Khai trí – Sự nghiệp trăm năm cần tiếp nối
Làm sao để phát triển? Làm sao để vươn lên? Câu trả lời không là gì khác ngoài những điều một nhóm trí thức tinh hoa đã chỉ ra từ hơn một trăm năm về trước: Trước hết cần khai dân trí...
Nỗi buồn trăm năm
Chí sĩ Phan Chu Trinh là một trong những người khởi xướng phong trào Duy Tân ở Việt Nam. Ông nổi tiếng với khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Chuyện kể rằng hơn 100 năm trước, khi về nước hoạt động, rất nhiều người ngưỡng mộ biết tin đã vào ra thăm hỏi không ngừng. Nhưng ai đến thăm ông cũng đều phải trải qua một “thủ tục” lạ đời như sau (*):
- Anh đã đọc Dân ước của Lư Thoa chưa?
- Anh đã đọc Vạn pháp tinh lý của Mạnh Đức Tư Cưu chưa?
Dân ước của Lư Thoa chính là cuốn Du contrat social ou Principes du droit politique, xuất bản năm 1762 (Bàn về khế ước xã hội hay các nguyên lý về quyền chính trị) của Rousseau, còn Vạn pháp tinh lý chính là cuốn De l'esprit des lois, xuất bản năm 1748 (Bàn về tinh thần pháp luật) của Montesquieu.
Đây là những cuốn sách kinh điển của xã hội văn minh phương Tây. Kể từ ngày xuất bản lần đầu, tính đến nay đã được hơn 250 năm. Nhưng thử hỏi trong số chúng ta đây, đã mấy người đọc cả hai cuốn này? Vậy mà hơn 100 năm về trước, Phan Chu Trinh đã nhắc những người đương thời về việc đọc các sách này.
Nói như vậy để thấy, sự nghiệp khai dân trí, ngay từ khi được đôn thúc ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, trên thực tế là đã lạc hậu so với thế giới hàng trăm năm. Nhưng đáng buồn thay, sau hơn 100 năm, đến nay tình hình cũng không sáng sủa hơn là bao nhiêu. Câu chuyện về khai dân trí vẫn là một niềm đau đáu của bất cứ ai quan tâm đến sự phát triển của đất nước.
Ngày nay, nếu cụ Phan Chu Trinh còn sống, và nếu có ai đến thăm cụ, thì ắt hẳn cụ sẽ lặp lại “thủ tục” xưa, tất nhiên là theo ngôn ngữ mới, nhưng xem ra cũng vẫn còn lạ đời không kém:
- Anh đã đọc Khế ước xã hội của Rousseau chưa?
- Anh đã đọc Tinh thần pháp luật của Montesquieuchưa?
Rất có thể phần đông chúng ta sẽ ngậm ngùi lắc đầu trước thủ tục kiểm tra của cụ.
Dù những cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt, dù máy tính nối mạng internet, nếu muốn đọc thì chỉ cần ra hiệu sách hoặc lên mạng làm vài động tác bấm chuột là xong. Chỉ cần bấm một ngón tay là sách đã bày ra trước mắt. Nhưng chúng ta vẫn không đọc.
Chúng ta vẫn lắc đầu. Cái lắc đầu kéo dài suốt trăm năm.
Một chuyện không thay đổi
Hơn một trăm năm qua, kho tàng tri thức thế giới đã mở rộng biết nhường nào. Chỉ xét riêng trong địa hạt Vật lý học chẳng hạn, hai lý thuyết nền tảng nhất là Cơ học lượng tử và Lý thuyết tương đối cũng đều ra đời trong khoảng thời gian này. Đây là hai lý thuyết có ảnh hưởng quyết định đến bộ mặt của thế giới văn minh. Nếu không có chúng, tất cả những phương tiện mà chúng ta sử dụng, như tivi, điện thoại di động, máy tính, internet…, và ngay cả bài viết này, sẽ không tồn tại. Cũng nhờ hai lý thuyết này, cùng với sự hỗ trợ của kỹ nghệ, con người đã đặt chân lên đến mặt trăng, và vươn xa hơn nữa ra ngoài vũ trụ. Những chuyện này nếu xét ở thời của cụ Phan Chu Trinh thì không khác gì chuyện cổ tích, thậm chí còn hơn cổ tích.
Sang các lĩnh vực khác như nghệ thuật chẳng hạn, thì trong 100 năm qua, thế giới cũng chứng kiến sự bùng lên của biết bao phương tiện và trường phái nghệ thuật mới. Thậm chí, có những sản phẩm nghệ thuật mà ngay cả trí tưởng tượng phong phú nhất của 100 năm trước cũng không thể hình dung ra được.
Cục diện thế giới cũng bao lần thay đổi. Qua hai cuộc đại bể dâu, hợp tan tan hợp, vật đổi sao dời. Các quyền lực lên rồi xuống. Các trật tự thế giới mới được hình thành. Những kẻ khổng lồ bừng tỉnh dưới sự thúc ép của kỷ nguyên thông tin. Cả thế giới đã trở thành một ngôi làng nhỏ, đến mức nếu muốn thì người ở đầu này có thể nói chuyện và cười nói với người ở đầu kia ngay tắp lự. Những điều này, nếu sống lại, chắc cụ Phan cũng không thể nào hình dung được.
Nhưng kỳ lạ thay, bất chấp mọi sự thay đổi to lớn như vậy, có một thứ dường như vẫn không thay đổi. Đó chính là những câu hỏi của cụ Phan: Anh đã đọc Dân ước chưa? Anh đã đọc Vạn pháp tinh lý chưa? Và tất nhiên phía sau nó là tâm nguyện khai dân trí để phát triển đất nước, vẫn bức bối và thời sự như hơn 100 năm về trước.
Và đáng buồn hơn, khi bàn về câu chuyện này, chúng ta vẫn chưa biết làm sao cho sao hiệu quả!
Vì sao cần tiếp nối?
Trăm năm với bao biến động. Đất nước Việt Nam đã trở mình. Nhưng so ra trường quốc tế thì vị thế vẫn còn kém cỏi nhiều so với bè bạn năm châu. Chỉ mới đây thôi, chúng ta mới vượt được mốc 1000 USD/người/năm, thoát ra khỏi nhóm các nước kém phát triển. Chưa kịp vui thì cái bẫy thu nhập trung bình đã bày ra trước mắt. Kinh tế khủng hoảng triền miên, cơ cấu bất hợp lý, nợ nước ngoài đã đến mức trở thành nguy cơ lại càng làm cho bức tranh thêm ảm đạm. Chưa kể, ngoài biển Đông sóng dậy không ngừng. Kể từ ngày thống nhất, nguy cơ lệ thuộc ngoại bang về kinh tế, văn hóa, chính trị… chưa bao giờ lớn như bây giờ. Thế giới đi quá nhanh, mà ta thì vẫn mãi đì đẹt ở nhóm chót.
Nếu ở thế kỷ 19, để gấp đôi lượng tri thức đã có, thế giới chỉ cần 50 năm, tức khoảng một đời người, thì ngày nay, chỉ cần chưa đến 1 năm. Các nhà khoa học còn dự đoán, thời gian gấp đôi tri thức của thế giới sẽ còn rút ngắn nữa, xuống thang đơn vị tính bằng ngày, bằng giờ.
Những nét phác họa này làm cho chúng ta giật mình nhìn lại câu chuyện 100 năm về trước. Câu hỏi làm sao để phát triển, để theo kịp năm châu lại gióng lên cấp bách. Người ta đi quá nhanh, sao mình còn mãi đủng đỉnh rề rà?
Nếu chỉ tính về mặt tri thức, thì tốc độ phát triển đã tăng lên hơn 50 lần. Nhưng chúng ta vẫn gần như giậm chân tại chỗ. Đó chính là lý do vì sao các nghiên cứu cho thấy năng suất lao động của chúng ta thua sút năng suất lao động của các nước phát triển hàng chục lần.
Mà không chỉ thua kém thế giới phát triển, chúng ta thua cả những người hàng xóm láng giềng có cùng hoàn cảnh với chúng ta 100 năm về trước. Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất Á Châu (APO) năm 2012, năng suất lao động của người Việt Nam thua kém năng suất lao động của người Nhật, Mỹ và Singapore khoảng 20 lần.
Vẫn sức vóc ấy, vẫn thời gian làm việc ấy, mà một người của họ làm ra của cải vật chất bằng 20 người của ta cộng lại. Khoảng cách này từ đâu ra? Chỉ có thể giải thích từ sự thiếu hụt tri thức trong tổ chức và triển khai sản xuất.
Vậy làm sao để khắc phục? Làm sao để phát triển? Làm sao để vươn lên?
Câu trả lời không là gì khác ngoài những điều một nhóm trí thức tinh hoa đã chỉ ra từ hơn một trăm năm về trước: Trước hết cần khai dân trí.
Cần đưa tri thức thế giới về Việt Nam
Nhìn sang các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á láng giềng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore thì thấy rằng, con đường phát triển của họ cũng không nằm ngoài chuyện khai dân trí. Khi tri thức là sức mạnh, dân tộc nào có được nền tảng tri thức mạnh, có nền khoa học kỹ nghệ tân tiến, thì dân tộc đó sẽ vươn lên dẫn đầu. Còn nếu nền tảng tri thức thiếu trước hụt sau, nhặt nhạnh chắp vá những điều người ta đã bỏ đi từ trăm năm về trước, thì chắc chắn sẽ mãi chìm trong bóng tối của vô minh và lạc hậu, không thể nào phát triển được.
Nếu ngày xưa trong nền kinh tế nông nghiệp, dốt chỉ đồng nghĩa với một đời sống tinh thần nghèo nàn, còn việc sản xuất canh nông có thể trông chờ vào kinh nghiệm từ đời này qua đời khác, thì ngày nay, dốt đồng nghĩa với nghèo, với hèn, với lạc hậu chậm tiến, với phụ thuộc ngoại bang và đánh mất chủ quyền. Lý do thật đơn giản: Trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, dân tộc nào tạo ra tri thức, dân tộc đó là người dẫn dắt. Dân tộc nào nắm được tri thức và biết cách khai thác tri thức, dân tộc đó có sức mạnh. Còn dân tộc nào thiếu hụt tri thức hoặc quay lưng với tri thức, dân tộc đó là kẻ phụ thuộc, nghèo hèn.
Chính vì thế, mọi hy vọng đi tắt đón đầu đều không thể nào trở thành hiện thực nếu không có một hạ tầng tri thức đủ mạnh làm bệ phóng, không có những lãnh đạo trí tuệ dẫn dắt, và không có những công dân được trang bị tri thức hiện đại thực hiện.
Cũng chính vì thế, công cuộc khai trí dù được khởi xướng cách đây cả trăm năm, cần phải được tiếp nối. Cần mẫn và kiên nhẫn. Không thể nào khác được.
Chỉ khi nào công cuộc khai trí thành công thì mới hy vọng xây dựng được một hạ tầng tri thức và một nền dân trí mạnh.Chỉ sau đó, các chương trình kiến thiết phát triển mới có thể thành tựu được.
Muốn vậy, tất cả chúng ta, nhất là những người trẻ, cần phải xắn tay lên. Cần phải tiếp nối công cuộc khai dân trí được khởi động từ hơn 100 năm về trước.
Hãy làm việc, không ngồi than vãn nữa. Nếu không, trăm năm sau con cháu mình cũng lại ngồi bàn lại chuyện khai dân trí như chúng ta hiện giờ trong sự buồn oải. Sự buồn oải kéo dài suốt mấy trăm năm.
Nhưng đó chưa phải là viễn cảnh xấu nhất. Việc xấu nhất có thể hình dung được là, nếu cuộc khai dân trí không được tiếp nối, thì trăm năm nữa, thế hệ sau biết có còn chỗ mà ngồi để bàn chuyện khai dân trí nữa hay không?
----------
(*) Xem Nguyễn Văn Trọng, "Tinh thần thời đại, 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục", NXB Tri Thức, Tr. 269.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh