Cuộc rượt đuổi bằng cấp

08:51 CH @ Thứ Tư - 01 Tháng Sáu, 2005

Ra trường thất nghiệp, chưa biết về đâu thì... làm cái cao học (nghe thật sang). Có việc rồi nhưng trốn việc, cao thủ nhất là xin cơ quan cho đi học.

Bất mãn sếp, đi học! Thấy đứa trẻ hơn ngồi ghế trên mình, ngứa mắt, cũng đi học!

Tóm lại, cứ bị ức chế thì nên đi học. Một công đôi việc, rất văn minh! Nhưng đi học để làm việc, hay chỉ là rượt đuổi bằng cấp?

Du học = chuyến du lịch nhọc nhằn

M. là hoạ sĩ trình bày trong một tờ báo. Giỏi ngoại ngữ, ham học hỏi, cô suốt ngày kỳ cạch lên mạng tìm học bổng nước ngoài. Kiếm được một khoá học 2 năm tại Pháp đúng chuyên ngành, M. viết lá đơn dài 3 trang A4 gửi tổng biên tập, tha thiết mong ông... giữ chỗ cho cô ngày trở lại.

Những ngày tháng ở Paris lung linh như giấc mơ của M. Các giờ lên lớp với cường độ học cao giúp cô khám phá những năng lục mới của bản thân.

Cuộc sống mới, tư duy mới. Không còn điệp khúc "lấy chồng đi" của phụ huynh và vô số những người trưởng thành đáng kính ở cơ quan. Không ô nhiễm và mất điện. Không cả những bức bối công sở. Lần đầu tiên M. được tự mình quyết định tất cả những vấn đề của bản thân theo cách của một người phụ nữ hiện đại và độc lập. Cám dỗ đó không dễ gì từ bỏ. Cùng lúc M nhận ra những kiến thức cô học được rất khó áp dụng cho việc làm báo ở trong nước. Nó đòi hỏi quá nhiều trang thiết bị hiện đại đồng bộ đi cùng, và tất nhiên cùng với một lối làm việc khác hẳn. Cô bắt đầu... ngại trở về.

Nhưng ở lại thử thách còn lớn hơn. Làm việc tại các tờ báo ở Paris với M. gần như là điều không tưởng, bởi trình độ của cô không là gì so với các đồng nghiệp bản xứ chưa kể những trở ngại về mặt ngôn ngữ. Để ở lại Paris một cách hợp pháp chỉ còn cách học tiếp.

Lần thứ hai này phức tạp hơn cô tưởng nhiều. Không chỉ tìm kiếm một học bổng mới, cô bắt buộc phải tìm được một người Pháp đủ uy tín để bảo lãnh mình ở lại. Sau đó là tìm chỗ ở mới và công việc làm thêm. Trầy trật, chứng minh mãi cũng xin được một khoá học nâng cao 18 tháng trả 50% học phí.

Sáng đến trường, chiều thực hành, tối rửa bát tại các nhà hàng từ 6 - 23g. Ngày nghỉ lại chạy te tua đi cắt cỏ thuê. Nợ môn chồng chất không trả được, nguy cơ phải về nước sớm. Những giờ ngủ gục trên giảng đường, Paris với M. giống như một chiếc máy giặt không lồ, quay- vắt, quay- vắt. Kiệt sức và đơn độc, càng ngày M càng biết rõ mình không phải là nàng công chúa trong "kinh đô ánh sáng".

Nhưng trở về bây giờ có nghĩa là là lại cuộc sống cũ, đặt bước chân ở đúng điểm đã ra đi, trong khi bạn bè đều đã kịp thăng tiến. Gần 4 năm "du học Pháp" của M. bỗng chốc chỉ còn ý nghĩa như một chuyến du lịch nhọc nhằn.

Đúng lúc hoang mang nhất thì M. nhận được một lời tỏ tình, từ người đàn ông nơi M. đến làm thuê, đang ly thân với vợ. Đọc được khát khao ở lại của M, nên ông ta bình thản đưa điều kiện nếu cô đồng ý về sống chung, ông ta sẽ nuôi M. ăn ở, và trả học phí đến khi nào cô... chán học thì thôi! Sau ba ngày suy nghĩ, M. gửi thư về gia đình: "Con chuẩn bị bước vào một khóa học mới".

Học - để đi qua các ga xép

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm, không một ngày lưu luyến thủ đô, chị D. đón tàu tốc hành lên vùng cao. Vùng cao thấy giáo viên trẻ mừng hùm. Sáu tháng sau chị vào biên chế. Năm nữa chị trở thành đảng viên trẻ. Vào Đảng rồi tự nhiên thôi phấn đấu chẳng hoá ra là kẻ cơ hội à, nên chị D. nhất định xin đi học để được phục vụ lâu dài trong ngành giáo dục.

Chẳng mấy chốc chị nổi tiếng trong lĩnh vực săn chỉ tiêu đi học. Bất kỳ lớp nào, từ trung cấp chính trị đến bồi dưỡng giáo viên ngắn hạn. Xen kẽ các lớp tiếng Anh và vi tính, vì theo chị D. tương lai học sinh Tày, Nùng cũng phải hội nhập. Trong khi nhiều đồng nghiệp nữ bìu ríu chuyện chồng con, nghe tới học là lè lưỡi "ngại chết!" thì chị sáng ngời như một tấm gương về sự cầu tiến. Tại các hội nghị của tỉnh kêu gọi quyền bình đẳng cho phụ nữ, chị đều được mời lên đọc báo cáo với tư cách điển hình.

Có thầy giáo già trong trường ngồi cộng cộng, trừ trừ tính ra trung bình mỗi năm chị D. gặp học trò khoảng 20% thời gian, còn lại là đi học. Thầy lẩm cẩm tính thế chứ giáo viên mà không được đứng lớp cũng thiệt thòi lắm. Cấp trên nhìn thấy sự hi sinh của chị nên hai năm sau chị D. được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng.

Cương vị mới đòi hỏi những kỹ năng mới, lần này chị được cử đi học quản lý. Chị trở về rất nhiệt tình công tác, nhưng tự nhiên mọi người cứ cảm thấy cái huyện miền núi này chật chội với chị thế nào ấy. Nên chị D. vừa ngỏ lời xin chuyển về nơi chị đã "nhìn ngắm vận động" trong thời gian đi học, nhà trường dù tiếc lắm cũng đành đồng ý. Ai nỡ ngáng trở con đường phát triển của cán bộ trẻ! Thế là nước mắt rưng rưng chia tay học trò thân yêu, chị đi xuống vùng thấp hơn, Phòng Giáo dục huyện.

Ở đời càng học càng thấy mình có nhiều lỗ hổng. Làm việc được một thời gian chị D. đề xuất với lãnh đạo Phòng được đi học nâng cao. Để đáp ứng yêu cầu công việc, tốt quá! Tấm gương không mệt mỏi của chị lại được mang ra cơ quan cho mấy cô cậu mới ra trường noi theo.

Lần này chị D. rời núi xuống thủ đô làm cao học. Hoãn kế hoạch sinh con, để chồng lại quê nhà, Chị mang nồi niêu bát đĩa về lại trường cũ. Như cá gặp nước, chị tung tăng trong môi trường của mình.

Học phí có nhà nước trả, ban ngày chị thả hồn trên giảng đường tốt thong thả đạp xe quanh Hồ Gươm, chả lo nghĩ gì. Chị thấy lòng phơi phới như thời sinh viên. Muốn học, học nữa, học mãi! Ngày bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chị nói một câu làm các giáo sư mát rượi cả người: "Em sẽ thu xếp để xuống làm nốt cái "tiến sĩ!".

Nhưng cả phòng giáo dục chỉ mỗi mình chị thạc sĩ. Sếp mới là cử nhân tại chức, bàn công việc bây giờ đã thấy gượng, nói gì khi chị thành bà "đốc-tờ". Chỗ của chị ở trên tỉnh mới đúng. Năm trước năm sau D. được "xin" về làm chánh văn phòng Sở, ai cũng thấy hợp lý. Cán bộ vừa hồng vừa chuyên lại khéo "anh à anh ơi" bây giờ mới lên đến đây là muộn đấy. Chỉ có D. là biết Tỉnh vẫn chỉ là ga xép. Mà muốn đi tiếp thì chị phải làm nghiên cứu sinh thôi.

Bế tắc quá... đi học thôi

Ra trường thất nghiệp, chưa biết về đâu thì... làm cái cao học (nghe sang chưa). Có việc rồi nhưng trốn việc, cách cao thủ nhất là xin cơ quan cho đi học. Bất mãn sếp, đi học! Thấy đứa trẻ hơn ngồi ghế trên mình, ngứa mắt, cũng đi học! Tóm lại, cứ bị ức chế thì nên đi học. Một công đôi việc, rất văn minh!

Thi cao học không mở được phao, trượt thì về làm tạm cái văn bằng hai. Kiến thức có bao giờ thừa. Có bằng Văn rồi hả, học thêm Quản trị kinh doanh cho nó hoành tráng. Còn nếu Kế toán thì biết tí Luật để "lách" dễ hơn. Mỏ địa chất rồi phải kèm tí Địa lý nhân văn, để trở thành con người toàn diện hiểu biết cả tự nhiên lẫn xã hội. Nếu những bằng cấp ấy không sử dụng được vào đâu thì ít nhất cũng cảm thấy mình không tụt hậu mỗi khi họp lớp, hoặc về nhà chồng khỏi tự ti là mình nghèo "trang sức".

Trí thức bây giờ gặp nhau phải ríu ran "đã phổ cập xong phổ thông cấp 4 (cao học) chưa?" hay "đã "xoá mù" tiến sĩ chưa?". Công tác ở viện hay trường, xác định làm xong luận văn thạc sĩ thì đến luận án tiến sĩ, trước sau gì cũng phải làm, giống như phải sinh hai đứa con cho đủ tiêu chuẩn, thì làm luôn một lèo cho xong. Nghỉ lâu quá đâm ngại. Vả lại chỉ nghe nói "làm" thì tốn kém chứ có mấy ai bảo vệ không thành công đâu.

Theo Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010, 5 năm nữa Việt Nam phấn đấu có 38 nghìn thạc sĩ và 15 nghìn tiến sĩ. Nhìn vào tinh thần học tập hừng hực của nhiều người, ta tự tin sẽ vượt chỉ tiêu!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: