Tết quê

11:54 SA @ Thứ Sáu - 16 Tháng Giêng, 2009

Ấm nồng như ký ức, đẹp đẽ như tuổi thơ, Tết quê chợt về miên man trong hồi tưởng. Tôi lại nhớ, lại nôn nao, lại ước mình được nhỏ bé.

Cái lạnh cuối đông nơi đất Sài Gòn khó chịu lạ. Nó chẳng thể mang được chút se sắt, rét buốt của miền Bắc, cũng chẳng thể ném chút hây hây của những cơn gió chướng đầu xuân vào lòng chảo tất bật của mình. Tất cả cứ trôi theo một nhịp, sôi động nhưng đơn điệu. Sài Gòn khiến người ta thèm khát chút gì đó cố hữu mà nhiều người vẫn quen gọi là vị quê...

Mùa này, ở quê, gió chướng đang phe phẩy. Con gió mượt mà và có duyên đến lạ, nét duyên khiến lòng người trở vui ấm áp. Có mấy ai nghe hơi hướng gió chướng mà không thấy nôn nao? Cái tên có vẻ bướng bỉnh nhưng đẹp lòng, đẹp dạ. Mùa này, những cánh đồng cũng đang vào độ gặt rộ, những mẻ lúa ong ong vàng là phần tích cóp để người nông dân... xả láng đến hết Mùng. Tôi lại thấy cồn cào và da diết nhớ. Những cái Tết tuổi thơ sao cứ vui lạ.

Cái lạnh miền Nam có thấm gì so với miền Bắc, thế nhưng những ngày se se, tôi lại thích vận áo ấm, đeo găng tay cứ như rét mướt đã lên đến âm độ. Sáng sớm, nằm quấn chăn trong mùng mà cứ rên ư ử, mẹ thúc mãi mới chịu dậy. Đi học vào buổi sáng lúc ấy là cực hình, chỉ cầu mong đến ngày 23 âm lịch cúng ông Táo để được nghỉ. Ngày Tết xóm tôi vui lắm, không khí cứ như hội. Độ khoảng một tuần trước Tết là nhà nhà đua nhau quết bánh phồng, bánh tráng. Tiếng chày nện cứ đều đều âm ỉ hết ngày sang đêm. Những mẻ bánh phồng mì, bánh phồng nếp thi nhau ra lò, phơi đầy trên các phên chiếu còn thơm mùi lát dưới cái nắng vàng ươm, hây hẩy. Bọn con nít thi nhau chạy ra, chạy vào, thỉnh thoảng đến các cối quết to đùng xin phần nếp thừa nhăng nhít nửa sống nửa chín mà ăn. Người lớn thì vừa làm vừa bàn tán xôn xao nào chuyện vụ mùa, nào nhà này nhà kia ăn Tết lớn nhỏ ra sao. Tất cả mọi thanh âm cứ theo nhịp cối mà khuếch đại rôm rả.

Nhà tôi ít khi quết bánh phồng nhưng năm nào cũng có lộc ăn nhờ bà con xung quanh đem biếu. Bánh phồng đem nướng lửa rơm thì thích lắm, có khi nó to bằng cái xề, ăn giòn rùm rụm. Đây là bánh cúng đi kèm không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết ở quê. Nên hiển nhiên, người ta cũng xem nó là một loại bánh Tết.

“Bọn con nít thi nhau chạy ra, chạy vào, thỉnh thoảng đến các cối quết to đùng xin phần nếp thừa nhăng nhít nửa sống nửa chín mà ăn. Người lớn thì vùa làm vừa bàn tán xôn xao nào chuyện vụ mùa, nào nhà này nhà kia ăn Tết lớn nhỏ ra sao. Tất cả mọi thanh âm cứ theo nhịp cối mà khuếch đại rôm rả.”

Ngày Tết, mẹ cũng hay làm mắm. Khi con nước đang lên cũng là mùa tép bạc non kéo nhau thành đàn. Những con tép cong mịn, vỏ mỏng, hao hao hồng làm mắm là ngon nhất. Năm nào mẹ cũng dằn cả thạp, phần ăn, phần biếu chẳng khi nào dư. Mắm ngon phải đỏ au, nước trong, cắn vào con tép cứ dai sừn sựt, ăn kèm thịt luộc cuốn bánh tráng thì không gì ngon bằng. Và cứ như thành lệ, ngày Tết nhà nào cũng muối dưa cải. Những cây cải to đùng, đem phơi một nắng cho héo ươm, trụng sơ nước sôi đem ngâm với định lượng muối, nước hèm vừa phải để khoảng 10 ngày là có thể ăn. Nhà nào muối cải sớm thì xem chừng đến Tết thạp cải đã sạch bong vì lũ con nít có thú ăn "hỗn" là hễ tiện tay, buồn miệng là bẻ lấy một nhánh, có khi còn cay nồng, nhai rộm rạo đến khi phát hiện thì thạp dưa chỉ còn lều phều vài cây cải nổi lõng bõng, đành phải làm mẻ khác. Ngày đó, cũng chỉ đến Tết mới có dưa hấu mà ăn, không như bây giờ, chẳng biết khi nào là mùa. Đó là loại dưa tròn, xanh mịn chứ không phong phú đủ loại như ngày nay. Thích nhất là mỗi lần đi chợ chọn dưa với mẹ. Người bán cứ đon đả một mực dưa An Tiêm, người mua thì cứ bê lên, búng bong bóc theo kinh nghiệm bởi chẳng may chọn ngay quả dưa trắng chạch mà đem cúng thì xui cả năm. Cái gì có mùa thế mà hay, cứ quanh năm suốt tháng lúc nào cũng có đâm ra chẳng biết thèm và cũng chẳng bao giờ cảm thấy được cái vị đẫy đà trọn vẹn của nó. Chẳng thế mà cái vị hơi nhàn nhạt, mọng nước, cát cát của dưa tự nhiên lại ngọt hơn vị lịm đường của dưa “chất lượng cao" bây giờ. Và thế là người ta cứ thèm, thèm cái gì đó không phải ở vị ngon mà ở sự cảm nhận hương quê nồng ấm.

Ngày 30, tôi lại thức thâu đêm bên ánh lửa bập bùng canh nồi bánh tét to đùng mẹ nấu. Nghĩ cũng lạ, Tết xưa làm gì cũng tràn trề nhưng nhiều mấy cũng ăn hết, bây giờ thì cứ đồ sẵn ở chợ, mua cúng qua loa cho có không khí là xong. Thời buổi hiện đại, người ta cứ ngán ngẫm, lo sợ cho sự mai một truyền thống nay mai...

Nhắc đến Tết, cứ bao nỗi nhớ kẻo về chẳng thể kế hết. Nhớ nồi thịt kho tàu vàng au, nhớ những chiếc mứt mẹ làm ngọt lịm, nhớ những buổi sáng tinh mơ xúng xính trong bộ quần áo mới dung dăng đi hội chợ, nhớ mùi thơm thanh tao của cây mai vàng nở rộ trước sân, nhớ cả trò bầu cua cá ngựa mà lũ con nít bày ra trong ba ngày Tết. Chợt giật mình khi với tay bóc tờ lịch cuối năm...

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Nguyễn Tuân, xuân 1957 kể chuyện cổ tích

    25/02/2018Đọc lại báo cũ đôi khi tìm được những cái hay hay, ví dụ như đọc lại tuần báo Tổ quốc (cơ quan của Đảng Xã hội Việt Nam đã thôi tồn tại từ 1989) số tết Đinh Dậu 1957, gặp được cái truyện rất ngắn của Nguyễn Tuân (1910 – 1987) trong đó ông nhà văn này kể lại một chuyện cổ tích về một cuộc thi nói láo. Tác phẩm này hầu như chưa được đưa vào mấy bộ tuyển tập, toàn tập của tác gia Nguyễn Tuân, cho nên sự gặp lại câu chuyện này cũng có thể tạm coi là chuyện phát hiện lại được một tác phẩm cơ hồ bị lãng quên đến dăm chục năm rồi.
  • Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán

    15/01/2009Hồng Anh (st)Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý - Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.
  • Mùa xuân mới lại về

    01/03/2007Vũ Hoàng TiếnTôi đi và cứ nghĩ miên man như thế, mưa xuân phủ một lớp mỏng lên mái tóc và chiếc áo choàng… Có hạt mưa xuân nào chui vào cổ áo – rùng mình, người tôi mát lạnh, tim tôi rung lên, đập nhịp: Mùa xuân ơi, Mùa xuân đã về!
  • Tết đến

    19/02/2007Chử Văn LongNhắm mắt lại, giờ tôi như vẫn được nghe những tiếng xột xoạt của thứ vải “trúc bâu” hồ cứng nơi cánh tay mình ngày ấy vuốt ve nhìn ngắm. Tôi thấy mình bỗng thành đứa trẻ, hay đứa trẻ vừa biến thành tôi khi năm mới vừa sang...
  • Ngày Tết nói chuyện về nguồn

    29/01/2006Vũ HạnhNếu nhiều loài sinh vật quay quắt về nguồn như một thôi thúc từ trong sâu thẳm bản năng, thì người về nguồn là biết đi quanh về nẻo tương lai, bởi với con người không chỉ có mỗi nhu cầu tìm về quá khứ như nhiều loài vật, mà quay về ấy là tìm những chất liệu bồi dưỡng cho những chặng đường dài đi tới.
  • xem toàn bộ