"Sinh đồ ba quan"
Xưa, trường thi của các triều đại phong kiến cũng có lắm người mua bằng để được bổ nhiệm làm quan. Các vị này chẳng học hành gì, bỏ tiền đút lót các quan giám khảo để đỗ đạt. Người đời chê cười những kẻ học giả bằng thật đó là "sinh đồ ba quan". Nhưng thực ra, trò mua bán này không phổ biến lắm vì trường thi ngày xưa rất nghiêm túc.
Lịch sử còn ghi rõ các nền khoa cử nước nhà đã chọn từ trong trăm họ nghèo hèn những kẻ sĩ tài đức vẹn toàn, làm rạng rỡ giang sơn. Nay, tại Hội nghị tuyển sinh sau đại học đầu năm 2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển công bố một số liệu chấn động dư luận, đó là 30% trong số tiến sĩ hiện nay có trình độ yếu. Yếu mà đỗ tiến sĩ thì chắc chắn là không bình thường trong chuyện thi cử. "Sinh đồ ba quan" ngày nay chiếm tỉ lệ quá lớn.
Thật đáng lo cho sự học của nước nhà. Chuẩn mực của học thuật, ở một nơi đúng ra cần phải chính xác, nghiêm túc và trong sáng nhất đã bị vẩn đục. Nạn mua bán bằng cấp, tiêu cực để có học vị, học hàm làm vật trang sức, làm bàn đạp tiến thân đã phổ biến đến mức gần như công khai. Không phải chỉ người trong cuộc, mà cả xã hội quá thừa biết người ta ra giá cho từng loại bằng cấp, và sản xuất luận văn, luận án theo dây chuyền công nghiệp, cung cấp cho nhu cầu của thị trường bằng cấp ngày càng màu mỡ. Người có thực học trọng liêm sỉ, trọng chữ nghĩa bao nhiêu, thì người bỏ tiền mua chữ xem nhẹ bấy nhiêu.
Họ có được tấm bằng, nhưng không hề nghiên cứu, xa lạ với sách vở, nhưng lại tự cho rằng mình là người giỏi, người tài - thế mới đáng sợ. Họ có được những thành công trong đời bằng quan hệ mua bán, để rồi họ vận dụng quan hệ đó khi có vị trí trong xã hội. Hậu quả của nó thì quá rõ, những tồn tại nhiều mặt ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học, giáo dục hiện nay có phần ảnh hưởng của những người bất tài nhưng leo cao, luồn sâu đó.
Người xưa cũng nói "Thượng bất chính, hạ tác loạn". Người lớn mà còn coi thường sự học, coi thường phép nước như thế, thì con cháu không có gương sáng để noi theo. Chính vì vậy nên mùa thi ở cấp trung học phổ thông vừa qua, phao ném vào các phòng thi hốt lại hàng tạ, học trò chặn đánh giám thị công khai và hung hãn. Những người quan tâm đến nền quốc học đọc tin trên các báo mà lòng đau như cắt. Bọn trẻ hư hỏng còn có người lớn giáo dục, uốn nắn. Các bậc bề trên hỏng thì biết lấy ai bảo ban?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu