Xây dựng nhà nước pháp quyền
Hỏi: Khái niệm Nhà nước pháp quyền xuất hiện từ thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến nhà nước pháp quyền, chẳng hạn bản chất của nhà nước pháp quyền, sự khác biệt giữa nhà nước pháp trị và nhà nước pháp quyền hay điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền vẫn đang tiếp tục được bàn luận để làm sáng tỏ. Trước hết, xin ông cho biết, mô hình nhà nước pháp quyền có phải là mô hình nhà nước phổ biến và tiên tiên nhất hiện nay không?
Trả lời: Trong hơn 200 quốc gia trên thế giới, đến nay, mới chỉ có một số nước tổ chức theo mô hình nhà nước pháp quyền còn đại bộ phận các quốc gia vẫn chưa tổ chức theo mô hình này. Nhưng, thế giới đang tiến đến một nền dân chủ nên xét về phương diện nhà nước, có thể nói, thế giới đang phấn đấu cho một nhà nước pháp quyền. Điều đó cho thấy nhà nước pháp quyền chưa phải là hiện tượng phổ biến. Ngay cả ở những nước tự cho rằng mình có nền dân chủ lớn thì nhà nước pháp quyền vẫn là một vấn đề trăn trở, cần được cải cách, cải tiến và nghiên cứu hàng ngày.
Trước khi đi vào những nghiên cứu sâu hơn, phải khẳng định rằng, nhà nước pháp quyền không phải là một đối tượng tĩnh mà là một đối tượng động, có năng lực tự cải tiến để phù hợp với tình thế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, sự giác ngộ chính trị và trình độ dân trí. Do đó, xây dựng nhà nước pháp quyền không phải là một vấn đề cũ mà luôn luôn là một vấn đề mới.
Chẳng hạn, để có thể thích nghi với các điều kiện khác nhau của tình hình thế giới, Hoa Kỳ đã thành lập Bộ An ninh Nội địa nhằm quản lý người dân một cách chặt chẽ hơn. Mặc dù nhà nước Hoa Kỳ luôn luôn tự cho mình là một nhà nước dân chủ hay biểu tượng của tự do nhưng trước chủ nghĩa khủng bố, nhà nước ấy lại hạn chế các quyền tự do. Đó là sự thích nghi công khai của nhà nước pháp quyền với hoàn cảnh mới. Mặt khác, tình trạng đánh cắp quyền lực đang phổ biến một cách rộng rãi trên phạm vi toàn nhân loại; do đó, duy trì, xây dựng và cải tiến nhà nước pháp quyền là công việc hàng ngày của nhân loại, không phải việc cũ, cũng không phải việc đã rồi.
Phải khẳng định rằng, nhà nước pháp quyền là sản phẩm của nền dân chủ về chính trị, tại đó con người tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị; đương nhiên, nếu con người tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị thì cộng đồng sẽ tự do trong việc lựa chọn các hình thái chính trị.
Những quốc gia không tự do trong việc lựa chọn các khuynh hướng chính trị sẽ có nền chính trị đồng nhất, tại đó người ta chỉ thừa nhận những quan điểm duy nhất về mặt chính trị và do đó, sẽ rất khó xây dựng nền dân chủ. Bàn về vấn đề nhà nước pháp quyền của Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta mới chỉ có một nhà nước được phân công nội bộ chứ không phải một nhà nước mà quyền lực của nó được phân công một cách hiệu quả và việc sử dụng các quyền lực ấy được kiểm soát bằng các quy tắc xã hội. Vì thế, chúng ta mới chỉ đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và cần phải thỏa mãn một số tiền đề quan trọng thì mới có thể hoàn thành công việc này.
Hỏi: Xin ông nói rõ hơn thế nào là nhà nước pháp quyền ?
Trả lời: Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà ở đó quyền lực của pháp luật là quyền lực duy nhất và cơ bản; nghĩa là, không phải quyền lực chính trị mà quyền lực pháp luật là quyền lực tối cao.
Hỏi: Trong các nhà nước phong kiên, chẳng hạn nhà nước của Louis XIV ông ta tuyên bố rằng, "Pháp luật ở ta", tức pháp luật có thể vẫn giữ địa vị tối thượng nhưng hoàn toàn do một vị hoàng để quy định. Theo ông, nhà nước thời Louis XVI có phải nhà nước pháp quyền không?
Trả lời: Nhà nước Louis XIV, xét về hình thái nhà nước, có thể coi là nhà nước pháp quyền; nhưng, cái mà chúng ta cần làm rõ là chất lượng hay mức độ dân chủ của những hình thái nhà nước như thế. Có thể nói, ở các loại hình nhà nước pháp quyền. Như vậy, quyền lực của pháp luật không ổn định và chính trạng thái không ổn định đó sẽ tạo nên trạng thái không ổn định của nhà nước pháp quyền. Xin được nhắc lại rằng, nhà nước pháp quyền phải là nhà nước mà ở đó pháp luật giữ địa vị thống trị, tức là pháp luật chi phối và điều chỉnh mọi sinh hoạt của đời sống và quyền lực của pháp luật phải ổn định.
Tại sao chúng ta luôn nói rằng các nhà nước phi dân chủ không thể xây dựng nhà nước pháp quyền?Đó là bởi vì ở những quốc gịa này, pháp luật không phải là sản phẩm của những thỏa thuận xã hội mà lại là kết quả của những ngẫu hứng chính trị. Nói cách khác, toàn bộ quá trình lập pháp, tư pháp, hành pháp ở những nhà nước phi dân chủ thường bị thao túng bởi những lực lượng chính trị nhất định, không rành mạch về nguyên tắc và không hợp pháp về địa vị. Rõ ràng, chừng nào mà pháp luật còn bị xây dựng và sửa đổi dựa trên những nhận thức chính trị chủ quan của những người cầm quyền thì không thể tạo ra trạng thái ổn định của quyền lực pháp luật, tức là không thể xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.
Hỏi: Xin ông cho biết, nhà nước pháp quyền là mục đích hay chỉ là công cụ quản lý xã hội?
Trả lời: Nhà nước pháp quyền chưa bao giờ là cái đích mà chỉ là công cụ hay phương tiện quản lý xã hội. Marx nói rằng, nhà nước sẽ biến mất khi không còn giai cấp nữa; như thế, trong quan niệm của Marx, nhà nước không phải là cái đích mà chỉ là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội tức là nhà nước là cơ quan điều hành xã hội. Cần phải quan niệm như vậy thì mới dễ dàng cải tiến, thay đổi và tái cấu trúc nhà nước pháp quyền để thích hợp với những tình thế mới.
Chúng ta đang cố gắng xây dựng nhà nước pháp quyền với các tiêu chuẩn mang tính phổ biến, chẳng hạn sự rành mạch và cân bằng giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Việc phân ra các quyền như vậy nhằm tạo điều kiện cho các quyền giám sát nhau và tạo ra tính độc lập tương đối để tránh tình trạng đánh cắp hay thao túng quyền lực của các lực lượng chính trị. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta cũng đang có những thay đổi nhất định khi tiếp cận vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Những thay đổi như vậy là hoàn toàn cần thiết bởi việc chuyển từ hình thái nhà nước này sang hình thái nhà nước khác nhiều khi phải trả giá bằng một cuộc cách mạng, nhưng cải tiến một nhà nước thì không phải trả giá bằng một cuộc cách mạng mà bằng những cải cách và đổi mới thường xuyên.
Hỏi. Xin ông phân biệt nhà nước pháp trị và nhà nước pháp quyền?
Trả lời: Pháp trị và pháp quyền là khác nhau. Đã "trị" tức là không có tự do, dân chủ; do đó, xây dựng một nhà nước pháp trị tức là thừa nhận việc sử dụng pháp luật như một công cụ cai trị. Khi pháp luật chỉ là công cụ để cai trị, thì về bản chất, nó được xây dựng bởi ý chí của người cầm quyền. Hoàn toàn khác với nhà nước pháp trị, ở nhà nước pháp quyền, pháp luật, về bản chất, là các khế ước xã hội. Nhà nước pháp trị và nhà nước pháp quyền, do đó, có sự khác nhau về bản chất. Xây dựng nhà nước pháp quyền phải trên cơ sở một nền dân chủ về mặt chính trị. Do đó, ngay cả khi thừa nhận pháp luật như là quyền lực tối thượng thì vẫn chưa đủ để xây dựng nhà nước pháp quyền, tức là bên cạnh việc thỏa mãn điều kiện ấy, cần phải xem xét pháp luật được xây dựng như thế nào.
Theo tôi, pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở một nền dân chủ hay nói cách khác là chỉ khi nào đạt đến trạng thái dân chủ thì pháp luật mới thực sự là những thỏa thuận xã hội và các lực lượng xã hội khác nhau tham gia một cách bình đẳng vào quá trình thỏa thuận ấy. Cai trị bằng pháp luật có thể là trạng thái sử dụng và nhận thức giá trị của pháp luật ở bậc thấp nhưng nếu không bắt đầu theo cách như vậy thì rất có thể sẽ không có sự phổ biến giá trị của pháp luật và sẽ không đưa đến sự hình thành của nhà nước pháp quyền như là trạng thái phát triển của nhà nước pháp trị. Xây dựng nhà nước pháp quyền, do đó, chính là trạng thái phát triển về nhận thức giá trị của pháp luật. Điểm ưu việt nhất của nhà nước pháp quyền là các quyền lực được cấu trúc một cách cân bằng, giám sát lẫn nhau, đặc biệt trong quá trình hình thành các quy định xã hội. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải đảm bảo tính dân chủ tức là phải dân chủ trong cả việc hình thành pháp luật, triển khai pháp luật và xử lý các sai phạm xã hội, tức là dân chủ trong cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chỉ khi nào đạt đến trạng thái đó thì chúng ta mới có thể xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.
Hỏi: Thưa ông, liệu các nhà nước pháp quyền có chất lượng giống nhau không?
Trả lời: Trước tiên, phải khẳng định rằng, không phải tất cả các nhà nước pháp quyền đều có chất lượng giống nhau. Chất lượng của nhà nước pháp quyền bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó, hai yếu tố cơ bản nhất là sự đa dạng của các khuynh hướng chính trị và trình độ dân trí. Nền dân chủ của Anh, Pháp và Hoa Kỳ có những điểm khác nhau và nhà nước pháp quyền ở những quốc gia đó cũng có chất lượng khác nhau.
Khi nói về khái niệm, cần phải khẳng định rằng, bất kỳ khái niệm nào cũng có nhiều tầng lớp hay mức độ. Xưa nay, nhân loại vẫn phê phán những người tư duy theo lối lẽ phải giản đơn hay nói cách khác là những người tư duy theo lối logic một lẽ phải. Không thể có một lẽ phải, mà phải có nhiều cấp độ của lẽ phải, nhiều khía cạnh của lẽ phải. Dân chủ, trước hết là một khái niệm và vì thế, nó cũng có nhiều cấp độ, nhiều mức độ, nhiều hình thức. Hai yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ dân chủ là sự đa dạng chính trị và sự đa dạng nhận thức (cũng có thể hiểu là tính khuynh hướng của nền giáo dục). Không phải không có sự đa dạng chính trị thì không xây dựng được nhà nước pháp quyền nhưng mức độ da dạng chính trị sẽ quyết định chất lượng của nhà nước pháp quyền. Dân trí gắn liền với ý thức của nhân dân và phụ thuộc vào chất lượng của giáo dục. Nếu không thừa nhận sự đa dạng về chính trị thì không thể giáo dục tự do được, và không giáo dục tự do thì không gian nhận thức của nhân dân sẽ bị hạn chế và điều đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trình độ dân trí.
Hỏi: Xin ông cho biết cơ sở để xây dựng một nhà nước pháp quyền. ở ít số nước, nền kinh tế đã được cải cách nhưng vẫn mang đậm dấu ấn nền kinh tế quốc doanh, điều này có trở ngại gì đôi với việc xây dựng nhà nước pháp quyền không?
Trả lời: Nhiều quốc gia đã có nhà nước pháp quyền từ thế kỷ XVIII, mặc dù nền kinh tế của họ là nền kinh tế quốc doanh, hay sở hữu nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Tôi không cho rằng, nền kinh tế quốc doanh là trở ngại cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền. Chúng ta nên lật ngược vấn đề, tức là việc tồn tại hay không tồn tại của một nhà nước pháp quyền ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, nền kinh tế nhiều thành phần là một trong những tiền đề cơ bản cho việc xây dựng một xã hội dân chủ; nói cách khác, sự tồn tại của nền kinh tế đa thành phần sẽ dẫn đến sự thừa nhận tính đa dạng của các khuynh hướng chính trị. Nếu không có nền kinh tế nhiều thành phần thì không có tiền đề vật chất cho việc thừa nhận tính đa dạng của các khuynh hướng chính trị. Có lẽ, đã đến lúc phải nhận ra rằng các khuynh hướng chính tả hoàn toàn bình đẳng với nhau và sự thắng thế của một khuynh hướng trong quá trình cạnh tranh sẽ tạo ra khuynh hướng chủ đạo của xã hội. Tuy nhiên, không phải mọi sự đa dạng đều có thể tạo ra dân chủ; vì thế, sự đa dạng chính trị là một đại lượng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đại lượng này phải đủ lớn thì mới tạo ra những thay đổi căn bản mà kết quả của nó là một nền dân chủ chính trị.
Mặt khác, con người là sinh vật hoạt động có mục đích. Tính đa mục đích trong hoạt động kinh tế sẽ lan truyền rất nhanh và dân đến những đòi hỏi chính trị. Việc nhấn mạnh vai trò chủ đạo của một thành phần kinh tế cũng giống như việc thừa nhận sự lãnh đạo của một khuynh hướng chính trị. Sự ấn định cứng nhắc về tính chủ đạo của một khuynh hướng chính trị sẽ cản trở sự hình thành của các khuynh hướng chính tả. Chừng nào mà chúng ta vẫn chưa thừa nhận sự đa dạng của các khuynh hướng chính trị thì nền kinh tế nhiều thành phần chỉ là biện pháp tình thế.
Lịch sử chỉ ra rằng con người không thể không thừa nhận sự đa dạng của đời sống kinh tế bởi nó là tiền đề phát triển và một nền kinh tế không phát triển có thể đưa đến sự sụp đổ về mặt chính trị. Chính vì thế, thừa nhận sự đa dạng của đời sống kinh tế là cần thiết đối với bất kỳ hệ thống chính trị nào vì sự tồn tại của chính nó. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng nó dang chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho việc xây dựng một nền dân chủ và một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa.
Hỏi: Xin ông phân tích nguyên nhân của những yếu kém trong hoạt động quản lý nhà nước? Phải chăng, một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu vắng một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa?
Trả lời: Quản lý nhà nước yếu kém và sự thiếu vắng một nhà nước pháp quyền không liên quan với nhau; nói cách khác, những yếu kém trong hoạt động quản lý của một loại hình nhà nước phụ thuộc vào những yếu tố khác chứ không phải vào sự tồn tại hay không của nhà nước pháp quyền. Cần phải nhắc lại rằng, vì không có tự do dân chủ nên mới không có nhà nước pháp quyền chứ không phải vì không có nhà nước pháp quyền nên không có tự do dân chủ. Do vậy, đổ lỗi những yếu kém trong công tác quản lý xã hội cho sự không có nhà nước pháp quyền là không hợp lý. Tôi tán đồng cách giải thích rằng, phần lớn những yếu kém trong việc quản lý xã hội của chúng ta bắt nguồn từ sự lắp ghép một cách khiên cưỡng những thành tố khác nhau.
Những thành tố ấy thậm chí còn chưa có đấy đủ những tiền đề cần thiết để phát triển một cách trọn vẹn. Nói cách khác, chúng ta thiếu sự đồng bộ giữa những thể chế khác nhau, chẳng hạn giữa thể chế chính trị và thể chế kinh tế và chính điều đó đã dẫn đến những hạn chế trong việc quản lý xã hội.
Nhà nước pháp quyền có thể không phải là công cụ quản lý xã hội tốt nhất nhưng để quản lý xã hội trong sự phát triển của nó thì nhà nước pháp quyền lại là sự lựa chọn tết nhất. Vấn đề là chúng ta định quản lý xã hội theo mục tiêu nào. Nếu để duy trì trạng thái ổn định hay những trật tự cứng nhắc thì nhà nước pháp quyền chắc chắn không phải là một công cụ tốt. Nhưng nếu để xác lập và duy trì những trật tự tự nguyện, những trật tự tự giác thì không thể có công cụ nào tết hơn là nhà nước pháp quyền.
Hỏi: Xin ông phân tích rõ hơn luận điểm này ?
Trả lời: Theo tôi, nhà nước là một thể chế được đại diện bởi những con người rất cụ thể. Ở những nhà nước phi dân chủ, những người nhân danh nhà nước ấy hoàn toàn có thể phá vỡ trật tự bằng nhiều cách, trong đó phổ biến nhất là tham nhũng. Nhưng, vì không có một nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa nên người ta không thể xét xử công bằng giữa người thân của những quan chức và những kẻ có thân phận kém cỏi hơn. Khi xét xử những quan chức cao cấp hay những người thân của họ, chúng ta buộc phải "nhẹ tay"; sự nhẹ tay ấy, đôi khi, không phải vì tình cảm mà vì sự an toàn của cả một thể chế chính trị. Như vậy, rõ ràng là vì không có nền dân chủ như một tiền đề chính trị để xây dựng nhà nước pháp quyền nên không thể xác lập những quan hệ minh bạch. Khi quan hệ không minh bạch thì không có những ranh giới cụ thể giữa công dân với công dân vì mỗi người đều cần phải có những thế lực bảo trợ sự tồn tại và phát triển của mình. Hiện tượng ấy ngày càng trở nên phổ biến và khiến con người không còn tin vào nhà nước hay những người đại diện nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá