Hồn Tết vơi đi
Lại sắp Tết rồi! Nhớ những lúc giao thừa. Hình như năm nào bà cũng đi ra đi vào, rồi phàn nàn với con cháu rằng thế này thì bỏ hết tết à! Năm nào cũng vậy, sau khi sắp xong mâm cỗ giao thừa là con cháu tản đi hết.
Người ngồi xem TV, người đi chơi, người leo lên giường, trùm kín chăn rồi ngủ cho tới sáng mồng một. Chỉ còn lại mình bà lủi thủi một mình sửa soạn mâm cỗ, bàn thờ chờ đến lúc giao thừa. Rồi đến lúc ấy lại mỏi miệng gọi con cháu dậy đón giao thừa nhưng chẳng được một mống người nào. Chẳng có ai thiết tha gì với giao thừa, giao thiếu. Cứ ngủ cho nó khỏe! Nhìn mâm cỗ giao thừa lạnh tanh, bà lại cằn nhằn trách móc vài câu. Nhiều lúc nghĩ cũng thấy áy náy, có lỗi thế nào ấy!
Cái không khí tết đã vơi đi kha khá!
Năm bảy năm trước, cứ đến hai tám, hai chín tết, là bốn bên hàng xóm đã eng éc tiếng mổ lợn. Tiếng người nói cười inh ỏi. Nghe mà thấy vui tai và “không khí” lắm. Mặc dù nhà mình không có, nhưng cũng thấy phấn chấn, vui lây với thiên hạ. Vậy mà mấy năm nay thì tịt hẳn. Năm ba cân thịt, ai còn bày vẽ làm gì cho mệt. Thời gian ấy để mà kiếm tiền trăm, tiền triệu.
Cái không khí tết lại vơi đi một chút kha khá nữa! Còn cái chuyện bánh chưng, chẳng chỉ ở thành phố, mà cũng khối nhà ở nông thôn, không còn cảnh gói bánh và luộc bánh nữa. Khổ quá, ăn bao nhiêu mà bày vẽ làm gì cho mệt! Mấy năm trước, anh em, bà con hàng xóm thường nhờ mình khéo tay sang gói hộ mấy cái bánh chưng vuông cho nó đẹp. Mệt nhưng cũng thấy vui vui. Mấy năm nay thì chẳng thấy ai nhờ vả gì nữa. Họ đã “tạm biệt” nồi bánh chưng! Thường thì mình sẽ tham gia vào cái nhiệm vụ trông nồi bánh chưng. Mọi người sẽ quay quần bên nồi bánh và nói với nhau chuyện này chuyện nọ. Mấy năm nay bận quá nên chẳng đóng góp được công sức gì cả. Có lẽ hình ảnh cái nồi bánh chưng ngày tết rồi cũng sẽ chia tay mỗi nhà. Và người ta sẽ thi thoảng nhớ rằng... ngày xưa... Cái không khí tết lại vơi đi một chút kha khá, kha khá nữa!
Sự hiện đại đem lại cho cuộc sống nhiều tiện nghi thoải mái, nhưng ngược lại, nó cũng vô tình lấy đi nhiều nét đẹp truyền thồng. Nhớ ngày còn nhỏ, cứ đến tết là người người lại đổ ra đường, hòa vào dòng người đi chúc tết; đến thăm ông cha, bà chú, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Trên đường làng hay sân kho (ngày nay thường là nhà văn hóa), già trẻ, gái trai chen chúc nhau tham gia các trò chơi dân gian. Giờ thì hầu như bỏ hẳn! Thường thì chỉ có bố mẹ, con cái, anh em ruột thịt, bạn bè thân thích mới đến thăm nhau. Kín cổng cao tường đến nhà nhau cũng ngại. Chăn ấm, đệm êm, thế là cứ nằm ì ở nhà, cầm chiếc điều khiển bật hết kênh này đến kênh khác. Xem chán TV lại chuyển sang băng đĩa. Cứ đến hẹn lại lên, mấy năm nay, năm nào “bác” Xuân Hinh và các bác hài khác cũng cho “ra lò” một serie đĩa hài tết. Thế là bánh chưng, giò lạc cứ chén no say, rồi trùm chăn kín người, bật đĩa hài ra màcười phớ lớ, quên hết sự đời. Cười nhiều mà vẫn thấy buồn. Chán thật!
Thôi, thế là xong, còn gì là tết nữa! Cái hồn tết đã bay đi gần hết rồi!
Không biết năm nay, tết sẽ thế nào?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015