Kỹ thuật giết rồng
“Đồ long chi kỹ" (kỹ thuật giết rồng) là một tích cổ Trung Quốc mang tính ngụ ngôn: có người bỏ ngàn vàng của nhà, để đi học nhiều năm thuật giết rồng, song rồi không biết dùng cái kỹ thuật ấy để làm gì bởi vì có rồng đâu để mà giết. Đó là ý người xưa chê việc bở công sức học tập những điều vô ích. Nhưng có lẽ cũng cần xét xem vô ích cho ai, và thực dụng cho ai, bởi vì cái "kỹ thuật giết rồng" này vô ích cho xã hội nhưng thực dụng cho người dạy nếu như người đó được hưởng ngàn vàng.
Tôi nêu tích cổ, không phải để luận chuyện xưa, mà để nói lên cái ý rằng, ngày nay, một nền giáo dục đào tạo, trong cách tổ chức học và thi của mình, không nên thiên về việc luyện những môn học vô bổ, những bài bản mang tính chất thách đố quắt queo quá chăm chú vào những tiểu xảo, không còn chỗ tương xứng cho những điều chủ chốt. Nếu không thì có nguy cơ đào tạo ra những đồ long hiệp sĩ mà xã hội chẳng cần có.
Theo nghĩa rộng, “kỹ thuật giết rồng” đây không chỉ bao gồm các môn học không cần thiết cho xã hội mà còn bao gồm cả quan điểm sai lệch về mức độ hiểu biết cho từng loại tuổi, từng loại người, học thừa để bị hiểu thiếu, đánh giá cao, thấp không đúng mức, trọng sự bóng bẩy bề ngoài trong khi nội dung rỗng tuếch… Về những điều này, đã nhiều người nói tới, tôi xin bỏ qua, mà muốn đặt kỹ thuật giết rồng trong khung cảnh tương quan giữa mục tiêu đào tạo và nội dung việc học.
Đơn cử vài thí dụ, dù cho đây là những thí dụ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thuở xưa, tổ tiên ta quan niệm việc học và việc thi hành một biện pháp đào tạo và tuyển lựa một số cán bộ (quan lại) cho guồng máy hành chính Nhà nước theo những tiêu chuẩn của thời đó (muốn có những nhà nho thuộc lầu Tứ Thư, Ngũ Kinh... có khả năng biết viết ra những bài chiếu, bài biểu, biết văn sách, biết làm thơ…). Đối với những nhà nho mà mục tiêu là thi đỗ làm quan, vinh thân phì gia, thì cách học đó là thực dụng. Nhưng so với mục tiêu (mà lúc đó chính quyền nhà vua không đặt ra) tổ chức việc học và đào tạo ra những người cần thiết cho sự tiến triển của xã hội, những bài học của thuở xưa là một loại kỹ thuật giết rồng.
Rồi tới cái thời mà nước ta theo mô hình Liên Xô: do kinh tế kế hoạch triệt để việc giáo dục đào tạo trên nguyên tắc cũng kế hoạch triệt để nên mới được tổ chức ngả theo đào tạo ngành nghề và theo số lượng quy định. Các trường Đại học hầu hết là trường ngành nghề (một thứ trường đào tạo nghề cao cấp) không mang nghĩa của đại học phương Tây (nơi truyền đạt sự hiểu biết, mở rộng lý luận, kích thích nghiên cứu và sáng tạo cái mới, bên cạnh việc chuyển giao những kỹ thuật nghề nghiệp…) .Giáo dục đào tạo của ta thuở ấy, có thể là đáp ứng một số mục tiêu nào đó, trong một thời điểm nhất định, nhưng không còn phù hợp cho ngày nay nữa.
Ngày nay, nền kinh tế của nước ta là kinh tế thị trường (dù có định hướng) trong một khung cảnh toàn cầu hóa, giáo dục đào tạo cần phù hợp với những mục tiêu cao cả đặt ra cho toàn xã hội ta. Trong khung cảnh đó, những môn học nào, những cách thi nào, những cách tổ chức nào, mà lý do tồn tại chỉ nhằm phục vụ cho quyền lợi riêng của những cá nhân hay những nhóm người, đều nên xếp vào loại kỹ thuật giết rồng, dù cho chúng rất là thực dụng đối với những người được hưởng quyền lợi kể trên (thí dụ như chúng nuôi sống họ, chúng giúp họ làm giàu). Nhưng chúng làm khổ người đi học, làm khổ các gia đình vất vả chạy tiền cho con em đi học, chúng làm khổ các thầy cô có tâm huyết, các nhà sư phạm có nhiệt tình, mà không mang lại lợi ích cho đất nước.
Mặt khắc, trong sự đánh giá lợi hại, cũng nên tránh rơi vào sự cực đoan. Loài người tiến triển được, chính là ở sự biết chuyển giao kinh nghiệm, hiểu biết. Được hưởng những hiểu biết của các thế hệ trước, người thế hệ sau tự đó mới cải tiến và phát minh ra những cái mới và tiến triển thêm trong sự hiểu biết để rồi truyền đạt lại cho các thế hệ sau nữa. Cho nên đặc biệt đối với tuổi niên thiếu, nên coi đó là tuổi còn phải học tập, chưa phải là lúc sáng kiến, phát minh. Chưa học xong cái mà người ta đã biết mà đã đòi sáng chế ra cái mới, đó chỉ là cách nhìn của những người không biết. Tất nhiên là không nên học như vẹt, thuộc mà không hiểu nhưng hiểu mà không thuộc thì cái hiểu đó cũng chỉ là thoáng trong chốc lát rồi bay đi, rồi chỉ để lại cái đầu rỗng tuếch. Cũng cần chú ý là sự đảo lộn trình tự một cách phi lý có thể gây ra hiệu quả nghiêm trọng khi nhỏ, phải dạy dỗ chặt chẽ (chặt chẽ nhưng hợp lý chứ không phải là nhồi nhét quả tải vì những lý do bên ngoài mục tiêu giáo dục, khi lớn lên đã có nền nếp, thì nới lỏng để sáng kiến có thể nẩy nở. Nếu mà ngược là khi nhỏ thì dạy không có nền nếp, lớn lên thì lại o ép, thì vô học không thể thành công. Có thuyết cho rằng văn minh nhân loại đã phát triển bắt đầu từ thời đại kinh tế tự nhiên, kinh qua thời đại kinh tế công nghiệp và hiện đang bước vào thời đại kinh tế tri thức. Và cho rằng chiếm hữu sức lao động là đặc trưng của thời đại kinh tế tự nhiên chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên là đặc trưng của thời đại kinh tế công nghiệp, trong khi đặc trưng của thời đại kinh tế tri thức trong kỷ nguyên mới phải là có nhân tài được giáo dục kỹ càng, thông thạo khoa học tiên tiến và có đầu óc sáng tạo. Gác sang một bên nhận xét về hai thời đại đầu, tôi thấy nhận tính như vậy về thời đại kinh tế tri thức là đủ rõ. Tôi chỉ xin góp thêm hai ý:
a) Thời đại kinh tế tri thức trong một khung cảnh toàn cầu hóa, cũng là thời đại mà người ta giành giật chất xám mạnh hơn bao giờ hết. Khôn thì biết giữ, biết hút chất xám, dại thì để mất.
b) Không thể để chỗ đứng cho những kỹ thuật giết rồng trong một nền giáo dục đào tạo lành mạnh, trong thời đại kinh tế tri thức.
Đối với các đồ long đại sư, đồ long đại sĩ, đồ long anh hùng, đồ long tiểu hiệp… ta chỉ nên vĩnh viễn tranh chỗ cho họ trong các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp, truyện chưởng, là đủ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh