Muốn khai sáng, phải “đốt lửa”
Ông nói: “Càng sống tôi càng thấy mình là người hạnh phúc!” Trong ông, không có chỗ cho bi quan chán nản, cho những bận tâm hàm này tước nọ, cho những ham muốn bổng lộc giàu sang. Nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ hàng ngày vẫn đến bục giảng bằng chiếc xe máy cà tàng, vẫn mê mải với thế giới di sản của người xưa để lại, vẫn đắm chìm trong những không gian văn hoá mà cảm nhận hạnh phúc…
Nhiều người dân Kinh Bắc biết đến cái tên Nguyễn Hùng Vỹ bởi những đam mê và đóng góp của ông suốt 30 năm qua cho quan họ. Giờ, quan họ được tôn vinh là di sản văn hoá phi vật thể thế giới, hẳn ông đã thoả lòng?
Mê quan họ từ khi mới chỉ đọc về quan họ qua sách, khi mà quan họ chỉ thi thoảng được hát qua làn sóng phát thanh, tôi phải đợi tới mấy chục năm sau mới được cùng các cụ làng Lim bắt tay tái lập không gian hát quan họ ngay tại một trong những cái nôi quan trọng sản sinh tục hát này. Mất tới ba, bốn năm trời “ba cùng” với bà con trong điều kiện nghèo khó nhất, vất vả nhất để cùng những liền anh, liền chị của đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh sưu tầm, bảo lưu những làn điệu quan họ cổ cho đến ngày nay, tôi vẫn chưa thực thoả lòng. Vì vẫn còn những định kiến cho quan họ là của bần cùng cố nông (định kiến giai cấp), là thổ sản (định kiến dân tộc) vốn là hai “tật” lớn trong nghiên cứu…
Nếu chọn một dòng nhạc, một thể loại dân ca tiêu biểu nhất cho hồn vía dân tộc, ông sẽ chọn…?
Chèo. Vì chèo tích tụ đủ các yếu tố dân gian, bác học, diễn xướng, làn điệu, nhạc điệu… dù rằng đến nay chèo vẫn chưa được xếp vào danh sách những di sản văn hoá phi vật thể trên thế giới của UNESCO. Bởi một chữ “chạy”. Nhiều người, nhiều nơi chỉ giỏi “chạy”. Là di sản thực sự thì đâu cần phải “chạy”? “Chạy” để cái không xứng đáng thành cái xứng đáng để làm gì! Nhìn tổng thế văn hoá Việt Nam, dòng nhạc xứng đáng nhất là âm nhạc cách mạng 1930 – 1975, từ một nền âm nhạc địa phương lên tầm một nền âm nhạc quốc tế, nó khẳng định tư cách một dân tộc trong thế giới hiện đại, đưa một Việt Nam thuộc địa thành một Việt Nam có vai trò trên thế giới và đến với từng người dân. Vì sao UNESCO chưa nhìn ra điều đó, không thừa nhận điều đó hay chính chúng ta cũng chưa ý thức được điều đó? Ở đây có cả vấn đề quan điểm lịch sử, sứ mệnh của người trí thức, công nghệ văn hoá mạng…
Giảng dạy và nghiên cứu văn hoá dân tộc, ông nghĩ thế nào về một bộ phận lớp trẻ lớn lên mà không hề quan tâm đến những hòn ngọc văn hoá dân tộc?
Đó là một kiểu nhìn mà thôi. Còn có một kiểu nhìn khác: cứ mỗi dịp tết đến xuân về, có khoảng 20 triệu người Việt ríu rít hành hương về hội làng. Người ta tấp nập gói bánh chưng cho ngày hội đó. Khó có thể tìm thấy trên thế giới cảnh tượng này. Người người hướng về hội làng như hướng về một tôn giáo, cho dù đây đó có những giá trị bị đảo ngược, hội làng được mở với những bài tính lãi lỗ, thương mại hoá…
Trên bục giảng, ông có những “chiến công thầm lặng”. Trong nghiên cứu, ông cũng không tiếc sức mình. Điều gì khiến ông lao vào làm những việc mà chỉ học trò của ông được lợi, thay vì dồn công sức cho những đề tài cấp này cấp nọ nhằm mang lại danh và lợi cho bản thân?
Sự đảo lộn giá trị chính là nguyên nhân khiến người ta dù có đủ điều kiện hạnh phúc mà vẫn không thấy hạnh phúc. |
Tôi là giảng viên khoa văn, nhưng vào những năm đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là đại học Khoa học xã hội và nhân văn – đại học Quốc gia Hà Nội) chưa tuyển sinh đào tạo ngành báo chí, trước thực tế sinh viên khoa văn ra trường chủ yếu lập nghiệp bằng việc làm báo, tôi đã nghĩ rằng, chỉ với một cây bút các em có thể sống được, tại sao mình không làm gì đó giúp các em. Thế hệ tôi còn được học thầy Quang Đạm, mỗi khoá 45 tiết, khi thầy chuyển vào Nam, khoa văn bỏ trống môn này. Thế nên khi có dịp, tôi đã mời giáo viên ngoài là các nhà báo nổi tiếng giỏi nghề về trường dạy ngoại khoá nghiệp vụ báo chí cho các em. Cần bổ sung kiến thức, tôi không ngại bỏ tiền mua tài liệu, giáo trình nước ngoài, tự đọc và học nghề báo để truyền nghề cho các em. Cứ như thế suốt bảy khoá học liền, cho đến khi khoa báo chí ra đời. Đầu tư rẻ, hiệu quả cao cho một số phận, một cuộc đời, tại sao không? Lúc đó, một số người phản ứng rất dữ: “Đã học khoa văn thì phải làm người nghiên cứu”. Họ không nghĩ như tôi: “Làm nghiên cứu là công việc của một bộ phận tinh hoa chứ không là của tất cả!” Giờ nhìn lại, tôi thấy mình đã dồn sức cho một quyết định đúng đắn, bởi đã có một số lượng học trò tốt nghiệp khoa văn ra làm báo, nhập cuộc tốt, thạo việc và phát triển nghề nghiệp rất đáng tự hào.
Mấy năm gần đây, Hà Nội xuất hiện một lực lượng “ông đồ trẻ” khiến những người hoài cổ vui mừng vì không còn phải lo cho một ngành nghiên cứu quan trọng bị bỏ trống. Ít người biết rằng, có được điều đó, có công lớn của thầy Nguyễn Hùng Vỹ...
Chuyện này bắt nguồn vào giữa thập niên 1990, khi đại học Tổng hợp vốn rất mạnh về mảng văn học truyền thống và Hán Nôm đầu thế kỷ 20 đứng trước nguy cơ “bỏ trống trận địa” vì nhiều thầy giáo đến tuổi nghỉ hưu. Các thầy Trần Nho Thìn, Trần Ngọc Vương hồi ấy ở tuổi 30 – 35, chưa thể gánh vác được. Cá nhân tôi cũng suy nghĩ về một lực lượng kế thế và kế hoạch đào tạo. Do vậy, suốt từ khoá 40 đến khoá 45, trong năm năm liền, không ai giao việc, không ai cấp tiền, nhưng tôi vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu này theo cách của mình. Thầy thầy trò trò miệt mài chụm đầu vào nhau. Không tiếc tiền đưa sinh viên đến các di tích, bắt các em đọc kỹ về lý thuyết ngôn ngữ học cổ tự, mày mò trong sách từng chữ, từng chữ một… Rất may là thành công. Giờ, Sài Gòn có 7 – 10 nhà nghiên cứu Hán Nôm cấp cao đều đã ở tuổi 70, Huế có năm người đều ở tuổi 60, Hà Nội có 20 người ở tuổi 30! Họ hoàn toàn đủ năng lực, tri thức văn hoá và ngôn ngữ học để xử lý độc lập, giải mã các văn bản cổ; nhiều người trong họ đã giành được những giải thưởng quốc tế liên quan đến Hán Nôm. Có thể nói rằng, để đối thoại ra ngoài, đây là lực lượng chính chứ không phải ai khác!
Với một người giàu ý tưởng như ông, hẳn câu chuyện bổ sung nhân lực cho làng báo, làng Hán Nôm vẫn còn tiếp diễn…
Tôi còn ba năm nữa là nghỉ hưu. Từ nay đến đó, phải đào tạo được một lớp sinh viên viết kịch bản sân khấu – điện ảnh. Một lần điện thoại đường dài về quê thăm mẹ, tôi nghe một bà già nhà quê cách thủ đô 200km khoe “đang xem phim Hàn Quốc”. Rồi điều tra xã hội học dân tộc Cà Tu ở Quảng Trị, nhiều gia đình đặt tên con theo nhân vật trong phim Hàn Quốc. Vấn đề không nhỏ: nhân dân luôn hướng đến những điều tốt đẹp và một văn hoá đang bị xâm lấn bởi một thứ quyền lực mềm. So với Hàn Quốc, ta nhiều lợi thế hơn, từ lịch sử, con người, cảnh quan, nhưng điện ảnh của ta đang thua họ. Tôi nghĩ đến các sinh viên khoa văn của mình và muốn rằng chính các em sẽ làm được điều gì đó. Thế nên, công việc của tôi phải bắt đầu: lặng lẽ, dần dà tuyên truyền, lập câu lạc bộ (như trước đây đã lập câu lạc bộ Hán Nôm), động viên các em tự khai phá con đường của mình. Ai nghĩ ra cái gì thì phải chiến đấu cho cái đó. Tôi không đủ năng lực cầm tay chỉ việc cho các em thì tôi làm người đốt lửa. Các em giỏi hơn tôi, nhất định các em sẽ làm được. Đây chính là khát vọng cuối cùng trong nghề dạy học của tôi.
Theo ông, chất lượng của đội ngũ sư phạm đã ảnh hưởng thế nào đến chất lượng giáo dục?
Dạy văn là một nghề không chỉ thú vị, mà còn vô cùng hữu ích. Văn chương có thể dạy cho người ta nghĩ như thế nào, nói như thế ấy và sống đúng như thế. |
Nghề sư phạm đòi hỏi sự hy sinh lớn, vì môi trường này có những khuôn phép của nó. Đã làm thầy thì phải mẫu mực, kể cả khi không bước chân lên bục giảng. Khi ai đó đã chọn cho mình một nghề, thì chắc chắn nghề đó sẽ quy định anh ta. Muốn phá bĩnh cũng không được, vì nghề không cho phép. Thực tế cũng có một số thầy cô giáo không có chuyên môn, mượn một số điều khác để phát ngôn linh tinh trên bục giảng và tưởng đó là giáo dục, là hay ho, đã làm hỏng môi trường lành mạnh của giáo dục. Tiếc là số này tương đối nhiều, phí phạm tiền học, thời gian của học trò. Không ít thầy dạy đại học nhưng trình độ chỉ là cấp 3 + 1, cấp 3 + 2. Có giáo sư mà 30 năm chẳng viết được một bài nghiên cứu khoa học nào. Lớp trẻ nhiều người giỏi, chớ coi thường họ, nhưng nếu không gặp được thầy giỏi thì có khi học xong bốn năm đại học đầu óc lại tối tăm hơn, xấu hơn, hỏng hơn. Ngược lại, nhiều thầy có chuyên môn, nghiêm túc truyền nghề, nhưng tiếp thu kiến thức là không dễ, trò lại thờ ơ không muốn nghe…
Tôi nghĩ, chỉ cần một phần ba số người dạy, với tâm huyết và năng lực chuyên môn của họ, nền giáo dục của ta vẫn phát triển, đặc biệt là giáo dục công lập! Cứ để nguyên đội ngũ, không sàng lọc, thì tiền lương và phụ cấp hưu trí sẽ thành gánh nặng xã hội!
Soi chiếu ra xã hội, ông có thấy sự thất bại trong giảng dạy văn chương sẽ để lại hậu quả trên chính con người thời đại?
Tất nhiên. Vì thế dạy văn là một nghề không chỉ thú vị, mà còn vô cùng hữu ích. Văn chương có thể dạy cho người ta nghĩ như thế nào, nói như thế ấy và sống đúng như thế.
Ông quan tâm đến cải cách giáo dục như một tiền đề hạnh phúc?
Phải sáng suốt để thấy rằng trên một tổng thể không thay đổi thì mọi đề án chỉ là ảo tưởng. Muốn cải cách thực sự, phải bắt đầu từ thay đổi tư duy: Học để làm gì? Tiêu tốn hàng trăm ngàn đồng học phí đại học mỗi tháng để làm gì? Để tương lai có nhà cửa, xe cộ, cơm no áo ấm – tức là thoả mãn nhu cầu vật chất – cấp độ đầu tiên của hạnh phúc. Và cao hơn là để có sự hiểu biết, sự tôn trọng lẫn nhau; cao hơn nữa là sự sáng tạo, là tự do. Sao cho mỗi người khi sinh ra, đều được tạo cơ hội để tìm kiếm cho mình hạnh phúc. Vậy thì, học chính là để hạnh phúc. Dạy chính là để hạnh phúc.
Tiếc rằng bên ngoài cánh cửa các ngôi trường là cuộc sống rộng lớn, cảm giác về hạnh phúc đang ngày một khó khăn hơn, chật vật hơn, hiếm hoi hơn như trải nghiệm được chia sẻ của nhiều người…
Sự đảo lộn giá trị chính là nguyên nhân khiến người ta dù có đủ điều kiện hạnh phúc mà vẫn không thấy hạnh phúc. Người ta tiện nghi bằng mọi cách, vật chất hoá bằng mọi cách và cho rằng đó là hạnh phúc. Giá trị vật chất, tiện nghi đã được đánh giá cao hơn sáng tạo và tự do. Một điều đáng buồn.
Lớp người hiện đại ít khi đề cập đến khái niệm hạnh phúc, vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng ông thì không như vậy…
Vấn đề là người ta cứ chạy theo tăng trưởng, mà vẫn bất ổn, vẫn không hạnh phúc. Thế giới đang bị cuốn vào cơn lốc tăng trưởng, sau tăng trưởng là khủng hoảng, là hoang mang không biết thế nào là hạnh phúc. Cá nhân tôi, từ trẻ đã ước mơ trở thành nhà giáo. Và tôi đã thoả nguyện, vì được chọn đúng nghề và được làm nghề. Không chỉ đi dạy mà các hoạt động sáng tác, nghiên cứu cũng khiến tôi thoả lòng. Phải nói là những công việc đó, dù kết quả chưa được như nguyện vọng, nhưng tôi đã nỗ lực tối đa sức mình. Hạnh phúc do tự mình kiến tạo. Càng ngày tôi càng “ngấm” điều đó!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015