Học phí đại học - cần một góc nhìn khác
Trong số những ý kiến tranh luận về vấn đề học phí trên báo chí gần đây, nhất là khi Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012 được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình UBTVQH (13/5), rất nhiều ý kiến đề cập đến con số 6% thu nhập bình quân. Đa số cho rằng mức này quá cao, mặc dù cũng có một vài ý kiến cho rằng có thể chấp nhận được. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, “Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển trung bình có mức thu nhập thấp mà áp dụng mức 6% là mức chi trả khá cao trong tương quan so sánh chung và không phù hợp với thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay...”.Ông Thi đề nghị mức học phí không vượt quá 5% thu nhập bình quân (VTC News, 30/05/2009). Sau những tranh luận ồn ào cả ở Quốc hội lẫn trong dân chúng, cuối cùng, ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh khung học phí năm học 2009-2010, theo đó học phí cao nhất một tháng của khối đại học là 240.000 đồng, cao đẳng là 200.000 đồng.
Việc bàn cãi về mức học phí 6% thu nhập bình quân, và cả mức học phí mới, theo tôi, phản ánh tính chất quan liêu trong cách thức tiếp cận vấn đề.
Trước hết, chúng ta hiện nay không thể xác định được mức thu nhập thật sự của người dân, nhất là tầng lớp giàu có. Bởi lẽ, chúng ta đang sống trong một nền kinh tế tiền mặt với rất nhiều mảng không chính thức. Nếu căn cứ vào mức thu nhập được khai báo để nộp thuế, hoặc căn cứ vào con số GDP tính theo đầu người được công bố chính thức, chúng ta sẽ không hiểu vì sao hàng vạn người sở hữu xe hơi sang trọng, căn hộ hay biệt thự đắt tiền. Nhiều người trong số đó sở hữu không chỉ một mà nhiều biệt thự. Nhiều người cho con đi học nước ngoài từ bậc phổ thông với chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhưng hãy cứ giả sử là chúng ta có thể xác định được chính xác thu nhập thật của người dân, việc xác định mức thu học phí ở mức 5 hay 6% thu nhập cũng rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, con số này vừa quá cao, vừa quá thấp. Quá cao là đối với người nghèo. Chưa cần phải tăng học phí, ngay với mức 180 ngàn đồng/tháng trước khi thay đổi, học phí đại học đã là quá cao đối với nhiều gia đình nông dân. Với mức phí được coi là đã quá lạc hậu này, trên thực tế nhiều gia đình ở nông thôn đã không có khả năng chi trả để nuôi con ăn học. Trong khi đó, học phí dù có tăng đến mức cao nhất theo đề nghị của Bộ GDĐT (800 ngàn đồng/tháng đối với ngành y-dược) cũng vẫn là rất thấp và không hề ảnh hưởng đến những gia đình khá giả.
Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ đó. Vấn đề là ở chỗ cho dù mức thu cao nhất ấy được chấp nhận thì nó vẫn rất thấp so với mục tiêu của Bộ GDĐT, đó là tăng đáng kể nguồn thu, nhằm cải thiện cơ sở vật chất, đào tạo và nâng cao đời sống giảng viên – những điều kiện quan trọng để cải thiện chất lượng. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã rất có lý khi nói rằng khung học phí của chúng ta đã quá lỗi thời. Trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng 4,7 lần, lương tối thiểu tăng 1,86 lần, chỉ số giá cả tiêu dùng tăng gấp 2 lần trong vòng 10 năm qua (1999-2008), thì khung học phí vẫn không hề thay đổi. Theo ông Nhân, học phí đại học 180.000 đồng/tháng ở năm 2008 chỉ có giá trị tương đương với 90.000 đồng/tháng vào năm 1998 là năm khung học phí cũ được ban hành.[i]
Mức tăng do Uỷ ban VHGD TTN&NĐ đề nghị (tăng mức trần học phí ĐH từ 180.000 đồng/tháng lên 230.000 đồng/tháng) và mức tăng thực tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định (240.000đ/tháng) trên thực tế sẽ không có tác động gì đáng kể. Như tôi vừa phân tích trên đây, việc tăng học phí nhỏ giọt và cào bằng cuối cùng chỉ làm gia tăng khó khăn cho người học nghèo.
Học phí thấp và cào bằng còn có một hệ quả gián tiếp khác rất đáng quan tâm: nó khiến cho việc lấy tấm bằng đại học trở thành một việc đầu tư rẻ tiền. Vì chi phí không cao, nên rất nhiều người muốn và có thể tham gia mà không cần phải cân nhắc nhiều về chi phí, về thái độ học tập và về những gì họ thật sự thu được. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhu cầu học đại học quá lớn và sự bùng nổ số trường đại học cũng như tình trạng tiêu điều của các trường dạy nghề trong thời gian qua.
Vậy chúng ta cần phải có chính sách như thế nào? Theo tôi, một chính sách tốt về học phí phải đảm bảo được các yêu cầu sau:
- Khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh để sinh viên học tập tốt
- Tạo điều kiện để mọi sinh viên tài năng đều có đủ điều kiện học tập và thành công.
- Tăng đáng kể nguồn thu, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao đời sống giảng viên – những điều kiện quan trọng để cải thiện chất lượng.
Muốn vậy, chúng ta phải tăng đáng kể mức học phí. Mức học phí phổ biến ở các đại học dân lập hiện này là từ 3,5 đến 10 triệu/năm. Học phí các chương trình liên kết với nước ngoài từ 20 đến 50 triệu/năm. Học phí tại các trương phổ thông dân lập hiện cũng vào khoảng 5 đến 10 triệu/năm, cá biệt có trường thu tới vài triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các chương trình được gọi là “quốc tế” có mức học phí cao hoan nhiều lần. Trong mối tương quan như vậy, tôi cho rằng học phí đại học nên ở mức tối thiểu là 20 triệu/năm học (tức khoảng 2 triệu/tháng).
Tuy nhiên, không phải tất cả các sinh viên đều phải nộp mức học phí này. Chúng ta nên căn cứ vào kết quả học tập để phân loại sinh viên và áp dụng các mức học phí khác nhau. Chẳng hạn, 10% sinh viên xuất sắc nhất không những không phải trả tiền học phí, mà còn nhận được học bổng, đủ để chi trả tiền nhà và sinh hoạt. 30% tiếp theo được miễn học phí. Với cơ chế học phí như trên, chỉ có 60% sinh viên phải nộp học phí. Ngoài ra, nhà nước cũng nên nghiên cứu thành lập một vài trường đại học tinh hoa dành cho những sinh viên ưu tú được tuyển lựa kỹ càng. Những trường này có thể hoàn toàn do nhà nước trợ cấp.
Việc quyết định học sinh nào được nhận học bổng hoặc được miễn học phí cần phải tiến hành hàng năm, hoặc thậm chí từng học kỳ như trong các trường đại học Hoa Kỳ. Riêng đối với học sinh năm thứ nhất có thể được lựa chọn dựa trên điểm thi đại học hoặc điểm thi tốt nghiệp phổ thông nếu sau này bỏ thi đại học. Dĩ nhiên, các trường đại học cũng sử dụng các hình thức khác phù hợp với điều kiện của mình để phân loại sinh viên đầu vào.
Cơ chế trên không chỉ cho phép giảm sự lệ thuộc của đại học vào nguồn ngân sách của Nhà nước mà còn cho phép nâng cao thu nhập một cách chính đáng cho giảng viên. Khi đó, các giảng viên sẽ bớt phải “chạy sô” để tăng thu nhập và các cơ quan quản lý cũng có thể áp dụng các quy định chặt chẽ hơn để chống tiêu cực trong giáo dục, đặc biệt là tệ chạy điểm. Bởi lẽ, giáo viên sẽ phải cân nhắc giữa mức lương cao và ổn định với nguy cơ bị sa thải, hải thậm chí bị truy tố, nếu có hành vi trái đạo đức người thầy. Còn với đồng lương hiện nay, thật ít có ai sợ mất việc.
Cơ chế học phí nói trên cũng sẽ có tác động tích cực về mặt đào tạo. Vì mức học phí khá cao, người học sẽ phải thực sự đắn đo khi quyết định có theo học đại học hay không, và một khi đã vào đại học, họ sẽ phải thực sự nỗ lực để có kết quả học tập tốt. Nó cho phép mọi học sinh tài năng và chăm chỉ, bất kể điều kiện kinh tế gia đình như thế nào, đều có thể học thành tài và phục vụ tốt cho xã hội và đất nước sau này. Các sinh viên năng lực kém hoặc lười biếng sẽ buộc phải lựa chọn, hoặc là thôi học để chuyển sang học ở bậc thấp hơn, hoặc tiếp tục học đại học với học phí cao.
Vấn đề chỉ còn là lộ trình. Theo tôi, lộ trình tăng học phí không nên kéo dài quá 4-5 năm và điều quan trọng là phải được thông báo rộng rãi trong toàn xã hội. Với các sinh viên đang theo học tại các trường đại học, có thể có những chính sách riêng.
Thật ra, cơ chế học phí này được đưa ra trên cơ sở những nhận thức căn bản hơn về sự thay đổi bản chất và chức năng của trường đại học trong nền kinh tế tri thức, khi giáo dục đang ngày càng gắn liền và trở thành một phần của cả nền kinh tế. Theo tôi, chúng ta cần phải đoạn tuyệt sự đối lập đã lỗi thời hai chức năng khai sáng và kinh doanh của giáo dục. Ngày nay, giáo dục đã trở thành một ngành kinh doanh đặc biệt, đó là kinh doanh trí tuệ và văn hóa. Điều này đòi hỏi không chỉ các trường tư, mà cả các trường công cũng phải có lợi nhuận. Vấn đề là lợi nhuận cần phải được sử dụng để nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện điều kiện sống và học tập của sinh viên và giáo viên, hoặc phục vụ xã hội bằng cách này hay cách khác./.
N.T.L
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất ThịnhCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc