Cương lĩnh: Những quan niệm chưa nhất quán
1- Cương lĩnh dự thảo 2011 chỉ nêu lên phương hướng mà không thấy nêu lên và làm rõ thực chất thời kỳ quá độ là gì? Mặc dù chúng ta đã có nghiên cứu về thời kỳ quá độ.
Sau khi nói về nội dung và đặc trưng của xã hội XHCN mà chúng ta sẽ xây dụng thì Cương lĩnh dự thảo 2011, khẳng định: “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”. Nhưng cả sau đó không thấy làm rõ “thời kỳ quá độ” là gì? Vậy liệu có hợp lý không khi cương lĩnh là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH?
2- Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng lại xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Cũng có người nhận xét đáng suy nghĩ: “Dự thảo phải tiếp tục gắn mác “xã hội chủ nghĩa” cho một loạt khái niệm mà nội hàm không rõ, chưa được (và chưa thể) xác định như: Tổ quốc XHCN, cơ chế thị trường (định hướng) XHCN, dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN… Nói cho cùng, giả sử có minh định được nội hàm của các khái niệm đó, thì cũng không có ý nghĩa gì, trong khi cả xã hội đang trong giai đoạn hướng tới sự phát triển XHCN (có nghĩa là nó chưa có) mà các thể chế của nó thì đã là XHCN rồi.” (Bùi Đức Lại).
Trong thực tế, xét mặt trình độ và công nghệ, ý thức dân chủ thì dân chủ và nhà nước ở nước ta còn thấp thua các nước TBCN, và cơ sở kinh tế cũng còn thấp, vậy tại sao kinh tế thì định hướng XHCN còn dân chủ, nhà nước đều đã là XHCN?
Vấn đề là khi chưa có nền kinh tế thị trường XHCN với trình độ lực lượng sản xuất còn thấp và ngay cả khi “đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, thì không có thể trên đó có nền dân chủ XHCN hay nhà nước pháp quyền XHCN, nhất là khi xét về trình độ phát triển, nghĩa là, chỉ là nền dân chủ định hướng XHCN.
Chỉ có thể nói về nền dân chủ định hướng XHCN, tức nền dân chủ nhân dân, nhà nước pháp quyền dân chủ nhân dân tương ứng với chế độ kinh tế dân chủ nhân dân (kinh tế thị trường nhiều thành phần định hướng XHCN). Thời kỳ định hướng XHCN là tương ứng với thời kỳ quá độ lên CNXH mà thực chất là chế độ dân chủ nhân dân theo nghĩa rộng và nghĩa hiện đại. Khẳng định như vậy là gọi đúng tên sự vật, đúng bản chất chế độ kinh tế xã hội hiện nay và sắp tới. Xây dụng đất nước trong thời kỳ quá độ nhưng là xây dựng chế độ xã hội nào, chưa phải là chế độ XHCN một cách trực tiếp và đúng nghĩa mà đó là chế độ dân chủ nhân dân - chế độ CNXH sơ khai (chứ chưa phải sơ cấp). Tuy nhiên, nhìn theo quan điểm CNXH hiện đại thì càng thấy rằng, “đến khoảng giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, vẫn chưa kết thúc “thời kỳ quá độ”.
Ngay khi tiến lên CNXH sau “thời kỳ quá độ” hay thời kỳ định hướng XHCN thì CNXH cũng là một quá trình tiếp tục phải được xây dựng ở trình độ mới, chất lượng mới quan rất nhiều thập kỷ có thể không ít hơn 100 năm. .Vì “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh”. Dù rằng “Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”, như câu kết thúc trong Cương lĩnh trình ĐH 11, có viết.
3- Cương lĩnh viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”
Ở đây nói rõ nền kinh tế, nền văn hóa, nhưng lại không có khái quát về nền chính trị- xã hội. Trong mục phướng hướng thì có nói đến “xây dựng nền dân chủ XHCN” nhưng ở đặc trưng thì lại không thấy nói tới nền dân chủ mà chỉ nói về dân chủ. Như vậy là không nhất quán. Đó là chưa kể khi nói về lĩnh vực xã hội (nền xã hội hay đặc trưng xã hội) với chế độ an sinh và phúc lợi ngày càng cao. Đồng thời, lĩnh vực xã hội, dân chủ lại không thấy nêu ra vấn đề “xã hội dân sự” (dù có nói về Mặt trận TQVN) trong khi lại đề cập đến nhà nước pháp quyền. Chúng ta biết xã hội hiện đại cấu thành bởi nền kinh tế thị trường xã hội, nhà nước pháp quyền, chế độ an sinh, phúc lợi xã hội và xã hội dân sự văn minh.
Chúng tôi nghĩ rằng, ở ý gần cuối của đoạn văn Xã hội xã hội chủ nghĩa, có lẽ nên viết: có nền dân chủ thực sự của nhân dân với nhà nước pháp quyền… do Đảng Cộng sản lãnh đạothì đầy đủ, hợp lý và rõ hơn, dù ở đầu có nhắc tới nhân dân làm chủ, hay dân chủ rồi. Bởi vì cùng với nền kinh tế hiện đại, nền văn hóa tiên tiến thì nền dân chủ ấy là một trong những cấu thành quan trọng nhất của chế độ dân chủ nhân cũng như CNXH trong tiến trình thống nhất.
Đó là chưa kể khi nói về những đặc trưng hay bộ phận cấu thành CNXH, đáng lẽ phải xếp Dân chủ trước Dân giàu, Nước mạnh mới lô gích, nhất là khi xét về mặt động lực, điều kiện phát triển.
Lại nữa, khi nói “Xã hội xã hội chủ nghĩa” là xã hội “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”; thì “chế độ công hữu” là chưa rõ ràng. Khái niệm này dễ hiểu là chế độ công hữu vô chủ như đã từng xảy ra. Theo chúng tôi đó phải là một chế độ cổ phần phổ biến của người lao động và toàn thể nhân dân theo từng lĩnh vực, liên hợp lại, trong một mô hình đa sở hữu, thì mới đúng lô gích của CNXH hậu tư bản mà ngay Mác cũng có nói đến khi ông dự báo về “một liên hiệp của những người lao động tự do”, tức. làm chủ cuộc sống của mình thông qua các chủ thể có sở hữu, liên hiêp lại. Nhưng đó là giai đoạn cao khi CNXH chuyển vào CNCS, mới đạt được. Điều này có mặt chúng ta chưa thật rõ lắm.
4- Chúng ta xem lại nội dung phương hướng xây dựng những tiền đề và điều kiện cơ bản để và phát triển theo định hướng XHCN, dần dần có CNXH. sau đây: Một là, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba là, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia. Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Từ đó, chúng ta nhận thấy nội dung này không hoàn toàn chỉ thích hợp với nội hàm khái niệm “thời kỳ quá độ”. Đồng thời nhiều nội dung và phương hướng ấy trong CNXH đã được xây dựng cũng phải thực hiện tiếp tục xây dựng những nội dung ấy ở trình độ cao hơn.
Hoặc cũng cần lưu ý là “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, lại không thấy bao hàm cả nhà nước pháp quyền, một phận cấu thành cơ bản của nó, vậy thì có đúng không?
Chúng tôi nghĩ là ở đây cần nói xây dựng xã hội dân sự văn minh định hướng XHCN thì cụ thể hơn.
Thực tế là chúng ta từ một đất nước kém phát triển tiến lên nước đang phát triển, rồi sau này mới trở thành nước phát triển, phát triển cao, cho nên sử dụng khái niệm “thời kỳ quá độ” là không thích hợp, mang tính gò ép, hơn nữa một thời đã gây nên làm lẫn tai hại như thế nào ai cũng biết...
Cho nên chúng ta cần làm rõ quá trình xây dựng đất nước, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân “theo hướng XHCN” như gợi mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 1952. Vấn đề này, chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất từ những năm 90 khi xây dựng Cương lĩnh 1991. Không ít người đồng tình quan niệm này. Và hiện nay vẫn có những người tiếp tục đề xuất với Đảng ta về “Cần phải có một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân”. Chúng tôi cho rằng đó là "Cương lĩnh xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân định hướng XHCN” thay vì "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH”. Cách tư duy này không phải khác nhau về lập trường mà là cách tiếp cận cụ thể hơn, thực tế hơn.
Tóm lại, những quan niệm còn chưa thật nhất quán nói trên, phải chăng là phản ánh đúng hiện thực khách quan? Cách sử dụng khái niệm quan niệm như vậy hợp lý hay chưa, mong Ban soạn thảo Văn kiện và Đại hội 11 của Đảng làm rõ.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá