“Người đàn bà thép” của văn chương hậu hiện đại
Trong khi cuộc bùng nổ của Nghệ thuật Tiền phong, ngang nhiên và trót lọt, đem “ý niệm” vào thế giới vốn thuần trực quan, cảm xúc và thị giác trừu tượng của nghệ thuật, biến nó thành lĩnh vực cập nhật của tư tưởng - tri thức cũng như lan toả muôn vàn chiều kích khác của ngôn ngữ đặc thù, thì sáng tác văn chương theo khuynh hướng hậu hiện đại dường như còn được kỳ vọng hơn thế, tại lãnh địa vốn dĩ là suy tưởng và tự nhận thức của nó.
Dòng chảy kỳ thú và ngạo mạn của chủ nghĩa hậu hiện đại, với tính chất giả định, tính chất trò chơi, và sự bất tín vào ngôn từ khái niệm, trong kết hợp của từng cá nhân với phong cách lịch sử độc đáo, đã tạo ra những đỉnh cao mới trong hành trình khám phá những biên độ của tâm thức con người. Margaret Eleanor Atwood[1] (1939), nhà văn lớn của Canada và thế giới là một trường hợp như vậy.
Con người thực và thế giới viễn tưởng
Mặc dầu những nhận định "là sự kết hợp thành công giữa tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ và nghệ thuật văn chương tinh vi", "viết để đáp trả làn sóng chống nữ quyền tại Bắc Mỹ những năm 1980", nhưng Chuyện người Tuỳ nữ[2], và kể cả sau này, Tay sát thủ mù[3] của Atwood, vẫn là những tiểu thuyết đặt vấn đề con người, trong bản chất suy tưởng và những trôi dạt, biến hoá không thể giới hạn của nó.
Chọn một bối cảnh giả tưởng cho Chuyện người Tuỳ nữ, mà không quá nhấn mạnh vấn đề bối cảnh cơ giới như các truyện science-fiction khác, Atwood nhìn thấy từ đó cơ hội của chuyến phiêu lưu bản ngã và suy nghiệm nơi con người, chứ không phải sự thay đổi ứng xử nhờ tưởng tượng khoa học hay tưởng tượng kỳ ảo. Tưởng tượng viễn tưởng của Atwood là một trong những cái cớ để bà phô diễn phương án khả thể về thế giới một cách vô cùng đặc sắc.
"Tuỳ nữ" là tên gọi chung, cũng là phẩm hàm xã hội của một tầng lớp đặc biệt: những phụ nữ khoẻ mạnh, có khả năng sinh nở, "may mắn" được tuyển lựa vào đội ngũ mang thai thế mạng cho các quý phu nhân, vì lý do nào đó đã mất hoàn toàn khả năng thụ thai, duy trì nòi giống. Họ là "những cổ tử cung có chân", để thoát khỏi kiếp lao động khổ sai trọn đời trong các bãi thải phóng xạ hay những hình thức nô lệ tàn khốc khác, trong một xã hội mà sự thống trị của con người ở mức độ triệt để, kiệt cùng và tàn ác nhất.
Với bối cảnh nước Cộng hoà Gilead, nơi nhà nước thần quyền cực đoan áp đặt một trật tự bất di bất dịch, không dựa trên một cơ sở nào ngoài ý chí thống trị và sự trừng phạt ghê rợn, tàn khốc, nhằm mục đích biến tất thảy con người thành công cụ, những cỗ máy phục vụ tham vọng; câu chuyện kể về một người "Tuỳ nữ" cô đơn, yếu mềm, bị vây bủa tứ bề bởi những luật lệ "máy hoá" con người.
Nhưng điều đã khiến cho cô tiếp tục được sống gần như một con người, hay ít nhất cũng như một sự tưởng vọng với người phụ nữ Mỹ trước kia mà cô từng là - có tình yêu, gia đình, bạn bè, niềm ham thích, và nhất là có một cái tên - chính là năng lực mãnh liệt của cảm xúc và suy tưởng, lòng ham sống cuồng nhiệt, trí thông minh sắc bén, và đương nhiên, hành động táo bạo. Những tư chất con người đó không chịu khuất phục mà bung ra dữ dội, làm xô lệch cuộc sống vốn bị trói chặt trong đời sống sinh vật - công cụ tối thiểu, bất chấp định mệnh khốc liệt, bất chấp sự uy hiếp không thể vượt qua.
Như vậy, cái khả thể về thế giới mà Atwood hình dung, cuối cùng vẫn là cuộc quyết đấu giữa con người với những trở lực phi nhân tính, đây là một quan niệm chính trị sắc bén, thực tiễn, cũng đồng thời là quan niệm văn chương.
Bìa cuốn: Truyện người tùy nữ |
Nhân vật không còn được xem là sản phẩm thụ động biểu đạt ý đồ của nhà văn, mà trở thành kết quả sự đa dạng hoá điểm nhìn trần thuật của chính người sáng tác. Sau này, Atiq Rhahimi, tác giả đoạt giải Goncourt 2008 cũng đã mượn thủ pháp xây dựng nhân vật tương tự trong Nhẫn Thạch[4], để tạo nên một dòng "độc thoại" đa thanh.
Tuỳ nữ của Atwood giống như kẻ kiên trì gạn lọc những khả thể khác nhau của sự kiện, đời sống, trong cuộc theo đuổi triền miên bản ngã và cảm giác đã bị huỷ hoại, bị tước đoạt:
"Ừ thì là phòng tôi. Rốt cuộc cũng phải có chốn nào đó tôi nhận là của mình chứ, ngay cả thời buổi này. Tôi đang đợi, trong phòng mình, ngay lúc này đây là một phòng đợi. Khi tôi đi ngủ sẽ là phòng ngủ".
"Không có gì thay đổi ngay tức khắc: trong thùng tắm nóng dần đều người tắm sẽ bị đun đến chết trước khi kịp nhận ra".
"Khi đã ra khỏi đây, nếu có bao giờ tôi ghi lại ngày nay, trong một hình thức nào, kể cả là lời lẽ truyền qua giọng nói, đó cũng sẽ lại là tái dựng, cách xa thêm một tầng. Chẳng bao giờ nói được một điều chính xác như đã có, bởi điều nói ra không thể nào chính xác, người ta luôn phải bỏ qua gì đó, có quá nhiều phần, nhiều mặt, nhiều phản đề, nhiều sắc thái; quá nhiều cử chỉ, có thể giải nghĩa tuỳ cách hiểu, quá nhiều hình thù không bao giờ mô tả đủ, quá nhiều mùi trong không trung, hay vị trên đầu lưỡi, nhiều sắc điệu, quá nhiều".
"Có thể vấn đề không liên quan gì đến quyền làm chủ. Có thể không hẳn là ai chiếm hữu ai, ai có thể làm gì ai mà vẫn bình yên vô sự, cho đến tận khi chết. Có thể không phải là ai được ngồi và ai phải quỳ hay đứng hay nằm ngửa, chân giạng ra. Có lẽ là ai có thể làm bất cứ gì với ai mà vẫn được tha thứ. Đừng có bảo tôi thế cũng như nhau".
"Không ai chết vì thiếu tình dục. Người ta chỉ chết vì thiếu tình yêu..."
Vừa minh triết sắc bén, vừa thấm đượm nhục cảm tràn ứ, trong một thứ ngôn ngữ biến hoá, luôn tự truy vấn năng lực hiện hình, biểu đạt của nó, theo sát mỗi xao xuyến tinh vi... Chuyện người Tuỳ nữ của Atwood mượn một hoàn cảnh "phi nhân" để làm toả sáng ý nghĩa con người, đưa ra một tâm thức mạnh mẽ, khoát đạt của thời hiện tại: Con người hồ nghi, kiếm tìm, nhưng quan trọng hơn, là Con người của tự do tư tưởng và tự do cảm nghiệm. Chính năng lực độc lập về tư tưởng cũng như cảm xúc của Tuỳ nữ trong hoàn cảnh bị áp chế, tước đoạt thô bạo, khiến cho người đọc rung động và yêu mến cô.
Chọn hình tượng người phụ nữ làm đại diện cho Con người và giá trị tự thân của nó - trí tuệ, nhục cảm, tính độc lập, cá biệt sâu sắc, Atwood không chỉ tham dự vào cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ, mà còn thực hiện một hành vi giải - trung tâm lý thú, nếu từ trước vị trí trung tâm và tiếng nói chính thống vẫn được khoác cho bộ áo của cánh mày râu. Tiên đoán một tương lai khủng hoảng của quyền con người hay sự huỷ hoại những năng lực bản thể, đồng thời cảnh báo sự vuột mất không gì cứu vãn nổi của thực tại, nhưng Atwood vẫn có phần lạc quan và kỳ vọng vào sức sống và tồn tại độc lập của con người.
Hiệu ứng Câu chuyện không bao giờ kết thúc
Nếu trong Chuyện người Tuỳ nữ, bối cảnh giả tượng được xem là "hiện thực" và được đặt liên - văn bản với ghi chép về một cuộc hội thảo khoa học nhưng lại hết sức lộn xộn, mù mờ, nhiễu loạn, cũng là "hiện thực" của vài chục năm sau, kết cấu này chỉ có tác dụng nhấn mạnh thêm tính chất không xác định, mơ hồ, vô tăm tích của câu chuyện, thì trong Tay sát thủ mù, có một quy ước rõ ràng giữa các nhân vật, giữa người đọc và nhà văn, rằng thế giới giả tưởng đó chắc chắn là sản phẩm hư cấu; nó sẽ được soi rọi và được đọc, như một bản miêu tả của tâm trí con người.
Tay sát thủ mù gồm bốn câu chuyện được lồng vào nhau theo kiểu truyện trong truyện: câu chuyện của Iris Chase, bà lão đã ngoại tám mươi, hồi tưởng lại thời thơ ấu và hoa niên của hai chị em Iris và Laura Chase, diễn ra vào khoảng cuối Thế chiến I cho đến kết thúc Thế chiến II.
Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết của Laura Chase, được xuất bản vào năm 1947, khiến cho tác giả của nó trở nên cực kỳ nổi tiếng, có tên Tay sát thủ mù, kể về đôi tình nhân bị cấm đoán những năm đầu Thế chiến II, nàng là tiểu thư tầng lớp elite, chàng là kẻ trốn chạy cảnh sát, sống chui lủi, và kiếm sống nhờ viết những câu chuyện giả tưởng cho tạp chí.
Câu chuyện của chàng trai, nhân vật tiểu thuyết, "thù đãi" bạn gái mình mỗi lần hò hẹn, kể về một thế giới kỳ ảo ngoài thời gian, nơi đó những người trẻ tuổi bị buộc làm nô lệ trong hoàn cảnh tàn nhẫn cho tới lúc đui mù, và được huấn luyện giết người. Tất cả được đặt xen kẽ với những bài báo thời sự chính giới, kinh tế và án mạng, "có thực" của thời kỳ những năm sau Thế chiến I - sau Thế chiến II.
Sự chồng chéo có vẻ như thừa thãi những người kể chuyện, những câu chuyện (chứ không phải câu chuyện của những nhân vật khác nhau trong cùng một hệ quy chiếu về "lịch sử "- không gian, thời gian) tạo ra sự giải - trung tâm, với nhiều điểm nhìn trần thuật, cũng như nhiều khả thể khác nhau của việc mô tả cùng một giai đoạn hiện thực, sẽ có sự đối chiếu với kinh nghiệm riêng của người đọc về giai đoạn hiện thực trong tác phẩm, cụ thể là thời kỳ sau Thế chiến I - sau Thế chiến II.
Câu chuyện của Iris, bao gồm cả thái độ khô cằn, lãnh đạm của bà với phần đời hiện tại của mình, và sự khúc chiết, sống động, choáng váng của những cảm xúc và suy tưởng về quá khứ. Câu chuyện tiểu thuyết của Laura là chuyện tình lãng mạn nhưng day dứt, cay đắng, nghịch lý, và không có kết thúc. Câu chuyện của lịch sử đơn thuần thì lạnh lùng, xác đáng. Câu chuyện của chàng trai viết cho tạp chí giả tưởng, lại huyền hoặc, khủng khiếp, đau đớn.
Cố tìm ra sự liên hệ trong lớp lang của cuốn tiểu thuyết, một số nhà phê bình cho rằng, câu chuyện tình lãng mạn (do Laura viết) chính là sự phản ánh gián tiếp tuổi thanh xuân đầy hương sắc của Iris và Laura, cũng như có một ẩn dụ bao trùm toàn bộ hệ thống trần thuật, ẩn dụ về Tay sát nhân mù - sự vận động đầy trớ trêu của đời sống đẩy con người ta vào tình trạng vô định, trôi dạt, và cái chết, dù có hay không hẹn trước, bất chấp những cố gắng lý giải, định vị của tâm trí; phủ lên tác phẩm một bức màn siêu hình.
Một cách tiếp cận khác: ngoài những hình dung mở, khả thể mở về cùng một giai đoạn lịch sử - con người có thực, từ nhiều chiều thời gian và không gian, Tay sát thủ mù còn có một đề tài ngầm ẩn, đó là đề tài về "sự kể chuyện".
Giữa các câu chuyện mà Atwood bày ra, gần như không có một liên hệ thống nhất tư biện nào, ngoại trừ việc cùng xoay quanh một hoàn cảnh lịch sử "có thật" sẽ được bạn đọc kiểm chứng. Việc Iris và Laura là chị em ruột, chứng kiến sự tồn tại của nhau, thực ra không có tác dụng "bảo lãnh" rằng những gì Laura hay Iris kể là "có thực" - một hình ảnh chân thực về đời sống theo ý đồ của nhà văn.
Tính chất chắc chắn (do tác giả đảm bảo, như một thông tin cố định để quy chiếu) trong những hồi ức của Iris hay tính chân thực văn chương từ đôi tình nhân trong hư cấu của Laura, thực ra là ngang nhau, và chân thực ngang với những ảo giác của một bà già ngoại bát tuần rất có thể là lẩn thẩn, lẫn lộn.
Lúc này, tính chất huyễn tưởng, huyễn ảo của câu chuyện Tay sát thủ mù, như một lời giải chung cho toàn bộ cấu trúc trần thuật của Atwood: tất thảy đều là sản phẩm của tâm trí ưa phiêu lưu, thay hình đổi dạng, ưa những chuyện hoang đường kỳ vĩ hay tưởng tượng không giới hạn mà thôi.
Có thể cắt rời thành bốn câu chuyện mà không mảy may phương hại tới sự trần thuật. Như vậy, khả năng đối chiếu để tìm ra quan hệ tương đồng là không nhất thiết. Đây là bốn câu chuyện với bốn khả tín khác nhau, hay là "sự kể chuyện" không đáng tin cậy.
"Sự kể chuyện" hay "tiểu thuyết trong tiểu thuyết" dễ bị nhầm lẫn với đề tài văn học, hoặc đề tài cách kể và miêu tả một câu chuyện như thế nào. Trong khi thực chất, nó là vấn đề tạo ra những khả thể trần thuật khác nhau, những điểm nhìn trần thuật riêng rẽ, trước hết bằng việc "phong cho" những người kể chuyện khác nhau trong tác phẩm, năng lực nhà văn hoặc nghệ nhân, hoặc ít nhất là kẻ có máu mê kể chuyện.
"Sự kể chuyện" thông qua bốn văn bản khác nhau mới là cái đích cuối cùng mà nhà văn tác động tới bạn đọc. "Sự kể chuyện" ấy khiến cho chúng ta, bạn đọc, chúng ta hồ nghi chính "câu chuyện thứ năm", câu chuyện mà chúng ta được biết thông qua các kênh tri thức khác về lịch sử, không phải cuốn sách này của Atwood, câu chuyện mà chúng ta thường đem ra đối chiếu mỗi khi đọc một cuốn sách mới, để điều chỉnh và xem những gì là khả dĩ, đáng tin. Như vậy, khả dĩ mỗi chúng ta, bạn đọc, lại phải tiếp tục tự mình đi kiếm tìm những khả thể khác và khác nữa, cho hiện thực mà nhà văn đã gợi ra.
Có thể thấy rằng, dù là câu chuyện của Iris, một bà già lẩn thẩn máu mê ghi chép, hồi cố, hay câu chuyện hư cấu vừa ngọt ngào vừa cay đắng của nhà văn trẻ Laura, hay câu chuyện giả tưởng đen tối huyền ảo của anh chàng nhà văn phải trốn chạy, cho tới sự xác thực chẳng ai kiểm chứng nổi của những mẩu tin báo chí, đều là sản phẩm của những cố gắng tuyệt vọng tìm cho tâm trí con người một nơi chốn xác tín yên bình khả dĩ, hay cố gắng để "khắc dấu mạn thuyền" về một thế hệ "đang trôi qua".
Có ai đọc những dòng này của Atwood mà lại không từng cảm thấy sự phù du và vô minh trong mỗi biểu hiện của tồn tại kiếp người: "Cha tôi thả một viên đường vào cốc cà phê, khuấy, gõ nhẹ thìa lên thành cốc. Tôi theo dõi ông qua thành ly sô đa. Bỗng dưng ông trông hoàn toàn khác; trông như một người tôi chưa từng gặp trước đây - loãng hơn, bớt tập trung hơn, nhưng cũng rõ nét hơn... Ngay cả quần áo thường ngày của ông cũng biến thành huyền bí trong ánh sáng lờ mờ mùi va ni, cứ như chúng thuộc về người khác và ông chỉ vừa mượn về mặc tạm. Quần áo to quá khổ với ông, đúng thế. Ông đã thu nhỏ lại. Nhưng đồng thời ông cũng cao lên".
Thế hệ nhà văn dấn thân
Từng chạy đến mệt phờ trên những chuyến xe bus khắp đất nước Canada những năm 1960, để chuyển đến tận tay bạn đọc ở tận hang cùng ngõ hẻm, những cuốn tiểu thuyết in trên giấy xấu, hay loại sách bỏ túi để dụ khị thói quen quan tâm đến ấn bản, cho tới tuổi ngót nghét 70 vẫn viết cật lực để nuôi sống những nhà xuất bản nhỏ trong thời buổi suy thoái, Margaret Atwood là người đã chọn lý tưởng văn chương làm lý tưởng cuộc đời, chứ không chỉ coi viết văn là hoạt động trí óc hay lập thân thuần tuý.
Người ta có thể có nhiều cách khác để sống hạnh phúc, mà không nhất thiết phải viết văn hay phải có lý tưởng. Nhưng khi đã chọn viết văn, nghĩa là khi đã gia nhập đội ngũ những bộ tâm - não chung của loài người, thì dù có là nhà văn hậu - hiện đại, cũng nhất thiết phải có lý tưởng. Thông thường, ở các tác giả lớn, lý tưởng văn chương hay tri thức, cứ dần choán hết và trở thành lý tưởng đời sống của chính nhà văn, hoặc nó không thể để mặc cho nhà văn tiếp tục sống một cuộc sống thờ ơ, nhỏ hẹp, vị kỷ.
Những gì mà Margaret Atwoodđã làm cho nền văn chương, cho đất nước của bà, cho đời sống xã hội, không thể gọi đơn thuần là hoạt động "nữ quyền", "chính trị", hay viết lách. Đó là tất thảy những gì làm nên lý tưởng sống, và dần trở thành lý tưởng văn chương của bà, cũng như theo chiều ngược lại.
Không thể nói, thế hệ nhà văn như Margaret Atwood là thế hệ chứng kiến những bất hạnh lớn nhất của loài người (biết đâu loài người còn có thể bất hạnh hơn). Nhưng đó là thế hệ phải đứng trước những câu hỏi lớn làm thay đổi toàn bộ nền móng đời sống hiện sinh cũng như tri thức của con người.
Chọn cách chủ động dấn thân thay vì bị cuốn vào dòng xoáy biến cố, chọn một quan niệm sáng tác mở - vô cùng, thách thức, cập nhật với đời sống và tri thức, thay vì sự tù túng, là con đường của những nhà văn tiên phong như Margaret Atwood, Jonh Updike, Paul Auster, V. S. Naipaul...
Nhà báo Hungary Levaiz Valazs gọi Atwood là "người đàn bà thép vận áo len mỏng" [5], hàm ý ngợi ca sự cương quyết, tính kỷ luật và tấm lòng nhân hậu cũng như tinh thần phóng túng của bà. Còn với nhiều tầng lớp độc giả trên khắp thế giới, Atwood đã trở thành biểu tượng của thế hệ nhà văn dấn thân cho những mục tiêu vì con người.
(1) Nữ văn sĩ Canada, sinh năm 1939 ở Ottawa. Thân sinh là nhà nghiên cứu côn trùng, vì vậy phần lớn những năm còn nhỏ bà sống tách biệt với xã hội, trong những trạm quan sát rừng. Cho tới năm 11 tuổi bà không theo học ở trường lớp, mà tự học đọc. Sau này bà học tiếng Anh, Pháp và triết học tại Đại học Toronto, rồi tiếp tục theo học tại ĐH Harvard.
Trong những năm đại học, bà đã xuất bản một tập thơ với thành công khá khiêm tốn. Năm 1967, bà bỏ dở luận án tiến sĩ, đi làm hầu bàn, nhà nghiên cứu thị trường, rồi giáo viên. Tiểu thuyết thành công lớn đầu tiên của bà là Edible Woman ra mắt năm 1969, từ đó bà làm nhà văn tự do. Bà là nhà văn hóa lớn của Canada, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thường phát biểu quan điểm về các vấn đề nữ quyền, môi trường và chính trị.
Hiện bà sống cùng chồng là nhà văn Graem Gibson ở Toronto. Họ có ba con gái và một chú mèo.
(2) The Handmaid's tale, An Lý dịch, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành tháng 8/2009.
(3) The Blind Assassin, An Lý dịch, chưa có ấn bản.
(4) Syngué Sabour - Pierre de patience, bản tiếng Việt của Nguyên Ngọc, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, 2009.
(5) Trích dẫn của Levais Valazs, Giáp Văn Chung dịch từ bản tiếng Hungary (chưa có ấn bản).
-----------
Tài liệu tham khảo:
- Tôi ghét nhất đặt dấu chấm (phỏng vấn), Người đàn bà thép vận áo len mỏng (ghi chép), Levaizs Valazs, Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary;
- The Blind Assassin, reviewed by Linda l. Richards;
- The Blind Assassin, reviewed by Aaron Hughes;
- Tay sát thủ mù, bản tiếng Việt của An Lý dịch;
- Bánh mì (truyện ngắn), bản dịch của Hoàng Ngọc Tuấn;
- Moral disorder, bản dịch của An Lý.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh