Thân phận công dân thế giới hạng hai!

08:44 SA @ Thứ Năm - 27 Tháng Ba, 2014

Thân phận công dân thế giới hạng hai

Cuối năm 2006, suy nghĩ về thân phận công dân thế hạng hai là phản ứng đầu tiên trong tôi sau khi được nghe đài báo loan tin nước ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tôi hiểu, như thế là với bước đi này nước ta đã trở thành thành viên đầy đủ trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Tôi cũng hiểu, như thế là nước ta chấp nhận một cuộc đua tranh mới không ngang tài ngang sức trên thị trường thế giới. Tôi càng thấm thía những thách thức nhiều mặt bên trong bên ngoài đến từ cái nghèo và sự lạc hậu của đất nước. Khi tôi viết những dòng chữ này, thị trường tài chính thế giới đang tụt dốc, hàng chục tỷ USD, Euro, Yên… đang được cấp tốc bơm vào để mong chặn đứng cơn suy thoái này… Nếu lại xảy ra trận tsunami tiền tệ tài chính thế giới, nền kinh tế nước ta sẽ đứng ở đâu? có tai qua nạn khỏi được như năm 1997 không?

Công dân thế giới hạng hai, đấy là cái cùm đang xích vào chân dân tộc Việt Nam ta sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước năm 1975. Tên gọi của thân phận này dấy lên trong tôi hình ảnh cái triện sắt nung đỏ thời trung cổ xa xưa thường được đóng vào trán kẻ nô lệ - để phân biệt với những người không phải là nô lệ. Khác chăng, là thời nay cái triện sắt nung đỏ ấy vô hình!

Tôi quá nhạy cảm, hay tôi xúc phạm dân tộc mình, đất nước mình?

Công dân thế giới loại hai, còn có nghĩa là trên thế giới này có công dân thế giới loại một! Thế giới này còn lâu mới “phẳng”, và chí ít bị phân chia thành hai đẳng cấp như vậy.

Một quốc gia đóng vai trò công dân thế giới hạng hai trên thế giới, có nghĩa là trong cộng đồng quốc tế quốc gia này lép vế và phụ thuộc hay lệ thuộc vào thế giới bên ngoài trên nhiều phương diện, tiếng nói của nó ít được lắng nghe, vai trò của nó trong cộng đồng quốc tế thường mờ nhạt – vai trò “thứ dân” trong cái “làng” thế giới - mặc dầu về pháp lý nó là nước độc lập, có chủ quyền, bình đẳng với mọi quốc gia khác. Quốc gia công dân thế giới hạng hai quá thiếu thực lực về mọi mặt tinh thần, vật chất, chính trị và văn hoá… để thực hiện vị thế lẽ ra phải có của mình là một quốc gia bình đẳng với mọi quốc gia khác trên thế giới này.

Nói ngắn gọn: Công dân thế giới hạng hai đang là công dân thân phận của nhiều nước độc lập, có chủ quyền, nhưng nghèo và lạc hậu. Phần lớn đấy là những đang phát triển thuộc nhóm nước nghèo trên thế giới, trong đó có Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Xin hãy gạt bỏ mọi kỳ thị quốc gia hay chủng tộc, sắc tộc.., xin hãy gạt bỏ mọi thứ quan niệm nhiều hình dạng của chủ nghĩa xô-vanh nước lớn hay chủ nghĩa xô-vanh nước nhỏ, để nhìn thẳng vào cái nghèo và lạc hậu kéo dài đang đóng vào trán chúng ta cái triện sắt nung đỏ: Nói trời nói đất gì cũng được, các người vẫn chỉ là công dân hạng hai trên thế giới này mà thôi! Cuộc sống cũng cho thấy một khi lực bất tòng tâm thì lẽ phải còn mấy ý nghĩa trong cái thế giới còn không ít chuyện sát phạt này? Mới đây nhất là vụ kiện Dioxin của chúng ta.

Xin hãy cắn răng nén lại lòng tự hào dân tộc, xin hãy thẳng thắn nhìn lại mình với tất cả ý thức tự trọng, để thấm thía nỗi nhục của một nước nghèo, để trong thâm tâm biết quằn quại với cái hèn khiến ta không sao có thể bằng vai bằng vế với thiên hạ.

Đất nước bốn ngàn năm văn hiến, trong lịch sử cận đại đã đánh thắng hai đế quốc to, đã một thời được coi là lương tri của nhân loại, đã hơn 30 năm là quốc gia độc lập có chủ quyền, là thành viên đầy đủ của hầu hết mọi tổ chức quốc tế và khu vực trên thế giới…, thế nhưng ngày nay cái nghèo và hèn nặng trĩu trên vai cứ dí đất nước ta xuống hàng ngũ công dân hạng hai của thế giới. Trong khi đó vị thế của đất nước không thể nói là thấp.

Đó đây trên thế giới có thể có những có những đầu óc, những tấm lòng biết tôn trọng lẽ phải, không thừa nhận, thậm chí không dung tha sự phân loại hay phân biệt đối xử với nhau như vậy trong cộng đồng thế giới. Nhưng cay nghiệt thay, cuộc sống thực tế mọi mặt trong cộng đồng thế giới hình như không thèm đếm xỉa đến những đạo đức hay quan điểm tân tiến này. Hoặc lịch sự, hoặc che đậy, hoặc trắng trợn, cuộc sống trên thế giới cứ bám vào cái nghèo và hèn của nước ta để đối xử với nước ta như trên thực tế (de facto) như một loại thứ dân trong trật tự quốc tế!

Xin hãy đoạn tuyệt với mọi sự biện minh hay tự bào chữa! Xin hãy quên đi việc tự ru, uống thuốc ngủ bằng những bài hát về niềm tự hào “nhất thế giới…”. Xin dừng cái việc đem mình hôm nay ra so sánh với mình hôm qua! Không sự biện minh hay loại thuốc ngủ nào có thể xoá đi dấu vết cái nghèo hèn. Triện công dân thế giới hạng hai đang hằn đen trên trán chúng ta!

Hãy tự hỏi: Cái nhục vì mất nước hôm qua và sự cay đắng vì nghèo hèn hôm nay có khác nhau bao nhiêu không?

Quốc gia độc lập rồi, nhưng để cho nghèo hèn kéo dài mãi, nỗi nhục càng lớn!

Xin hãy tự nhìn lại chính mình.

Những chuyện “nhỏ” nhất:

Lúc này lúc khác nước ta đã có cái “chợ vợ” cho người nước ngoài, báo chí đã phải lên tiếng… Ai mà không thắt ruột!?

Trên đường phố N. ở Phnom Penh tôi đã gặp những em gái làm nghề bán hoa là người Việt. Khi chuyện trò các em không ngần ngại chia sẻ nỗi xót xa của mình về cái nghề mình đang làm, song lại một mực chối bỏ mình là người Việt vì quá đau lòng! Ngồi nghe, tim tôi thắt lại - vì thương cảm, vì trân trọng tấm lòng của các em: có thể chối bỏ mình, nhưng không nỡ làm thương tổn thể diện quốc gia! Trời đất, ai đếm được ở Phnom Penh có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh như vậy!?

Trong khi gần như cả thế giới nhiều năm nay nhao vào bào chữa để cứu 5 y tá người Bulgari và 1 bác sỹ người Palestin bị nhà cầm quyền Lybie xử oan và kết án tử hình - do bị khép vào tội làm lây nhiễm bệnh HIV cho trẻ em; 6 người này đã được cứu thoát. Thế nhưng ở phía trời Biển Đông thế giới lại lặng thinh trước việc 9 ngư dân của ta bị giết tháng 1-2005. Chuyện ngư dân ta bị giết như thế lại tái diễn trong tháng 7 này. Lại một lần nữa ta cắn răng ngậm bồ hòn làm ngọt, cố tìm cách giải quyết theo con đường nội bộ, còn thế giới thì yên lặng! Đương nhiên trên thế giới này chuyện nào cũng có những “dích-dắc” riêng của nó, nhưng cũng là sinh mạng con người trên thế giới, sao lại có những cách đối xử khác nhau như vậy?

Khi đọc trên báo chí ta những ý kiến đanh thép lên án việc bắt cóc các con tin Hàn quốc ở Afghanistan, càng chia sẻ bao nhiêu sự phẫn nộ chính đáng này, trong lòng tôi càng xót xa về những ngư dân ta bị giết nói trên và bản thân mình càng thấy nhục vì sự im lặng của phía ta. Đành rằng phải tỉnh táo vì lợi ích đại cục của đất nước, không để chuyện bé xé ra to, không kích thích thù hằn giữa hai nước… Nhưng phải chăng vì yếu và hèn nên không thể làm cách nào khác có tư thế hơn? Có cách gì phòng ngừa hiệu quả hay chấm dứt hẳn sự lạm sát này trên biển không?

Ai có thể vô cảm khi hàng ngày đọc những tin tức lao động Việt Nam ở nước ngoài bị ngược đãi và tước mất nhân phẩm, nhất là các lao động nữ!? Thế nhưng, vì không còn đường nào khác, nhiều người vẫn bán hết của cải, thậm chí phải vay nợ chồng nợ chất, để tìm đường đi lao động nước ngoài, hằng mong có thể đổi đời… Sinh viên mới tốt nghiệp, người tài… hễ chỗ nào công ty nước ngoài trả lương cao là nhao nhao vào… - chính đáng thôi, nhưng nếu… Tôi chạnh lòng nhớ lại những bài học cũ: Người là vốn quý nhất…, lao động là giá trị cao quý của con người và không phải là hàng hóa… Tôi không kỳ thị việc đi làm thuê như vậy, lao động để kiếm sống là chính đáng, thậm chí là cần thiết trong khi trong nước thiếu việc làm. Thế nhưng… tôi đã thấy những tập đoàn lớn của Hàn Quốc đưa lao động của họ đi xây dựng những công trình họ thắng thầu ở nước ngoài, hầu hết là những lao động có kỹ thuật, chạnh lòng so sánh với người mình đi làm thuê xứ người… - thật một trời một vực! Tôi nghĩ đến mối nguy chất xám của đất nước không được tận dụng, bị chảy máu… Bao trùm lên nỗi lo này là câu hỏi: Cả nước sẽ tiêm nhiễm tư tưởng đi làm thuê? Tư duy kinh tế của chúng ta sẽ không thoát được tư tưởng làm thuê? Thế thì bao giờ và như thế nào để trở thành làm chủ?

Tôi xin lỗi trước và không dám vơ đũa cả nắm… Hàng chục năm qua tôi đã dự khá nhiều hội nghị khu vực và quốc tế trên các lĩnh vực khác nhau. Họ giáo sư, tiến sỹ, ta cũng giáo sư, tiến sỹ; họ cấp bậc này nọ, ta cũng không kém… Thế nhưng trong không ít những hội nghị như thế ta nghe là chính – nghe có hiểu hay không lại là chuyện khác; tại không ít hội nghị hễ không có phiên dịch thì các đại biểu ta thường không có tai và không có cả mồm... Phát huy vai trò và tiếng nói của nước ta ra sao đây? Thế còn hậu hội nghị là cái gì? Hơn thế nữa, phải chăng vì những lẽ này, năm này qua năm khác, hàng nghìn, hàng nghìn cán bộ, viên chức từ cấp xã trở lên đi họp, đi học, tập huấn, tham quan… khắp nơi trên thế giới mà cái lạc hậu trong nước vẫn kéo dài?

Vân vân…

Thế còn những chuyện không “nhỏ” thì sao?

Cũng là một trong những nước hấp dẫn mạnh mẽ đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) như ai.., tôi vào một xí nghiệp lắp ráp ô-tô ở nước ta, tôi đến thăm một xí nghiệp như thế ở Thái Lan… Có thể khái quát thế này: Ở nước ta là công nghệ loại 3 loại 4, ở Thái Lan là công nghệ loại hai. Thế thì cạnh tranh sao đây? Nói lên so sánh này, tôi bấm bụng cố quên đi những chuyện các nhà máy mía đường mini và các nhà mày xi-măng lò đứng đang trở thành những đống vụn đổ vỡ rải rác trên nước ta…

Tôi phát sốt phát rét trước những tin tức ào ào trên báo chí về công nghiệp đóng tầu biển mà nước ngoài đang cố thải ra và nước ta đang cố gắng biến nó trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn - với tất cả những ưu ái có thể được dành cho nó, trong khi đó khoảng 2/3 hàng xuất nhập khẩu của nước ta lại do các hãng vận tải hàng hải nước ngoài đảm nhiệm.

Tai tôi ù lên về những tin tức Tập đoàn khai thác than và khoáng sản nước ta sẽ đưa sản lượng than lên thêm nhiều triệu tấn nữa cho xuất khẩu – trong khi nước ta thiếu điện… Trong đầu tôi dấy lại giấc mơ hãi hùng năm nào về một Quảng Ninh đen… Trên thực tế Quảng Ninh đã xuất hiện nhiều vùng đen mới. Sắp tới còn bauxite làm alumin cho xuất khẩu, còn bột giấy, còn nhiều nguyên liệu và khoáng sản khác và sản phẩm dựa trên lao động cơ bắp, cũng cho xuất khẩu…

Cả một dải vùng duyên hải phong phú từ Móng Cái đến Cà Mau nhiều quốc gia mơ cũng không có được đang được khai thác nham nhở… Tôi chạnh lòng nghĩ đến các nước phát triển khai thác, làm giàu và làm đẹp vùng duyên hải của họ như thế nào – còn hơn cả tấc đất tấc vàng!

Trong khi đó, trên đất nước ta đã xuất hiện những con sông chết, những làng ung thư; ách tắc và tai nạn giao thông đang là ác mộng hàng ngày, nhiều nơi bắt đầu thiếu nước, đất đai ngày càng khan hiếm…Phát triển như vậy, nước ta sẽ thoát khỏi nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp trong tương lai? Mà như thế sẽ làm sao thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai?

Các nước ASEAN ý thức rất rõ về vai trò của tổ chức mình, rất muốn Việt Nam với vị thế quan trọng trong khu vực sẽ đóng góp hiệu quả hơn nữa vào việc tăng cường mọi mặt tổ chức này. Lợi ích sống còn của nước ta cũng cần một ASEAN mạnh. Về mặt chính trị, Việt Nam đã được lên chức “trung phong” trong đội tuyển ASEAN. Thế nhưng kinh tế còn yếu như thế, vẫn chưa bước ra được khỏi nhóm ASEAN 4 (Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianma), làm sao nước ta có thể góp phần đáp ứng mong ước chung về một ASEAN mạnh?

Năm 2008 đến lượt nước ta sẽ là thành viên không thường trực 1 năm của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Thực hiện vai trò này ra sao đây với thực lực mọi mặt, ý chí và tầm nhìn như hiện tại của nước nhà?

Trên đại dương có kẻ ngang ngược nói thẳng vào mặt chúng ta: Lực lượng hải quân các người như vậy hãy cố giữ lấy hải phận 12 hải lý thôi! Sức mấy mà các người đòi hơn!.. Luật pháp quốc tế nào cho phép hành xử như vậy? Thế còn biết bao nhiêu chuyện hệ trọng khác về an ninh, về toàn vẹn lãnh thổ, về chủ quyền quốc gia…sẽ ra sao?

Đời sống thế giới ngày nay có vô vàn vấn đề, của khu vực, của toàn cầu. Trong cuộc sống này không chỉ có ăn cướp, chụp giựt, bố thí, đi xin.., mà còn có vay có trả, có cho có nhận - những xu thế tốt này đang ngày càng tăng theo với quá trình phát triển của toàn cầu hoá. Trên thế giới này có biết bao nhiêu chuyện riêng của từng nước, và chuyện chung của từng khu vực hay của cả nhân loại, ta không vì người, làm sao có thể mong đợi người vì ta?

Chỗ này chỗ khác trong tư duy vẫn còn những ý nghĩ bạc nhược và ích kỷ: Nước ta quá nghèo, sức ta có hạn, lo cho thân mình chưa xong, hơi sức đâu mà lo cho người!

Quy luật muôn đời là: Ta có vì người, thì người mới vì ta. Trong thế giới này, bạn bè hỗ trợ nhau ngày càng gia tăng, mới đỡ bị lẻ loi, đỡ bị ăn hiếp. Ta không dấn thân như thế, làm sao thoát khỏi thân phận hạng hai trong thế giới này? Thế nhưng lực yếu, chí mỏng, tầm nhìn quanh quẩn những chuyện của chính mình thì làm sao có thể dấn thân vì người để người cũng sẽ vì ta?

Các chuyến đi thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa nước ta trở thành đối tác chiến lược của nhiều nước. Một triển vọng lớn rộng mở cho tương lai của đất nước. Tầm nhìn, ý chí, trí và lực của nước ta rồi đây sẽ phải như thế nào, để nước ta đáp ứng thoả đáng sự hợp tác quan trọng có ý nghĩa sống còn này, chứ không để nó chỉ là một lời cam kết?

Vân vân… và vân vân…

Mỗi chúng ta, không phân biệt một ai trong toàn thể cộng đồng dân tộc ta, trừ ai tự đánh mất mình dù theo cách nào, chừng nào còn coi mình là người con của dân tộc này, đều phải nhìn nhận lại tất cả với tinh thần phê phán, để ngay từ bây giờ phấn đấu thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai – còn nghèo thì phấn đấu theo cách nghèo.

Ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước

Phải, sau 22 năm đổi mới, thu nhập theo đầu người của nước ta tăng 4 lần, việc xoá và giảm đói nghèo được thế giới nêu gương. Báo chí thế giới không hiếm những dự báo về một “con hổ”, “con rồng” Việt Nam ở Đông Nam Á đang vươn vai ra khỏi giấc ngủ của mình… Tất cả đều là sự thật. Tất cả là những kỳ tích không phải một nước đang phát triển nào trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 có thể làm được. Báo chí và dư luận thế giới đánh giá cao sự ổn định mọi mặt, có ấn tượng sâu sắc về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục đứng thứ hai thế giới của nước ta trong thập niên này... Thực tế đúng là như vậy. Đấy là niềm tự hào lớn của đất nước, là một trong những yếu tố quan trọng để các đối tác nước ngoài “chọn mặt gửi vàng”, ngày càng mở rộng quan hệ làm ăn với nước ta.

Nếu lấy mức tăng GDP theo đầu người, lấy kim ngạch buôn bán với bên ngoài và FDI làm thước đo, việt Nam là một nền kinh tế năng động trong khu vực với nhiều triển vọng hứa hẹn. Nhất là từ hai năm nay những tiến bộ nhiều mặt của đất nước đang có triển vọng mở ra những bước đột phá mới - đặc biệt là thị trường vốn đang phát triển mạnh, nền kinh tế đất nước đang đem đến cho thị trường ngày càng nhiều sản phẩm mới. Là người Việt Nam, mỗi chúng ta có lẽ hiểu sâu sắc hơn ai hết những gì đã phải trải qua để đạt được những thành tựu rất có ý nghĩa này. Một thời kỳ phát triển mới của đất nước đang hé mở…

Trong mỗi chiến thắng, trong mỗi thành tựu giành được thường ấp ủ những mầm mống của những vấn đề mới, của những thất bại mới. Đơn giản là chiến thắng nào, thành tựu nào cũng phải trả giá, cũng đặt ra những đòi hỏi mới, thách thức mới. Cuộc sống cũng cho thấy những vấn đề mới, những thách thức mới đến từ những chiến thắng, từ những thành tựu nếu không được xử lý, có thể trở thành những yếu tố dẫn đến thất bại mới bằng con đường ngắn nhất. Ví dụ nóng hổi là quản lý một nền kinh tế xuất khẩu tới 60 – 70% sản phẩm làm ra hàng năm như của nước ta hiện nay, FDI chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm.., hiển nhiên tình hình này đang đặt ra những vấn đề, những thách thức hoàn toàn khác so với thời nền kinh tế bao cấp khép kín. Muốn thắng nghèo nàn lạc hậu, phải thường xuyên nhìn thẳng vào những mầm mống nguy cơ mới này với tầm nhìn dài hạn. Nhất là không được mất cảnh giác, không được tự ru ngủ mình.

Tốc độ tăng trưởng GDP 7 – 8% liên tục trong nhiều năm là một trong những thế mạnh của đất nước. Thế nhưng đã đến lúc phải nhìn sâu vào những hẫng hụt, những mất cân đối nhiều mặt đang tích tụ lại trong quá trình tăng trưởng này – ví dụ: giữa tầm nhìn và chiến lược kinh tế đang thực thi, giữa yêu cầu phát triển và năng lực quản lý, giữa cầu và cung trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giữa số lượng và chất lượng của toàn bộ nền kinh tế, trên hết cả là giữa những đòi hỏi và khả năng đáp ứng trong việc phát triển nguồn nhân lực… Sự tăng trưởng năng động hiện nay nếu không nâng cao được chất lượng tăng trưởng sẽ nói lên điều gì?

Dưới đây xin lẩy ra một số vấn đề săm soi vào những yếu kém, những tồn tại cần khắc phục trong quá trình phát triển đất nước.

Câu chuyện: Ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước. Ta chạy một bước, thiên hạ cũng chạy một bước.

Đi và chạy cật lực như thế, năm 1986 – năm bắt đầu công cuộc đổi mới – thu nhập theo đầu người của ta kém Trung Quốc 200USD, kém Thái Lan 997 USD, kém Malaysia 1950 USD, kém Indonesia 550 USD, kém Philippines 440 USD, kém Hàn Quốc 6940 USD… Cũng so sánh như vậy, năm 2006 thu nhập của ta kém Trung Quốc 1100 USD, Thái lan 2140 USD, Malaysia 4520 USD, Indonesia 750 USD, Philippines 420 USD, Hàn Quốc 17.000 USD… (tham khảo thêm thống kê của IMF 2007). Nghĩa là ta càng chạy như hiện nay khoảng cách thu nhập so với những nước này càng rộng ra!

Một hình ảnh cụ thể: Khoảng cùng thời gian ta khởi công xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, Thái Lan cũng tiến hành xây dựng sân bay mới Suvarnabhumi cho Bangkok (thay thế sân bay Donmuang cũ). Hai sân bay mới này có quá nhiều chỉ số, tôi thực sự không biết nên so sánh ta với bạn như thế nào, cứ tạm đo lường theo số lượng các cổng (gates) ra máy bay và những tiện ích khác của mỗi bên vậy. Nếu cho điểm nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài mới của ta là 1 thì có lẽ phải cho điểm Suvarnabhumi là 10. Ngay so với Donmuang cũ, Nội Bài mới của ta cũng kém xa! Nghĩa là ta đi một bước, bạn cũng đi một bước, nhưng sự khác nhau cụ thể thật ớn lạnh! Còn hệ thống đường xá của Thái Lan, có lẽ phải hai ba mươi năm sau ta mới đuổi kịp bạn ở mức hôm nay – với điều kiện có quy hoạch tổng thế khoa học, làm công trình nào xong đứt đoạn công trình ấy, chứ không dang dở và kéo dài lê thê, gối đầu triền miên năm nay qua năm khác như đang diễn ra khắp nước ta.

Một so sánh nữa: Tập đoàn dầu khí Petro Vietnam và tập đoàn dầu khí Malaysia Petronas ra đời gần như cùng một thời điểm năm 1974, đều là tập đoàn của quốc gia. Thế nhưng từ giữa thập kỷ 1990 Petronas đã vươn ra đầu tư và khai thác nhiều nơi trên thế giới và trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tổng hợp lớn nhất của Malaysia. Trong khi đó Petro Vietnam cho đến hôm nay vẫn chưa phải là nhà kinh doanh lớn nhất ngay trong vùng biển của mình, hầu như chưa vươn ra khỏi vùng biển nước mình, nhà máy lọc dầu Dung Quất 9 năm chưa hoàn thành… Tôi thực sự băn khoăn về giá thành, tính hiệu quả kinh tế và khả năng sinh lời của công trình này. Có thể giải thích công khai được không? Âu cũng là ta đi một bước, bạn đi một bước!

Báo chí thế giới gần đây nói nhiều về Campuchia hiện nay: Một nước mà người dân ở đây trước kia không biết gì hơn là mưa và ruộng lúa, thời Polpot đã xoá bỏ cả tiền tệ… Thế nhưng trong ngôn ngữ đời sống của họ hôm nay đã xuất hiện những từ ngữ mới: Chứng khoán, trái phiếu… FDI đang tăng vọt ở thị trường nước này. Đáng chú ý là hàng may mặc xuất khẩu của Campuchia đã cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như ngay tại nước ta. Kinh tế Campuchia còn rất nhiều vấn đề - từ tham nhũng đến sự thiếu công khai minh bạch trong thực thi luật pháp như bất kỳ một nước đang phát triển nào ở thời kỳ ban đầu này. Tuy nhiên, điều khác với nhiều nước đang phát triển khác là sự ổn định ngày càng gia tăng, chính phủ quyết tâm vận dụng cơ chế kinh tế thị trường trong khung khổ của WTO, người tài được thu dụng và được đưa vào nhiều trọng trách trong cơ quan nhà nước, sự điều hành đất nước đang hướng về pháp quyền theo những điều kiện cụ thể của đất nước này.

  • Hàn thử biểu thứ nhất để đo sự phát triển của Campuchia hiện nay là: cho đến hết thập kỷ trước, kinh tế Campuchia chỉ tăng trưởng khoảng 5% năm hoặc thấp hơn, với lạm phát là 2 con số. Song từ 3 năm nay tăng trưởng GDP bình quân của Campuchia là 11,4% (cao hơn Việt Nam), với chỉ số lạm phát khoảng 5% (năm 2006 chỉ số này là 4,7% - IMF 2007).
  • Hàn thử biểu thứ hai để đo sự phát triển này là nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc đang rót vốn vào nhiều đề tài kinh tế quan trọng, thị trường chứng khoán đã xuất hiện, chính phủ Campuchia được đánh giá là chính phủ thân thiện với kinh doanh. Một nhà kinh tế Hàn Quốc nhận định: Sự hoang dã trong nền kinh tế Campuchia hiện nay không khác gì tình hình ở Hàn Quốc cách đây nửa thế kỷ, thế nhưng Campuchia đã đi tới một điểm… “…con chuột nhắt châu Á – bài báo này ví Campuchia như vậy - sẽ gầm lên!..”1

Rõ ràng ta đi một bước, Campuchia cũng đi một bước, song rồi đây ai biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào?

Xin hãy đến thăm một xí nghiệp có FDI về ô-tô ở Trung Quốc…

Có thể nhận thấy ngay Trung Quốc cũng bắt đầu từ FDI, đã đi qua đủ những cung đoạn, từ lắp ráp, gia công, tham gia chế tác.., bây giờ là tiến lên tự chế tác, tự thiết kế, tự sản xuất và tự đặt ra thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình… Tự nhiên bạn sẽ hiểu ngay vì sao ô-tô Trung Quốc đã bắt đầu len được vào thị trường Mỹ và châu Âu! Tất cả những cung đoạn này Trung Quốc đã đi qua trong vòng 30 năm! Tất cả những cung đoạn này nói lên ý chí và nội dung phát huy nội lực – và hình như rất khác với nội dung phát huy nội lực của ta. Trung Quốc còn có nhiều sản phẩm công nghệ cao khác đã trải qua con đường như thế…

Tôi tự hỏi, tầm nhìn nào, luật pháp nào và chính sách nào đã đưa Trung Quốc lên con đường này với những bước đi bài bản và ngoạn mục trong khoảng thời gian ngắn như vậy?

Ta cũng đi trên con đường này 22 năm rồi – nghĩa là 2/3 thời gian con đường Trung Quốc đã đi, hiện nay ta đang ở đâu?

Xin nói thêm, theo báo chí nước ngoài, có tới 70 – 80% know how công nghệ thuộc loại hiện đại nhất của Trung Quốc - như công nghệ vũ trụ, hạt nhân, tin học… - là do những trí thức người Hoa học tập và sống ở nước ngoài làm ra hoặc đem về. Trung Quốc đã bắt đầu có bộ trưởng là người ngoài Đảng…

Trong vòng 3 thập kỷ, Trung Quốc từ một nền kinh tế khổng lồ lạc hậu trở thành công xưởng của cả thế giới, đang làm cho cả thế giới thán phục, kinh ngạc, sợ hãi.

Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tất cả sức mạnh chính trị, quân sự trong thời gian không xa. không ít những dự báo về sự xuất hiện siêu cường Trung Quốc, trong khi ngọn cờ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung quốc cứ tiếp tục dâng cao. Cả thế giới – trước hết là các nước phát triển, đang lo lắng phải thay đổi như thế nào để thích nghi với thực tế này. Sự xuất hiện “công xưởng của thế giới” này được nhiều người đánh giá là sự kiện kinh tế quan trọng nhất trên thế giới kể từ cuộc cách mạng công nghiệp (bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII), vì nó đang biến đổi sâu sắc cấu trúc và quan hệ kinh tế thế giới hiện tại! Thực tế này khiến người ta nhớ lại một câu trong Tuyên ngôn Cộng sản, nhưng với một ý khác: Hàng hoá rẻ của Trung Quốc đang bắn thủng các dinh lũy của cấu trúc kinh tế thế giới hiện tại2.

Sát nách cái “công xưởng của thế giới”, nước ta nghĩ gì? Ta đi một bước, Trung Quốc cũng đi một bước là như thế đấy3.

Suy nghĩ về tuyên chiến với nghèo hèn

Có nhiều thứ để đổ tội một cách chính đáng cho cái nghèo hèn hiện nay nước ta đang phải mang vác trên vai. Nhưng “đổ tội” được như vậy ta sẽ mau trở nên giầu sang? Sẽ thanh thản hơn? Lương tâm sẽ đỡ cắn dứt hơn?.

Nghèo và lạc hậu, không phải là một bệnh, càng không phải là một số phận, mà là sản phẩm của một thực tế nhất định, bao gồm hai phần: khách quan và chủ quan. Điều quan trọng là trí tuệ, tầm nhìn, ý chí chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, tất cả cần được hun đúc thành sự đồng thuận của toàn dân tộc, kết tinh lại thành ý chính trị mãnh liệt của toàn dân tộc.

Nói một cách khác:

Chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, quyết thoát khỏi thân phận công dân hạng hai của thế giới phải là sự nghiệp và khát vọng của toàn dân tộc. Đặt ra được vấn đề như vậy, sẽ tìm ra con đường và sức mạnh đi tới mục tiêu.

Khát vọng này, ý chí chính trị này là yếu tố đầu tiên phải tạo ra trước khi bắt tay vào mọi việc khác - trước hết với ý nghĩa phải chiến thắng những yếu kém của chính bản mỗi con người chúng ta, phải chiến thắng những yếu kém của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta. Chỉ có sự phấn đấu của bản thân, dứt khoát không đổ lỗi cho một hoàn cảnh hay nguyên nhân nào cả.

Hãy nhìn ra cả thế giới, có những quốc gia sống trong những điều kiện còn ngặt nghèo hơn nước ta, họ đi lên được và thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai. Nước ta - một dân tộc đang lên, tuổi trẻ chiếm quá nửa dân số - tại sao không?

Dưới đây xin nêu lên một số ý kiến bàn thêm về khía cạnh chủ quan.

Tầm nhìn

Sự ra đời của các “con hổ”, “con rồng” Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan đều bắt đầu từ tầm nhìn của những người lãnh đạo đương thời.

Sự nghiệp cải cách ở Trung Quốc và những gặt hái thành công cũng bắt đầu từ tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình. Trước tình hình bế tắc hiện nay ở Iraq và nhiều vấn đề khác đang đặt ra đối với nước Mỹ, dư luận rộng rãi ở Mỹ đang bức xúc đặt ra vấn đề phải đổi mới đội ngũ lãnh đạo với tầm nhìn mới của nước họ.

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được dấy lên từ cuộc sống và cuối cùng trở thành đường lối của Đảng Cộng Sản Việt Nam, trước hết là nhờ đổi mới tư duy trong Đảng – nghĩa là cũng bắt đầu từ tầm nhìn. (Lùi xa chút nữa vào lịch sử: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nhà nước cách mạng với chính thể dân chủ cộng hoà trước hết bắt nguồn từ tầm nhìn nắm lấy thời cơ và quyết định chính trị tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Tầm nhìn như thế ở tất cả các nước nói trên, kể cả nước ta, có đặc trưng chung là thừa nhận xu thế vận động khách quan của sự vật - ở đây là những vấn đề mang tính quy luật phát triển khách quan của một quốc gia, và nhận thức được sự gắn kết tất yếu giữa phát triển đất nước mình với xu thế phát triển chung của thế giới, phấn đấu cho nước mình trở thành một bộ phận năng động của kinh tế thế giới – đó cũng là cách khai thác tốt nhất mọi thuận lợi và đối phó chủ động nhất đối với mọi thách thức trong quá trình toàn cầu hoá.

Dựa vào thực tiễn của 20 năm đổi mới, có thể nói tầm nhìn như vậy đòi hỏi loại bỏ triệt để mọi duy ý chí dù màu sắc chính trị nào, và phải có ý chí sắt đá phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ. Có tầm nhìn trở thành ý chí chính trị như vậy, mới có những thứ khác. Mọi thành tựu đạt được của đổi mới khẳng định điều này, mọi thất bại trong đổi mới cũng cho thấy có nguyên nhân quan trọng là duy ý chí và kìm hãm phát huy sức mạnh dân tộc và dân chủ. Thực chất của công cuộc đổi mới ở nước ta trước hết là một quá trình tìm cách giải phóng và phát huy sức mạnh dân tộc, dân chủ.

Những điều vừa trình bày trên cho phép kết luận: Nhìn ra được xu thế vận động của sự vật, tìm ra được cách giải phóng mọi nguồn lực để làm chủ xu thế vận động này, đó chính là nội dung tầm nhìn cần phải có để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu và để không phải chịu hèn.

Cái gì làm cho nước ta gần như trong một đêm từ nước thường xuyên thiếu đói phải nhập lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực có hạng trên thế giới?

Cái gì làm cho nền kinh tế tự cung tự cấp của nước ta ngày nay trở thành một nền kinh tế xuất khẩu tới 60% của cải làm ra hàng năm?

Cái gì trước hết, nếu không phải là tầm nhìn – xuất phát từ tư duy đã được đổi mới?

Cái gì trước hết đang gây ra những hẫng hụt, những ách tắc, những mất cân đối đang tồn tại trong nền kinh tế nước ta, cái gì cản trở việc khắc phục những yếu kém và tha hoá trong hệ thống chính trị và quản lý đất nước của ta, nếu trước hết không phải là tầm nhìn bất cập?
Như vậy, phải chăng có đủ lý lẽ để nói:

Cái trước hết có thể làm cho đất nước giàu mạnh là tầm nhìn đúng đắn trở thành một ý chí chính trị; cái kìm hãm lớn nhất sự phát triển của đất nước là tầm nhìn bất cập.

Thiết nghĩ vấn đề bức xúc nhất là cần mổ xẻ thấu đáo mọi khả năng giải phóng mọi nguồn lực làm đất nước giàu mạnh, bắt đầu sự nghiệp này từ mở rộng tầm nhìn. Vấn đề bức xúc khác là vạch ra để khắc phục mọi nhân tố kìm hãm phát triển đất nước có nguồn gốc từ tầm nhìn bất cập. Mọi giá trị tư tưởng, đạo đức phải được soi rọi và xác lập từ tầm nhìn mới này.

Lợi ích của sự nghiệp phát triển đất nước, lợi ích bảo vệ an ninh và ổn định của đất nước đang cấp thiết đòi hỏi huy động những bộ não kiệt xuất của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, trong nước cũng như ngoài nước - trước hết từ giới trí thức, giới doanh nhân, những người làm chính sách – đưa ra tầm nhìn làm thay đổi cuộc chạy đua “ta đi một bước, thiên hạ cũng đi một bước” như đã diễn ra trong hai mươi năm đổi mới đầu tiên của đất nước! Thời kỳ này sang trang rồi, phải hạn chế dần và tiến tới từ giã hẳn chạy đua bằng huy động lao động cơ bắp và tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu (cũng có nghĩa là chạy đua bằng công nghệ thấp và bán môi trường tự nhiên là chủ yếu), để tìm một phương thức chạy đua mới – bằng cách xây dựng lợi thế so sánh mới trên cơ sở phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập quốc tế.

Chuyển sang chạy đua bằng xác lập và phát huy lợi thế so sánh mới như vậy là một cuộc phấn đấu vô cùng gian khổ, quyết liệt và toàn diện, bởi vì phải xoá bỏ nhiều cái cũ, phải tạo ra nhiều cái mới - từ cách nghĩ, thể chế, chính sách, cơ chế, đến các điều kiện tinh thần, vật chất, kỹ thuật, văn hoá… – để phát huy được nguồn lực con người và khả năng sáng tạo của nó, để khai thác xu thế hội nhập.

Về nhiều mặt, tạo ra lợi thế so sánh mới như thế, đòi hỏi mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc chúng ta phải dấn thân vào một cuộc phấn đấu mới thay đổi và nâng cao chính bản thân mỗi chúng ta, không trừ một ai. Người có địa vị kinh tế, chính trị, xã hội, trình độ học vấn càng cao, trách nhiệm này của họ càng lớn; tất cả phải được thử thách, được tôi luyện, sàng lọc qua quá trình phấn đấu mới này. Muốn đưa đất nước ta đi lên, mỗi người chúng ta – không có một sự phân biệt nào - đều phải đem hết trí tuệ, nghị lực và lòng yêu nước mà phấn đấu như vậy và chấp nhận sự sàng lọc của cả nước – không thể gia giảm hay ăn bớt được đối với bất kỳ một ai.

Nếu muốn, cũng có thể gọi sự nghiêp đổi mới lợi thế so sánh như thế nhất thiết phải tiến hành, thực chất là một cuộc cách mạng toàn diện đời sống của đất nước và mỗi con người Việt Nam chúng ta, tất cả nhằm vào “hàm lượng trí tuệ cao hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn, chất lượng tốt hơn” – và đấy chính là giá trị đạo đức cao nhất! Bắt đầu ngay từ những bước đi thấp nhất. Không bắt đầu ngay từ bây giờ, thì đợi đến bao giờ? Hay không bao giờ?

Xin hãy từ tầm nhìn này huy động mọi trí tuệ xác định lại tất cả.

Muốn sự nghiệp này là của toàn dân, đất nước này phải là của toàn dân

Chân lý vô cùng đơn giản này, không đơn giản chút nào.

“Nhà nước của dân, do dân, vì dân” được nhắc đến hàng ngày.

Song trong cuộc sống hàng ngày còn cho thấy có biết bao nhiêu chuyện: Tham nhũng, tiêu cực, bất cập, quan liêu.., nền hành chính hiện hành đang được dân gian tặng cho cái tên “hành là chính”, công việc làm ăn của người dân còn bị biết bao nhiêu bất cập của luật pháp và thực thi luật pháp kìm hãm, những bất cập của nhiều chính sách cản trở, đời sống kinh tế còn quá nhiều vấn đề khó tiên liệu trước cho làm ăn lâu dài – trước hết là những vấn đề xuất phát từ luật pháp còn nhiều chồng chéo và không rành mạch; chất lượng cuả những phúc lợi từ dịch vụ công cũng như từ những dịch vụ xã hội khác mà người dân phải được hưởng nhìn chung thấp so với nhiều nước cùng trình độ phát triển như nước ta – đặc biệt là những vấn đề lớn trong giáo dục và y tế…

Trong nông nghiệp đang cộm lên vấn đề hạn điền, tình trạng khiếu kiện đất đai hiện nay…Vấn đề thời gian quyền sử dụng đất hết hạn vào năm 2013 mặc nhiên được kéo dài thêm 20 năm (theo cách giải thích mới của điều 34 của NĐ 181/2004 ngày 29-10-2004) lại đặt ra vấn đề quyền sở hữu đất đai chưa được luật pháp xác định rõ ràng, đẻ ra nhiều hậu quả rối ren. Gần đây lại rộ lên câu chuyện kết quả điều tra cho thấy hàng loạt doanh nghiệp mỗi năm phải chi dùng tới 1900 giờ làm việc riêng cho một việc nộp thuế. Nền kinh tế đang tăng trưởng năng động, nhưng cũng đang đặt ra biết bao nhiêu vấn đề mới – từ chất lượng của tăng trưởng, chất lượng lực lượng lao động, đến những đòi hỏi bức bách về kết cấu hạ tầng, về quy hoạch phát triển, về năng lực quản lý..; đất đai, năng lượng, nguồn nước… ngày càng khan hiếm, cạnh tranh kinh tế với thế giới bên ngoài ngày càng quyết liệt… - thế nhưng phương hướng xử lý những vấn đề trọng đại này như thế nào? Huy động nguồn lực nào, phát huy trí tuệ và sự sáng tạo nào để giải quyết?

Còn nhiều vấn đề quan trọng liên quan mật thiết đến người dân, đến đời sống của đất nước không phải do dân quyết định, mà là do làm hộ, làm thay, - từ việc chọn người đại diện cho mình, đến những quyết sách lớn… - thể hiện rõ nhất qua vai trò, năng lực và quyền lực còn nhiều mặt hạn chế của Quốc hội, Hiến pháp chưa trở thành Luật tối thượng, vẫn chưa có toà án Hiến pháp. Trong những điều kiện như vậy đất nước đang có trong tay môi trường pháp lý, kinh tế, chính trị, xã hội nào để rất khó cho mọi nguồn lực của đất nước – trước hết là nguồn lực con người – có thể nảy nở, phát huy? phát huy, nảy nở!

Tỷ lệ người trẻ và đang tuổi lao động chiếm quá nửa dân số nước ta, người người trong cả nước đang khao khát tìm cho mình con đường đi tới một cuộc sống thịnh vượng, văn minh, hạnh phúc. Mỗi năm có gần hai triệu người đến tuổi lao động cần việc làm, tiến lên nước công nghiệp hoá vào năm 2020 mà vẫn còn tới 70% lao động trong nông nghiệp. Mỗi năm có khoảng 6 - 7 trăm nghìn học sinh không tốt nghiệp đại học và đang cần tìm cho mình hướng đi khác trên con đường lập nghiệp. Thị trường vốn của ta – một trong những yếu tố quyết định sự phát triển năng động của đất nước – đang mở rộng, nguồn FDI đang tăng nhanh, đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Điều kiện bên trong bên ngoài đang cho phép đất nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới… Chiến lược nào, quyết sách gì để dấy lên được hào khí phấn đấu và nghị lực sáng tạo của từng người dân, để chiến thắng mọi thách thức, để cho cơ hội vàng này của đất nước phải trở thành hiện thực?

Vân… vân…

Những yếu kém đang tồn tại nêu trên trong hệ thống chính trị nói lên hệ thống công quyền nhà nước này ở ta còn những khía cạnh chưa phải là “của dân, do dân, vì dân”. Những đòi hỏi cho yêu cầu phát triển mới của đất nước đang đặt ra cho nhà nước của dân do dân vì dân nhiều nhiệm vụ rất mới.

Tất cả những điều vừa trình bày có thể cho phép kết luận:

Khắc phục những khía cạnh yếu kém đang tồn tại trong lòng hệ thống bộ máy nhà nước hiện tại, làm cho nhà nước này có đủ khả năng và phẩm chất hậu thuẫn mạnh mẽ sự vươn lên giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó chính là con đường làm cho sự nghiệp chuyển đổi sang xây dựng và phát huy lợi thế so sánh mới trở thành sự nghiệp của toàn dân, làm cho người dân cảm nhận sâu sắc sự nghiệp này của đất nước cũng là của chính mình, đất nước này là của mình, không có gì là trừu tượng cả.

Cần nói với nhau dứt khoát: Không làm được như vậy, người dân coi đất nước này là của ai khác, chứ không phải là của mình - nói chính xác hơn: chế độ chính trị này là của ai khác chứ không phải là của mình!

Thiết nghĩ, khắc phục những khía cạnh còn tồn tại như thế, tạo ra những khả năng và phẩm chất mới như thế của hệ thống chính trị như trình bày bên trên là nội dung đích thực và cụ thể của nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị, làm cho hệ thống chính trị theo kịp sự phát triển của đất nước. Đấy một trong những nhiệm vụ trọng đại nhất đã được ghi vào Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Có rất nhiều việc cụ thể phải làm và phải được tiến hành đồng bộ ở mọi ngành, mọi cấp, trong toàn hệ thống và trong toàn xã hội. Thực tế này cho thấy công cuộc đổi mới đang bước vào một giai đoạn cao hơn. Đổi mới như thế, hiển nhiên là cực kỳ khó khăn và quyết liệt. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đảm nhiệm trước dân tộc là bảo đảm cho công cuộc đổi mới ở giai đoạn này hoàn thành nội dung nói trên của nó.
Tựu trung lại, những công việc phải làm trong đổi mới hệ thống chính trị là nhằm đem lại cho người dân những điều sau đây:

1. Bảo hộ quyền sở hữu và sự làm giàu hợp pháp,
2. Bảo đảm quyền tự do của con người,
3. Luật pháp là tối thượng và vận dụng bình đẳng đối với mọi người,
4. Tự do kinh doanh trong cơ chế thị trường,
5. Thực hiện công khai minh bạch,

6. Nhà nước đóng vai trò bà đỡ mọi bước phát triển của đất nước,
7. Bảo đảm hoà bình cho đất nước và ổn định cho xã hội.

Đặt ra mục tiêu như thế, sẽ vượt lên được những khẩu hiệu chung chung, sẽ thấy rõ hướng đi, những việc phải làm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước. Có cách hiểu nào khác đúng hơn, tốt hơn về nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị ghi trong Nghị quyết Đại hội X không? Hay là tôi hiểu sai?

Thay lời kết:

“Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”

Đấy là chương trình hành động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cách đây 100 năm, do Phan Châu Trinh và các bậc cùng chí hướng đã đề xướng ra để vực đất nước đứng dạy. Ngày nay, vào thời điểm đất nước đã giành được độc lập thống nhất, Việt Nam là một thành viên đầy đủ trong mọi tổ chức quốc tế và khu vực của cộng đồng các quốc gia trên thế giới, ước vọng của những bực thày ngày ấy lại càng thôi thúc mỗi người dân Việt chúng ta hôm nay phải thức tỉnh nhiệm vụ của mình và hành động.

Muốn thoát cái nhục nghèo hèn ngày nay của một nước độc lập, hiển nhiên phải dấy lên hào khí dân tộc, mọi người phải được bồi bổ trí tuệ để phát huy chính mình, từ đó mới có thể cùng nhau mưu cầu quốc kế dân sinh thịnh vượng.

Suy cho cùng, hào khí dân tộc và dân trí với nghĩa như vậy là những yếu tố hàng đầu không thể thiếu để phát huy nguồn lực quý báu nhất của đất nước là con người – nhân tố quyết định nhất để chuyển sang phát huy lợi thế so sánh mới. Nói rộng hơn nữa, lợi thế so sánh mới chỉ có thể hình thành và phát huy trên một nền tảng văn hoá được bồi bổ thêm những giá trị mới.

Ngẫm nghĩ kỹ hơn nữa, nâng cao dân trí với nghĩa rộng - để trí tuệ mở mang không ngừng, để phát huy những giá trị truyền thống và vun đắp những giá trị mới - cần phải trở thành quốc sách lâu dài, đời này qua đời khác. Chỉ có thể nhờ vào bồi đắp dân trí để kiến tạo nên nền tảng duy dưỡng mọi giá trị, làm nên tâm hồn Việt Nam thời hiện đại, hun đúc ý chí chấn hưng đất nước, mỗi người dân được trau giồi bản lĩnh và khả năng làm chủ bản thân mình. Đấy chính là con đường giải phóng và phát huy con người. Đấy chính là con đường để người dân tự giác về vai trò làm chủ đất nước của mình, thực hiện được tự do dân chủ. Bởi lẽ tự do dân chủ không thể có được nhờ ban phát, mà phải nhờ giác ngộ mà giành lấy, gìn giữ và phát huy. Dân trí với nội dung như thế là cái gốc của nhà nước do dân, vì dân và của dân.

Không phải ngẫu nhiên thực dân Pháp hồi đó đã thi hành chính sách ngu dân để duy trì ách thuộc địa, càng không phải ngẫu nhiên Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ trương nâng cao dân trí để tạo ra sức mạnh giải phóng dân tộc. Ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà được thiết lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xướng nhiệm vụ trọng đại hàng đầu là diệt giặc dốt, mở đầu là xoá nạn mù chữ! Ở nấc thang văn minh nhân loại ngày nay, dân trí càng trở nên yếu tố quyết định của phát triển. Một quốc gia muốn có một thể chế nhà nước và xã hội văn minh hiện đại, nhất thiết phải có nền tảng dân trí văn minh hiện đại. Có như vậy phát triển kinh tế mới thân thiện với con người, thân thiện với môi trường tự nhiên và không đi vào con đường phát triển hoang dã.

Ngày nay, giải phóng trí tuệ con người để làm chủ kinh tế tri thức trong quá trình toàn cầu hoá trở thành mục tiêu phấn đấu của hầu hết mọi quốc gia. Thành hay bại của một quốc gia trong vũ bão của thế giới toàn cầu hoá ngày nay trước hết tuỳ thuộc vào sự nghiệp giải phóng này. Mỗi chúng ta – không ngoại trừ một ai - chẳng những phải vươn ra khỏi cái “đất lề quê thói” của mình để trở thành công dân của một quốc gia như vậy, mà còn phải trở thành công dân của thế giới với ý thức trái đất này là ngôi nhà chung.

Một quốc gia có công dân như thế, quốc gia ấy bên trong thanh bình, pháp luật được tôn trọng, phát huy được dân chủ, nhân tài mới nảy nở và được trọng dụng, nhờ thế mới tạo ra được đội ngũ tinh hoa lãnh đạo đất nước và không dung thứ tham nhũng. Một quốc gia có những công dân như thế, quốc gia ấy bên ngoài không thể là “công dân thế giới hạng hai”.

Người Việt ta ai không ước mơ xây dựng Tổ quốc mình như thế?

Xin đừng quên: Nếu như trên thế giới 30 – 40 năm là thời gian để môt nước đang phát triển trở thành con hổ, con rồng, để Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nước ta đi như thế là chậm. Phải chăng vì chúng ta giác ngộ nỗi nhục của nghèo hèn chậm hơn, khó khăn hơn giác ngộ nỗi nhục mất nước? Vì lý do này mỗi chúng ta chưa đủ bức xúc về cái thận phận công dân thế giới hạng hai đất nước đang mang nặng trên vai?

Cuộc sống cũng cho thấy: Tuy không có gươm đao bom đạn, nhưng cuộc đấu tranh đẩy lùi nghèo hèn của đất nước hình như gian khổ phức tạp hơn nhiều lần, bởi vì về nhiều mặt trước hết đấy là cuộc đấu tranh chiến thắng những yếu kém, tha hoá trong mỗi con người chúng ta, trong hệ thống chính trị của đất nước.

Vấn đề đặt ra không phải là tranh giành địa vị quốc gia hoặc danh vọng hão huyền. Vấn đề đặt ra là muốn thoát khỏi mọi đối xử bất công uy hiếp, muốn phát triển được để tồn tại trong thế giới này, muốn đất nước độc lập mà không phải sống lệ thuộc, muốn làm một quốc gia xứng đáng với lịch sử hào hùng của mình, nhất thiết dân tộc ta cần phần đấu làm cho đất nước thoát khỏi thân phận công dân thế giới hạng hai, dấn thân vì người và vì mình để thoát khỏi công dân thế giới hạng hai. Muốn tới cái đích này, trước hết phải thay đổi chính mình./.

Võng Thị mùa thu 2007

* Tham khảo bài “Cambodia, long an Asian mouse, may be ready to roar” của Erika Kinetz, International Herald Tribune, Friday, July 27, 2007 và nhiều bài khác về đề tài này.

* Tham khảo: The Returrn of Autorian Great Powers, của Gat Azar, đăng trong Foreign Affairs July/August 2007.
* Tham khảo: The Chinese Economy: Transitions and Growth của Barry Naughton, The MIT Press, New York, 2007.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn?

    14/08/2016Nguyễn Tất ThịnhGần đây một số chuyên gia và tổ chức nước ngoài có đưa ra vài nhận xét so sánh về mức độ, trình độ phát triển của Việt Nam với các quốc gia có tăng trưởng nhưng có nguy cơ tụt hậu vĩnh viễn...
  • Nước Việt cần nhiều những Damo Weaver

    18/07/2016Trần Ngọc Kha thực hiệnDamo Weaver là tên cậu bé 10 tuổi học lớp 5 ở trường tiểu học Cana Point của nước Mỹ, cái tên đã trở thành hiện tượng khi được nhắc đến nhiều trên báo chí Mỹ và trên thế giới trong thời gian qua. Vì cậu bé này đề nghị được phỏng vấn vị Tổng thống mới đắc cử Obama. Bản thân cậu bé 10 tuổi này đã từng có cơ hội phỏng vấn phó Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, Caroline Kennedy và Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt tại trường quay ở chính ngôi trường cậu đang theo học KEC TV.
  • Thế hệ các bạn phải hơn chúng tôi!

    26/06/2016TS. Lê Đăng DoanhTôi muốn chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm của một người làm công tác nghiên cứu khoa học, với tấm lòng chân thành chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại, những điều tôi tâm niệm, trau dồi. Có điều tôi làm được, có điều tôi làm chưa tốt đâu nhưng tôi cứ trao đổi với các bạn.
  • Dù mưa, xin cứ ra đường!

    23/06/2016Nguyễn Trần BạtNếu khủng hoảng là một cơn mưa, tại sao ta không đi xuyên qua nó và tìm những cơ hội cho mình? Khủng hoảng sẽ ra đi và sẽ quay trở lại
  • Đất nước đặt hàng người trẻ

    07/06/2016Phương LoanNgày 26/3 là dịp người trẻ tự soi mình, soi vào tổ chức của mình, và người không trẻ nhìn lại, để tin yêu, kì vọng và trao trọng trách.
  • Xây nhà trên cát

    22/03/2016Đàm RungTỉnh Z. mấy năm nay khởi sắc trông thấy. Khắp nơi trong tỉnh chỗ nào cũng sôi lên như một công trường lớn... Một hôm, ông Ph. - hiện đang là Phó chủ tịch thường trực tỉnh mời tôi đến nhà và nói: Ông là dân chuyên nghiên cứu, viết lách nên nhờ ông đi khảo sát tình hình thực tế của tỉnh...
  • Sự giàu có và nghèo đói của các quốc gia

    02/03/2016Charles WheelanChúng ta có thể lạc quan về sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, vì xét trên lý thuyết, các nước nghèo có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia giàu khi vay mượn các tiến bộ của họ. Khi một công nghệ được phát minh, nó có thể được san sẻ với các nước nghèo với chi phí gần như bằng không. Do đó, người dân Ghana không cần phát minh ra máy tính cá nhân mới được hưởng lợi từ sự ra đời của nó, họ chỉ cần biết cách sử dụng nó mà thôi.
  • Lý tưởng lãnh đạo và trái tim Đan-Kô

    01/10/2015Lê Thám“Những công dân đồng chí hướng của tôi, Tôi đứng đây ngày hôm nay, cảm thấy mình nhỏ bé trước trọng trách mà chúng ta phải đối diện, biết ơn với niềm tin các bạn trao gửi, tràn ngập ý thức về những hy sinh mà tổ tiên chúng ta đã gánh vác.”
  • Sân golf và bài toán yên dân

    20/09/2014Nguyễn Trần Bạt“Khi lấy yên dân làm mục tiêu thì ta sẽ lựa chọn được những yếu tố thích hợp cho sự phát triển. Yếu tố nào không làm phương hại đến nhân dân, không loại bỏ đại bộ phận những người lao động, vừa thoả mãn được sự tiên tiến của đòi hỏi thế giới mà vẫn khuyến khích, dìu dắt được sự phát triển năng lực của người Việt thì là yếu tố thích hợp cho Việt Nam.”
  • "Thiếu thốn tương đối" của người trẻ là gì?

    20/08/2013PGS.TS. Trần Nam BìnhTrong một bài trả lời phỏng vấn trên báo Sinh Viên Việt Nam, tôi đã nói đến “thiếu thốn tương đối” của người Việt Nam. Sau đó có một bạn trẻ hỏi tôi rằng, vậy thì đâu là thiếu thốn tương đối của người trẻ Việt Nam trong hội nhập?
  • Cảnh giác với hiểm hoạ văn hoá dưới văn hoá

    06/05/2009“Phải thú thực, đôi khi báo chí chúng ta chuyển tải những điều tiêu cực, những điều tồi tệ quá nhiều, trong khi đó những vẻ đẹp kì diệu, những tấm lòng cao cả chúng ta lại nói quá ít, hoặc nói như một việc phải nói mà không phải bằng sự rung động của trái tim mình” - Nhà báo Quang Thiều.
  • Tầm nhìn

    30/04/2009Dương Quang MinhTheo sự hướng dẫn của Bác Hồ, chúng ta đã giải quyết tốt vấn đề PAO và MIA, đã trải thảm đỏ đón tổng thống B.Clinton và tổng thống G.Bush đến thăm Việt Nam, đã và đang thực hiện nhiều đề án hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hữu ích biết bao việc chúng ta làm theo những lời dạy mang tầm nhìn xa của Bác.
  • Chiến tranh - Hệ quả & hệ lụy

    18/04/2009Nguyễn Tất ThịnhXã hội loài người liên miên trong thế kỉ nào cũng có ít nhất vài cuộc chiến tranh với bên trong hay bên ngoài, qui mô lớn hay nhỏ… như là một định mệnh của xã hội Loài người vậy!
  • Giải phóng sức đất

    23/01/2009Nguyễn Quang AMuốn cho dân giàu, nước mạnh thì việc sửa lại triệt để luật đất đai là việc quan trọng nhất. Không giải phóng được sức mạnh của đất đai để phát triển đất nước là một tội lớn.
  • xem toàn bộ
Close menu