Quá nhiều cây bút trẻ đang sản xuất fastfood
Sự quá đà của PR đã và đang đẩy tới tình trạng loạn chuẩn trong việc đánh giá tác phẩm văn học mới xuất bản. Một cuốn sách ra đời kèm theo một buổi ra mắt long trọng hôm trước, y như rằng hôm sau báo chí la liệt bài giới thiệu giống hệt nhau từ câu chữ đến chấm phảy, chỉ vì người ta cùng viết dựa theo “thông cáo báo chí”, hoặc tác giả diễn giải như thế nào thì nói theo thế ấy.
- Sự im ắng của anh trên văn đàn lâu nay, có thể giải thích như thế nào nhỉ?
Tôi vẫn làm việc, vẫn đọc, vẫn quan tâm đến những gì tôi vốn quan tâm. Chỉ có điều là tôi ít viết, chủ yếu do bận làm báo, và đôi khi vì... lười. Hình như vào lúc tuổi tác đã kha khá, tôi cũng có dấu hiệu suy giảm nhiệt huyết nghề nghiệp; dù gần đây, tôi vẫn được một người bạn xếp vào nhóm cây bút “lý luận, phê bình trẻ”!
- Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như vậy bởi lẽ lâu nay nhiều người vẫn đánh giá anh là một nhà phê bình “xung kích”, bởi tinh thần “nhập cuộc” của anh với đời sống văn học nước nhà. Phải chăng anh không còn quan tâm đến văn học nữa, đặc biệt là văn học trẻ?
Được đánh giá là “xung kích” cũng chẳng thú vị lắm đâu. Về nghề nghiệp, hăng hái nhập cuộc là luôn có khả năng “dính đạn”. Mà thời buổi này, “đạn sạch” thì ít, “đạn bẩn” thì nhiều, đại loại như gièm pha, xiên xẹo, “ném đá giấu tay”. Vừa rồi, có một ông gặp tôi góp ý rất chân thành: “Chú đánh ghê quá, viết gì thì cũng để anh em người ta còn viết tiếp chứ!”. Tôi hỏi lại: “Bác đọc em viết cái gì mà nói em đánh?”, ông ta ấm ứ không trả lời được, rồi bảo: “Nghe người ta nói thế!”. Tuy vậy, tôi vẫn quan tâm tới văn học, có điều là lâu nay tôi hay ngẫm ngợi, mà viết từ sự ngẫm ngợi thì khó nhanh chóng, khó cập nhật, khó “xung kích”...
- Theo anh, văn học trẻ hiện nay đang nghỉ giải lao, đang tụt lùi hay đang phát triển?
Từ việc đọc và đánh giá, tôi cho rằng, văn học của những người viết trẻ đang dậm chân tại chỗ, và nhìn chung, văn học Việt Nam cũng vậy. Báo chí đã và đang trở thành bệ phóng cho mọi loại tác phẩm nghệ thuật, từ nhếch nhác đến tầm tầm; và dường như nhiều người trong chúng ta cũng bằng lòng với tình trạng ấy? Hàng chục năm nay, thi thoảng lại thấy các gương mặt văn chương mới xuất hiện, rồi một số bỗng dưng mất hút, một số không mất hút thì hầu như... đi ngang, vì không thấy họ viết được cái gì khả dĩ hơn cái đã có. Nếu được phép ví người viết văn giống như người đầu bếp, tôi liên tưởng tới tình trạng quá nhiều cây bút trẻ ở Việt Nam đang sản xuất fastfood hơn là chế biến tinh xảo, kỹ lưỡng để làm ra món ăn buộc thực khách phải nhớ.
- Sự khác biệt lớn nhất giữa các tác giả thế hệ 7X và 8X là gì, theo đánh giá của anh?
Tôi không thích ứng với cách phân chia X X, vì với tôi, già hay trẻ thì vẫn là người viết văn, và văn học có tiêu chí chung để đánh giá mọi tác phẩm, bất kể tác giả là người trẻ hay người già. GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, có thấy ai gọi anh là “nhà khoa học 7X” đâu? Tôi coi cách phân chia X X là một “giả vấn đề” hơn là thực tế văn học, và đôi khi còn được sử dụng để biện hộ cho sự hời hợt, nông cạn hoặc phát ngôn ngông nghênh của vài người viết trẻ.
Tham gia sáng tạo văn học, mọi người đều bình đẳng và cần chấp nhận “luật chơi” chung, không có “luật chơi” nào chỉ dành riêng cho người trẻ hay người già. Do vậy, tôi không quan tâm đến sự khác biệt giữa họ, mà quan tâm tới hạn chế chung, mà hầu như ai cũng có. Đó là sự thiếu thốn, hỗng huễnh của “phông” văn hóa, là sự trải nghiệm nghèo nàn, là sự lấn lướt của cố gắng ngoài văn chương để khẳng định, hơn là nghĩ đến hình ảnh, dấu ấn tác phẩm trước đồng nghiệp và công chúng. Muốn biết một số người viết văn trẻ là ai, cứ theo họ đến các “bãi bia” và chịu khó ngồi nghe sẽ thấy họ đích thị là tín đồ Narcissisme, vì họ say mê bản thân đến mức thái quá. Họ văng tục. Họ gọi người viết văn khác là thằng là con, bất kể già trẻ. Họ chê văn ông này, bỉ beo thơ bà kia. Họ làm như giải Noben đã ở trong tầm tay. Tôi không đặt tương lai văn học nước nhà vào các cây bút như vậy, vì tôi nghĩ, người viết văn là người sáng tạo văn hóa.
- Tác giả trẻ nào hiện nay khiến anh quan tâm, thích thú?
Tôi chú ý đọc tác phẩm của khá nhiều tác giả trẻ, như: Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Dương Bình Nguyên, Di Li, Trần Nhã Thụy, Đoàn Văn Mật, Trang Thanh, Lê Vĩnh Tài... Thơ của nhà thư pháp trẻ Trần Trọng Dương tôi cũng đọc. À, phải kể cả... Phong Điệp nữa chứ. Tôi đọc và lý giải từ góc nhìn của tôi, cố gắng không để bị ảnh hưởng từ người khác. Riêng tác phẩm của một nhà thơ nữ trẻ thì càng gần đây tôi càng ít đọc, thậm chí còn quyết định không đọc nữa. Vì tác giả này liên tục “tra tấn” tôi bằng tin nhắn quảng bá từ việc cô mới tái xuất trên thi đàn tới mới đăng thơ ở báo này báo kia. Đến khi cô ta đăng một bài báo con con cũng nhắn tin phải đọc ngay thì tôi không còn chịu nổi, phải nhắn để “xin tha”. Cô ấy trả lời: nhắn để báo cho biết cô ấy vẫn lao động. Khổ quá, mọi người lương thiện ai mà chẳng lao động, có gì đáng khoe. Còn thơ thì “hữu xạ tự nhiên hương”, sao phải chờ nhắc nhở thì mới đọc. Tương tự như thế, tôi lấy làm khôi hài khi mỗi dịp hội họp nào đó lại gặp một nữ nhà thơ phấn son nhòe nhoẹt, xúng xính áo váy dân tộc, líu lo như người trên núi xuống đồng bằng. Hội họp xong, váy áo mất tiêu, thay thế bằng quần bò áo “phông” và líu lo như người đồng bằng lên núi! Sự kệch cỡm, lố lăng, các trò diễn và cả “cái giả” nữa, đang làm đảo lộn một số giá trị văn hóa của đất nước này, văn chương cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
- Anh từng phát biểu rằng, nếu chỉ có sách giải trí thì “một nền văn học đang đi trên con đường tự sát”. Hiện nay có những thái cực khác nhau thế này: có người bảo “sách của tôi không phải là sách giải trí, đó là văn chương nghiêm túc”. Có người lại bảo “ờ, sách của tôi là giải trí, thì đã sao”. Vậy cần nhìn nhận thế nào về cái gọi là “sách giải trí”, thưa anh?
Rất ít khi tôi tin vào việc tác giả tự định tính tác phẩm của mình. Tác giả viết nghiêm túc hay không thì sau khi ra đời, tác phẩm vẫn có đời sống riêng của nó; nên dẫu có muốn, tác giả cũng không thể quyết định người đọc phải coi tác phẩm là thế này chứ không phải thế kia. Cuộc sống hối hả, tất bật, tác phẩm giúp một số người đọc thảnh thơi đầu óc thì cũng tốt, nhưng nếu văn học chỉ có thế thì cũng chán, văn học đích thực phải hướng tới những điều lớn hơn sự thảnh thơi. Văn chương nghiêm túc sẽ tồn tại cùng thời gian. Còn tác phẩm chỉ rổn rảng lúc mới ra đời, đến tháng sau chẳng còn ai nhớ, thì tác giả nên xem lại các tiêu chí xác định thế nào là văn chương nghiêm túc.
- Theo dõi đời sống văn học thời gian qua tôi thấy sự PR thái quá đang làm nhiễu đời sống văn học của chúng ta đến mức đáng báo động. Nhiều nhà báo chẳng buồn đọc tác phẩm, học viết tin bài theo bản PR của đơn vị xuất bản. Anh nhận xét thế nào về tình trạng này?
Bạn nói rất đúng. Sự quá đà của PR đã và đang đẩy tới tình trạng loạn chuẩn trong việc đánh giá tác phẩm văn học mới xuất bản. Một cuốn sách ra đời kèm theo một buổi ra mắt long trọng hôm trước, y như rằng hôm sau báo chí la liệt bài giới thiệu giống hệt nhau từ câu chữ đến chấm phảy, chỉ vì người ta cùng viết dựa theo “thông cáo báo chí”, hoặc tác giả diễn giải như thế nào thì nói theo thế ấy. Tại một số buổi ra mắt còn khiếp hơn, cử tọa không tiếc lời tâng bốc, cứ như tuyệt phẩm. Có mặt ở đấy, tôi thường quan sát chứ không nói gì, vì e điều tôi nói ra sẽ làm “bữa tiệc tụng ca” mất ngon! Đôi khi nhìn tác giả nói cười oang oang, đi ra đi vào đầy vẻ tự mãn, mà thấy tội nghiệp. Đôi khi ngồi nghe mấy bác cao niên “hát tụng ca” tặng tác giả - tác phẩm mà thấy buồn. Không biết sau vài ngày rộn ràng rồi lại trở về với “chiếc máng của vợ ông lão đánh cá”, họ sẽ hụt hẫng như thế nào. Sự háo danh đang làm nhiều người trong chúng ta loáng quáng về màu sắc. Sự nghiệp văn học của mỗi người là một hành trình dài hơi và đầy nhọc nhằn, đừng vội sớm thỏa mãn.
- Sau Bàn phím và... “cây búa”!, bạn đọc chờ tiếp một cuốn kiểu “quả tạ” tiếp theo đó. Thực hư thế nào, anh tiết lộ cho bạn đọc biết được không?
Cuốn Bàn phím và... “cây búa”! xuất bản năm 2008 là tập 1, tôi đã hoàn tất bốn bản thảo nữa để có Bàn phím và... “cây búa”! các tập 2, 3, 4, 5. Lẽ ra đã xuất bản rồi, nhưng vì một vài lý do nên tôi “câu dầm”! Dự định sẽ là série gồm bảy tập, kích thước và bìa giữ nguyên như họa sĩ Phạm Tuấn trình bày, nhưng từng tập có thay đổi về màu sắc. Những tập tiếp theo liệu có phải là “quả tạ” hay không là tùy thuộc vào bạn đọc, tôi không thể quyết định. Tuy nhiên, chắc cũng sẽ được để ý, ít nhất cũng là từ cách tiếp cận, cách đánh giá và cách viết của tôi.
- Xin hỏi, chuyên luận Chuyển dịch văn hóa và cuộc khủng hoảng lựa chọn mà anh dự định ra mắt có “chống chỉ định” gì không ạ?
Đó là chuyên luận tôi viết về văn hóa, nên văn chương - nghệ thuật chỉ giữ một phần nhỏ. Nghề nghiệp ban đầu của tôi là văn hóa học, nên dù có hơn hai chục năm chú tâm với văn học, tôi vẫn bị nghề cũ ám ảnh. Văn hóa học cho phép tôi nhìn nhận vấn đề trên bình diện rộng hơn và bản chất hơn. Trong chuyên luận, tôi định nghĩa, sử dụng khái niệm “khủng hoảng lựa chọn” để khảo sát văn hóa, trong đó có văn học. Theo đánh giá của tôi, văn học chúng ta đang lâm vào tình trạng khủng hoảng lựa chọn, với cả người sáng tác lẫn người đọc. Còn chuyện “chống chỉ định”, chắc là cũng có đấy. Cái “tạng” của tôi thế rồi, có muốn cũng khó sửa!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015