Bốn lời khuyên cho các nhà khoa học trẻ
Nếu đã đọc "Ba phút đầu tiên - Một cách nhìn hiện đại về nguồn gốc vũ trụ",bạn sẽ nhớ ngay ra ông: Steven Weinberg(*), nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng người Mỹ, tác giả cuốn sách được yêu thích này. Dưới đây là bài nói chuyện của ông trong một buổi phát bằng tại ĐH McGill, Montreal, Canada, đúc rút kinh nghiệm làm khoa học cả đời mình.
1 - Hãy tiến lên, không ai buộc phải biết tất cả
Cho tới khi nhận bằng đại học, với tôi, vật lý vẫn là một đại dương bao la chưa được khai phá. Tôi phải tìm hiểu mọi phần của nó trước khi tiến hành bất cứ một nghiên cứu nào của riêng mình. Nếu chưa biết tất cả những điều người khác đã hoàn thành rồi thì tôi chẳng thể làm gì cả.
Rất may là trong năm đầu tiên sau đại học, tôi đã được một nhà vật lý lớn dìu dắt. Gạt bỏ những lo lắng cố chấp của tôi, ông nhấn mạnh rằng tôi phải bắt đầu tiến hành các nghiên cứu, tự nhặt nhạnh những điều mình muốn biết. Bởi vì tôi luôn phải tiến lên. Nếu không bơi, tôi sẽ chìm. Tôi rất ngạc nhiên bởi mọi việc đã diễn ra trôi chảy. Tôi nhanh chóng nhận bằng tiến sĩ, mặc dù cho tới lúc ấy tôi vẫn gần như chưa biết gì về vật lý. Nhưng tôi nhận ra một điều quan trọng: không ai có thể biết tất cả và không ai buộc phải biết tất cả.
2 - Đừng ngại những gì còn lộn xộn, đó chính là nơi cần đến sáng tạo
Vẫn sử dụng ẩn dụ về đại dương, bài học tiếp theo là khi bơi, hãy hướng tới những vùng biển động. Lúc tôi giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts vào cuối thập niên 1960, một sinh viên nói với tôi là cậu ấy muốn nghiên cứu thuyết tương đối tổng quát hơn là lý thuyết về các hạt cơ bản - lĩnh vực tôi đang làm. Cậu ta thấy lĩnh vực thuyết tương đối khá rõ ràng còn lý luận về hạt cơ bản thì có vẻ rất rắm rối.
Điều gây ấn tượng với tôi là cậu ta đã đưa ra một lý do cực kỳ hoàn hảo để làm điều ngược lại. Lý thuyết hạt chính là nơi vẫn còn chỗ cho lao động sáng tạo. Vào những năm 1960, nó thực sự lộn xộn. Nhưng từ đó tới nay, những nhà vật lý lý thuyết và thực nghiệm đã phân loại, sắp xếp tất cả (chính xác là gần như tất cả) thành một lý thuyết rất đẹp. Lời khuyên của tôi là hãy tiến vào những nơi đang lộn xộn - nơi cần có những hành động.
3 - Hãy tha thứ cho bản thân nếu mình lãng phí thời gian
Đây có lẽ là lời khuyên khó thực hiện nhất. Ở trường đại học, sinh viên luôn được yêu cầu giải quyết những vấn đề mà giáo viên (trừ những người quá tàn nhẫn) biết rằng có thể giải quyết được. Hơn nữa, giá trị khoa học của những vấn đề đó không thực sự quan trọng. Nhưng thực tế, rất khó để biết vấn đề nào là thực sự quan trọng. Vào một thời điểm cụ thể của lịch sử, bạn không bao giờ biết được vấn đề nào đó có thể tìm được lời giải hay không.
Đầu thế kỷ 20, một số nhà vật lý lớn, trong đó có Lorentz và Abraham đã cố gắng tìm hiểu lý thuyết điện tử. Một phần họ muốn giải thích tại sao mọi cố gắng nhận biết sự chuyển động của trái đất thông qua ether đều thất bại. Đến bây giờ chúng ta biết rằng họ đã nghiên cứu sai vấn đề. Vào thời điểm đó, cơ học lượng tử chưa có nên không một ai có thể tìm hiểu thành công lý thuyết điện tử. Phải đến năm 1905, thiên tài Einstein mới tìm đúng vấn đề là tác động của vận động đối với không gian và thời gian. Từ đó ông đã tìm ra thuyết tương đối.
Bởi bạn không bao giờ biết chắc vấn đề mình nghiên cứu có đúng đắn không nên hầu hết thời gian bạn làm việc tại phòng thí nghiệm hoặc trên bàn giấy sẽ là lãng phí. Nếu bạn muốn sáng tạo, bạn phải làm quen được với việc hầu hết thời gian mà bạn sử dụng là trong tình trạng không sáng tạo. Bạn phải biết quen với tình trạng lặng gió trong đại dương kiến thức khoa học.
4 - Hãy tìm hiểu vài điều về lịch sử môn khoa học
Cuối cùng, hãy tìm hiểu về lịch sử môn khoa học, hoặc ít nhất là lịch sử của chuyên ngành bạn chọn. Lịch sử có thể đem lại điều hữu ích nào đó cho công việc nghiên cứu của bạn. Nhưng đó chưa phải là lý do quan trọng.
Quan trọng hơn là nó giúp bạn cảm thấy bõ công hơn khi làm việc. Là một nhà khoa học, rất có thể bạn không giàu có. Bạn bè và họ hàng có thể không hiểu những điều bạn đang làm. Nếu bạn làm việc trong một lĩnh vực như lý thuyết hạt cơ bản thì ngay cả sự mãn nguyện rằng mình đang làm điều gì đó đem lại lợi ích mau chóng bạn cũng sẽ không có. Nhưng bạn có thể sẽ vô cùng mãn nguyện khi nhận ra rằng công việc của bạn là một phần của lịch sử.
Nhìn lại 100 năm trước, năm 1903, việc ai là thủ tướng Anh, ai là tổng thống Mỹ liệu có gì quan trọng với hôm nay? Điều quan trọng là tại Đại học McGill, Ernest Rutherford và Frederick Soddy đang nghiên cứu bản chất của phóng xạ. Công việc này tất nhiên có nhiều ứng dụng thực tiễn nhưng quan trọng hơn là chúng liên quan tới văn hóa. Kiến thức về phóng xạ giúp các nhà vật lý giải thích tại sao lõi của mặt trời và trái đất vẫn nóng sau nhiều tỷ năm. Từ đó, tín đồ Thiên chúa giáo và Do thái giáo hoặc phải từ bỏ niềm tin ở Kinh thánh hoặc phải cam chịu đứng ngoài những hoạt động tri thức. Đó chính là bước tiếp theo trên con đường mà Galileo, Newton, Darwin dần làm suy yếu ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều tôn giáo. Đọc bất cứ một tờ báo nào hôm nay cũng đủ thấy công việc này chưa hoàn thành. Nhưng đó là công việc của người khai hóa, công việc mà những nhà khoa học có thể tự hào...".
(*)Sinh năm 1933 tại New York, Steven Weinberg hoàn thành học vị tiến sĩ vật lý khi mới 25 tuổi và liên tục nhận nhiều giải thưởng cho những đóng góp của mình về vật lý lý thuyết. Năm 1973, ông nhận giải Nobel vật lý với nghiên cứu về tính tương tác của các hạt cơ bản. Stephen Weinberg còn có nhiều đóng góp cho vũ trụ học. Ông từng phát biểu: "Những cố gắng hiểu biết về vũ trụ là một trong rất ít những điều giúp cuộc sống con người một chút vượt khỏi ngây ngô, đem lại cho nó vẻ duyên dáng của một bi kịch".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ