Bàn về thông tin khoa học

03:51 CH @ Chủ Nhật - 29 Tháng Sáu, 2003

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin khoa học. Thí dụ trong y học người ta ước tính lượng kiến thức y học hiện nay cứ sau 2 năm lại tăng lên gấp đôi. Trong xu thế chung của thế giới, ở nước ta thông tin khoa học được đăng tải ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài các kênh phát thanh và truyền hình, các thông tin nối mạng trên máy tính, hầu như tờ báo nào của trung ương hay địa phương, của ngành này hay ngành khác ít nhiều đều có bài viết về khoa học, đặc biệt là các lãnh vực khoa học ứng dụng như điện và điện tử dân dụng, liên lạc viễn thông, tin học, công nghệ sinh học, nông nghiệp, y học... giúp người đọc theo được ở mức phổ cập thời sự khoa học trong nước và thế giới.

Thế nhưng vẫn còn những điều đáng bàn về thông tin khoa học đại chúng ở nước ta. Trong bài này, người viết không có ý đề cập đến bất kỳ tờ báo hay bài viết nào về thông tin khoa học nước ta. Người viết qua tham khảo cách đánh giá các bài viết khoa học của báo chí các nước đã liên hệ tìm những điểm đạt và chưa đạt trong cách viết của bản thân mình và rút ra các “bệnh” nên tránh trong thông tin khoa học dại chúng. Xin được giới thiệu cùng các bạn viết và bạn đọc:

1. Bệnh tưởng như mọi người đều thông thái

Bài viết do các chuyên gia thông thạo trong lĩnh vực viết đôi khi quá phức tạp, cao siêu trong khi lẽ ra với kiến thức sâu sắc trong lãnh vực của mình họ phải viết ra được những gì người đọc cần biết và giải thích rõ ràng ở mức người đọc trung bình có thể hiểu được. R. S. Worman trong “Khắc khoải thông tin” (Information Anxiety) nhận xét :”... họ (các chuyên gia) thường lạc mất những điểm then chốt khi họ cố giải thích những điều họ biết. Vì vậy bạn hỏi họ giờ thì họ lại nói về cấu tạo của cái đồng hồ”.

2. Bệnh dài dòng văn tự

Ngắn gọn là điều mong ước của người đọc, nhưng là điều khủng khiếp cho người viết. Người đọc muốn biết những gì người viết truyền đạt nhưng không muốn tốn nhiều thời gian. Nhưng người đọc cũng cần hiểu rằng để chuyển tải một lượng thông tin nhất định viết ngắn khó hơn nhiều so với viết dài. Nhà toán học B. Pascal trong một bức thư gửi cho đồng sự đã kết thúc bằng câu xin lỗi “Lẽ ra tôi phải viết thư này ngắn hơn nhưng xin lỗi vì tôi không có thời gian”. Thực sự là phải nắm vấn đề rất chắc và có tư duy sáng sủa mới có thể rút một đoạn thành một câu.

3. Bệnh đưa chuyện tầm phào

Tránh thông tin khoa học kiểu “đưa chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách’ . Điều này không phải là ít trong báo chí nước ngoài, nhất là các báo lá cải. Vì vậy, người thông tin khoa học nước ta lấy tin từ báo chí nước ngoài, đặc biệt về các kỹ thuật mới, công nghệ mới, thuốc mới, phương pháp chuẩn đoán và điều trị mới, những khuyến cáo y học kiểu chắc như “dao chém đá”, những vấn đề môi trường... cần lấy từ những tờ báo có uy tín. Ngoài ra để hiểu được thực chất của vấn đề và mức độ thông tin, nên giao việc này cho người đủ trình độ khoa học.

4. Bệnh nghi ngờ quá đáng

Đó là ngược lại với bệnh cả tin. Trong bệnh cả tin, người đọc tin ngay cả những thông tin khoa học chưa có bằng chứng xác thực. Trong bệnh nghi ngờ quá đáng, người đọc không chấp nhận cả những kết quả khoa học đã được kiểm chứng đầy đủ. Bệnh nghi ngờ quá đáng không những làm chậm thông tin khoa học mà còn làm chậm bước tiến của khoa học và làm chậm việc ứng dụng các thành tựu khoa học. Trong lịch sử khoa học, thí dụ minh hoạ không thiếu: việc không chấp nhận thuyết vi trùng vào cuối những năm 1800, chậm chấp nhận vai trò chất chống đông trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, chống lại việc chấp nhận vai trò của vi khuẩn Helicobacter pylori trong bệnh loét dạ dày.

5. Bệnh đưa tin phiến diện

Trong thực tế một vấn đề khoa học thường có nhiều cách tiếp cận, được nghiên cứu ở nhiều góc độ bằng phương pháp, kỹ thuật khác nhau và có thể đưa đến những giải pháp khác nhau. Nếu người đọc chỉ được thông tin về một cách tiếp cận, một góc độ nghiên cứu, một phương pháp kỹ thuật và một giải pháp thì người viết (và cả tờ báo đăng tải thông tin) đã bắt độc giả của mình đóng vai “xẩm sờ voi”. Nếu cái “một” được giới thiệu đó lại không phải là cái chủ đạo, cái tiên tiến thì thật thiệt thòi cho người mua thông tin (độc giả) và sau đó ai sẽ là người cải chính?

6. Bệnh mê tín người viết

Chúng ta không nên suy luận rằng: “Bài viết tốt đơn giản vì nó được viết bởi một chuyên gia (expert). Thông tin trong bài có thể không có giá trị do những cái lệch của chuyên gia. Một cuộc điều tra cho thấy mức chuyên khoa của người viết càng sâu thì chất lượng bài viết càng thấp (American Family Physician số 1/5/1997 trang 215)

Tóm lại, thông tin khoa học đại chúng là một công cụ rất quan trọng giúp đông đảo người đọc theo dõi được thời sự khoa học qua đó làm giàu kiến thức và trau dồi tư duy (phương pháp suy nghĩ) khoa học để vận dụng trong đời sống hàng ngày. Trái lại, những thông tin khoa học sai, lạc hậu, phiến diện trong quần chúng. Về người đọc, với trình độ của người đọc trung bình nước ta đang cao lên nhanh chóng thì việc chấp nhận có phê phán các thông tin khoa học sẽ ngày càng tăng và đây chính là mặt tích cực của người đọc tạo mối liên hệ phản hồi (feed back), góp phần cho việc phổ biến thông tin khoa học ở nước ta ngày một tốt hơn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Nhà nghiên cứu” tương lai chỉ là Những nhà chép sách?

    17/08/2015Nguyễn Văn Ninh (Hà Nội)Nhiều sinh viên không phân biệt đâu là tài liệu, đâu là sách, đâu là bài viết, bài báo hoặc là thông tin do một tổ chức có uy tín đánh giá trong phần “tài liệu tham khảo” của các luận văn
  • Sự lãng phí trí tuệ

    16/06/2003Trần Quốc TuấnCó thể khẳng định mà không sợ quá đáng chút nào rằng, trong số những vấn đề cơ bản và cũng là cấp bách nhất hiện nay ở nước ta, vấn đề giáo dục nổi cộm nhất, đụng tới đời sống hôm nay và cả tương lai của hàng chục triệu người (trên thực tế là tất cả). Không phải chúng ta không làm được gì. Làm được không ít. Nhưng sao chúng ta vẫn thấy nền giáo dục nước ta dường như giẫm chân tại chỗ?