Nhà văn và những vấn đề xã hội hiện đại
Nữ văn sĩ Nga nổi tiếng Dina Rubina là một trong những tác giả đọat giải thưởng "Cuốn sách lớn" năm 2007 với tiểu thuyết "Phía đường phố có ánh mặt trời". Các nhà phê bình văn học coi chị là một trong những nhà văn thành công nhất trong thể loại "văn xuôi phụ nữ", cùng với Lyudmila Petrushevskaya, Viktorya Tokareva và nhiều người khác. Tuy nhiên, bản thân Dina Rubina lại không công nhận việc phân chia văn xuôi theo kiểu giới tính như vậy.
Sau đây là những suy ngẫm của chị về một số vấn đề của xã hội hiện đại: “Theo tôi, sẽ dễ chịu hơn biết bao nếu bạn được sống trong một xã hội, nơi những kẻ say rượu không được phép ngã sóng soài trên phố, và tất cả mọi người đều mỉm cười. Cho dù là nụ cười xã giao!”
Về đàn ông và đàn bà
Người phụ nữ càng giữ vị thế cao trong xã hội thì nó (xã hội) càng văn minh. Nhưng khi mà ở các nước hồi giáo, người phụ nữ còn bị che mặt thì không thể nói về nền văn minh của những xã hội như vậy.
Về "bom nguyên tử theo kiểu Arab"
Tôi sống ở Jerusalem. Ở ngoại ô thành phố này có nhiều làng Arab, nơi sinh sống của khá nhiều người "vợ Nga". Đó là những cô gái lấy chồng là sinh viên Arab học ở các trường đại học Kiev, Kharkov, Tashken, vì tình yêu lớn đã theo chồng trở về tổ quốc. Các cô gái này thường phát hiện ra rằng họ là những người vợ thứ hai, thứ ba; đối với họ trong cuộc đời này tồn tại nhiều "không được" hơn là "có thể". Ở Israel có một tổ chức bảo vệ nhân quyền cứu giúp những cô gái này, giải thóat họ khỏi sự nô lệ gia đình, mua vé máy bay và đưa họ về nhà. Sống ở Israel, tôi biết rất rõ người ta đối xử với những cô gái Nga, cũng như các dân tộc khác trong thế giới hồi giáo như thế nào.
Châu Âu vẫn còn tồn tại, nhưng nó đang biến chất. Điều đó không có nghĩa là tất cả ngay lập tức trở thành những kẻ khủng bố, đánh sập các đoàn tàu hỏa hay làm nổ tung máy bay. Nhưng hiện nay có một thực tế là trong số 40 học sinh ngồi trong một lớp học nào đó ở Hannover chỉ có 8 em là người Đức. Số còn lại là người Arab. Một thực tế đáng lo ngại nữa là ngày càng có nhiều phụ nữ da trắng hay da đen trùm khăn che mặt ở thành phố Rotterdam, nơi có gần 80% dân số là những người nhập cư từ các nước Arab. Nước Pháp đã từ lâu nằm dưới gót sắt của hồi giáo. Hơn nữa, nó đang sinh ra những đứa con của hồi giáo. Câu nói yêu thích của cố tổng thống Yasir Arafat: "Bom nguyên tử của chúng ta là tử cung của người phụ nữ Arab" đang trở thành hiện thực. Các tổ chức hồi giáo công khai tuyên bố rằng Anh quốc sẽ là nước sụp đổ tiếp theo. Và điều đó cũng có thể xảy ra ở Nga.
Hiện nay thành phần dân cư Nga trong nước đang giảm mạnh. Vì vậy, điều chủ yếu là duy trì được mức hiện tại và nếu có thể thì tăng lên. Mà để làm điều đó cần phải tạo ra những điều kiện. Lúc bấy giờ các quá trình nhập cư của người ngoại quốc ở Nga sẽ không có gì đáng sợ.
Về cảm giác "ngôi nhà tổ phụ"
Cần phải có thái độ trân trọng đối với hành trang lịch sử của dân tộc mình. Thế nhưng người dân Nga hiện nay lại thiếu cảm giác chủ yếu nhất - "ngôi nhà tổ phụ". Đây là bi kịch của thời đại chúng ta. Ở Pháp hay Đức, người ta không bắn phá các làng mạc, không tống cổ những đoàn người thuộc các dân tộc khác nhau vào trại tập trung. Còn ở Nga tai họa khủng khiếp, bi kịch lớn lao và thảm họa đã xảy ra, cướp đi của chúng ta khái niệm "ngôi nhà tổ phụ". Và chỉ mới gần đây những mắt xích nhỏ nhoi của dòng họ bắt đầu được phục hồi.
Xã hội Nga còn rất non trẻ. Nó cần phải học đi, hơn nữa bằng những con đường khác nhau - những con đường của văn minh phương Tây. Đã xuất hiện một tầng lớp mới những người trẻ tuổi. Nhưng họ có tính "hay quên", và điều này rất nguy hiểm: họ có thể không nhận ra vòng xoay ngược có thể làm nên xã hội, họ không cảm nhận được mối nguy hiểm của sự siết chặt đinh ốc. Họ cho rằng đó là sự ổn định, chứ không phải là khởi đầu của một chế độ toàn trị.
Về niềm tin và sự bất tín
Mỗi người sinh ra với cảm giác bên trong về ảnh hưởng của những sức mạnh tối cao nào đó. Ngay cả một kẻ vô thần vào giây phút hiểm nghèo nhất của cuộc đời cũng thốt lên: "Lạy Trời phù hộ!". Đương nhiên, hiện nay nhiều người đi nhà thờ theo mốt thời thượng, thậm chí họ không đọc Kinh Thánh và Phúc âm. Nhưng dù sao họ cũng biết rằng có Thượng đế, cây thánh giá, rằng cần phải thắp nến trong nhà thờ. Thà thế còn hơn là lôi những người anh em của mình ra xử bắn. Tốt nhất hãy để cho mọi người cầu nguyện.
Về con người
Xã hội loài người đa phần quả thật là một bầy đàn. Tất nhiên, có những đại biểu ưu tú, giới trí thức. Nhưng trong một trận bóng đá nào đó hay một buổi biểu diễn nhạc rock, khi nhìn thấy những con người gào thét trên sân vận động, bạn cho rằng họ toàn là trí thức chăng? Tôi không biết ở đấy ai là người “vang lên một cách kiêu hãnh” (Gorky), nhưng theo tôi, con người là một thực thể rất phức tạp và không hoàn thiện, cần phải luôn luôn được giáo dục.
Về tình yêu
Tình yêu là một chất liệu rất thiếu. Nhưng trong xã hội Nga lại thiếu thứ khác. Bạn hãy nhìn xem nét mặt mọi người trên phố. Giá có thể làm được điều gì đó để nó thay đổi. Tôi bay về Moskva qua Praha - trên sân bay có hai nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đứng làm việc và mỉm cười. Máy bay hạ cánh ở phi trường Sheremetyevo (Moskva), tôi bước ra khỏi máy bay. Hai nhân viên bảo vệ đứng giạng chân và nhìn bạn như nhìn kẻ thù. Cần phải quan tâm tới tâm trạng của xã hội ngay từ vườn trẻ, từ gia đình. Bởi ở nước Nga, con người cảm thấy bối rối khi bạn mỉm cười và nói đùa với anh ta. Trong tàu điện ngầm có ai đó chen lấn bạn và càu nhàu: "Tránh ra, sao lại đứng trên lối đi?". Bạn quay lại, mỉm cười với anh ta. Còn anh ta lại nói: "Đồ dở hơi".
Có lần, ở Washington, tôi đang đi dạo trong công viên, một người đàn ông hoàn toàn xa lạ, tai đeo máy nghe chạy ngược về phía tôi, mỉm cười và nói: "Xin chào". Tôi kể điều này với bạn bè người Nga. Họ nói: "Đó là nụ cười xã giao". Tôi đáp: "Thây kệ". Vâng, ở nước Nga, đôi khi có những người rất tử tế, họ giúp đỡ kẻ khác, làm từ thiện, dìu kẻ say rượu trên đường phố. Nhưng theo tôi, sẽ dễ chịu hơn biết bao nếu bạn được sống trong một xã hội, nơi những kẻ say rượu không được phép ngã sóng soài trên phố, và tất cả mọi người đều mỉm cười. Cho dù là nụ cười xã giao.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá