"Phao" là một bệnh dịch của xã hội

08:43 SA @ Thứ Bảy - 02 Tháng Bảy, 2005

Hành động hành hung giám thị không chỉ phạm pháp mà còn vi phạm chuẩn mực tối thiểu của lương tâm người học trò. Nếu không kiên quyết trừng trị thẳng tay, rồi đây giám thị sẽ phải “làm lơ” với những người quay cóp để được yên thân…

Theo tôi, “phao” trong trường thi là biến thể của một loại “phao” ngoài xã hội mà người ta sử dụng để “bôi trơn” các mối quan hệ, để giải quyết mọi chuyện, để vượt qua những rào cản, khó khăn gặp phải..., “Phao” đã trở thành một “bệnh dịch” đang lây lan trong xã hội…

Lâu nay, người ta lo dạy chữ chứ không lo dạy người. Lối đánh giá chạy theo thành tích, chạy theo chỉ tiêu lên lớp, đạt danh hiệu tiên tiến, giỏi, thi đậu cao cũng góp phần rất lớn trong việc hình thành “phao”. Thậm chí, một số cán bộ quản lý giáo dục còn bật mí “kinh nghiệm”: “đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100% có thể làm được, chỉ có trên 100% mới không làm được mà thôi”.

Bệnh chạy theo thành tích không chỉ có trong cán bộ ngành giáo dục. Lấy ví dụ chuyện chạy theo chỉ tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến thời hạn đã định nếu không đạt chuẩn thì không chỉ trưởng phòng GD-ĐT và giám đốc sở mà cả lãnh đạo tỉnh, thành cũng “khó ăn, khó nói”.

Khi chỉ tiêu đưa ra quá cao, vượt quá khả năng thực tế, đương nhiên họ phải cùng nhau gian dối. Tình trạng UBND tỉnh thành đưa chỉ tiêu buộc sở phải thực hiện, sở “gõ” phòng, phòng phải “gõ” trường và trường sẽ “gõ” giáo viên, “gõ” cha mẹ HS ép con mình phải thành HS khá, HS giỏi. HS biết năng lực của mình khó với tới nhưng vì sức ép của gia đình, nhà trường, xã hội, HS đó phải tìm cách đạt được “bằng mọi giá”.

Tỉ lệ tốt nghiệp THCS của Khánh Hòa trong năm nay chỉ 64%. Theo như những gì ông giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa nói thì ông “không bất ngờ”, bởi năm nay Khánh Hòa lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển lớp 10 khiến HS “hồn ai nấy giữ”, tức là không để bạn chép bài của mình, sợ bạn mình cao điểm hơn thì mình bị loại ra.

Ông còn khẳng định là “nếu đánh giá đúng mặt bằng chất lượng học tập của HS ở tất cả các trường trên toàn quốc thì cũng chỉ đến thế mà thôi”. Có bao nhiêu giám đốc sở cũng nghĩ như vậy mà chưa dám nói ra?

HS đi học chỉ với một mục đích: đạt điểm cao, thi đậu, lên lớp. Dạy học trong tâm trạng chạy theo chỉ tiêu thi đua được xây dựng duy ý chí, nên giáo viên không còn thời gian chăm chút nhân cách cho HS mà chỉ dồn ép HS học càng nhiều, thuộc càng nhiều càng tốt.

“Phao” làm “nhiễu” công tác đánh giá trình độ, tạo ra sự không công bằng: HS trung thực, chăm chỉ bỏ công sức ra để học tập đàng hoàng lại có kết quả thấp hơn những HS lười biếng, yếu kém nhưng sử dụng “phao”. Điều này làm cho những HS chăm chỉ bất mãn và mất niềm tin.

Nhờ có “phao” mà không ít người có trình độ giả nhưng bằng cấp thật. Nạn “phao” còn tạo ra một tâm lý, thói quen tai hại trong những chủ nhân tương lai của xã hội, đó là sống trên pháp luật, thói quen ăn gian, dối trá, thu lợi cho mình; từ đó mà có nguy cơ tạo ra một thế hệ công dân coi thường pháp luật, một thế hệ người lao động vô trách nhiệm. Cái hại lớn nhất là nó dễ gây mất niềm tin đối với luật pháp, đối với xã hội, nó lây nhiễm qua những người trung thực vì thấy sống trung thực là “dại”.

Vì thế, biện pháp căn cơ theo tôi là nên bỏ những mục tiêu duy ý chí, chạy theo thành tích ảo - không chỉ riêng nhà trường mà cả xã hội. Cần coi trọng hơn nữa việc dạy người: đánh giá con người thông qua việc làm chứ không phải số bằng cấp anh ta có. Dạy HS tính trung thực là một điều nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng.

Giáo dục thường chú ý những điều “lớn lao” mà không chú ý thích đáng đến điều này. Ngoài ra, nên thay đổi tâm lý khoa cử: xã hội thường đồng nhất việc đỗ đạt với thành công trong đời người. Một người đỗ đạt có thể thành công nhưng không có nghĩa người không đỗ đạt thì không thành công.

Có người nông dân học lớp 5 mà vẫn chế tạo ra máy gặt đập liên hợp; “thần đèn” Cẩm Lũy không có bằng cấp gì mà vẫn được dân tin. Không nên tạo sức ép nặng nề đối với người học. Ở đời đâu phải ai cũng có thể học giỏi? Khi HS không thể theo con đường học vấn, các em có thể học nghề rồi vẫn thành đạt được mà. Làm người lao động học vấn thấp mà sống trung thực tốt hơn là làm người có học vấn cao mà lừa đảo.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác