Năm Hổ nói chuyện... báo
Cuối năm, tiếp xúc với một ông bạn quan chức đầu tỉnh, ông ấy thẳng tưng: Xưa người ta sợ hổ, nay người ta sợ báo. Báo ở đây là phương tiện thông tin đại chúng. Ngẫm cũng đáng nghĩ. Câu nói vừa hàm chứa trách móc, răn đe và nhiều phần ghét bỏ.
Ai sợ báo?
Trước hết, có lẽ là mấy ông làm ăn tào lao. Báo chí là đưa tin. Thói thường tốt khoe xấu che. Ai chẳng muốn che cái xấu. Nhưng quả là khó làm điều đó với mấy ông nhà báo mắt diều hâu, mũi chó sói. Nhất là mấy tay nhà báo cực đoan, chuyên đi săn tin kiểu một tin xấu là một tin tốt.
Báo chí làm sáng tỏ những vấn đề cuộc sống đặt ra. Ông nào khuất tất hẳn phải sợ báo. (Mà ngay cả chữ khuất tất ở đây cũng cần phải làm sáng tỏ, xưa nó mang nghĩa là khụy đầu gối xuống, nay lại chuyển nghĩa là làm điều gì đó mờ ám. Thế đấy, nhà báo luôn làm nhiều việc và... lắm chuyện đến phát sợ!).
Chẳng sợ mà công chức bây giờ ghi vào vạt áo phương châm: Không giây với nhà báo (Không lếu láo với cấp trên/Không đưa hết tiền cho vợ).Quan chức cũng truyền nhau 5 điều răn: Không lơ là với nhà báo (Không lếu láo với cấp trên/Không quên các bậc tiền bối/ Không bối rối với chị em/Không lèm nhèm với cấp dưới).
Báo có đáng sợ?
Xin thưa, câu trả lời là có. Đây là vấn đề toàn cầu. Trong một bài phát biểu sau khi mãn nhiệm, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói: “Báo chí truyền thông 24 giờ ngày nay như con thú hoang, nó đang xé con người và thanh danh trong đời sống xã hội của họ ra thành từng mảnh. Ông nhấn mạnh, ông nói ra điều này không phải như một lời phàn nàn, mà như một đối chứng sau 10 năm ở ngôi cao quyền lực trong vai trò Thủ tướng, te tua nhiều với báo chí – truyền thông và đã trải nhiều kinh nghiệm thương đau, cả vui lẫn buồn. (Prime Minister Tony Blair’s Reuters speech on public life on 12 June 2007).
Theo nhà báo Ola Sigvardsson, Tổng biên tập Báo Corren, Thụy Điển, trong hơn 250 năm hình thành báo chí tự do ở nước này, có ít nhất 3 lần các chính khách e sợ báo chí và muốn hạn chế báo chí, muốn trói chân chú báo đáng sợ. Đấy là từ 1766, khi vương quyền được nới lỏng, công cuộc đổi mới báo chí diễn ra mạnh mẽ, báo chí được tự do viết, nhưng nhìn lại báo chí thời đó sẽ thấy nhiều phản cảm so với ngày nay. Lần thứ hai vào những năm sau 1915, bùng nổ số lượng người đọc báo. Nhiều tờ báo mới ra đời, tự do cạnh tranh, tự do viết về bạo lực đẫm máu, tình dục... Các chính trị gia lại muốn kìm hãm báo chí. Đến năm 1960, báo chí lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bị siết lại khi nó đi vượt quá đạo đức xã hội, nghề nghiệp. Cả 3 lần, sự kìm hãm báo chí đều không xảy ra, bởi báo chí đã tự điều chỉnh kịp thời với gói giải pháp: Lập câu lạc bộ những nhà xuất bản báo để đưa ra đạo đức báo chí (1784), lập tòa án danh dự để bảo vệ người bị báo chí xúc phạm (1916), lập tổ chức tự thanh tra báo chí (1960). Sau mỗi lần như vậy, con báo giấy lại tiến hóa hơn rất nhiều về đạo đức, về tính nghiêm túc và tính chuyên nghiệp.
Quá trình tiến hóa với sự khẳng định của vai trò đạo đức báo chí đã làm cho báo chí Thụy Điển ngày càng chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Nhưng, đến nay, truyền thông ở Thụy Điển lại nảy sinh vấn đề mới, không phải ở báo chí mà là ở internet. Con báo điện tử mới thật là ngông cuồng và hung hãn. Con báo điện tử ngày nay mới thật là đáng sợ. Những gì mà báo in đã không còn làm vì đạo đức, thì báo điện tử sẵn sàng làm. Thụy Điển bây giờ đang muốn sửa đổi luật báo chí, điều chỉnh cả internet, nhưng họ lại còn ngần ngại không biết có làm hạn chế tự do báo chí đi không?
Bởi, cũng giống như lời ông Tony Blair đã dẫn ở trên, một mặt ông cay đắng với báo chí truyền thông 24 giờ, mặt khác ông cũng khẳng định: Báo chí tự do là một phần quan trọng của xã hội tự do.
Let it be
Như vậy, trên phạm vi thế giới, trải mấy trăm năm, kéo dài đến xã hội văn minh ngày nay, rất nhiều lần người ta sợ, muốn buộc chân báolại. Tuy nhiên, người ta đã rất minh triết khi đã không làm điều đó, mà chỉ tác động để nó tự điều chỉnh theo hướng luật pháp, đạo đức, chuyên nghiệp.
Ở Việt Nam cũng không khác. Phương châm quản lý tốt để phát triển tốt cũng là một quan điểm tích cực và tiến bộ không kém các nước có lịch sử báo chí dài hơn gấp đôi. Dự án liên kết quốc tế để phát triển báo chí Việt Nam do Cục Báo chí trực tiếp xây dựng và thực hiện trong hơn một thập niên qua là minh chứng, làm nên một diện mạo đổi thay đáng ngạc nhiên.
Một vài quan chức đầu tỉnh nào đó, nếu có ghét bỏ hổ hay báo thì cũng dễ hiểu, khi họ chỉ nhìn vào mặt trái của tấm huy chương. Sự nhìn nhận có tính cá nhân, nhất thời và phiến diện có thể gây tổn thất cho cân bằng sinh thái xã hội. Theo G. Troieponski, ở Liên Xô trước đây, một dạo Liên đoàn săn bắn ra quyết định về việc cần tiêu diệt chim ác là, dường như là trên cơ sở quan sát của một số nhà sinh vật học nào đó. Người ta nghĩ ác là chuyên đi phá hoại các tổ chim, đánh cắp trứng. Mà không nghĩ rằng nhờ ác là, các loài chim biết xây tổ tốt hơn. Tận diệt ác là để cứu rừng nhưng thực tế là làm chết rừng. Bởi chúng là những chiến sĩ vệ sinh viên xuất sắc và là bạn đường của xã hội loài người. Nó giúp làm sạch rác rưởi, cũng như nhà văn trào phúng quét sạch những rác rưởi tinh thần trong xã hội . Rồi diều hâu, rồi quạ xám, cũng bị số phận định đoat oan khuất như vậy. Đặc biệt là chó sói. Diệt được một con chó sói được thưởng 300 rúp. Nộp một cặp cẳng diều hâu hoặc ác là được thưởng 10 côpêc (tiền cũ).
Mọi việc đã khác ngay sau đó, lệnh cấm tiêu diệt được phát ra mạnh mẽ hơn cả lệnh tiêu diệt. Còn giờ thì chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã đang triển khai ráo riết trên toàn thế giới, như là chuyện đương nhiên.
Người ta không ai còn nghĩ khác, không ai còn sợ ác là, sợ quạ xám, sợ chó sói.
Và cũng sẽ không ai còn sợ... báo!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh