Nền giáo dục khai phóng
Với cơ cấu kinh tế hiện tại, sẽ thuận lợi cho người tuyển dụng khi có một nguồn vốn người làm công tiềm năng được giáo dục tốt. Kiểu giáo dục mà họ cần là giáo dục xóa mù chữ để người làm công có thể tuân lệnh và làm được những việc kỹ thuật. Cái không được cần đến là giáo dục về nhận thức chính trị; bởi thế có một chuyện hoang đường thịnh hành là chính trị nên đứng ngoài giáo dục.Nhưng cái điều ngược lại hoàn toàn lại chính là điều mà nền giáo dục tổng quát nhắm vào. Nó cần phải là một nền giáo dục chính trị. Bởi vì mục đích của giáo dục phải là giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ ăn lương và toàn bộ nền văn hóa cạnh tranh.
Sự giải phóng của nền giáo dục khai phóng
Pippin, một trong ba diễn giả được đề cập ở phần trước, là người duy nhất đã nhấn mạnh bản chất giải phóng của giáo dục khai phóng. Nhưng ông tập trung vào một hình thức thứ yếu của giải phóng. Ông giống như một người Do Thái ở Palestine sau cuộc chiến tranh của người Do Thái với Đế quốc La Mã (66-70 A.D). Vì người Do Thái thấy rằng không thể thay đổi được chủ nghĩa đế quốc của Đế quốc La Mã – thực ra thì bất kỳ mối bất đồng nào cũng đều bị cấm - nên thay vì vậy, họ tập trung vào việc bảo vệ cá nhân khỏi tội ác và đạt đến sự cứu rỗi đời đời. Tuy vậy, Pippin không ngăn chặn trực tiếp hay hiển ngôn việc nói về nhu cầu giải phóng con người khỏi cuộc sống nô lệ ăn lương, ông đã gián tiếp nói về một số hình thức của phi tự do. Ông nói về nhu cầu giải phóng con người khỏi những niềm tin được kế thừa. Tôi đồng ý với ông, nhưng điều đó vẫn chưa đủ để gọi là giải phóng.
Sự giải phóng thực sự có ý nghĩa là sự giải phóng khỏi sức ép cạnh tranh giành lấy các học vị khoa học của giáo viên hay cạnh tranh giành lấy công việc tương lai của sinh viên, những thứ đơn giản chỉ là một hình thức của cuộc cạnh tranh sinh tồn trong môi trường tư bản chủ nghĩa. Nhưng Pippin cũng tỏ ra không biết gì về tình trạng nô lệ này hoặc ông cố ý im lặng về điều đó. Ông quan tâm đến khả năng tự do lựa chọn quan điểm cho bản thân giữa những quan điểm đối lập. Nói cách khác, Pippin và những người khác, đang theo đuổi sự tự chủ trong nhận thức. Chẳng hạn, kết quả của tự chủ về nhận thức là, một sinh viên có thể từ bỏ tôn giáo của cha mẹ và đi theo tinh thần của khoa học. Theo cách nghĩ của Pippin, một sinh viên như thế đã đạt được sự giải phóng ở một mức độ nào đó. Một người được giải phóng như thế đã học được một số vận động biện chứng trong triết học về tôn giáo và nay đã có thể tự mình nhận thức về thế giới.
Đó có phải là cái mà nền giáo dục khai phóng mang lại cho con người? Một khả năng đứng vững trên cái nền tảng của mình trong mọi cuộc tranh luận? Theo Pippin như thế đủ để gọi là giải phóng. Theo tôi, đó mới chỉ là khởi đầu. Mặc dù giáo dục khai phóng có thể được coi như một thứ đào tạo đấu sĩ cho đấu trường trí tuệ, cuộc đấu tranh thực sự, theo Pippin và Mearsheimer, là trong thế giới cạnh tranh nhằm kiếm sống. Và như thế, đối với họ, thế giới ấy là cái mà nền giáo dục khai phóng chuẩn bị cho sinh viên bước vào.
Một cảm nhận mạnh mẽ hơn về “giải phóng” trong giáo dục khai phóng
Theo tôi, giáo dục khai phóng có mục đích tránh cho chúng ta sự cạnh tranh giữa người với người để tồn tại. Tôi sẽ nói rõ hơn quan điểm này. Tôi không nói rằng giáo dục khai phóng giải thoát chúng ta khỏi việc lao động để kiếm sống. Để làm được điều này chúng ta phải đấu tranh với tự nhiên – với trái đất và những gì đang tồn tại trên mặt đất, trong lòng đất, và trên không gian ngoài trái đất. Và cái mà chúng ta cần trong cuộc đấu tranh này là tất cả những tri thức mà khoa học và kỹ thuật mang lại cho chúng ta. Đây là tình huống của Robinson Crusoe trước khi Friday đặt chân đến hoang đảo. Nhưng ngoài thế giới tự nhiên, còn có những con người mà chúng ta phải đấu tranh với họ, và họ bị khuất phục với chiến lược độc quyền đất đai. Và đó là nguồn gốc của hầu hết mọi cuộc chiến tranh.
Và nếu bản thân chúng ta không thực sự nhắm tới mục tiêu độc quyền, trong khi người khác thì có; chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của họ. Luật chơi là như thế này: ai cũng cần đất đai để kiếm ăn và để nương náu. Bây giờ nếu chúng ta có thể xoay xở để người khác đem lại cho chúng ta những gì họ đã thu hoạch được và sức lao động của họ, thì chúng ta sẽ không phải lo lắng về sinh tồn của mình; thực ra lúc đó chúng ta sẽ lo sao cho mình có được cuộc sống sang trọng, tráng lệ, huy hoàng. Vậy, làm cách nào chúng ta có thể sai khiến người khác làm việc cho mình? Chúng ta có thể bắt nạt họ bằng cách biến họ thành nô lệ. Hay chúng ta có thể chiếm nguyên hòn đảo (như Crusoe tuyên bố chủ quyền của mình với toàn bộ hòn đảo), và bất cứ ai muốn sống trên mảnh đất của chúng ta sẽ phải sống theo luật lệ của chúng ta - tức cống nạp và lao động phục vụ. Và dĩ nhiên là càng có nhiều đất đai, càng có nhiều lao động và vật triều cống. Phần lớn lịch sử loài người là lịch sử chiến tranh của những người chủ đất tham lam muốn có thêm nhiều đất đai hơn nữa.
Hãy thử xem xét việc phân chia đất đai ở nước Mỹ. Mặc cho cái gọi là Cách mạng Mỹ, luật sở hữu tài sản kế thừa của nước Anh vẫn không thay đổi, kết quả là sự diệt chủng của người da đỏ, tình trạng nô lệ của người châu Phi, và hệ thống nô lệ làm công ăn lương hiện tại. Tôi nói “nô lệ làm công ăn lương” bởi vì người ta bị buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh kinh tế này. Ai đã bắt buộc chúng ta phải làm như thế? Chà! Đó là Chính phủ Mỹ! Chính phủ đã bắt người da đỏ ở Bắc Mỹ ổn định trong vùng đất dành riêng cho bộ lạc người da đỏ ở Mỹ, và điều đó khiến mọi người trong thực tế trở thành kẻ lao động ăn lương. Và tại sao lại như thế? Bởi vì chính phủ đại diện cho quyền lợi của những kẻ độc quyền, họ chính là những kẻ đã tạo ra và duy trì cái chính phủ này.
Quần chúng là những mảnh vụn bị hy sinh trong trò chơi độc quyền này. Nhưng chẳng lẽ chúng ta không có nền dân chủ? Vâng, chúng ta có, nhưng đó không phải là nền dân chủ được giáo dục theo tinh thần giải phóng. Giáo dục khai phóng cần để làm cho người ta đồng ý với những chính sách hợp lý. Ngay bây giờ, quần chúng là một dàn tạp âm lặp đi lặp lại những điều khích động và quen thuộc đối với cảm xúc. Quần chúng bị rối bời vì sự khích động có chủ ý của các phương tiện truyền thông giải trí và các thứ tin tức đủ loại, vì những chuyện giật gân, mặc dù trong một bối cảnh lớn hơn, đó là những chủ đề vớ vẩn. Và ngay cả nếu như quần chúng tập trung chú ý vào những vấn đề quan trọng, họ cũng không biết cách thảo luận những vấn đề sao cho đi đến một thỏa thuận hợp lý. Điều quan trọng là nước Mỹ có một dân số khoảng 300 triệu người, trong đó khoảng 8 triệu người thất nghiệp, và 2 triệu người trong nhà tù. Quy mô dân số lớn bao nhiêu thì là đáng mong muốn, hay có thể xoay xở được? Tại sao lại có cảnh thất nghiệp? Có mối tương quan nào chăng giữa thất nghiệp và tình trạng bị bỏ tù?
Với cơ cấu kinh tế hiện tại, sẽ thuận lợi cho người tuyển dụng khi có một nguồn vốn người làm công tiềm năng được giáo dục tốt. Kiểu giáo dục mà họ cần là giáo dục xóa mù chữ để người làm công có thể tuân lệnh và làm được những việc kỹ thuật. Cái không được cần đến là giáo dục về nhận thức chính trị; bởi thế có một chuyện hoang đường thịnh hành là chính trị nên đứng ngoài giáo dục. Nhưng cái điều ngược lại hoàn toàn lại chính là điều mà nền giáo dục tổng quát nhắm vào. Nó cần phải là một nền giáo dục chính trị. Bởi vì mục đích của giáo dục phải là giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ ăn lương và toàn bộ nền văn hóa cạnh tranh.
Cái điều đang bị thiếu vắng trong nền giáo dục tổng quát hiện tại là sự mài sắc những kỹ năng và khao khát cố gắng đạt đến sự thỏa thuận. Thay vì vậy, mục đích là, như đã phân tích về Pippin, hướng sự chú ý vào việc đạt đến tự chủ cá nhân. Càng có nhiều cá nhân tự chủ, càng nhiều sự bất đồng, nhưng không có nhiều thiện chí đạt đến sự thỏa thuận. Cả ba giáo sư nêu trên có vẻ như hài lòng là sự bất đồng đang nở rộ ở ĐH Chicago. Không ai trong số họ tỏ ra quan ngại chút gì về sự đồng thuận. Tại sao vậy? Bởi vì họ đang nghĩ đến những vấn đề học thuật nằm ngoài đạo đức. Bất đồng không thành vấn đề đối với mọi vấn đề học thuật: đó là những chuyện không có hậu quả thực tế, ít ra là theo cách trực tiếp và có thể thấy trước. Nhưng bên cạnh những vấn đề học thuật còn có những vấn đề sống còn, những quyết định quan trọng và bắt buộc phải thực hiện trong cuộc sống. Chẳng hạn, để tập trung vào khía cạnh chính trị ở ĐH Chicago, năm 1998 hội đồng giảng viên nhà trường đã bỏ phiếu để giảm các môn chung cốt lõi và mở rộng số lượng sinh viên ở bậc ĐH. Liệu họ có đi đến những quyết định như thế thông qua những cuộc thảo luận dựa trên lý trí? Chà, điều này thì còn phụ thuộc vào chỗ những cuộc thảo luận dựa trên lý trí có mục tiêu đạo đức, hay mục tiêu mang lại những lợi ích thiết thực hơn. Trong trường hợp này, cân nhắc đạo đức sẽ là liệu thay đổi như thế có lợi hay có hại cho sinh viên. Nhưng, với tất cả những gì tôi biết, điều này có lẽ chưa bao giờ được đặt ra để tranh luận. Nguyên tắc cơ bản ở đây hầu như chắc chắn là sự sống còn của từng giáo sư trong trường và của ĐH Chicago, người trả lương cho họ. Giảng viên lập luận rằng nếu hy sinh sự nghiêm khắc thì sẽ có thêm nhiều người xin vào học, và như thế sẽ có thêm nhiều khách hàng trả tiền cho nhà trường. Đằng sau những lập luận ấy đối với các giáo sư, rốt cuộc, là sự sinh tồn của họ.
Thế còn giáo dục khai phóng thì sao? Theo trình bày của nhiều giảng viên khác nhau, thì họ đều có vẻ hài lòng với việc sản xuất ra các nhà ngụy biện, và việc giảm bớt các yêu cầu cốt lõi của chương trình sẽ chẳng có mấy ảnh hưởng tới điều đó. Vì giảng viên hình như không thực sự hiểu thế nào là giáo dục tổng quát, hay nếu có, họ nghĩ rằng chẳng có lợi ích thiết thực gì cho họ về mặt chính trị khi tuyên bố về sự hiểu biết ấy, một sự thay đổi nơi này nơi khác trong chương trình đào tạo có vẻ chẳng tạo ra một sự khác biệt sinh tử nào. Nhưng từ quan điểm đạo đức, cái mà họ không muốn nhìn nhận hoặc e sợ khi nhìn nhận - một nền giáo dục khai phóng cần trao quyền cho các cá nhân để họ cố gắng đạt đến sự thỏa thuận với người khác, về những điều có lợi cho tất cả mọi người về mặt chính trị hay kinh tế.
Về cái gọi là Chương trình đào tạo cho Giáo dục tổng quát
Một trường đại học là một tập hợp các khoa, và mỗi khoa đều muốn sinh tồn và phát triển mạnh. Điều này được thực hiện bằng cách có được nhiều sinh viên đăng ký học các môn do khoa mình đưa ra như những môn học hoặc bắt buộc hoặc tự chọn. Nếu chúng ta họp tất cả các trưởng khoa lại và thảo luận về chương trình cốt lõi, mỗi trưởng khoa đều sẽ cố thuyết phục rằng môn tổng quan về chuyên ngành của khoa ấy phải là môn bắt buộc. Kết quả của tâm lý sinh tồn ấy là sự thỏa hiệp trong phân bố các môn bắt buộc: quá nhiều tín chỉ của khoa tiếng Anh, quá nhiều tín chỉ của khoa học tự nhiên, của khoa học xã hội, của khoa học nhân văn, v.v. Và những cái đó được đưa ra như “giáo dục tổng quát”. Liệu họ có từng thảo luận về bản chất của giáo dục khai phóng chăng? Tôi lấy làm ngờ về điều đó. Chừng nào mà chính sách giáo dục còn là việc của hội đồng giảng viên, thì kết quả chắc chắn sẽ là một hình thức tiếp cận theo lối phân bố các môn như vậy.
Quan điểm của tôi là nội dung của giáo dục tổng quát về cơ bản phải là những vấn đề đạo đức, nhất là những vấn đề thuộc chính trị. Chẳng hạn, trong lịch sử, tôi nghĩ rằng những tác phẩm của Charles Beard, đặc biệt là “Diễn giải kinh tế về Hiến pháp Mỹ”, là rất cần. Về các nhà lịch sử và bình luận gia đương đại, tôi nghĩ Howard Zinn và Noam Chomsky đang trình bày những vấn đề rất quan trọng. Những tác phẩm ấy quan trọng bởi vì các tác giả đã nhìn lịch sử và mọi sự kiện từ quan điểm của đạo đức.
Nội dung của giáo dục tổng quát phải là những vấn đề đạo đức được đặt ra thông qua lịch sử, nhân học, xã hội học, kinh tế và chính trị. Và những vấn đề này cần được thảo luận cùng với việc phản ánh bản chất của đạo đức và bản chất của cuộc thảo luận, chẳng hạn như thông qua nghiên cứu về thuật hùng biện và logic học. Vì thảo luận được thực hiện thông qua ngôn ngữ, cần có những nỗ lực để phát triển khả năng ngôn ngữ.
Thảo luận nghĩa là gì?
Theo tôi biết, ví dụ duy nhất về những cuộc thảo luận chính cống là cuộc đối thoại của triết học Plato. Đây là những cuộc đối thoại (chỉ có hai người thảo luận), và quan hệ tối thiểu giữa họ là như sau. Một người nêu ra một nhận định, rồi người kia đáp ứng bằng cách đồng ý, hoặc đòi hỏi làm rõ những điều mơ hồ hay tối nghĩa, hoặc tạm thời ngưng phán đoán. Mỗi nhận định đều có sự đáp ứng như vậy. Chừng nào đạt đến sự đồng thuận, thì không còn cuộc thảo luận nữa. Một cuộc thảo luận được sinh ra chỉ khi có những điểm bất đồng. Và mục đích của những cuộc thảo luận theo tinh thần Socrates không phải để chiến thắng, mà để đạt đến sự đồng thuận.
Cái xảy ra cho một cuộc thảo luận trong những seminar hay trao đổi ý kiến nơi công cộng thì giống như một loạt bài giảng mini với những luận điểm hoặc chẳng có luận điểm nào. Một người nói về điều mình nghĩ, rồi đến một người khác, rồi một người khác nữa. Không có lấy một nỗ lực nào thậm chí chỉ để biết người khác đồng ý hay không đồng ý với những ý kiến ấy. Một cuộc thảo luận thực sự đòi hỏi sự phản hồi với từng nhận định, từng ý kiến. Chẳng hạn, nếu một người trình bày một luận cứ và một kết luận không được chấp nhận, đó phải là do sự không hiệu lực hay không lành mạnh của luận cứ. Nhưng để có thể hiểu được ngay cả điều này, thì người ta cũng phải có ít nhiều kiến thức, kỹ năng, và tin vào logic. Và giáo dục khai phóng cần đem lại sự tinh tế ấy của logic.
Những ý kiến kết luận về Mearsheimer, Pippin, và Abbott
Mearsheimer: Mặc dù đánh giá cao phân tích của Mearsheimer về các sự kiện quốc tế vì nó được trình bày ít ra là từ một cách nhìn có ý nghĩa đạo đức, định nghĩa hiển ngôn của ông về giáo dục khai phóng với sự đào tạo những kỹ năng tri nhận ngoài phạm vi luân lý đã đập vào mắt tôi như một sự sai lầm hoàn toàn. Theo quan điểm của tôi, bản chất cốt lõi của đạo đức là tôn trọng những thỏa thuận, và giáo dục khai phóng là một nền giáo dục nhằm đạt tới sự đồng thuận dựa trên lý trí.
Pippin: Pippin nhấn mạnh vai trò của giải phóng trong giáo dục khai phóng. Nhưng sự giải phóng mà ông tìm kiếm là sự giải phóng khỏi sự cưỡng bách nội tại và ngoại tại. Ông muốn tạo ra những con người suy nghĩ một cách tự chủ. Như thế cũng tốt, nhưng có hai điểm bị khiếm khuyết trong quan điểm của ông. Một là bản chất xã hội của giáo dục khai phóng. Nó không mang ý nghĩa thúc đẩy sự khai sáng riêng tư, mà là sự đồng thuận liên quan đến mọi người. Hai là điều kiện nô dịch hóa của trật tự xã hội. Nhưng có lẽ ông đã không biết gì về việc trật tự xã hội đã biến con người thành nô dịch như thế nào, vì bản thân ông là người nhận được khoản tài trợ có lẽ lớn nhất xưa nay dành cho một học giả.
Abbott: Abbott tuyên bố rằng giáo dục khai phóng không có mục đích vì rằng được giáo dục theo tinh thần giải phóng có nghĩa là học cách trải nghiệm thế giới từ một quan điểm phong phú hơn. Nếu chúng ta phân biệt cái thiện nội tại với cái thiện công cụ, thì cũng như Socrates, Abbott đã tìm thấy cái thiện trong những cuộc thảo luận dựa trên lý trí. Những hoạt động thực sự có bản chất thiện tự nó đã là một phần thưởng, và Abbott có vẻ say sưa với điều này; vì vậy, ông không thấy giáo dục khai phóng có mục đích nào xa hơn.
Giờ đây Plato đã hoàn toàn ý thức được bản chất quyến rũ của triết học (và của tri thức) khi ông trình bày câu chuyện ngụ ngôn về cái hang động. Cái hang động biểu hiện thế giới đời sống hàng ngày, và nếu cái hang động cầm giữ những tù nhân bị xiềng xích và bị bắt buộc phải nhìn vào bóng tối, thì đối với Plato – tuy không phải đối với Abbott – vai trò của các triết gia, hay là của một người được giáo dục trên tinh thần khai phóng, là quay trở lại cái hang động ấy và cố gắng mang lại tự do cho những người tù ấy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ