Một hành trình của nghệ thuật Đương Đại Thế Giới

03:31 CH @ Chủ Nhật - 07 Tháng Mười Hai, 2008

"Những hạt giống đầu tiên gieo vào mảnh đất đầy chướng ngại, phải là những hạt giống thích hợp" (Bùi Giáng, Thi Ca Tư Tưởng)

Xuyên suốt lịch sử phát triển văn hóa nhân loại, gánh nặng hoa tiêu được đặt lên vai người nghệ sĩ tiên phong. Nghệ sĩ tiên phong (advant-garde), cái danh hiệu đầy trân trọng, thường chỉ được nhìn ra và công nhận sau khi người nghệ sĩ đã nếm trải rất nhiều sự hiểu lầm và ghẻ lạnh từ số đông. Lão Tử nói “cái đẹp mà thiên hạ đua nhau cho là đẹp, là cái đẹp rất xấu”. Vai trò nhọc nhằn của nghệ sĩ tiên phong là phải đơn thân độc mã phá vỡ những gông cùm định kiến. Vừa chăm chú lắng nghe để cảm nhận thấu suốt thời đại mình đang sống, mặt khác mạo hiểm vượt qua các giới hạn, đi chệch ra khỏi các lối mòn của thời đại ấy. Từ đó mà dấn thân vào lãnh địa sương mù mịt mờ, hòng tìm thấy cái đẹp chân thực và mới mẻ.

Ngày nay, con đường của người nghệ sĩ tiên phong càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dù rằng người nghệ sĩ có được lợi thế rất lớn là không còn bị nhiều rào cản và ràng buộc trên con đường tích lũy tri thức. Nhưng quá nhiều tri thức có thể dẫn tới sự bội thực và tình trạng phân vân kéo dài. Để tìm được một con đường đi của riêng mình, một cái nhìn mang tính căn bản khác biệt với những gì đã từng có, quả là không dễ dàng. Trong tình cảnh ấy, việc có một cảm quan sáng sủa về tổng thể các diễn tiến phát triển của lịch sử nghệ thuật càng trở nên cần thiết hơn. Bài viết này là sự cố gắng xây dựng một cảm quan như vậy về quá trình hình thành và phát triển của nền nghệ thuật Đương Đại, dựa trên nền tảng một sự chuyển giao từ Hiện Đại sang Hậu Hiện Đại. Tuy nhiên cái nhìn tổng quan nào cũng khó tránh khỏi một số sự áp đặt và phiến diện. Vì vậy, mong được người đọc tiếp nhận cả với tinh thần lượng thứ cùng sự tự kiểm định, chiêm nghiệm chặt chẽ.

Vì sao tôi lại xây dựng góc nhìn trên nền tảng một sự chuyển giao từ Hiện Đại sang Hậu Hiện Đại? Bởi vì thiết nghĩ rằng nó là một trong những tri thức có ý nghĩa thiết thực nhất đối với công việc sáng tạo của những người nghệ sĩ tiên phong ngày hôm nay. Đặc biệt là khi người nghệ sĩ ấy phát triển tri thức tới một ngưỡng nhất định, điểm gặp gỡ những bế tắc không tránh khỏi. Chính tại đây góc nhìn cần được phóng chiếu rộng ra.

Chúng ta đã đến từ đâu và đang đi về đâu? Suốt năm thập kỷ gần đây, nền nghệ thuật thế giới vẫn đang ngụp lặn trong trào lưu Hậu Hiện Đại cùng những tàn dư của Hiện Đại. Sự kéo dài như vậy của Hậu Hiện Đại không nhất thiết phản ánh lên tầm vóc bao gồm bề rộng và chiều sâu của sản phẩm mà nó biểu đạt. Hậu Hiện Đại cho đến nay vẫn chỉ là một chuỗi những bản nháp gạch xóa chồng chéo không đem lại sự thỏa mãn đích thực trọn vẹn cho cả người sáng tạo lẫn kẻ thưởng ngoạn. Hiện thực đó là không thể tránh khỏi khi mà những câu hỏi căn bản của triết gia Martin Heidegger đã và vẫn đang tiềm ẩn những trường liên tưởng dông bão. Thế nào là bản ngã? Thế nào là hiện hữu? Khi chưa thể trả lời thỏa đáng những điều gốc rễ căn bản ấy thì làm sao nghệ thuật có thể định hướng tư duy một cách mạch lạc sáng tạo ra cái gìvì cái gì. Sự hoang mang dừng lại ấy khiến cho nghệ thuật Hậu Hiện Đại không thể nào đem đến những nhát phẫu thuật mạch lạc vào tư tưởng nhân loại (điều mà nghệ thuật Hiện Đại đã từng làm được). Thay vào đó, người ta chỉ mới được chứng kiến nhiều những chuỗi tự sự mang tính cá thể. Đây đó vẫn le lói những niềm tham vọng lớn hơn, song đa số vẫn chỉ là những tư tưởng tàn dư của trào lưu Hiện Đại. Đâu là nguồn cơn của tất cả những hiện tượng đó? Hãy bắt đầu tái tạo lại tất cả một cách lần lượt.

Tư tưởng của Hiện Đại thoái trào

Trước khi sa vào vô số những hiện trạng cụ thể, ta cần soi chiếu vào bản chất đời sống tinh thần của mỗi một cá thể con người. Đó là sự dao động không ngừng nghỉ giữa một bên là tình trạng hỗn độn mờ tối và phía bên kia là sắc thái tương phản mạnh mẽ sáng sủa. Một tinh thần trong trạng thái nhàm chán mệt mỏi sẽ có xu hướng trở về với trạng thái hỗn độn. Tiếp theo nó gom góp nhặt nhạnh một cách vô thức những mảnh vỡ lộn xộn nhằm biểu đạt những điều mang tính bản ngã và nguyên sơ. Trải qua thời gian, tiến trình nhặt nhạnh ấy sẽ tạo ra ý thức về quy luật. Từ đó những bố cục mạch lạc dần được thành hình. Rút tỉa đi những rườm rà và tạp ý, đời sống tinh thần sẽ trở lại với sắc thái minh giản sắc nhọn. Minh giản, và minh giản hơn nữa. Để tới tận cùng bản chất. Tuy nhiên, trạng thái đặc biệt ấy không thể tồn tại được lâu dài. Sắc thái mờ tối nhạt nhòa sẽ quay lại chiếm lĩnh, đưa tinh thần trở về điểm khởi đầu cho một chu kỳ mới.

Martin Heidegger (1889-1976)

Nhìn lại trong lịch sử, ta thấy rằng người khổng lồ phương Tây đã từng chứng kiến sự thăng hoa của nền văn minh Hi-La trước khi chuyển giao cho bóng đêm Trung Cổ che phủ. Sực tỉnh giấc từ buổi bình minh Phục Hưng, nó lắng nghe tiếng kèn Khai Sáng văng vẳng, rồi chuyển mình mãnh liệt theo những dòng chảy mạnh mẽ của các trào lưu Hiện Đại. Những dòng chảy mạnh mẽ ấy đã đem đến hào quang rạng rỡ chưa từng có. Nhưng cuối cùng, phong trào Hiện Sinh giống như sự mờ tối tất yếu lại tìm đến. Những câu hỏi Heidegger đặt ra về bản ngã là tinh hoa sắc nhọn cuối cùng lóe sáng trên nền trời đêm thăm thẳm. Chính tại đây, người khổng lồ chìm đắm vào trạng thái đợi chờ phân vân. Tình trạng yên ắng này hẳn sẽ còn kéo dài. Bởi vì sau những trăn trở về bản ngã và hiện hữu, có lẽ không một nan đề nào khác có thể chi phối sự quan tâm của con người ở mức độ tương đương.

Nan đề của Heidegger đã bẻ vụn sức mạnh mà con người ở những trào lưu Hiện Đại từng mơ tưởng. Cùng với bước tiến của sức mạnh khoa học và kinh tế, con người từng có lúc đã yên tâm rằng họ có đủ công cụ để không những làm chủ số phận mà còn đủ khả năng phân tích mổ xẻ tường tận bản ngã. Từ Lãng Mạn tới Hiện Thực, từ Tượng Trưng sang Siêu Thực, từ Biểu Hiện tới Lập Thể, …, tư duy sáng tạo của thời kỳ Hiện Đại đã không ngừng được làm mới trên những tấm gương khổng lồ. Chúng soi vào nội tạng bản ngã để quay lại phản chiếu ra những vòm trời khác nhau bao trùm lên hiện thực đời sống. Mỗi tấm gương đều tiềm ẩn ý chí và tham vọng to lớn của cá nhân hướng tới sự lột tả những quy luật nhân văn mang tính phổ quát. Chúng xuất phát từ góc nhìn nơi mà cái ta có một vị trí trung tâm vững chãi để nhìn rộng ra thế giới bên ngòai. Mỗi con người dường như đều mang trong mình tiềm năng to lớn để khám phá, cảm thông, và chia sẻ cùng thế giới ngoài nó. Có thấu hiểu ngạo khí sừng sững ấy mới thấm thía sự buồn nản ngậm ngùi của nhân loại khi Heidegger chỉ ra cửa ải cuối cùng không thể nào vượt qua. Người ta hiểu ra rằng cái tôi không khách quan đến thế. Cái tôi vĩnh viễn chỉ là những cá thể tồn tại chủ quan và hữu hạn theo đặc thù của hoàn cảnh tạm thời. Tri thức, chí hướng, hay tất cả mọi mối quan tâm lớn nhỏ của họ về bản thân cùng thế giới xung quanh cũng hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm chủ quan của số phận cá thể ấy. Mỗi một mạch kinh nghiệm được trải nghiệm và ghi nhớ đơn thuần qua những chuỗi bế tắc riêng lẻ nhất thời. Tư tưởng phương Tây cuối cùng cũng đã biết ngơ ngác dừng bước khi nhận diện ra bản chất vô thường và tương đối của hiện thực. Kỷ nguyên Ánh Sáng trong tư tưởng chính thức ngừng lại.

Nghệ thuật Hậu Hiện Đại là gì?

Thế kỷ 20 là thời gian nền văn hóa phương Tây đối diện với những bi kịch lớn lao. Hai cuộc đại chiến xảy ra với thương vong lớn chưa từng có trong lịch sử đem đến nỗi lo sợ trước ấn tượng vô tình và ngẫu nhiên của số phận. Những cuộc cách mạng và chiến tranh lạnh kéo dài hằn sâu ý thức về mâu thuẫn trong quyền lợi của các nhóm người trong nội tại từng xã hội cũng như giữa các khối quốc gia. Chuỗi những sự kiện ấy xảy ra trong một thời kỳ tri thức nhân lọai đang lên tới đỉnh cao. Tri thức càng phát triển thì ý thức về quyền con người càng trở nên mạnh mẽ. Nhận thức về những tương phản sâu sắc trong quyền lợi và văn hóa giữa các tầng lớp và nhóm sắc tộc vì thế lại càng rõ ràng hơn. Người ta cũng ám ảnh về sự lạc lõng trôi nổi của con người cá thể, về bản sắc của cái tôi nhạt nhòa trong một xã hội bị chi phối tự phát theo sự bùng nổ của nền công nghiệp sản xuất hàng loạt.

Khi nhận ra bản chất chủ quan vô thường của góc nhìn cá thể, mỗi cái tôi không thể tránh khỏi hoang mang. Thế giới đột nhiên hỗn mang đáng sợ khi mà vị trí cột trụ trung tâm của cái ta trong nhận thức đột nhiên lung lay chao đảo. Con người trở nên nghi hoặc đặt dấu hỏi vào khả năng thấu hiểu bản ngã, thấu hiểu thế giới. Nó cũng nghi vấn độ xác thực của khả năng tương tác, cảm thông, và chia sẻ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá thể với cộng đồng. Những tấm gương khổng lồ của thời kỳ Hiện Đại đột nhiên không còn gì là thần kỳ nữa khi soi vào bên trong bản ngã. Chúng biến dạng thành những thấu kính tiềm tàng đầy rẫy sự chủ quan méo mó. Đó là tổng thể toàn bộ bức tranh về sự giằng xé trong nội tại từ thấp tới cao trong con người và xã hội phương Tây. Nó giải thích cho sự hình thành nên tất cả những gì thuộc về trào lưu văn hóa Hậu Hiện Đại.

Trong tư tưởng sáng tác, nghệ thuật Hậu Hiện Đại đơn giản là phản ứng tinh thần tự nhiên của con người trước khoảng trống to lớn mà những tư tưởng Hiện Đại bị coi là không giải quyết được. Nhưng về mặt bản năng, Hậu Hiện Đại là sự chuyển hóa sang sắc thái chán ngán và dị ứng trước những cảm xúc và tri thức mang nặng tính quy luật phổ quát và bất biến. Sự bất lực của những quy luật phổ quát cứng nhắc trong việc lý giải những hiện thực ngẫu nhiên và khắc nghiệt đã thúc đẩy con người nghiêng sang trạng thái tinh thần phân rã hỗn độn. Biểu hiện cụ thể qua những sản phẩm của trào lưu Hiện Sinh, chủ yếu khai thác trên tính phi lý và vô thường của đời sống.

Những tư tưởng nghệ thuật mang tầm vóc quy luật nhân văn phổ quát bất biến đã bị chối bỏ thế nào? Thứ nhất, con người cảm thấy chúng bất lực trong việc giúp giải quyết các bi kịch của xã hội, cũng như trong nội tại mỗi cá nhân. Thứ hai, con người, với đức tính tự cao trong bản năng cố hữu, đơn giản là không muốn chấp nhận ý niệm rằng bản chất của mình là hệ quả tất yếu của những quy luật tiên định nào đó (chủ nghĩa Dada). Nhưng như vậy cũng có nghĩa là nghệ thuật Hậu Hiện Đại không cómột tư tưởng thống nhất phổ quát cụ thể(1). Thay vào đó là những chuỗi mảnh vỡ rải rác chắp nối liên miên. Mỗi mảnh vỡ đại diện cho một nỗi trăn trở tự sự của con người về thân phận cá nhân giữa những rào cản ngăn cách.

Tuy nhiên, tư tưởng thay đổi không nhất thiết đòi hỏi công cụ biểu đạt phải thay đổi. Những người nghệ sĩ Hậu Hiện Đại vẫn có thể cho phép mình tái sử dụng những công cụ biểu đạt từ thời Hiện Đại. Bởi vì thời kỳ Hiện Đại đã để lại một di sản quá to lớn. Di sản ấy là một thế giới phong phú và hùng vĩ của các lọai ngôn ngữ biểu đạt. Thậm chí, có thể thật sự không hề tồn tại cái gọi là những tư duy ngôn ngữ nghệ thuật Hậu Hiện Đại mới mẻ. Thay vào đó chỉ là kết quả của sự pha trộn tinh vi những tư duy cốt lõi vốn đã từng hiện hữu trong ngôn ngữ nghệ thuật Hiện Đại.

Hình thức bề ngoài của các ngôn ngữ nghệ thuật chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Hậu Hiện Đại có thể là mới mẻ, thậm chí tới mức choáng váng. Tuy nhiên chúng không nhất thiết là những phát kiến sâu thẳm trong tư duy cốt lõi của ngôn ngữ nghệ thuật. Nghệ thuật Trình diễn và nghệ thuật Sắp Đặt (2) tuy mới mẻ và sinh động là vậy nhưng tính tư duy trong ngôn ngữ của chúng lại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa Lập Thể. Nói một cách trực quan hơn thì việc bẻ vỡ thế giới nhận thức và cảm xúc ra nhiều mặt, nhiều thời điểm, rồi sắp xếp lại theo cảm quan của cá nhân người nghệ sĩ, đó là sự phát triển mang tính cụ thể hóa, ứng dụng hóa cái tư duy cốt lõi của Lập Thể. Tư duy ấy từng gây ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành của Dada và sau này là những sản phẩm của thời kỳ Hậu Hiện Đại. Nó cũng là bản chất xương sống cho cái đẹp của điện ảnh và kiến trúc hiện đại. Khi nhìn sang lĩnh vực văn học, ta thấy Lập Thể (vốn dĩ đã tồn tại trong văn học thậm chí từ trước khi thời kỳ Hiện Đại ra đời) cùng với Siêu Thực và Trừu Tượng tạo ra những vệt đồng vọng trong ngôn ngữ và tư duy văn học xuyên suốt cho tới tận ngày hôm nay. Vì vậy, có thể nói rằng trong suốt lịch sử hình thành nghệ thuật Hậu Hiện Đại, phát kiến duy nhất trong tư duy ngôn ngữ biểu đạt là: sự pha trộn tự do không giới hạn những gì nghệ thuật Hiện Đại đã từng có.

Như chúng ta thấy, cuộc cách mạng về tư duy ngôn ngữ của những trào lưu Hiện Đại vẫn để lại ảnh hưởng vô cùng sâu đậm trong ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Do đó, để hiểu tầm vóc đích thực của những tác phẩm Hậu Hiện Đại thì rất cần một cảm quan thấu đáo về bề rộng cùng chiều sâu hàm súc mà ngôn ngữ Hiện Đại đã đạt được. Dù rằng tư tưởng triết lý của Hiện Đại đã đi vào thoái trào nhưng tư duy ngôn ngữ biểu đạt của nó vẫn đang nối dài không chỉ cho tới ngày hôm nay.

Hậu Hiện Đại trong lòng nghệ thuật Đương Đại

Đúng như tên gọi của nó, nghệ thuật Đương Đại bao gồm mọi dòng chảy nghệ thuật đang hiện diện trong khoảng thời gian gần đây. Tuy nhiên, một số ý kiến có thể muốn lọai trừ ra những phong cách nghệ thuật ít chuyên nghiệp hơn như Dân Gian (folk art) và Ngoại Đạo (outsider art). Nhưng dù thế nào thì vẫn còn quá sớm để đưa ra một sự phân định rạch ròi. Bởi vì bản thân một trong những điều còn mập mờ đang trăn trở nóng bỏng trong tư tưởng nghệ thuật Đương Đại ngày nay không gì khác hơn là một định nghĩa thích đáng cho nghệ thuật. Nhất là khi ranh giới giữa nghệ thuật hàn lâm và không hàn lâm ngày một thêm mờ nhạt.

Nghệ thuật Hậu Hiện Đại chính xác chỉ là một bộ phận trong lòng nghệ thuật Đương Đại hay còn nhiều hơn thế? Từ nhiều thập kỷ trở lại đây, tinh thần Hậu Hiện Đại đã thấm đẫm tới mọi ngóc ngách của đời sống văn hóa, mà sản phẩm trực tiếp chính là nghệ thuật Đương Đại. Ngay cả những dòng chảy nối dài của các trào lưu Hiện Đại cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng sâu sắc. Các trào lưu nghệ thuật tạo hình tiêu biểu như Pop, Op, và Tối Giản (minimalism) mang nặng nỗi ám ảnh về sự vô thường và chủ quan nhất thời của cái tôi trong một thế giới không ngừng biến đổi. Về hình thức thì chúng hòan thiện nốt cuộc cách mạng cho tư duy ngôn ngữ biểu đạt mà nghệ thuật Hiện Đại đã khơi nguồn từ thế kỷ 19. Nhưng tư tưởng thì đã từ lâu nhuốm sắc thái hoang vắng và rời rạc. Đã không còn nữa tinh thần khai sơn phá thạch của những nghệ sĩ Hiện Đại tiên phong. Thay vào đó là sự nghi ngờ và tự thu mình trong những góc chiêm nghiệm nặng tính cá thể nhỏ lẻ. Ngày hôm nay dòng chảy ngôn ngữ Hiện Đại vẫn tồn tại, thậm chí đây đó vẫn cồn lên mạnh mẽ. Nhưng cái được chuyên chở ăm ắp bên trên dòng chảy ấy lại đa phần là những con thuyền nhỏ bé mang tên Hậu Hiện Đại.

Nghệ thuật Trình Diễn và Sắp Đặt là hai hình thức ngôn ngữ quan trọng trong bộ mặt của nghệ thuật Đương Đại. Sự độc đáo đáng kể nhất của chúng hẳn là ở ngôn ngữ biểu đạt. Ngôn ngữ ấy hiện thân cho tinh thần nhân bản của Hậu Hiện Đại. Vai trò cột trụ trung tâm trong công việc sáng tạo của người nghệ sĩ thường xuyên bị xóa nhòa. Tính chủ quan và vô thường trong quá trình cảm nhận tác phẩm được đẩy cao hơn bao giờ hết. Người thưởng ngọan có thể hít thở ngay bên trong lòng sự sáng tạo của tác phẩm, ngay tức thời trải nghiệm cảm giác hữu hạn thóang qua của khoảnh khắc; tính lệch lạc chớp nhoáng của nhận thức trên mỗi góc nhìn riêng lẻ; và cùng lúc liên tục so sánh đối thoại với kinh nghiệm, văn hóa của bản thân cá nhân mình. Tất cả tiến trình sáng tạo nghệ thuật ấy thường đi qua trong một quãng thời gian ngắn ngủi, và thường thì đa số công chúng thưởng ngoạn cũng không biết là chính mình vừa tham gia vào một quá trình sáng tạo. Mỗi cá thể còn đang bận tâm loay hoay đi tìm một ý nghĩa khách quan phổ quát của kinh nghiệm vừa xảy ra, mà tất nhiên là mỗi người sẽ hình dung theo một góc nhìn riêng. Nhưng điều đó không hề can hệ. Bởi vì chính sự vỡ vụn của hiện thực ra vô vàn mảnh rời rạc mới đích thực là tinh thần Hậu Hiện Đại chân chính.

Đến đây chúng ta không tránh khỏi đề cập sâu hơn tới nghệ thuật Khái Niệm (conceptual art), trào lưu có ảnh hưởng nhất của nghệ thuật Đương Đại. Hiểu một cách trực quan thì khi một ai đó thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, tất yếu sẽ nảy sinh một cuộc đối thoại vô hình với tác giả. Trong cuộc đối thoại này, tác giả đưa ra ngôn ngữ biểu đạt của mình và người thưởng thức cảm nhận nó bằng những tư duy và ấn tượng đến từ kinh nghiệm cá nhân. Do đó, vai trò chủ động của người thưởng thức nghệ thuật ở đây là vô cùng quan trọng. Và như ta đã thấy, với nghệ thuật Trình Diễn và Sắp Đặt thì sự mở cửa trong cuộc đối thoại đã được nâng lên một cấp độ mới. Tuy nhiên, mức độ cởi mở phải tới trào lưu Khái Niệm mới thực sự lên tới đỉnh cao.

Nghệ Thuật Ý Niệm, những đốm lửa nhỏ rời rạc trong đêm

Mọi cuộc giao lưu nghệ thuật giữa tác giả và người thưởng thức, suy cho cùng đều diễn ra trong tâm tưởng. Nhưng ngọai trừ lĩnh vực văn học, điện ảnh, và ca nhạc có lời, tất cả các lọai hình nghệ thuật khác đều cố gắng truyền đạt tư tưởng của nó một cách không trực tiếp. Âm nhạc cần nốt nhạc và bố cục sắp xếp của chúng. Mỹ thuật cần màu sắc, hình khối, bố cục. Tóm lại là phải dựa vào hệ các ấn tượng nhằm trình bày một cách không trực tiếp ý tưởngcảm xúccủa người nghệ sĩ. Nhưng liệu có nhất thiết phải như vậy? Có thể nào truyền đạt các thông điệp một cách trực quan hơn thế? Ví dụ một cách nôm na như, chẳng phải là các ý tưởng in bằng chữ trên một bức tranh cổ động cũng là một phần của ngôn ngữ biểu đạt tác phẩm? Và khi một ý tưởngđược viết ra trực tiếp trên bức tranh như vậy, tự bản thân nó cũng tiềm ẩn các ấn tượng và cảm xúc mang tính cá nhân, đối với cả nghệ sĩ lẫn từng người thưởng ngọan. Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ 20, ý tưởngchính thức lần đầu tiên được chủ động nhận dạng như một ngôn ngữ nghệ thuật, dù rằng điều ấy đã quá cổ xưa trong nhiều thể lọai nghệ thuật khác (văn học đương nhiên là ví dụ tiêu biểu nhất).

Vì sao người nghệ sĩ phương Tây lại hướng tới ý tưởng như một chất liệu mới trong ngôn ngữ biểu đạt? Vì họ muốn tìm lại tính trực quan của ngôn ngữ nghệ thuật. Trong giai đọan cuối cùng của Hiện Đại, Pop đã có những sự mổ xẻ táo bạo vào bề mặt thế giới hiện tượng. Còn với thế giới siêu hình, các ngôn ngữ Lập Thể, Trừu Tượng, Siêu Thực cũng đã làm được những điều tưởng chừng không thể làm được. Vậy mà, sự phong phú hùng hậu chưa từng có đó của ngôn ngữ vẫn còn chưa làm con người thỏa mãn. Dường như tất cả đều đã có đủ, nhưng chỉ còn thiếu sự trực quan chân phương. Vì sao? Vì con người đã chớm cảm thấy sự mệt mỏi trong cơn hỗn độn mờ tối của tư tưởng Hậu Hiện Đại. Đây đó đã rời rạc xuất hiện những nỗ lực tìm về với ánh sáng trong tri thức. Những đốm sáng nhỏ bé mang tính sơ khởi ấy chính là nghệ thuật Khái Niệm, thứ phản ứng mang tinh thần phương Tây đậm đặc. Người ta vẫn coi nghệ thuật Khái Niệm là đứa con tinh thần của văn hóa Hậu Hiện Đại, nhưng không hiểu rằng nó cũng chính là những nỗ lực bản năng đầu tiên của con người trong cuộc đào thóat ra khỏi bóng đêm Hậu Hiện Đại.

Sự ứng dụng trực tiếp ý tưởng như một phần của ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình dù là rất muộn nhưng lại trở nên cấp tiến hơn tất cả mọi lọai hình khác. Người thưởng thức vốn từ lâu quen nhìn thấy những tác phẩm được đầu tư công sức chế biến một cách công phu. Nhưng những nghệ sĩ Ý Niệm lại không nhất thiết sáng tạo như vậy. Đối với họ, bất cứ một sản phẩm nào, thậm chí cả những thứ phần lớn không phải do chính tay họ làm ra, đều có thể là tác phẩm nghệ thuật nếu như người nghệ sĩ thấy rằng nó đủ sức biểu cảm. Marcel Duchamp (3) gắn một bánh xe đạp lên mặt chiếc ghế gỗ và bảo rằng đó là tác phẩm nghệ thuật. Đương nhiên, cũng như mọi công việc nghệ thuật khác, điều mà Duchamp làm chỉ có giá trị đối với những ai tìm thấy ở nó một điều gì đó đáng kể trong cảm nhận chủ quan của mình. Lưu ý ở đây chúng ta đang dùng khái niệm công việc nghệ thuậtthay vì sản phẩm nghệ thuật. Trào lưu Khái Niệm nhấn mạnh vai trò của sự truyền đạt ý tưởng hơn là sản phẩm thực tế. Một sản phẩm có thể bề ngòai không cầu kỳ, bác tạp, thậm chí tới một lúc nào đó trở về vô hình vô ảnh, nhưng vẫn được coi là có giá trị nếu công việc sáng tạo ra nó của người nghệ sĩ biểu đạt những ý tưởng đáng kể đối với một số người thưởng ngọan. Triết lý ấy đáng suy nghĩ bởi vì nó bác bỏ đi những định kiến lâu đời ràng buộc quan niệm về nghệ thuật. Qua đó mà mở ra một trường liên tưởng phóng khóang mới.

Nhìn sâu xa hơn, mỗi ý tưởng tự thân đã có thể gieo vào cảm nhận một sự hàm súc dù chưa cần tới một công cụ hỗ trợ nào khác. Bản nhạc 4’33 của John Cage (4) là một chuỗi im lặng tuyệt đối. Nó truyền đạt hai thông điệp. Thứ nhất, im lặng cũng là âm nhạc. Thứ hai, chuỗi những âm thanh mà người nghe tiếp thu từ môi trường thực của mình trong suốt quãng thời gian 4 phút 33 giây, chúng cũng là âm nhạc, thứ âm nhạc của đời sống. Như bạn đọc thấy, hai ý tưởng trên tự thân chúng đã gợi mở ra những không gian liên tưởng phong phú (dù bạn không nhất thiết phải tự mình trải nghiệm 4’33 của John Cage). Và ngay cả khi ý tưởng được truyền đạt một cách bộc tuệch không úp mở nhất, thì nó vẫn có thể tiếp tục gợi ra chuỗi các ý tưởng khác cùng những làn sóng cảm xúc liên quan.

Trường phái Ý Niệm không khai thông ra một kênh ngôn ngữ gì quá mới. Người nghệ sĩ thực ra vẫn dùng một thứ ngôn ngữ nghệ thuật cổ xưa, nhưng với một tinh thần chủ động. Cái mới mẻ chính sự chủ động linh hoạt trong việc sử dụng các ý niệm. Trong suốt bốn thập kỷ trở lại đây, nghệ thuật Ý Niệm tồn tại bền bỉ, trở thành nguồn cảm hứng và công cụ hiệu quả linh hoạt để giãi bày cảm quan của người nghệ sĩ. Thứ chất liệu ấy đã giúp thăng hoa những tên tuổi lớn Jeff Koons, Damien Hirst, hay Richard Prince (5), những tên tuổi mà cho tới ngày hôm nay vẫn còn nguyên tính thời thượng. Tuy nhiên, nghệ thuật Ý Niệm chỉ mới làm đặc sắc thêm cho bộ mặt nghệ thuật Hậu Hiện Đại chứ chưa giải quyết các bế tắc dồn ứ về tư tưởng mà Hậu Hiện Đại trăn trở. Thậm chí, những sản phẩm phong phú và hỗn tạp mà nó đem đến càng làm cho bộ mặt nền nghệ thuật Đương Đại thêm nhạt nhòa và phân vân. Dù rằng sự xuất hiện và sinh trưởng của nghệ thuật Khái Niệm thể hiện bản năng tìm về với trực giác chân phương, với quy luật và ánh sáng trong tri thức. Nhưng sự bế tắc trong tư tưởng của thời đại này vượt quá khả năng giải quyết của bản năng thuần phác.

Tìm kiếm một bình minh Phương Đông

Lịch sử nghệ thuật phương Tây vốn là một phần không tách rời với những nền nghệ thuật đến từ bên ngoài. Điều ấy đúng cả trong các trào lưu Hiện Đại. Như ta thấy, di sản đáng kể của nghệ thuật thời kỳ Hiện Đại là cuộc cách mạng của tư duy ngôn ngữ biểu đạt. Vậy mà cuộc cách mạng ấy lại chịu ơn rất lớn từ những người anh em ở xa xôi. Ấn Tượng chịu những ảnh hưởng nhất định từ nghệ thuật khắc gỗ Nhật Bản (vốn là một phần không tách rời trong tương quan tổng thể nghệ thuật phương Đông). Đương nhiên, đằng sau Ấn Tượng sẽ là những trào lưu hệ quả tiếp nối khác. Lập Thể, trào lưu quan trọng bậc nhất của Hiện Đại, có sự giao thoa với nghệ thuật thổ dân Châu Phi, và phần nào đó là nghệ thuật trang trí Trung Đông. Lưu ý rằng, những nền văn minh cổ đại của nhân lọai không có được sự sắc sảo mang tính thực dụng của tư duy nghệ thuật phương Tây cổ điển. Nghệ thuật của họ không phục vụ cho mục đích mô tả những điều mắt thấy tai nghe cụ thể như những nghệ sĩ cổ điển phương Tây vẫn thường làm. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng được xuất phát từ bản năng sáng tạo thuần chất. Những hoa văn vốn không chỉ là đường cong, đường thẳng, hay tiết tấu lặp đi lặp lại. Đằng sau chúng có thể là thứ cảm xúc không nói được bằng lời. Dùng trực tiếp cấu trúc để biểu đạt cái đẹp. Dùng cái trừu tượng để khái quát nên tinh thần tiêu biểu của một hay nhiều sự vật. Trùng hợp thay, đó cũng chính là con đường đi của nghệ thuật Hiện Đại sau vô vàn gạn lọc, tước bỏ đi những gì không cần thiết.

Phương Tây và phần còn lại của thế giới đã có những trao đổi thú vị như vậy trong quá khứ. Còn hiện tại thì sao? Ngày hôm nay, người phương Tây vẫn đang đi trên con đường ngổn ngang của trào lưu Hậu Hiện Đại. Một số kẻ khác lưu luyến những hoài niệm quá khứ, bình lặng trôi theo những dòng chảy Hiện Đại được nối dài, dù không tạo ra được một luồng sinh khí thực sự mới mẻ đáng kể. Di sản ngôn ngữ đồ sộ của các trào lưu Hiện Đại vẫn còn đó. Nhưng thần thái tư tưởng của nó thì đã không còn nữa. Sự miên man trong hỗn độn chưa thực sự thấy ánh sáng đường ra. Ngay cả những nỗ lực mang tính trực giác chân phương của nghệ thuật Khái Niệm cũng không làm cho thế giới trở nên giản dị và dễ xoay xở hơn. Một chu kỳ mới chưa có dấu hiệu bắt đầu. Phải chăng đây là lúc phương Tây phải tìm lại đường sang phương Đông?

Bởi vì khi mà khu vực thượng tầng của tư tưởng phương Tây lâm vào bế tắc khốn đốn, người ta mới giật mình nhìn lại. Những nan đề của Heidegger, cơn nôn nao Hiện Sinh, duyên do khiến người khổng lồ Tây phương đến nay còn chưa hết chao đảo, chẳng phải là vốn đồng sàng với tính Không trong tư tưởng Phật học từ hai ngàn năm về trước? Một phần nào đó trong con người phương Đông đã và vẫn đang đối diện với nó bằng phong thái minh giản, thản nhiên cố hữu. Phải chăng điều ấy hé lộ niềm hi vọng? Tia sáng le lói cuối đường hầm cho một cơn bĩ cực? Nhưng để từ đây tới được đó vẫn còn là chuyện của tương lai. Hãy trực tiếp nhìn vào với thực trạng nghệ thuật phương Đông trong hiện tại. Ngày hôm nay, nó đang đứng ở đâu?

Để trả lời câu hỏi này, cần lướt qua hai nền nghệ thuật chủ chốt, Trung Hoa và Nhật Bản. Chúng cùng mang những đặc thù phương Đông nhưng đang ở trên hai chặng đường rất khác nhau. Nghệ thuật Nhật Bản có sự gắn bó mật thiết với nghệ thuật phương Tây và cùng đang chia sẻ một số điểm dừng bi kịch. Trong khi đó, nghệ thuật Trung Hoa cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phương Tây, cũng gặp phải những bế tắc thời cuộc to lớn, nhưng lại rất có thể sẽ bứt phá để mở ra một cánh cửa toàntoàn mới.

Toàn cảnh Nhật Bản

Nhật Bản có một nền nghệ thuật chưa phải lâu đời nhưng vô cùng thú vị và đáng nể. Ngoại trừ trong văn học ra, khái niệm nghệ thuật hàn lâm chỉ mới được du nhập vào đất nước này từ người phương Tây vài thế kỷ gần đây. Từ đó, nó sinh sôi phát triển trên nền tảng một nền tạp kỹ khéo léo, với những người thợ thủ công lành nghề chăm chỉ. Một mặt họ lao động nghiêm túc tới mức hoàn toàn làm chủ chất liệu. Nhưng mặt khác họ lại sáng tạo đơn thuần dựa trên bản năng, với tư duy hoàn toàn tự do cởi mở. Những điều ấy đóng góp tích cực vào lịch sử phát triển nghệ thuật Nhật Bản. Người Nhật từng đóng góp những tư duy sáng tạo cấp tiến nhất cho cả văn học lẫn điện ảnh thế giới. Trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, như chúng ta biết, tranh khắc gỗ Nhật từng gây ảnh hưởng sâu sắc tới các nghệ sĩ Ấn Tượng châu Âu. Bước sang thế kỷ 20, những người nghệ sỹ Nhật Bản tiếp cận rất nhanh chóng với các tư duy Hiện Đại của phương Tây. Thậm chí còn trực tiếp đóng góp cho nghệ thuật thế giới trào lưu Gutai rất đáng nể, vốn có ảnh hưởng tinh tế tới Trừu Tượng, đồng thời đặt cơ sở nền móng cho sau này cho Sắp Đặt, Trình Diễn, và Khái Niệm.

Họa sĩ Atsuko Tanaka, một trong những thành viên tiên phong của trào lưu Gutai (hình ảnh từ http://www.ufer.co.jp/ufer/tanaka/peoples/ATW.html)

Nhưng dù thế nào thì một nền nghệ thuật không thể đứng ngoài cái nôi văn hóa xã hội. Nghệ thuật Đương Đại phương Tây ngày nay được tựa lưng vào nền tảng công cụ được thừa hưởng từ Hiện Đại, và đứng đối mặt với những thách thức của xã hội Hậu Hiện Đại. Những thách thức trên cả hiện tượng bề mặt lẫn bản chất triết lý. Tương tự như thế, nghệ thuật Nhật Bản đương đại cũng đứng trên một nền tảng các công cụ phong phú từ Hiện Đại, và đang đối mặt trước những thách thức Hậu Hiện Đại có pha đặc thù phương Đông.

Nền công nghiệp và đô thị hóa phát triển cao độ của Nhật Bản đưa những bi kịch bề nổi lên một cấp độ khác, thậm chí còn nghiêm trọng hơn những gì đang xảy ra với phương Tây. Con người một mặt phải sống trong một hệ thống phân chia lao động chuyên nghiệp chóang ngợp. Mặt khác đời sống tinh thần cá nhân bị cô lập trong những không gian chia cắt nhỏ hẹp cả trên nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bối cảnh ấy dẫn tới một hiện tượng không tránh khỏi. Đó là sự chìm đắm quá độ của con người trong thế giới của những ảo vọng cá nhân (hiện tượng Otaku (6) là một ví dụ tiêu biểu).

Vậy đặc thù phương Đông của Nhật Bản là gì? Là một vài ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo. Nho giáo hướng con người vào sắc thái nhẫn nại, quy phục theo trật tự và lề thói của số đông. Phật giáo dạy con người bình thản trước mọi thay đổi vô thường của thế giới hiện tượng. Trong phần lớn lịch sử phát triển của mình, đa số người Nhật vẫn luôn bình thản đối diện với thời thế thay đổi, dồn nén tất thảy mọi uẩn ức vào trong lòng. Nói một cách khác, những bi kịch có bản chất Hậu Hiện Đại ngày nay của phương Tây, đối với người Nhật không có gì xa lạ. Họ đã chịu đựng chúng từ nhiều thế kỷ nay bằng thái độ giản dị chân phương. Tuy nhiên, đặc thù ấy đồng thời cũng tạo ra sức ỳ trong tham vọng sáng tạo. Người nghệ sĩ hoặc là lãng phí năng lượng vào những cơn phản ứng mang tính tức thời; hoặc là trôi tự nhiên theo những giấc mơ cá nhân biệt lập, những nguồn cảm xúc tinh tế riêng, ngay cả khi biết rằng đó là cơn mê nhuốm màu ảo vọng. Cả hai xu hướng ấy một mặt là hoàn toàn đáng tôn trọng và có thể ngưỡng mộ. Nhưng mặt khác, cũng không thể nào mong gì từ trong cát bụi đó trong một sớm chiều lại mọc lên được những thành quách hùng vĩ. Sau thế chiến thứ II, bản sắc tinh thần Nhật Bản từng đã bị dồn nén cao độ, tạo ra nguồn xung lực mạnh mẽ, riết róng tìm về với cội nguồn bản thể trường tồn. Nguồn năng lượng tinh chất ấy đã tạo ra trào lưu Gutai mong manh và khắc khoải của một thời. Nhưng tới ngày hôm nay, khi mà bối cảnh văn hóa nhân loại đứng trước những bế tắc nhận thức ngổn ngang nặng nề chưa từng có, người nghệ sĩ Nhật Bản đi về đâu? Chuỗi những phản ứng nhạt nhòa mang tính tức thời sẽ còn kéo dài tới bao giờ?

Hình ảnh trận oanh tạc New York, 1996 (Makoto Aida)

Trung Hoa tỉnh giấc

Trong mọi lĩnh vực nghệ thuật, người Trung Hoa đều có khả năng phô diễn khả năng làm chủ chất liệu một cách đáng kính nể. Đó là nền tảng quan trọng để có thể ra đời những tác phẩm lớn. Tuy nhiên, lịch sử phát triển các tư duy ngôn ngữ nghệ thuật cấp tiến của đất nước này còn khá non trẻ. Trải qua một thời gian dài trung thành với ngôn ngữ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa, tới thập kỷ 70 người Trung Hoa mới thật sự bắt đầu kế thừa rộng rãi các tư duy Hiện Đại của nhân loại. Hai thập kỷ kế tiếp mang theo nhiều biến động sâu sắc trong chính trị, kinh tế, và xã hội. Những biến động này cùng với âm hưởng Cách Mạng Văn Hóa đã tích lũy trong người nghệ sĩ nguồn năng lượng rất phong phú và dồi dào. Hai thập kỷ cũng là quãng thời gian cần thiết để họ phát triển chín muồi trong việc làm chủ các tư duy ngôn ngữ nghệ thuật Hiện Đại, vốn vẫn còn khá mới mẻ. Hệ quả tất yếu sau đó là một thời kỳ thăng hoa kéo dài liền mạch xuyên suốt thập kỷ 90. Hai trào lưu mang đặc thù Trung Hoa tiêu biểu trong thời kỳ này là Mao Pop và Hiện Thực Phê Phán (cynical realism). Đây là hai ngôn ngữ giản dị và thực dụng, đáp ứng được các tầng năng lượng cảm xúc từ thấp tới cao. Chúng trở thành công cụ đắc lực cho tinh thần phản ứng tức thời trước thời cuộc. Dù tư duy của ngôn ngữ không có gì quá sâu thẳm, nhưng sự dồn nén của nhiều lớp cảm xúc đầy đặn mang đến trọng lượng đáng kể cho tác phẩm. Những cái tên như Trương Hiểu Cương (Zhang Xiaogang), Nhạc Mẫn Quân (Yue Minjun), Phương Lực Quân (Fang Lijun), Vương Nghiễm Nghĩa (Wang Guangyi) bắt đầu tạo được tiếng vang. Họ trở thành tiếng nói của nền nghệ thuật Trung Hoa trong lòng nghệ thuật thế giới Đương Đại.

Series II, No. 2, 1992 (Phương Lực Quân 1963-.)

Bước sang thế kỷ 21, bộ mặt xã hội Trung Hoa đã hoàn toàn thay đổi so với ba thập kỷ trở về trước. Tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp tăng nhanh chóng mặt. Hố ngăn cách giàu nghèo và trình độ văn hóa ngày một hằn sâu. Và trên hết, góc nhìn của cá thể ngày càng cô lập chênh vênh trước những biến đổi choáng ngợp từ ngoại cảnh. Những hiện tượng đó kéo Trung Hoa lại gần hơn với bi kịch nhân bản chung của thời đại. Nguồn năng lượng từ dư âm Cách Mạng Văn Hóa đã không còn là mảnh đất màu mỡ để cày xới cho mùa vụ mới. Đó là những thách thức mà người nghệ sĩ phải tìm cách thích ứng. Bầu máu nóng đã hạ nhiệt, cho phép những cái đầu tỉnh táo nhận thức ra rằng về mặt tư tưởng, nghệ thuật Trung Hoa thực sự vẫn còn đang chìm trong một cơn hỗn độn. Không thể nào cứ mãi là những phản ứng nóng nảy tức thời. Cần phải tìm cách thoát khỏi sự chênh vênh lạc lõng để tìm về với cội nguồn bản thể trường tồn.

Trong điều kiện ấy, khó có thể đi trên con đường sáng tạo bằng nhiệt huyết và bản năng đơn thuần. Người nghệ sĩ cần một khả năng tư duy nhạy bén để tìm ra công cụ cũng như tư tưởng đúng đắn của riêng mình. Sự hỗn độn của hiện thực thúc đẩy hướng tới những nỗ lực rời rạc sơ khởi đầu tiên để dàn dựng nên một chu kỳ ánh sáng mới. Và người ta đã chứng kiến sự đẩy mạnh mang tính đồng loạt của các ngôn ngữ Sắp Đặt, Trình Diễn, và Khái Niệm. Điểm mạnh của những ngôn ngữ này là sự biểu đạt nhanh chóng hiệu quả. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là sự phụ thuộc vào trí não dẫn tới sự thiếu khả năng gợi mở ra qua linh cảm trực giác tầng tầng lớp lớp những vòm chiêm nghiệm đan xen. Sự chìm đắm trong thế giới quan hữu hạn của những tính toán cụ thể dễ dàng đẩy người nghệ sĩ đi chệch khỏi con đường tìm về với cội nguồn bản thể. Cho dù đó là sự tính toán bộc tuệch theo bản năng hay tính toán tỉ mỉ chính xác như máy móc thì nhiều khả năng kết cục vẫn dẫn tới vết xe đổ của phương Tây trong cơn mê man Hậu Hiện Đại.

Trong cơn bế tắc chung của thời đại này, nếu một ai đó kết hợp được cả trí não minh mẫn cùng cảm quan thâm trầm bất khả tri, để tìm ra dòng chảy bền bỉ và tự nhiên của riêng mình thì quả là sự phi phàm. Đã từng có một dòng chảy như vậy trong văn học của Cao Hành Kiện, đi trước các nghệ sĩ tiên phong khác của Trung Hoa tới hai thập kỷ. Ngày nay, thế hệ nghệ sĩ tiên phong mới vẫn đang lần mò từng bước nhỏ. Từ những bức tranh thuộc trào lưu Hiện Thực Phê Phán của Phương Lực Quân tới series Huyết Thống của Trương Hiểu Cương là một quá trình chuyển hóa sâu sắc trong phương pháp tiếp cận sáng tạo. Phương Lực Quân lấy sự dữ dội của năng lượng trực giác trong tức thời làm cứu cánh. Trong khi Trương Hiểu Cương đã có thể dùng cả sự uyên bác lẫn linh cảm nhạy bén để xây dựng một nội lực bền bỉ. Nội lực ấy đến từ cả hai dòng chảy. Thứ nhất, trong khi số đông các nghệ sĩ thời đại này vẫn còn đang hướng ra ngoài để tìm tòi ý tưởng hoặc những phương pháp biểu hiện mới lạ, thì nghệ thuật của Trương chú trọng mang tính hướng nội rõ rệt. Thứ hai, sự hướng nội ấy không đi theo xu hướng tách rời ra khỏi thời cuộc để tự chui vào một tháp ngà cô lập. Trái lại, nó mang hơi thở trăn trở trực tiếp từ thời cuộc, ngầm đối thoại với thời cuộc, chung lưng đấu cật với thời cuộc. Hai dòng chảy đó thông nhau tuần hoàn, tạo thành sức sống lâu bền cho tác phẩm và mạch sáng tạo. Nếu anh chỉ mới đối thoại với thời cuộc nhưng không hướng nội thì ngày mai người xem khi nhìn vào tác phẩm sẽ nói rằng, à đây là câu chuyện mà ngày hôm qua anh đã kể rồi. Nghĩa là sẽ không có được một sự tương tác lâu bền giữa tác phẩm với nội tâm con người. Ngược lại, nếu tác phẩm chỉ hướng nội chứ không dính dáng gì tới thời thế thì bản thân người nghệ sĩ tự mình đã lỗi nhịp. Nếu ta hình dung ấn tượng tổng thể về thời cuộc là một tác phẩm lớn. Trong tổng thể lớn ấy, sản phẩm của người nghệ sĩ được coi như một nét. Thế thì một nét ấy phải có chỗ đứng thích hợp của nó.

Hai đồng chí và em bé màu đỏ trong Series Huyết Thống, 1994 (Trương Hiểu Cương, 1958-.)

Con đường đi của người nghệ sĩ vốn chẳng khi nào được bằng phẳng. ơn nghìn năm trước Huệ Năng đã nói, một niệm thức ngộ tức thành Phật, một niệm mê lại trở về chúng sinh (7). Con đường tìm về với cội nguồn bản thể thoáng tìm thấy rồi lại thoáng mất hút. Sự sống thì luôn tiếp tục biến đổi không ngừng lại. Vậy mà sứ mệnh của nền nghệ thuật Trung Hoa thực lớn. Bằng vào sự tươi mới của đầu óc chưa nhuốm sâu vào định kiến của triết học Siêu Hình phương Tây, bằng vào những đặc thù mang tính cội nguồn phương Đông, bằng vào nguồn năng lượng dồi dào đến từ những cuộc thăng trầm dâu bể trong lịch sử, nó phải tìm ra lối thoát của riêng mình. Một sự khơi thông những dòng chảy tri thức và cảm quan còn đang ẩn tàng ở một tầng sâu kín hơn trong cõi người. Có như thế thì nền nghệ thuật nhân loại mới thực sự mở sang một chương mới.

Hình dung lại con đường của người nghệ sĩ tiên phong

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói rằng người nghệ sĩ luôn thường trực bị kẹt vào thế hiểm nghèo giữa hai thế lực. Một đằng là những định kiến ràng buộc của lịch sử và những luật lệ của thể chế đương thời. Phía còn lại là tạo hóa khôn cùng. Người nghệ sĩ thiên tài là kẻ phải kéo hai thế lực lại gần với nhau (8). Bởi vì tình trạng miên man chìm đắm trong những phản ứng theo thời cuộc sẽ tất yếu dẫn tới sự vong bản. Con người sẽ trở thành con rối của hòan cảnh. Hay một chi tiết máy móc trong cả cỗ máy vận hành dựa trên kinh nghiệm lịch sử hữu hạn. Kết quả là ngay cả cảm xúc cũng sẽ bị hạ thấp xuống thành những phản ứng máy móc và định kiến. Đây là bi kịch của nền triết học Siêu Hình mà Heidegger đã chỉ ra một cách gay cấn. Cơn gay cấn ấy mang ý nghĩa thức tỉnh. Nó ngầm nhắc nhở con người vượt qua những mặt nạ mang tính tại thể (9) hữu hạn để lờ mờ tìm về với bản thể sâu kín trường tồn hơn.

Chẳng phải đó là điều Nietzsche dự cảm nhưng không thể bộc bạch bằng lời (hay bộc bạch một cách nhầm lẫn) khi thôi thúc một cách tuyệt vọng con người hãy vượt qua chính nó? Vượt qua để trở về đâu? Để trở về với tồn thể (10),cội nguồn cốt lõi bản thể. Cái cốt lõi mà thực ra cũng luôn biến chuyển thăng trầm theo quy luật của tạo hóa. Sự vô thường ấy là lí do ta không thể bám đuổi tồn thể một cách riết róng. Việc xem thường và bỏ qua những lát cắt của tại thể để tiến hành một cuộc chinh phục tuyệt đối siêu hình sẽ chỉ mang lại một kết cục méo mó khác. Một cái xác tồn thể không hồn.

Đâu là mục đích con đường đi của người nghệ sĩ tiên phong? Suy cho cùng thì người nghệ sĩ nào có được bao nhiêu vốn liếng? Tất cả chỉ là những chuỗi những kinh nghiệm hữu hạn và bụi bặm. Những thất vọng cùng nỗi buồn đầy hạn hẹp và bụi bặm. Từ đó tích lũy nên mọi cảm xúc, trí tuệ, cùng những niềm hi vọng, vốn cũng hạn hẹp và bụi bặm như một sự tất yếu. Với cái vốn liếng ít ỏi ấy, ta có thể làm được gì? Bằng vào ký ức hữu hạn của bản thể, bằng vào tư duy bám đầy bụi bặm định kiến, bằng vào tiềm thức mịt mù hư ảo, người nghệ sĩ thực hiện công việc của mình. Chất liệu là những cảm xúc tích lũy trên thời cuộc cùng lịch sử. Thông qua công việc ấy, may chăng nó sẽ gợi mở, phác họa ra những thăng trầm của cuộc trường chinh mà tồn thể đã, đang, và sẽ trải qua. Để sự phác họa chấm phá ấy thực sự có sức sống, người nghệ sĩ một mặt cần hiểu chính xác hoàn cảnh, những mối duyên nhân quả tác thành nên sự vật trong và ngoài mình. Mặt khác, cần cảm nhận thấu đáo chu kỳ phát triển tinh thần của mình, cũng như của số đông.

Một nguồn năng lượng sáng tạo cho dù là của cá thể phi phàm thì vẫn là hữu hạn. Trong khi cái điều bản năng muốn khắc họa lại đòi hỏi một nội lực trường tồn. Để thổi được năng lượng ấy vào tác phẩm, đương nhiên cá thể phải trải qua sự tích lũy dày dạn. Tích lũy cả trên phương diện cảm xúc lẫn tư duy. Tư duy ở đây bam hàm tư duy phân tích ý tưởng sáng tạo cùng tư duy ngôn ngữ biểu đạt. Thiếu cảm xúc, thừa tư duy thì tác phẩm trở thành trò tiểu xảo trí tuệ vụn vặt (đáng tiếc đây lại là hiện trạng phổ biến của rất nhiều sản phẩm nghệ thuật Đương Đại, đặc biệt là trong nghệ thuật Khái Niệm). Ngược lại, thừa cảm xúc, thiếu tư duy thì hoặc là gây ra sự nát bét trong bố cục, hoặc là không tạo ra được điều gì mới mẻ đáng kể. Tầm vóc của hai loại sản phẩm trên đương nhiên không thể nào gọi là lớn được.

Có những người nghệ sĩ mà tôi gặp ao ước mình sẽ tạo ra tác phẩm có ý tưởng lạ. Thậm chí là tạo hẳn ra một đường lối ngôn ngữ mới mẻ. Đương nhiên, mơ ước không phải là tội, nhưng ở đây nó là sự hời hợt. Hời hợt dẫn tới vô lý. Ý thức tạo ra cái mới, cái to lớn là cần thiết, nhưng đó không phải là nền tảng của sáng tạo như người ta vẫn hiểu (vẻ ngoài của ngôn ngữ vẫn dễ gây hiểu lầm như vậy). Công việc sáng tạo như đã được trình bày trên đây, luôn lấy sự tích lũy năng lượng làm nền tảng. Không cần phải bàn cãi, nếu năng lượng ít ỏi thì tác phẩm sẽ còi cọc, thậm chí vô dụng. Ngược lại, một nguồn năng lượng dồi dào sẽ như cái kim trong bọc, sớm muộn cũng tìm ra đường lối để biểu đạt sự sắc nhọn của nó.

Con đường tìm ra cái mới mẻ cần xuất phát trên sự thấu hiểu và trân trọng những di sản mà người đi trước gom góp được. Điều ấy đúng trên nhiều lớp logic. Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại một hai điều giản dị. Rằng chưa bao giờ nền nghệ thuật đứng trước những thách thức đáng kể như ngày hôm nay. Một người nghệ sĩ tiên phong cần cảm nhận sâu sắc những thách thức ấy để tìm ra con đường đi đúng đắn cho mình. Làm sao ta hiểu rõ đường ranh giới nơi mà quá khứ và hiện tại còn chưa thể vượt qua nếu không thấm thía sức mạnh cũng như giới hạn của vốn liếng những người đi trước đã để lại. Cũng không thừa khi tiếp tục nhắc lại rằng người nghệ sĩ ngày hôm nay may mắn được thừa hưởng một vốn liếng ngôn ngữ biểu đạt phong phú và hùng vĩ, Hiện Đại cũng như Hậu Hiện Đại. Mỗi ngôn ngữ tiềm ẩn một vòm trời riêng biệt. Nắm lấy chúng là con đường nhanh nhất mở rộng trường liên tưởng, vượt lên trên sự hữu hạn và lộn xộn của kinh nghiệm cá nhân.

Tác phẩm lớn, thế nào là tác phẩm lớn? Có lẽ nó là sự hội tụ của ba tính chất. Tính phức tạp, tính sâu thẳm, và tính nguyên sơ. Làm sao có thể hội tụ nổi ba cái khó đạt được ấy? Cần rất nhiều năng lượng. Nhiều tới mức chấn động. Nhìn lại lịch sử thì thấy rằng tất cả những gì đáng kể đều là những cơn chấn động. Khi văn hóa của số đông đang chìm đắm giữa sự hỗn độn, từ trong cát bụi nó dựng lên thành quách hùng vĩ. Ngược lại, khi tất cả chắc chắn đinh ninh rằng mình đang ở giữa thời hoàng kim xán lạn, nó lại làm nhiệm vụ xô đổ đi tất cả, phủ cỏ dại lên các đường ranh giới, đưa thế giới trở về với cát bụi nguyên thủy.

Thay Lời Kết

Bạn đọc nếu có đủ sự nhẫn nại để theo dõi nghiêm túc toàn bộ bài viết này thì hoàn toàncó thể dựa trên kinh nghiệm và trực giác cá nhân để xây dựng cảm quan của riêng mình. Thử tìm hiểu để hình dung lại toàn cảnh nền nghệ thuật xung quanh mình theo quy mô mở rộng dần dần (còn rất nhiều khoảng trống mà người viết còn chưa điền vào, và cũng tuyệt đối không thể đủ năng lực để chu toàn việc ấy). Tự mình nhìn thấy đâu là hỗn độn, đâu là ánh sáng, đâu là cát bụi, đâu là thành quách. Từ đó mà dự cảm lấy những biến chuyển mang tính tự nhiên về sau. Chúng ta hiện đang đứng trên những thửa ruộng Hiện Đại trơ trọi gốc rạ mà một thời từng là cánh đồng tươi tốt. Bao phủ lên nó là những màn nghi vấn Hậu Hiện Đại chập chờn tựa sương khói. Thứ sương khói cuồn cuộn cao vời tưởng chừng không thể nào nắm bắt, xua đuổi. Nhưng đời sống có bao giờ ngừng lại. Một sớm mai người ta tỉnh giấc, thấy vật đổi sao dời, những cây đời xanh ngắt, cho đó là chuyện tất nhiên thường tình. Nhưng con đường của người nghệ sĩ tiên phong không phải như vậy. Họ đã lặng lẽ xem đất, chọn giống, và gieo hạt từ buổi hoàng hôn đêm trước.


(1) Tất nhiên mệnh đề này vốn cũng là một quy luật phổ quát. Vì vậy để tránh sự mâu thuẫn trong logic, ta có thể quy ước rằng quy luật này là ngoại lệ duy nhất.

(2) Nghệ thuật Trình Diễn và Nghệ thuật Sắp Đặt được xếp chung với Nghệ thuật Hậu Hiện Đại trong nhóm các trào lưu Đương Đại. Tuy nhiên, thực ra thì cả hai đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Hậu Hiện Đại trong tư tưởng cũng như ngôn ngữ sáng tác

(3) Marcel Duchamp (1887-1968) người Pháp, một trong những họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất tới tư duy nghệ thuật phương Tây sau Đại Thế Chiến thứ II

(4) John Cage (1912-1992), nhạc sĩ Mỹ có những đóng góp quan trọng cho tư duy âm nhạc cổ điển thế kỷ 20

(5) Jeff Koons (1955 - .), Damien Hirst (1965 -. ), Richard Prince (1949 - .): ba nghệ sỹ đương đại tiêu biểu

(6) Otaku hiện tượng trong 3 thập kỷ gần đây của một bộ phận những người Nhật sống khép kín và có niềm đam mê tới nghiện ngập một số sở thích như nghiên cứu truyện tranh, game điện tử, lập trình máy tính, …

(7) Phẩm Bát Nhã trong Pháp Bảo Đàn Kinh (Huệ Năng, thế kỷ thứ 7 sau CN)

(8)Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn (Nguyễn Huy Thiệp, 1989)

(9), (10)Tại thểtồn thể là hai khái niệm thường dùng của Bùi Giáng. Theo quy ước của người viết bài này thì tại thể là cái bản thể mang tính hệ quả của từng hoàn cảnh tạm thời, hay còn gọi là những cái tôi tạm thời. Tồn thể là cội nguồn của bản thể, hay còn là tập hợp những bản chất thường hằng xuyên suốt những cái tôi tạm thời này. Cũng chỉ bằng vào sự tồn tại những bản chất thường hằng này mà giữa những bản thể giả tạm mới có khả năng liên tưởng và thông cảm.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Tính thời đại trong nghệ thuật

    11/11/2008Trần DuyMột trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy. Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.
  • Nghệ thuật – tiếng nói của lịch sử con người (*)

    08/11/2008Trần DuyKhi con người nguyên thuỷ biết vẽ là loài người đã biết khẳng định sự tư duy của mình, biết phối hợp chân tay và đôi mắt có nghĩa là đã có một ý thức rõ về vũ trụ của mình. Và cũng từ lúc loài người biết lấy hang đá làm nơi ở thì “kiến trúc thích nghi với thiên nhiên” ấy đã có tranh vẽ của người tiền sử cách đây 40 nghìn năm.
  • Ghi chú về nghệ thuật

    25/10/2008Nguyễn QuânTâm trí tôi như một vùng đồi núi hoang vắng rộng rãi nhưng cũng chật hẹp vì không có cơ cấu hạ tầng của xã hội hiện đại. Sự học hành của tôi không cho phép mở những con đường lớn vào khoa học. Tuy vậy tôi cũng đã lần mò ở mọi ngõ ngách của các lĩnh vực và các ngành khoa học qua những cuốn sách dày, mỏng, Đông, Tây, cứ ngẫu nhiên rơi xuống tay mình...
  • Vài suy nghĩ về Đương đại trong mỹ thuật Việt Nam

    20/09/2006Vương Duy BiênKhoảnh khắc chuyển giao thiên niên kỷ đầy biến động được báo trướcở nhiều lĩnh vực như kỹ thuật văn hoá, xãhội, khoa học và công nghệ... người ta hy vọng mỗi lĩnhvực đều có những bước ngoặt đầy táo bạo, đột phá, vượttrội... và trong Mỹ thuật cũng vậy, suốt thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI này, người ta đều có thể thấy ở cácgiai đoạn: Từ Mỹ thuật dân gian đến Mỹ thuật Đông Dương rồi Mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong và sau chiến tranh đếnnay... đều có những thành tựu và dấu ấn đáng ghi nhận. Có thểđi đến một nhận xét “chủ quan": NềnMỹ thuật Việt Namtừ cổ đếnkim, đang phát triển đúng quy luật chung: từ dân gian đến chính thống và đến nay phát triển phong phú, đa dạng và hội nhập nhanh chóng.
  • Nghệ thuật là gì?

    15/02/2006Nguyễn Đình ĐăngCâu hỏi Nghệ thuật là gì? kéo theo luôn hai câu hỏi khác: Cái đẹp là gì?Họa sĩ là ai?. Tổng quan 3 bài viết của Bart Rosier [1], Joseph A. Goguen [2]và Lev Tolstoy [3] chỉ nhằm làm sáng tỏ một phần những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn rất nan giải đó...
  • xem toàn bộ