Nhàn nhã như Tết
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Chữ Nhàn của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ấy là chữ nhàn khôn giữa thời buổi điều gì cũng vội vàng tất bật. Ấy là chữ nhàn cứ phải dứt bỏ, tu tập mới có được trong mấy ngày Tết…
Ngày đời trôi nhanh, ngày tết trôi chậm
Sự chối bỏ ồn ào cũng là một tập quán cần tu luyện mới có được, ngày Tết nhắc ta tập quán công phu đó.
Một năm lo khôn, mấy ngày Tết tập nhàn cư, tập dại dột.
Đến cả tết cúng lễ tử đang báo động có thể chỉ còn trong tự điển của vài chục năm tới, khi tốc độ đô thị hóa đã biến giá đất nông thôn phát sốt, khi những chiều ba mươi ta còn mải miết ngược xuôi với những cuộc toan tính bất tận. Giật mình.
Giật mình vốn là cảm trạng có thật khi một năm đi qua. Giật mình là để được trở về. Trở về với góc sống, không gian và trạng thái thanh thản của mình. Giật mình là cái buốt nhói trống rỗng hoang lạnh tâm thức sau tháng ngày bươn bả rồi nhận ra cái vô nghĩa của thời gian nhân sinh thường nhật.
Ngày đời trôi nhanh. Ngày tết trôi chậm.
Ngày tết, là dịp để tập nhàn nhã. Để chăm sóc, tân trang lại mình một cách toàn diện, triệt để nhất. Có thể vì thế mà có Tết. Nhưng tân trang thế nào đây cái cỗ máy đang ngày càng chạy hết công suất, bướng bỉnh thách thức trước thời gian, nhiều nguy cơ hỏng hóc không thể bảo hành vì năng suất cần phải tăng mà bảo dưỡng đang bị lơ là (?).
Tân trang là vầy. Nghe to tát máy móc cơ khí hóa ra lại giản đơn như khi ta chuyển từ nhịp nhanh của tiết tấu sống sang nhịp "tempo giusto" (chậm rãi) và… trữ tình. Đó là cái cảm xúc mình chùng lại trước nắng vàng, hoa cỏ tươi mới. Là lúc ta như mẹ già ngồi ở góc bếp quê lựa những trái đu đủ, cà rốt, những bó kiệu mẩy xanh của mùa màng thôn dã để hong phơi một cơn nắng làm hũ dưa món đặt trên kệ tủ. Là khi ta nhớ đến bọn nhóc trong xóm xúm xít quanh nồi bánh chưng, bánh tét ấm khói giao thừa. Là khi ta như người cha già dành hai ngày cuối năm đi dãy cỏ trên những bia mộ dòng tộc, những mong ngày tết rêu cỏ không phủ che những chỗ nằm hoang lạnh. Là khi ta phụ giúp người thân dọn lại cái bàn thờ, lau lại bộ bàn ghế và mua hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa mai trang trí cho không gian căn phòng thân thuộc để tiếp khách, để hoa đáp lại những lời chúc xuân của láng giềng, bà con.
Ngày tết rồi cũng trôi nhanh. Nhưng dư vị háo hức ấy thường đến sớm trong những dự định, sắp đặt dọn dẹp, chăm sóc, tân trang đời sống. Thay một khay trà mới, đặt một cánh thiệp mới, treo một tờ lịch mới… Chăm sóc cho không gian nội thất của gia đình là làm tươi mới cái đời sống vốn ngổn ngang vô tình phù phiếm đến nhức nhối suốt một năm. Là niềm hạnh phúc có thể nắm bắt được khi có thể ăn bình thường, hít thở bình thường và tận hưởng thấu đáo những rung động giao cảm bình thường với người thân với đất trời.
Và hơn bao giờ hết, những ngày cuối năm, trong cái khoảng nhàn nhã ấy ta sẽ ít xem đồng hồ hơn để dành sự bận tâm tập trung làm sao hít thở một cách tròn đầy. Nhiều ngày nhiều tháng ta không nhớ hơi thở của mình. Nhiều ngày, nhiều tháng ta thở những hơi đứt quãng và dồn nén trong lồng phổi nấc giật và co thắt không đều. Nhiều ngày, nhiều tháng ta chưa trải qua những khoảng bình lặng bình yên như lúc này đây nằm vắt vẻo đu đưa trên võng và nghe trong những bài nhạc xuân đồng quê xưa cũ cảm giác thảnh thơi, an tĩnh...
Ngày Tết người ta được phép lâng lâng cùng chén rượu đầy mà không phải la lối om sòm hay ngoài vùng phủ sóng ở những cuộc bia bọt xã giao. Rót rượu và nghe trên tay tiếng sủi tăm của vị men nồng. Nghe trong gió cái mơn man của một sự lay động tinh tế. Người ta chỉ thực sự nhàn khi cảm nhận hết ý nghĩa giao hòa giữa sự hướng tha với hướng nội, giao hòa giữa chiêu kích cảm nghiệm tâm thức với hòa đồng vạn vật đất trời. Ở đó, sự chối bỏ ồn ào cũng là một tập quán cần tu luyện mới có được. Ngày Tết nhắc ta cái tập quán công phu đó.
Rồi thì giờ vẫn là thì giờ. Dù chậm đến thế nào thì ngày Tết rồi cũng qua như bao ngày khác trong năm. Chậu mai trong nhà đã bung hết một mùa sung mãn rực vàng. Những đóa vạn thọ sáng mùng một cười rạng ngòi lác đác mấy bông, nay đã nứt hết những búp xanh cuối cùng. Và chiếc lư hương ba ngày đầu năm ấm môi cười dư ảnh ông bà trên bàn thờ rồi cũng sẽ phải thay cát bụi mới.
Buổi sáng vẫn bắt đầu bằng nắng vàng gió nhẹ. Nhưng là nắng vàng quá độ và gió nhẹ thoảng chút hanh hao. Ta vẫn muốn nằm ì trên võng đong đưa nhìn trời đất bồng bềnh trong khu vườn xanh bóng lá để nghe em nhỏ khoe tiền lì xì, để cắn những hạt dưa béo giòn và tận hưởng nốt cái mơ màng còn sót lại của tết nhất.
Một năm lo khôn, mấy ngày Tết tập nhàn cư, tập dại dột rồi cũng qua. Chẳng đánh dấu mốc nào lên cái hư huyễn đời người như cách người ta ghi trong những giấy tờ bảo chứng hay lưu trữ. Chỉ là thay vì 2005 thì 2007, thay vì 2007 thì là 2008 và cứ thế, những tờ lịch được xé đi và lại dán lên tường... Những con số sẽ lại trở nên vô hồn suốt một chuỗi ba vạn sáu ngàn ngày ròng. Cái chính là đôi khi nó nhắc nhở và làm rơi vãi vào ta những khoảng lặng, lời nhắc nhủ ân cần về hạnh phúc hay khổ đau, về sự ồn ào huyên náo hay ban phát sự bình yên nhẹ nhàng.
Ngày tết, háo hức hay nấn ná một chút để tân trang mình, để kì kèo với sự nhàn nhã thì cứ mạnh dạn tự cho là đâu có lỗi gì!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005