Giáo dục là hàng hoá?

05:42 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

-Hiện nay có ý kiến cho rằng cốt lõi đổi mới tư duy giáo dục là phải thừa nhận giáo dục là hàng hoá, coi giáo dục là thị trường, không để giáo dục quay lưng với kinh tế thị trường. Giáo sư có ý kiến gì về quan điểm đó? Phải chăng đó là liều thuốc có thể chữa trị các căn bệnh trì trệ, bất cập, tụt hậu của giáo dục như nhiều người mong muốn?

Vấn đề đâu phải đơn giản như vậy. Có điều chắc chắn đây không phải là cốt lõi chuyện đổi mới tư duy giáo dục; thậm chí nếu giải quyết không đúng có thể đẩy giáo dục tụt hậu thêm nữa. Có người bảo: cả thế giới đều coi giáo dục là hàng hoá, tại sao chúng ta không làm như họ? Tôi có cảm tưởng chúng ta quá liều, chưa nghiên cứu kỹ tình hình ở cac nước, chưa biết rõ người ta làm như thế nào đã vội khẳng định. Thật ra quan niệm “giáo dục là hàng hoá” có nhiều cách hiểu rất khác nhau, cho nên cuộctranh luận dễ lâm vào cảnh ông nói gà bà nói vịt.

Thực tế nhất, theo tôi là không dựa vào những danh từ, thuật ngữ có thể hiểu theo nhiều cách, mà hãy xem chúng ta muốn gì? Muốn phát triển mạnh trường tư? Muốn chuyển bớt gánh nặng tài chính cho nhân dân, muốn xã hội hoá giáo dục thật mạnh mẽ để mở rộng quy mô đại học, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân? Muốn mạnh dạn mời gọi các nhà đầu tư, kể cả nước ngoài, mở nhiều trường tư, nhất là đại học tư, trong nước? Muốn dùng cơ chế thị trường, tạo ra động lực cạnh tranhmạnh mẽ, để tăng hiệu quả các hoạt động giáo dục? Muốn trao quyền tự quản rộng rãi cho các đại học? Tât cả những việc đó không chỉ cần thiết mà cực kỳ cần thiết, lẽ ra phải làm tđời bộ trưởng trước nữa cơ. (tôi còn nhớ hồi 1988, tôi cùng với 4 anh chị khác đã từng mất nhiều buổi đi hầu các cơ quan quản lý giáo dục để xin mở trường tư đầu tiên sau 1975, mà cuối cùng chỉ được mở “trường dân lập”- TTĐH Thăng Long - và chẳng phải dễ dàng gì). Vậy những việc đó chưa làm được là do trở ngại gì, có phải vì không thừa nhận giáo dục là hàng hoá, hay vì nguyên nhân nào khác? Và ngoài những yêu cầu rất chính đáng nói trên, khi nói giáo dục là hàng hoá thì còn có đòi hỏi gì nữa? Nói thẳng ra, hàng hoá nói đây là hàng hoá để mua, bán (tradable commodity), với mục đích kiếm lời, còn thị trường là nơi hay cơ hội mua, bán hàng hoá đó. Hiểu như thế thì tất nhiên những sản phẩm như sách vở, các phần mềm hỗ trợ tự học, bàn ghế, thiết bị, công cụ học tập,… đều là hàng hoá theo đúng nghĩa; còn các văn bằng, chứng chỉ về học tập thì không thể chấp nhận là hàng hoá, tuy ở Mỹ (và VN) người ta vẫn bán những văn bằng chứng chỉ với giá rất rẻ nhưng đó là hàng rởm, lợi dụng tâm lý sùng bái bằng cấp mù quáng để trục lợi bất chính. (Ở Mỹ thứ hàng này chỉ bán được cho các nước chậm phát triển, chứ không tiêu thụ nổi trong nước họ). Và đương nhiên giáo dục không thể quay lưng với kinh tế thị trường, theo nghĩa là giáo dục phải chú ý các nhu cầu của xã hội , của thị trường lao động để tìm cách đáp ứng tốt nhất các nhu cầu ấy - tuy rằng giáo dục còn phải nhìn xa hơn, phải chú ý nhu cầu phát lâu dài của xã hội. Và không chỉ nhu cầu vật chất, mà quan trọng không kém là nhu cầu tinh thần, không chỉ nhu cầu quốc gia mà cả nhu cầu nhân loại. Nói chung cơ chế thị trường rất tốt trong ngắn hạn, còn lâu dài thì phải có tầm nhìn thông minh, sáng suốt. Cạnh tranh cũng vậy, đó là công cụ cần thiết, hết sức cần thiết nhưng không phải là tất cả, và không phải ở bất cứ lĩnh vực nào cạnh tranh mạnh đều tốt. Đó là kinh nghiệm sơ đẳng của các nước văn minh. Do đó từ hàng trăm năm nay ở các nước mà thị trường cực kỳ phát triển như Mỹ, hầu như cái gì cũng mua bán được, nhưng động tới giáo dục thì người ta phải suy nghĩ. Đây là vấn đề rất nhạy cảm.

-Thưa giáo sư, nếu ở các nước văn minh từ lâu người ta không coi giao dục là ngành kinh doanh thì tại sao mấy năm gần đây lại xuất hiện quan niệm giáo dục là hàng hoá và đang có sự vận động để quan niệm ấy được chấp nhận trong quan hệ buôn bán giữa các nước?

Điều này không khó giải thích. Do toàn cầu hoá dẫn đến nhu cầu trao đổi giáo dục xuyên quốc gia, rồi công nghệ thông tin phát triển. Mở ra cơ hội kinh doanh giáo dục qua mạng. Mặt khác, nhu cầu học tiếng Anh dùng tiếng Anh làm chuyển ngữ giảng dạy làm phát sinh nhu cầu của các nước chậm phát triển muốn nhập khẩu giáo dục của các nước tiên tiến, chủ yếu các nước nói tiếng Anh (Mỹ, Anh, Australia, New Zealand). Do đó các nước này không bỏ lỡ cơ hội, ra sức tuyên truyền và biện minh cho việc tự do hoá, việc này tuy có yếu tố tích cực nhưng không phải không có những mặt tiêu cực nếu ta không thận trọng. Dù sao cũng có thể thấy rõ quan điểm giáo dục là hàng hoá chủ yếu nhằm các quan hệ buôn bán giữa các nước.

VN mới chuyển sang cơ chế thị trường chưa lâu, sự cạnh tranh lành mạnh còn chưa quen lắm, dân trí cũng như mức sống còn thấp, thế mà xu hướng tiêu cực đã phát triển khá mạnh. Trong tình hình ấy tôi không nghĩ rằng sẽ là khôn ngoan nếu ta còn muốn đi xa hơn cả những nước phát triển nhất. Có người đề nghị sau5 năm trường tư phải chiếm tỷ lệ 40-50% (về số học sinh), phải chuyển một số trường công ra ngoài công lập, tiến tới cổ phần hoá các đại học công, tạo ra một thị trường giáo dục sôi động, đó là “khoán 10” trong giáo dục! Trong lúc các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên mà vẫn cứ duy trì để tiếp tục gây những món nợ khổng lồ đè lên cổ người dân, trong lúc tự do kinh doanh còn bị hạn chế và độc quyền còn ngự trị phi lý trong nhiêu lĩnh vực, trong lúc nạn dối trá tham nhũng còn đầy dẫy, và nhân dân còn bất bình với biết bao biểu hiện tiêu cực đã và đang làm tha hoá học đường, nay nếu lại tiến xa thêm nữa trên con đường thương mại hoá giáo dục, thì mọi người dân sẽ nghĩ gì?

Về nguyên tắc chưa nên khẳng định hay bác bỏ quan điểm giáo dục là hàng hoá, vì chưa đủ yếu tố. Hơn nữa đây chưa phải là chuyện cấp bách nhất vào lúc này. Tất cả những gì muốn thực hiện, như trên đã nói, đâu có cần gì phải xem giáo dục là hàng hoá. Sự yếu kém của giáo dục chủ yếu không phải là do thiếu nguồn lực, mà chính vì không biết sử dụng nguồn lực, vì sử dụng nguồn lực quá lãng phí. Nghèo mà xài lãng phí như ta về giáo dục, đó là điều không thể chấp nhận khi đẩy mạnh xã hội hoá. Tiềm năng của giáo dục còn nhiều, không ra sức khai thác, phát huy tiềm năng ấy mà chỉ nghĩ đến xã hội hoá không thôi thì khác nào gió vào nhà trống.

-Hiện nay nhiều đại học của ta bắt đầu nói tới xây dựng “thương hiệu của đại học”, giáo sư có cho rằng đó là xu hướng tích cực? Phải chăng mỗi đại học cần có “Thương hiệu” như các như các công ty, các doanh nghiệp thì mới phát triển tốt? Các nước họ có làm như vậy không?

Theo tôi biết ở các nước họ chỉ nói tới danh tiếng, uy tín của đại học, không ai nói thương hiệu. Mà họ rất quý trọng danh tiếng, họ gìn giữ nó cũng tương tư như các doanh nghiệp gìn giữ thương hiệu. Ở nhiều đại học người ta tôn vinh một giáo sư chỉ với lý do đã làm tăng danh tiếng đại học, mà không cần kể lể dông dài những việc cụ thể đã làm. Khi một người trẻ đi tìm việc làm, nếu anh ta tốt nghiệp từ một trường danh tiếng thì đó là lợi thế rất lớn. Và cũng vì vậy mà bằng cấp đều do từng trường cấp, chứ không phải là như ở ta, dù học trường nào cũng đều do bộ cấp. Việc một trường tư tự tuyên bố là một tổ chức không vì lợi cũng góp phần tăng uy tín của nó.

-Theo giáo sư năm 2005 ngành giáo dục cần có những thay đổi gì để giảm bớt bức xúc của xã hội và đáp ứng mong mỏi của người dân? Có thể hi vọng có đột phá gì không?

Câu hỏi này nên nhường Bộ GD và ĐT trả lời. Tôi có cảm giác ở thời đại tốc độ, thiên hạ chạy không kịp thở mà tathì vẫn cư đủng đỉnh, vừa đi vừa nhấm nháp thành tích, sợ quên quá khứ mà ít nghĩ đến tương lai. Như việc thi cử năm nay vẫn chưa có thay đổi có bản. Nói cho công bằng cũng đã có nhúc nhích. Ví dụ tôi nghe nói từ lớp 3 trở xuống trẻ em sẽ làm mọi bài vở ở trường, về nhà không phải học thêm, làm bài thêm. Chỉ một tin như thế đủ mừng cho cả xã hội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi trẻ em phải đi học từ 7 giờ sáng đền 9 giời tối, và ngay tại các thành phố lớn, học sinh tiểu học, trung học vẫn còn phải thi học kỳ từng môn dưới sự tổ chức và chỉ đạo của sở hay phòng GD. Như thế thì đâu có đổi mới tư duy gì. Trong tình hình hiện nay, chỉ có cải thiện một cách cơ bản chính sách sử dụng thầy giáo (trong đó có vấn đề chế độ trả lương) mới mong có đột phá gì. Nhưng xem ra còn nhiều khó khăn vì một mình ngành giáo dục không thể giải quyết vấn đề này nếu cấp cao nhất chưa ra tay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: