Trí tuệ cộng đồng: Chìa khoá vào kinh tế tri thức
Đứng trước một thế giới đang chuyển mạnh sang kinh tế tri thức, nhiều người lạc quan tin tưởng như thể chúng ta sắp bức vào một sân chơi mới, ở đó tài trí người Việt Nam sẽ phát huy được hết ưu thế. Ngược với xu hướng này cũng có ý kiến dè dặt, cảnh báo rằng sự hăng hái đặt cược quá cao vào kinh tế tri thức có thể làm chúng ta sao những nhiều vấn đề cơ bản cấp bách nhất của một nền kinh tế đang còn thấp kém.
Tôi nghĩ sự cảnh báo rất đúng lúc và ta không nên lạc quan quá dễ dàng.
Tuy nhiên cũng cần thấy: Ở thời đại này, nếu không dựa vào trí tuệ và học vấn thì một đất nước nghèo và lạc hậu lấy gì để vươn lên? Nghĩ cho cùng, muốn bứt lên được trong vài chục năm tới, không có con đường nào khác là khơi dậy và triệt để huy động mọi tiềm năng trí tuệ của dân tộc.
Chỉ có điều cần biết là cuộc chiến sẽ không mấy dễ dàng vì nó chạm tới những nếp nghĩ, tập quán, những quyền lợi không chính đáng của một lớp người chưa sẵn sàng từ bỏ. Cứ xem một việc đơn giản như xoá bỏ các giấy phép con gần đây đủ biết sức ỳ ấy trở ngại đến đâu.
Giữa thế kỷ trước, dân tộc ta đã từng nhỡ tàu do tư tưởng chủ quan, bảo thủ.
Chỉ cách đây mười lăm năm, chúng ta cũng suýt nhỡ tàu vì sự lạc hậu của tư duy đối với cuộc sống.
Sau một thời kỳ khởi sắc nhờ chủ trương đổi mới sáng suốt, kinh tế VN đang đứng trước nguy cơ hụt hơi vào lúc lẽ ra nó phải chuẩn bị cất cánh. Chỉ vài con số đủ cho ta thấy con đường phía trước còn rất gian nan: Với thu nhập bình quân hiện nay, nếu ta có duy trì được liên tục nhịp độ tăng trưởng hàng năm 10%, thì sau 20 năm cũng chỉ tăng được 7 lần, trong lúc đó hiện nay Thái Lan đã hơn ta 9 lần, Malaysia hơn ta 14 lần, và Hàn Quốc hơn ta 30 lần. Như vậy, nếu cứ tà tà làm ăn theo cung cách này mà không tiếp tục đổi mới thật mạnh mẽ thì đến năm 2020, giỏi lắm thu nhập bình quân của ta cũng chỉ gần bằng Thái Lan hiện nay. So với thế giới lúc đó, ta lại... vẫn là ta như ngày nào.
Người VIỆT NAM thông minh, cần cù, dũng cảm, vậy cái gì đang cản trở chúng ta? Vì sao một dân tộc có nhiều đức tính trí tuệ quý báu mà sau khi giành được độc lập tự chủ mấy chục năm rồi vẫn chưa vươn lên mạnh mẽ - trong thời đại mà chính trí tuệ, sự không ngoan, chứ không phải của cải vật chất sẵn có, là sức mạnh quyết định?
Giải đáp cái nghịch lý ấy sẽ cho chúng ta thấy rõ: Từng người dân thông minh, cần cù chưa đủ. Cũng giống như không phải chỉ cần có những nhạc công giỏi thì tự khắc sẽ có một dàn nhạc hay. Bằng chứng rõ nhất ai cũng thấy là sự gia tăng nhảy vọt của sản xuất lúa gạo sau khi có cơ chế khoán: Tuy cũng những người nông dân đó mà tại sao trước đây ta thiếu ăn nay ta có thừa gạo để xuất khẩu.
Cái lôgíc phát triển thật giản dị: Muốn sử dụng được tài trí cần phải có cơ chế thông minh, mà tài trí là thứ của cải có đặc tính là có được sử dụng mới phát triển tốt và càng được sử dụng nhiều càng phát triển tốt, chứ không như các thứ của cải vật chất khác, dùng bao nhiêu hao mòn bấy nhiêu. Khổ nỗi, hiểu cho được để tuân thủ cái lôgich giản dị đó mới là khó khăn lớn nhất của các nước nghèo.
Nói thế nghĩa là, không có lĩnh vực nào cần ưu tiên đầu tư trí tuệ hơn là việc cải tiến, cải cách, hoàn thiện cơ chế quản lý. Thật ra, điều này chẳng có gì mới: Ba mươi năm trước, các nhà khoa học Tây Âu đã từng phát hiện rằng họ thua kém Mỹ về kinh tế, khoa học kỹ thuật không phải do thiếu người tài, mà chủ yếu do cơ chế quản lý không thuận lợi bằng Mỹ để phát huy hết mọi tài năng trong xã hội. Trong khu vực Đông Á cũng vậy: Hàn Quốc và Singapore hay Hồng Kông chỉ cần ba thập kỷ để đuổi kịp thế giới phát triển, trong khi nhiều nước khác chưa làm được, chủ yếu không phải do người dân các nước này kém thông minh, mà do chưa tìm ra được cơ chế quản lý thích hợp để phát huy tiềm năng của mỗi dân tộc.
Muốn cạnh tranh được trong thế giới này ta cần những gì?
Cần những người kinh doanh giỏi, cần lực lượng lao động tinh thông, cần đội ngũ khoa học, công nghệ có tài năng. Nhưng tất cả những con người đó đều chỉ có thể hoạt động có hiệu quả trong một môi trường kinh tế xã hội lành mạnh và thoáng đãng, tạo nên bởi một cơ chế quản lý thông minh, biết khuyến khích mọi sáng kiến chủ động, mọi tài năng sáng tạo, và hạn chế, loại trừ mọi yếu tố, mọi xu hướng tiêu cực. Đồng thời để có những con người như thế, phải dựa vào một nền giáo dục tiên tiến đào tạo ra họ và tiếp tục bồi dưỡng, hỗ trợ họ trong suốt quá trình hoạt động, biến cả nước thành một xã hội thường xuyên trao đổi, chuyển giao, vận dụng, sản xuất và phát triển tri thức.
Cơ chế hiện nay của ta có nhiều vướng mắc, ngành hoạt động nào cũng có vướng mắc, cho nên thực tế diễn ra nhiều khi trái ngược hẳn với những nguyên tắc tối thượng về công bằng, dân chủ của xã hội.
Nhưng đặc biệt tai hại là chế độ quản lý tài chính tiền tệ và cách dùng người.
Hãy nhìn ra thế giới văn minh xem ở đâu dùng người như ta, ở đâu có chế độ tài chính kỳ quặc, trong đó một tay này thì Nhà nước hạn chế chặt chẽ đồng lương chính đáng của người lao động, chỉ trả cho họ 1/3 hay ¼ mức sống thực tế, còn tay kia mở rộng ngân khố, cho phép rút tiền công quỹ vô tội vạ chi vào nhiều khoản không hợp lý, mà không hề có kiểm soát hay chỉ kiểm soát hình thức. Với cơ chế quản lý đó mà tham nhũng không hoành hành mới là sự lạ. Chính cái cơ chế này không chỉ khuyến khích, thậm chí sản sinh ra tham nhũng, mà còn là nguyên nhân sâu xa tàn phá giáo dục, y tế, huỷ hoại nền đạo đức xã hội, khuyến khích bọn cơ hội, ngăn cản khoa học, công nghệ phát triển, vô hiệu hoá các chủ trương đúng đắn và gây ra đủ mọi căn bệnh trong xã hội. Chừng nào còn cơ chế quản lý tài chính này, thì sự giả dối còn ngự trị trong mọi hoạt động, bộ máy hành chính còn quan liêu xa dân và ngày càng đẻ ra nhiều tổ chức ăn bám ngân sách. Đó là sức cản lớn nhất cho sự phát triển lành mạnh của xã hội, là nguyên nhân gần, xa của nhiều sự bê bối. Vì vậy, không khẩn trương sửa đổi cơ chế quản lý tài chính như các nước văiệt nam minh thì mọi sự cải cách khác đều khó khăn.
Cũng thật lạ, thời bao cấp, cả một hệ thống tem phiếu phức tạp, nhiêu khê đến thế, ai cũng tưởng không cách gì bỏ được, nhưng đến khi xoá nó thì té ra cũng chẳng có gì khó, và mới vỡ lẽ ra lâu nay ta chỉ tự đày đoạ mình chứ nào phải vì nghèo. Ngày nay không còn nạn tem phiếu nữa, nhưng cái nạn phong bì, cái nạn tiêu cực phí để bôi trơn bộ máy quản lý nhũng nhiễu còn tác hại gấp mấy lần.
Nếu trên phạm vi thế giới chưa bao giờ các quy luật hệ thống tác động mạnh mẽ như bây giờ, thể hiện ở xu thế toàn cầu hoá khó có thể đảo ngược được, thì trong phạm vi từng quốc gia các quy tắc ấy cũng chi phối không kém sự phát triển của xã hội.
Chưa bao giờ như bây giờ, sự thông minh của từng người chỉ phát huy được thông qua sự thông minh tập thể, sự thông minh hệ thống của cả cộng đồng.
Sự thông minh hệ thống đó, cái có thể gọi là trí tuệ hệ thống để vận hành một xã hội, một cộng đồng, đó mới thật sự là nguồn cộng năng (synergy) tạo ra sức mạnh to lớn nhất, chứ chưa phải tài năng riêng lẻ, càng không phải tiềm năng, của từng cá nhân, dù là xuất chúng.
Chỉ cần nhớ lại: Nếu mười lăm năm trước ta không kịp thời đổi mới tư duy, thì bây giờ VIỆT NAM đang ở đâu? Rất rõ ràng, khi cơ chế thuận thì một sự thông minh biến thành mười sự thông minh. Cơ chế chưa thuận thì một sự hư hỏng kéo theo hàng nghìn sự hư hỏng. Quy luật phi tuyến ấy sẽ rất nghiệt ngã nhấn chìm các cộng đồng yếu kém, nhưng cũng mở ra cơ hội và khả năng nhảy vọt thần kỳ cho những cộng đồng thông minh và biết giá trị của trí tuệ ở thời nay.
Cầu mong trong thiên niên kỷ mới, hiểu rõ điều đó, nhân dân ta sẽ vươn tới đỉnh cao với sức mạnh Phù Đổng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])