi, phục vụ hàng quán, phải học theo cung cách Sài Gòn. Lõi đô thị chắc chắn hơn, tiếp thu cái bên ngoài vào tốt hơn. Trẻ con ngoan không nói nhiều. Từ tốn. Hà Nội phải tỉnh ngộ, không được “vây vo con trưởng”.
Phóng viên: Xin ông có một vài lời nhận xét về văn chương?
- Một số nhà văn trẻ hỏng, viết chưa tới đâu, chỉ đứng trên tâm thế: Chúng tôi trẻ, chỉ có chúng tôi thôi. Đọc chúng tôi đi, chả có gì mà so với lớp già….
Phóng viên: Nhưng có những tài năng như Nguyễn Ngọc Tư đó thôi?
- Cũng đúng. Nhưng không cẩn thận, sẽ chỉ dừng lại ở mức bản địa hóa như Sơn Nam.
Phóng viên: Chắc nhiều người muốn tranh luận với ông đấy. Xin cảm ơn ông đã trò chuyện thật lòng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá