"Nên tạo môi trường tự do học thuật….”
Ông có thể cho biết vắn gọn kết quả tuyển sinh năm học 2011-2012 của trường. So với năm ngoái có điểm gì khác biệt? Chất lượng “đầu vào” sẽ ảnh hưởng ra sao tới việc giảng dạy?
- Năm học này, trường chúng tôi tuyển sinh nhiều nhất là khối C và khối D. Khối C - giảm hơn 1000 thí sinh so với kỳ tuyển sinh năm trước, nhưng điểm trung bình các môn cao hơn nên điểm chuẩn khối C năm nay cao hơn điểm chuẩn năm trước. Khối D, nhìn chung, số lượng như năm qua nhưng điểm chuẩn cũng cao hơn. Điều này hy vọng những người thi khối C là những người chí cốt, có tâm huyết với ngành sẽ học, nghề sẽ làm. Tôi nói chí cốt theo nghĩa là họ cảm thấy họ có năng lực, ước mơ làm nên sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) bất chấp những chê bai, viễn ảnh không vui về tương lai, nghề nghiệp mà dư luận “vẽ” ra… Đây là tiền đề tốt cho việc củng cố, đổi mới ngành KHXH&NV trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, căn bản của toàn ngành giáo dục nước ta.
Ông thường quan tâm tới bước đường tiếp theo - sự “dấn thân hành đạo” của các học sinh của mình?
- Hàng năm, chúng tôi đều có chương trình khảo sát các cựu sinh viên, lắng nghe các cơ sở tuyển dụng cựu sinh viên nhận xét về “sản phẩm” đào tạo của trường, chúng tôi cũng mời những nhà tuyển dụng góp ý vào chương trình của nhà trường. Tôi không đồng ý với quan điểm hẹp là học ngành gì phải làm đúng ngành ấy. Không phải vậy! Hiện nay chúng tôi đang dần dần khắc phục nhược điểm mô hình đào tạo kiểu cũ - chỉ cung cấp kiến thức chuyên ngành rất hẹp, chúng tôi đã, đang cung cấp kiến thức tương đối rộng, tương đối liên ngành giữa nhiều bộ môn trong ngành KHXH&NV. Sinh viên ra trường, cập nhật một thời gian, có thể thích ứng được với những ngành nghề lân cận.
Có một thực tế: Nhìn vào kết quả học tập (thường là kém) của trò, người ta quy ngay trách nhiệm, chất lượng tay nghề và cả lương tâm người thầy. Cảm phiền ông nếu hỏi: Nhìn vào thực trạng của ngành KHXH&NV hiện nay, trong đó có môn sử, có lúc nào ông nghĩ mình cũng có phần trách nhiệm?
- Thực trạng ngành KHXH&NV như hiện nay của chúng ta là do chúng ta không theo kịp tầm phát triển của thời đại. Nếu so với ngày trước thì đã có bước phát triển, nhưng nhìn theo chiều ngang - sự phát triển của thời đại, các ngành KHXH&NV trên thế giới đã có những bước tiến vượt bậc về mặt lý luận, phương pháp luận… Chúng tôi rất bức xúc trước những hạn chế của ngành KHXH&NV, không riêng gì đối với ngành sử… Cả một guồng máy, cơ chế của chúng ta xem thường, “vùi dập” môn sử. Thử hỏi làm sao đòi hỏi thế hệ trẻ tích cực, năng động trong việc học sử? Một hay mười trường ĐH KHXH&NV với 10 khoa sử cũng không cứu nổi tình trạng suy sụp của việc môn sử trong khi toàn xã hội vùi dập nó. Chấn hưng toàn diện việc học sử cần trước hết là sự quan tâm chính trị của những người lãnh đạo cao nhất của đất nước, rồi đến ngành giáo dục. Tại sao lịch sử nước Mỹ có mấy trăm năm mà người ta dành được 4-6 tiết sử trong một tuần, còn chúng ta cao nhất - 1tiết/tuần ở lớp 11 trở xuống, lớp 12 có hai tiết. Đó là nếu môn sử nằm trong danh sách môn thi tốt nghiệp. Còn nếu không môn sử cơ bản là bị bỏ qua…
Trong hồi ký của cụ Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (NXB Hội Nhà văn ấn hành 2004), tôi có đọc bài viết về Đề án cải cách giáo dục được cụ thay mặt Hội đồng Biên soạn trình lên Hồ Chủ tịch từ 66 năm trước, theo đó trong bản đề án có nêu rõ đường lối cải cách như sau: “Nền giáo dục mới đặt trên ba nguyên tắc cơ bản: Dân chủ, dân tộc, khoa học, và theo tôn chỉ phụng sự quốc gia” (trích gọn). Những nguyên tắc này cho tới giờ vẫn áp dụng cho việc cải cách giáo dục của chúng ta, thưa ông?
- Đương nhiên đây là những nguyên tắc cơ bản. Hiện nay, nói đến dân chủ và khoa học, theo tôi phải nhấn mạnh đến tính hội nhập quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại kinh tế tri thức, khoa học phải là khoa học hiện đại. Nguyên tắc dân chủ, trong các trường đại học, theo tôi, dạy và học như thế nào để thực sự thực hiện được tinh thần - tạo môi trường tự do học thuật để chúng ta đào tạo nên những trí thức thoáng rộng cởi mở, có tầm nhìn bao quát, có kiến thức liên ngành, có khả năng tạo sự đổi mới, có tư duy phản biện. Trong lĩnh vực KHXH&NV, vấn đề tự do học thuật càng cần thiết. Tự do tư tưởng trong khoa học giúp người nghiên cứu suy nghĩ, khám phá, sáng tạo. Một báo cáo của một trí thức trong một hội thảo khoa học nếu có những luận điểm khác với vấn đề chính thống phải được phản biện một cách khoa học, trao đi đổi lại, không thể quy kết, chụp mũ… Có vậy, những suy nghĩ độc lập, tư tưởng sáng tạo mới không bị thui chột. Trường đại học cần nuôi dưỡng không khí sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật đối với giảng viên, nhà nghiên cứu. Cần tôn vinh tinh thần tự do học thuật, tự do khám phá, suy nghĩ sáng tạo.
Bốn nguyên tắc cơ bản trên, tôi nghĩ, phải được tiếp tục vận dụng và sáng tạo cho phù hợp. Dân tộc ở đây, theo tôi hiểu là nói đến bản sắc văn hóa. Trong lĩnh vực KHXH&NV, điều này càng thể hiện đậm đà. Ví dụ, chúng ta có truyền thống lâu đời là trọng thi cử. Điều này có mặt tiêu cực nhưng cũng có mặt tích cực, chúng ta nên chú ý đến mặt tích cực. Do đó, đối với việc bỏ thi, xét tuyển, phải nghiên cứu cẩn thận, không phải muốn bỏ là bỏ, nếu không sẽ phạm sai lầm.
Trong tình hình hiện tại, riêng với ngành KHXH&NV, theo ông, chấn hưng và cải cách nên tiến hành song song hay việc nào làm trước, việc nào làm sau. Nếu cho ông toàn quyền quyết định, ông sẽ bắt đầu từ việc gì?
- Để đơn giản hóa vấn đề chị đặt ra, tôi thấy nên dùng từ mà chúng ta đang dùng, đó là đổi mới, vừa đơn giản vừa đầy đủ: Đổi mới không phải là tiến hành cải cách hời hợt bên ngoài mà là một quá trình chuyển đổi mang tính cách mạng sâu sắc, toàn diện.
Theo tôi, cần bắt đầu từ việc xây đội ngũ trí thức - đó là vấn đề then chốt nhất trong cải cách. Chúng ta đã có một thời gian mắc sai lầm, chỉ lo thay đổi nội dung chương trình học, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, cách tính điểm… mà hoàn toàn buông lỏng khâu tăng số lượng, chất lượng thầy cô giáo. Thử tính thế này, 20-30 năm nay, trong giáo dục đại học, lượng sinh viên tăng gấp 10 lần, nhưng lượng thầy cô chỉ tăng 3 lần. Một sự chênh lệch hết sức lớn. Khoảng 2/3 thầy cô giáo trường công chạy ra ngoài dạy thêm, ngoài việc nếu không “chạy sô” họ sẽ không đủ sống, còn là việc các trường tư thục, dân lập thiếu người dạy. Chúng ta đang trong cuộc khủng hoảng lớn là thiếu thầy cô giáo giỏi ở các cấp, từ tiểu học - đại học. Tôi cho rằng, không phải số lượng giảm, mà vì quy mô của chúng ta giờ tăng nhiều, trong khi tỷ lệ của thầy giỏi không tăng tương ứng. Như vậy, đây là điểm yếu chí mạng của chúng ta. Hai ba chục năm nay, trong nhiều ngành, nhiều trường đại học, chúng ta thiếu hẳn cán bộ đầu ngành. Thậm chí do thiếu những vị giáo sư đầu ngành, nhiều ngành học phải gác lại.
Thưa ông, lịch sử và giáo dục là cả một quá trình. Tháng 9.1959, Bác Hồ nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ mẫu giáo có nói: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Thực tế hiện nay, nếu mới chỉ nhìn góc độ cơ sở vật chất thôi, đã thấy người ta dành đất xây cao ốc, trung tâm thương mại nhiều hơn là trường học. Cấp mầm non ít được ngó ngàng. Dưới góc nhìn một nhà sử học (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TPHCM), là một người cha, ông có ý kiến gì?
- Chúng ta trở về với cái vòng luẩn quẩn: Thầy dở dạy trò dở, trò dở sẽ không thành thầy giỏi… Vì vậy, theo tôi, quan điểm thực tiễn là phải có cú hích mạnh, ngắt ngay vào chỗ chính của vòng lẩn quẩn này, đó là người thầy. Cần phải nâng chất “khâu” người thầy lên, để rồi thầy giỏi ắt có trò giỏi. Chúng ta có Dự án đào tạo 20.000 tiến sĩ - dự án mà nhiều trí thức tin rằng không thực hiện được. Tôi nghĩ, ngay cả khi có 20.000 tiến sĩ cũng chưa chắc khắc phục được tình hình, mà phải cần tăng mạnh, nhiều hơn nữa, gấp 3-4 lần con số đó. Như vậy, cần đột phá trong chuyện du học. Mỗi năm chúng ta “chuyển” ra nước ngoài hơn 2 tỷ đôla cho con em du học… Du học tự phát của người dân - có còn hơn không. Nhà nước phải theo kịp nhân dân trong vấn đề đưa người đi du học và phải là người đứng ra lãnh đạo phong trào “du học toàn dân” này. Nước ta là một quốc gia nghèo, thu nhập bình quân ở mức 1200USD/đầu người/năm, nhưng lượng du học sinh ở Mỹ hiện đứng hàng thứ 6-7, thật là một thành tích! Tôi nghĩ, nếu Nhà nước theo kịp dân trong lĩnh vực du học, chúng ta sẽ có đội ngũ trí thức nhiều ở số lượng, cao ở chất lượng đào tạo…
Vấn đề thời sự của giáo dục tuần qua là giảm tải chương trình các cấp học bậc phổ thông. Quan điểm cá nhân ông về việc này? Nếu ở bậc đại học, ví dụ như trường ĐH KHXH&NV TPHCM chẳng hạn, vấn đề giảm tải chương trình nên đi song song với vấn đề tự học của sinh viên?
- Theo tôi, đây không phải là vấn đề giảm tải chương trình mà là thay đổi học chế. Lượng kiến thức của loài người ngày càng lớn. Có những kiến thức xưa học ở đại học, giờ xuống trung học, thậm chí tiểu học. Làm sao học sinh học hết được những gì cần phải học trước khi tốt nghiệp lớp 12. Vì vậy không phải là giảm tải, tăng tải mà là thay đổi cách học. Chuyển sang học chế tín chỉ. Một môn học, giảm 9,10 bài không giải quyết được tận gốc vấn đề. Giảm tải, nếu không cẩn thận, thành ra “Cưỡi ngựa xem hoa”, đại khái, người học không có được kiến thức sâu. Trong học chế tín chỉ, tăng giờ tự học của học sinh lên. So với cách học cũ, phần trình bày của giảng viên trên lớp giảm, trò tự học nhiều hơn. Tự học không phải là câu chuyện đơn giản…
Người ta có nói người làm sử phải có khả năng cảm thông đặc tính của hoàn cảnh… Nếu nhìn vào tình hình giáo dục ở nước ta hiện nay, ông lạc quan hay bi quan, hay là “bi kịch lạc quan”?
- Nhìn mọi việc đều phải có tính lịch sử, phù hợp với điều kiện chủ quan và khách quan trong từng giai đoạn nhất định. Nền giáo dục của chúng ta đang ở giai đoạn đất nước chưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa xong. Do đó, nó mắc nhiều khuyết điểm của một xã hội còn lạc hậu, chưa giàu có. Giàu có vật chất là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để đạt được sự thăng hoa về khoa học, giáo dục… Một dân tộc thật nghèo, lại có một nền giáo dục thật cao là điều không tưởng. Một nền kinh tế hùng mạnh thì mới có khả năng làm hậu cần cho một nền khoa học, hệ thống các công nghệ mạnh mẽ. Không một nền giáo dục nào trên thế giới không có sự đầu tư của nhà nước mà phát triển mạnh. Không thể phó mặc đầu tư giáo dục cho tư nhân. Nhiều lĩnh vực trong giáo dục không đem lại lợi nhuận trước mắt, mà chỉ có lợi ích lâu dài. Tôi không lạc quan cũng không bi quan về nền giáo dục của chúng ta hiện nay. Không lạc quan vì nhìn thấy nhiều hạn chế đang tồn tại, không bi quan vì biết những nguyên nhân hạn chế đó là ở đâu. Tôi rất thích câu châm ngôn của người Ấn Độ: “Thà đốt một que diêm còn hơn là ngồi yên nguyền rủa bóng tối”. Góp sức vào đổi mới giáo dục bằng những việc có thể là nhỏ, nhưng thiết thực.
Xin cảm ơn ông.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý