GS. Vũ Đình Hòe - Từ sinh viên đại học Đông Dương đến Bộ trưởng của nước Việt Nam độc lập
Tin Buồn Cụ Vũ Đình Hòe - vừa từ trần ngày 29/1/2011, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hưởng thọ 100 tuổi (Cụ sinh năm 1913). Cụ Vũ Đình Hòe là trí thức lớn của dân tộc. Cụ là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời tháng 8/1945, là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm từ tháng 3/1946 đến năm 1960 khi Bộ Tư pháp giải thể. Đồng thời, cụ là vị đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 của Thủ đô Hà Nội, đại diện cho Đảng Dân chủ. Ở cương vị nào, cụ cũng có những đóng góp xuất sắc. Là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc gia Giáo dục, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, GS Vũ Đình Hòe đã cho mở cửa lại trường Đại học Đông Dương với tên Đại học Quốc gia Việt Nam và được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Cụ là một trong những giáo sư đầu tiên của nền giáo dục đại học Việt Nam mới. Năm 1996, cụ được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. |
Chuyên gia nghiên cứu về tầng lớp trí thức Việt Nam đã dấn thân vào công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong thế kỷ XX, GS. Trịnh Văn Thảo ở Đại học Paris 7 gọi Vũ Đình Hoè, Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận... là "những người thừa kế của lớp sĩ phu yêu nước", "những dòng họ đã kinh qua phong trào Cần vương, phong trào Duy Tân".
Vũ Đình Hoè là chít nội của TS. Vũ Tông Phan, một danh sĩ ưu dân ái quốc ("trung ư dân" - Văn bia trùng tu miếu Hoả thần, 30 Hàng Điếu - Hà Nội), có con cháu tham gia tích cực phong trào văn thân chống Pháp hồi cuối thế kỷ XIX. Nhưng khi cậu bé Hoè ra đời (1912) thì phong trào văn thân đã thất bại, người Pháp đã hoàn toàn thống trị Việt Nam, Nho học, bất lực trong cuộc cứu nước. Tuy nhiên, gia phong trí thức Nho giáo còn để lại cho lớp hậu sinh một chí khí và nhân cách thanh cao, một ý thức trách nhiệm của kẻ sĩ trước vận mệnh đất nước cùng tinh thần canh tân của Đông Kinh Nghĩa Thục, khao khát đổi mới.
Cũng như những người bạn cùng trang lứa như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục... Vũ Đình Hoè quyết chí học hành, trau dồi cho mình một vốn kiến thức mới để có thể lập thân, tồn tại độc lập trong xã hội thực dân nửa phong kiến và đóng góp được chút gì cho dân cho nước. Nhà nghèo, cha chỉ làm ông đồ cắp sách đi dạy thuê ở các làng, mẹ chạy chợ, anh thanh niên Hoè dạy học tư, chấm bài thuê, kèm cặp các cậu ấm, cô chiêu nhà giàu để kiếm tiền ăn học bằng hình thức gửi thư xin bài, nộp bài sang tận Paris, hết phần I tú tài Tây, rồi đua tranh ngang ngửa với Tây đầm ở Trường Trung học Albert Sarraut để thi đỗ phần II. Tú tài Tây lúc ấy đã là học lực cao, văn bằng có giá, dễ dàng lập thân được rồi, nhưng Vũ Đình Hoè quyết chí học lên cao nữa: anh nộp phí ghi tên vào Luật khoa của Đại học Đông Dương. Học phí đại học rất cao, nhưng không sao. Dẫu còn trẻ, 21 tuổi, anh đã là một thầy giáo dạy tư có tiếng, nên được mời đứng lớp ở hai trường tư thục danh giá đất Hà thành là Thăng Long và Gia Long. Anh chủ động được thời gian vì học đại học tự học là chính, tuy mỗi tuần có 5 buổi giảng (mỗi buổi 3 tiết) do các giáo sư từ Paris sang tiến hành, nhưng sinh viên không bắt buộc phải đến lớp, miễn là hoàn thành được bài vở qua tự nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu trên thư viện, dự thính các phiên tòa... Ngoài ra sinh viên được phép xin gặp riêng thầy tại trường hoặc tại tư gia để thảo luận những vấn đề mình tự đề xuất. Nhà trường Pháp thuộc địa, dẫu bị hạn chế nhiều mặt, song vẫn có không ít người thầy Pháp có đầu óc dân chủ chân chính như Giáo sư Sử học Vaillandé ở Trường Bưởi, Giáo sư Hiệu trưởng Đại học Luật Bienvenue, Giáo sư Chính trị Kinh tế Khérian, Giáo sư Dân luật Kamerlyneck. Ở tuổi từ lâu đã vượt ngưỡng "cổ lai hy", Vũ Đình Hoè vẫn nhớ như in hình ảnh và những lời giảng đầy xúc động của thầy Vaillandé về Danton, một lãnh tụ phái Giacôbanh, thà lên máy chém chứ quyết không chịu "kéo lê tổ quốc dưới đế giày của mình". Giáo sư Khérian dễ tính, rất nể sinh viên Võ Nguyên Giáp về học lực kinh tế - chính trị mác xít nên hai thầy trò thường gặp nhau và tranh luận bình đẳng ở ngay sân trường. Chính những người thầy ấy cùng những người Pháp chân chính như Danton, như lãnh tụ Đảng Xã hội, nghị viên Jaurès từng đứng giữa Quốc hội "mẫu quốc" ở Paris hoa lệ đanh thép lên án chính sách bóc lột và đàn áp tàn bạo ở xứ thuộc địa "Đông Pháp", để rồi phải ngã xuống dưới tay tên sôvanh sát nhân, đã mở đường cho lớp thanh niên Vũ Đình Hoè đến với Đại cách mạng Pháp, với những tư tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái và pháp quyền "Dân ước".
Mặc dù thủ tục nhập học Đại học Đông Dương khá dễ dàng, chỉ đòi hỏi có bằng tú tài (Tây hay bản xứ đều được) và nộp phí ghi danh, nhưng trụ lại được không phải dễ: khoá Luật khoa của Vũ Đình Hoè là khoá II, nhập học 18 sinh viên Việt, 5 sinh viên Pháp. Số sinh viên Pháp tốt nghiệp bao nhiêu không rõ, nhưng sinh viên Việt chỉ có 11 người được nhận bằng cử nhân Luật. Tuy học tập căng thẳng, nhưng sinh viên Đại học Đông Dương là lớp thanh niên ưu tú tài hoa nên hoạt động của họ rất đa dạng và sôi nổi. "Khách thỉnh" (như kiểu câu lạc bộ bây giờ) tại tư gia Vũ Đình Hoè tập họp nhiều anh tài thơ ca, nghệ thuật như Vân Đài, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung... Bản thân sinh viên Vũ Đình Hoè cũng tham gia diễn kịch "Ghen" của Đoàn Phú Tứ, do Thế Lữ dàn dựng trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội. Ngày Hội sinh viên họ tổ chức, với diễu xe hoa, manơcanh hoá trang, làm tưng bừng khắp phố phường Hà Nội. Phong trào sinh viên do Tổng hội sinh viên mà Vũ Đình Hoè, Phan Anh, Dương Đức Hiền, Huy Cận, Vũ Văn Cẩn, Đỗ Đức Dục, Phan Mỹ... góp phần sáng lập và lãnh đạo, có định hướng xã hội rõ rệt, phối hợp chặt chẽ với phong trào Hướng đạo của các huynh trưởng Hoàng Đạo Thuý, Tạ Quang Bửu. Họ cùng nhau tiến hành các hoạt động quy mô lớn, nhằm tập hợp lớp trẻ để học tổ chức, quản lý, chỉ huy, như "trại thanh niên" ở các vùng nông thôn, giải thích luật lệ thường thức, phổ biến cho đồng bào nông dân cách dùng phân hoá học, vệ sinh phòng chống đau mắt hột, chích thuốc, mở lớp dạy chữ quốc ngữ, cổ vũ tinh thần yêu nước với các đêm kịch Hội nghị Diên Hồng, Lam Sơn tụ nghĩa, chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng... Đâu phải ngẫu nhiên sinh viên, học sinh, hướng đạo sinh trở thành một trong những lực lượng xung kích trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền sau này. Không ít thủ lĩnh trong tổ chức của họ được cách mạng trao cho các trọng trách lãnh đạo bộ, ngành, đề bạt thành tướng lĩnh chỉ huy vệ quốc quân và tự vệ chiến đấu.
Tấm bằng cử nhân luật thời bấy giờ là tiền đề tốt để được tuyển làm quan hành chính hoặc tư pháp trong bộ máy cai trị thuộc địa của Pháp. Nhưng chỉ một lần vô tình có việc đến Tòa sứ phải chứng kiến cảnh ông "cha mẹ dân" An Nam quần chùng, áo dài sụp lạy trước "Cụ lớn" Công sứ Tây, cũng đủ để tân cử nhân luật, vốn nòi sĩ phu Bắc Hà, Vũ Đình Hoè vĩnh viễn từ bỏ ý định làm quan với chính quyền thực dân. Tiếp nối truyền thống của gia tộc đã 6 đời liên tục giữ nghiệp ông đồ, Vũ Đình Hoè chọn nghề dạy học ở các trường tư thục nổi tiếng Thăng Long và Gia Long, lương đủ nuôi gia đình sống đàng hoàng, lại đảm bảo cho mình một vị thế tương đối độc lập với Nhà nước "bảo hộ". Và phải nói thầy Hoè đã thành công trong sự nghiệp trồng người nếu như 60 - 70 năm đã qua mà các cô cậu học trò thuở ấy, giờ cũng đã 70 - 80, vẫn nhớ các bài giảng của thầy về Cách mạng Pháp, về đạo làm người và hàng năm vẫn đến tư gia chúc thọ thầy; không ít bức thư ấm tình thầy trò gửi về từ khắp địa phương trong nước, từ Pháp, Mỹ... Đây, trích đoạn hai bức thư:
1. Từ Annanclack - USA, 22.10.1992: "...Con là Nguyễn Sĩ Tín, học lớp 2-e année (Lyceum Gia Long), niên khoá 1942 - 1943 và được thầy dạy hai môn Francais và Histoire de France... Đầu năm học thầy giảng bài Francais "La mort et le bucheron" (Thần chết và lão tiều phu) thật hay, trong niên học thầy dạy nhiều bài sử Pháp rất sinh động... Nhờ có thầy dạy mà con có căn bản thi đậu Brevet Elementaire ngay kỳ thi thứ nhất... Con nhớ thầy hay mặc âu phục màu nâu, đeo kính trắng và luôn thắt cravate đỏ... Con mong nhận được thư thầy để có dịp ngắm lại nét chữ thân thương của thầy. Nếu được thầy cho phép, con sẽ tiếp tục liên lạc với thầy để làm tròn bổn phận môn sinh...".
2. Từ Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, 1.11.1993: "Con đã lưỡng lự nhiều, tự hỏi có nên làm rộn tuổi già của thầy không... Song nhân dịp tháng và ngày của nhà giáo sắp tới, con cố dẹp mọi mặc cảm để viết hầu thầy, tỏ tâm tình ân nghĩa phần nào vẫn âm thầm trong tâm tưởng. Hẳn thầy lạ khi nhận được thư này, dù con có xưng tên chắc thầy cũng chẳng nhớ một học trò chỉ học thầy có một năm ở đệ tứ với môn địa dư, "Asie moins Asie russe" mà chẳng mấy khi thuộc bài! Tuy học thầy ít nhưng phong cách thầy đã gương mẫu cho con suốt dọc đường đời từ năm 18 tuổi cho đến nay đã "cổ lai hy" rồi..." (Ký tên Nguyễn Chấp Bính).
Vũ Đình Hoè không chỉ là thầy giáo mà còn là một người đi tiên phong trong nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam, từ trước 1945 đã viết nhiều bài về giáo dục bình dân và cải cách giáo dục, sau hợp biên thành 2 cuốn sách "Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục" (1945) và "Một nền giáo dục bình dân" (1946). Không ít ý tưởng nhà giáo dục học Vũ Đình Hoè đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, như: triết lý giáo dục vị nhân sinh, định hướng thực nghiệp, "lưu thông" (ngày nay nói: liên thông) giữa phổ thông trung học có chuyên ban và phổ thông chuyên nghiệp, lập hệ Cổ học Á Đông ở bậc phổ thông chuyên ban và tiếp nối lên cao đẳng (đại học) Hán Nôm như một chuyên ngành có ý nghĩa "then chốt quan trọng" trong công cuộc xây dựng văn hoá dân tộc.
Theo "Tấm gương nhân - trí của cụ tổ Lỗ Am" (Vũ Tông Phan), Vũ Đình Hoè cũng kết hợp công tác sư phạm với hoạt động văn hoá - xã hội, cùng Phan Anh, Vũ Văn Hiền hoạt động tích cực trong Ban Chấp hành Tổng hội sinh viên khi còn đang học Khoa luật, cùng Phan Thanh, Hoàng Minh Giám tham gia phân bộ Đảng Xã hội Pháp của Jaurès, cùng nhà văn Nhất Linh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập Hội Ánh sáng chuyên dựng nhà tranh tre hợp vệ sinh cho dân nghèo, làm Phó cho Hội trưởng Nguyễn Văn Tố ở Hội truyền bá Quốc ngữ, chuyên trách các lớp cao đẳng cho người lớn.
Những trăn trở phụng sự đất nước, bấy lâu nung nấu tâm can Vũ Đình Hoè và các đồng chí cùng thế hệ, chỉ thực sự tìm được lối thoát từ tháng 5.1941, khi họ cho ra đời báo Thanh Nghị, gần như đồng thời với sự thành lập Mặt trận Việt Minh trên chiến khu Việt Bắc, đặt ra và nghiên cứu nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội cấp thiết trước mắt hoặc văn hoá thiết yếu đối với công cuộc kiến thiết quốc gia trong tương lai, nhưng điều quan trọng hơn là tập hợp được quanh mình một đội ngũ trí thức yêu nước, sẵn sàng dấn thân cho sự nghiệp tranh thủ độc lập dân tộc, xây dựng nền dân chủ.
Thời cơ "dẫu có đốt cháy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập" (lời Hồ Chủ tịch) đã đến. Bị hiến binh Nhật vồ hụt ở Toà soạn báo Thanh Nghị, Vũ Đình Hoè phải bắt đầu hoạt động bán thoát ly, đầu tháng 7.1945, ông gia nhập Đảng Dân chủ trong Việt Minh. Ông nhận nhiệm vụ vào Bắc Bộ phủ (nhờ có Nguyễn Văn Huyên giới thiệu) thuyết phục Khâm sai Phan Kế Toại từ chức, sau đó đi Huế thuyết phục hai người đồng sáng lập Thanh Nghị là Phan Anh và Vũ Văn Hiền rút ngay ra khỏi chính phủ Trần Trọng Kim. Vì thời cơ đã đến, một ngày cuối tháng 7.1945, Chủ nhiệm Thanh Nghị Vũ Đình Hoè và Thư ký toà soạn Đỗ Đức Dục, với tư cách các uỷ viên Trung ương Dân chủ, được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông Vũ Đình Hoè, 33 tuổi, được cử vào Chính phủ Nhân dân lâm thời, giữ chức Bộ trưởng Quốc gia giáo dục. Một tuần sau Lễ độc lập, ông đã trình Hồ Chủ tịch ký hai sắc lệnh: về thanh toán nạn mù chữ và về thành lập một ngành học chính thức mới trong hệ thống giáo dục quốc dân - Bình dân học vụ. Chỉ non 3 tháng sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, theo lệnh của Chính phủ Nhân dân lâm thời, Bộ trưởng Hoè cho mở cửa lại Đại học Đông Dương, từ nay là Đại học Quốc gia Việt Nam giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Như một lẽ tự nhiên, bản thân ông trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền đại học Việt Nam mới, cùng ông Võ Nguyên Giáp giảng môn Kinh tế cho các lớp xã hội - chính trị đặc biệt, đào tạo chuyên gia cho các cơ quan chính quyền nhân dân non trẻ. Vài tháng sau, ông đã trình Hồ Chủ tịch Đề án cải cách giáo dục với mục tiêu "giáo dục vị nhân sinh" và trên các nguyên tắc dân chủ, dân tộc và khoa học, về cơ bản phù hợp với các phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng trong Đề cương văn hoá của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong một phiên họp của Chính phủ Nhân dân lâm thời, Hồ Chủ tịch biểu dương Bộ Quốc gia Giáo dục trong thời gian ngắn đã làm được nhiều việc.
Mặc dù còn muôn vàn khó khăn do nạn đói và giặc ngoại xâm đe doạ, Hồ Chủ tịch vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử đại đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, củng cố nền độc lập và chính quyền dân chủ nhân dân. Luật gia Vũ Đình Hoè được cử vào Ban dự thảo điều lệ Tổng tuyển cử. Cuộc Tổng tuyển cử đã được tiến hành ngày 6.1.1946 một cách thực sự tự do, dân chủ, bình đẳng, và thắng lợi rực rỡ bất chấp sự phá đám của bọn phản động trong - ngoài. Trong 74 ứng cử viên ở khu vực thủ đô Hà Nội, cử tri bầu được 6 đại biểu, với cụ Hồ Chí Minh là người dẫn đầu về số phiếu, và 3 đại biểu là đảng viên Dân chủ trong Mặt trận Việt Minh, người cao phiếu nhất là Vũ Đình Hoè, phản ánh vai trò của tầng lớp trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ. Có lẽ đó cũng là một lý do trước khi Quốc hội họp phiên đầu tiên vào ngày 3.2.1946, Hồ Chủ tịch điều ông Vũ Đình Hoè sang nắm giữ Bộ Tư pháp trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời, bởi vì lúc ấy một số phần tử Quốc dân Đảng trong Bộ âm mưu giành lấy cơ quan chuyên chính này. Khi lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đề cử ông Hoè vào cương vị Bộ trưởng Tư pháp, Cụ Hồ giới thiệu trước toàn thể Quốc hội: "là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng". Vũ Đình Hoè đã hoàn thành sự uỷ thác của Hồ Chủ tịch, củng cố Bộ Tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương, đắc lực giúp Người đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa, trong suốt 14 năm (1946 - 1960) đứng đầu Bộ, ông đã kiên trì nguyên tắc tư pháp nhân dân và nguyên tắc tư pháp độc lập với hành chính có ghi trong Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể (đến năm 1981 mới lập lại), ông Vũ Đình Hoè được chuyển về Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp. Tên tuổi quen thuộc một thời bỗng biến khỏi chính trường. 15 năm ông lặng lẽ, miệt mài làm công tác nghiên cứu, chủ biên và tham gia nhiều công trình luật học như "Từ điển thuật ngữ luật học Nga - Trung - Pháp - Việt", "Những vấn đề nhà nước và pháp luật", "Hợp đồng kinh tế", "Nhà nước và cách mạng"; giảng dạy Luật dân sự và Luật kinh tế ở Trường Đại học Kinh tế, ở các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý về hợp đồng kinh tế.
Năm 1975, ông về hưu, không một huân, huy chương. Tâm tư thì nhiều, nhưng không một lời kêu ca, thắc mắc, không một lần phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ, kể cả những lần ốm thập tử nhất sinh. Chỉ từ sau khi Đảng có chính sách đổi mới, người ta mới lại thấy danh tính Vũ Đình Hoè xuất hiện trở lại. Dẫu lúc ấy đã ngoài 70, ông đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ công cuộc đổi mới, tham dự và đọc tham luận về tư tưởng pháp lý, tư tưởng giáo dục, tư tưởng pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các hội thảo do Bộ Tư pháp, Quốc hội và Bảo tàng Hồ Chí Minh hoặc Ban Khoa học Xã hội - Thành uỷ Hồ Chí Minh mời.
Năm 1996, GS. Vũ Đình Hoè được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, rồi được công nhận là "cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa", được hoá giá căn nhà cấp 4 mà từ khi ông về hưu con cháu góp trả tiền nhà để ông có nơi dưỡng tuổi già, bởi khi đi theo cách mạng ông đã hiến hết nhà cửa, trang trại cho Nông hội.
Cũng từ đấy báo chí, truyền hình dường như phát hiện lại vị nhân sĩ từng là một trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh ông già quắc thước ngoại bát tuần, rồi ngoại cửu tuần, nhưng giọng nói vẫn sang sảng thấy xuất hiện ngày mỗi nhiều trên trang báo, trên màn ảnh nhỏ. Từ năm 1991, GS. Vũ Đình Hoè, sau nhiều lần lưỡng lự, bắt đầu chấp bút hồi ký và đến nay đã hoàn thành trên 1.500 trang: "Hồi ký Thanh Nghị, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh" (Q.I), "Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh" (Q.II; Q.III). Chủ đề vẫn là những điều tâm huyết của cả một đời kẻ sĩ phụng sự lý tưởng rực cháy trong lòng từ thuở tráng niên, bất chấp mọi thăng trầm của cuộc đời, như bè bạn đồng tâm qua lời thơ của GS. Triết Đức ở thành phố Hồ Chí Minh đã mừng thọ cụ năm 1992:
"Chân thành kính lão trượng niên cao
Trải từng vinh - ngọt - đắng - gian lao
Thuỷ chung như nhất: TÂM THANH NGHỊ
Dân chủ, dân quyền: Bắc Đẩu sao".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá