Cạnh tranh thời nay thực tế là bằng trí tuệ, thông qua giáo dục và khoa học
Chúng tôi xin lược trích ý kiến của Gs. Hoàng Tụy (Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia) phát biểu tại cuộc tọa đàm giữa các nhà khoa học nhằm đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội IX của Đảng, do Bộ KH,CN&MT tổ chức ngày 28/2/2001- (tin trang 1). Đề bài là của Tòa soạn.
Phát triển giáo dục và khoa học được Đảng coi là quốc sách hàng đầu từ nhiều năm nay và cũng đã có nghị quyết riêng về các lĩnh vực hoạt động đó, hơn nữa đã có Luật giáo dục và Luật KH&CN. Tưởng như thế đã ổn, song thực tế vẫn chưa được như mong muốn, cho đến nay đây vẫn là hai lĩnh vực nóng gây nhiều mối lo nhất cho xã hội, nhất là khi bước vào thời đại văn minh trí tuệ. Đâu đâu trên thế giới người ta cũng coi trọng hai lĩnh vực này, mà coi trọng thường xuyên và thiết thực, chứ không ồn ào một lúc rồi đánh trống bỏ dùi. ở đây cũng như mọi lĩnh vực hoạt động khác, quan trọng nhất lúc này vẫn là cơ chế quản lý, bao gồm cả thể chế, chính sách và bộ máy điều hành.
Theo nhận thức của tôi, giáo dục và khoa học từ sau Nghị quyết TƯ 2 (năm 1996) tuy có được chú ý hơn và nhờ đó có một số tiến bộ, nhưng chưa đến mức khả quan như nêu trong Dự thảo. Thậm chí có một số mặt còn dẫm chân quá lâu nên bắt đầu thụt lùi. Không thể đổ lỗi cho các thày giáo và cán bộ nghiên cứu khoa học, vì với chế độ tiền lương và cơ chế quản lý tài chính như hiện nay mà đạt được những kết quả như vừa qua, riêng việc đó đủ chứng tỏ sự cố gắng đáng kính trọng của họ. Vậy ai là người chịu trách nhiệm? Theo cơ chế quản lý của ta rất khó phân định trách nhiệm thật rạch ròi. Có điều, nếu chúng ta không muốn bị đào thải trong thế giới cạnh tranh quyết liệt này - mà cạnh tranh thời nay thực tế là bằng trí tuệ, thông qua giáo dục và khoa học - thì không nên để tình trạng này kéo dài thêm trong những năm tới.
Như tôi đã có nhiều dịp đề nghị, trước mắt giáo dục cần phải được chấn hưng, nhưng đồng thời cũng phải nghiên cứu để tới đây có thể cải cách và hiện đại hóa. Bởi lẽ bước vào thời kỳ mới, cách mạng công nghệ đem lại nhiều thay đổi lớn trong cuộc sống và mọi ngành hoạt động, đồng thời các điều kiện cạnh tranh quốc tế đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với thế hệ trẻ về đầu óc sáng tạo, tính năng động, và nhiều đức tính trí tuệ khác, cho nên nhiều nước trên thế giới mà nhà trường ở đó mặc dù đã khá tốt theo cách nhìn truyền thống nhưng họ vẫn thấy cần thiết phải cải cách và hiện đại hóa giáo dục. Xu hướng chung trong những thay đổi này mà trên thực tế ở nhiều nước, kể cả Singapore, Hàn Quốc, đã bắt đầu thực hiện, là tiến tới phổ cập đại học. Mặc dù còn khó khăn, ta cũng không thể đứng ngoài trào lưu đó mãi nếu muốn đưa nước ta ra khỏi tình trạng chậm phát triển vào năm 2010. Dĩ nhiên đó là việc khó, nhưng có lẽ không khó hơn thanh toán mù chữ hồi đầu cách mạng và phát triển giáo dục phổ thông thời kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên làm như thế nào thì phải bàn bạc kỹ lưỡng và chuẩn bị cẩn thận.
Trong nhiều văn kiện, nghị quyết, đã ghi: "có chính sách đối với trí thức...", nhưng cho đến nay đó chỉ là những chữ "có" trên giấy. Lần này nên tránh những chữ "có" tương tự mà nên thiết thực hơn. Chính sách cụ thể nhất, quan trọng nhất, đối với người lao động bao giờ và ở đâu cũng phải thể hiện ở đồng lương, tuy đã có khá nhiều ý kiến phát biểu về tính chất bất công, phi lý của chế độ lương này nhưng nó vẫn tồn tại hết năm này sang năm khác. Lâu lâu có một lời hứa hẹn, nhưng ai dám chắc đến khi có chế độ lương mới thì vị trí người trí thức và cán bộ khoa học kỹ thuật trong xã hội không tụt thêm xuống vài bậc như những lần "cải tiến" trước đây? Vì vậy lần này cần kiên quyết, và nếu chưa làm được gì hơn thì ít ra đồng lương cũng phải bảo đảm đủ cho thầy giáo và người nghiên cứu khoa học một mức sống thực tế ngang mức sống trung bình mà hiện nay họ đã có được, nhưng không phải dạy thêm, làm thêm công việc phụ ngoài chuyên môn. (Trung Quốc đã mạnh dạn thực hiện chế độ đãi ngộ mới đối với giáo viên và nhà khoa học từ hai năm nay, còn Hồng Công và Singapore hiện là những nơi trả lương cao nhất thế giới cho các nhà khoa học giỏi). Đi đôi với tiền lương, còn cần phải quan tâm đến các điều kiện và phương tiện làm việc theo các yêu cầu hiện đại về thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng thông tin (Internet, v.v..). Chính sách chiêu dụ nhân tài đã thành quốc sách của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, có nước còn coi đó là bí quyết phát triển. Không nên để chính sách đó trở thành lỗi thời ở xứ sở mà từ 6 thế kỷ trước đã coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm