Tết quê
“Về quê ăn tết” đâu chỉ là khái niệm đi - về mà là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn.
Tết Mậu Thìn (1988), bố tôi từ Sài Gòn mang đài cassette về. Cả làng đến xem. Ba lô của bố, ngoài tiền ăn tết, bột mì, quần áo là xoài miền Nam và xà bông tắm. Anh em tôi ngây ngất ngửi cái mùi hỗn hợp kỳ lạ tỏa ra từ chiếc ba lô đường dài của bố, một thứ mùi nồng nàn, bí ẩn và đê mê.
Đêm ấy, tôi ngủ gật trên lưng mẹ, láng máng nghe bố kể chuyện phố xá Sài Gòn, rừng cao su Biên Hòa, phố biển Nha Trang... Trong giấc mơ, tôi vẫn còn ám ảnh tiếng còi tàu vang rền, giục giã sân ga vào một chiều cuối năm. Tiếng còi tàu cho biết bố đã về sau một năm trời “đi Nam” và cả nhà tất tả chèo thuyền qua sông đón bố. Từ đó, trong tiềm thức của tôi, tết có mối liên hệ đặc biệt với Sài Gòn. Nói đến tết là nói đến Sài Gòn. Mong tết, thực chất là mong ánh sáng của Sài Gòn hoa lệ.
Khi tôi chuẩn bị lên lớp một thì anh cả vào Nam lập nghiệp. Anh viết thư về kể chuyện những miền đất lạ. Anh trở thành cầu nối giữa chúng tôi - thế giới nông thôn với Sài Gòn phồn hoa. Cứ độ tháng 10 Âm lịch trở đi, khi mẹ xới đất làm vụ cải tết thì chúng tôi dở lịch ra đếm ngược từng ngày. Từ giữa tháng Chạp thì cả nhà bắt đầu nhấp nhổm. Cuối cùng anh cũng về: rắn rỏi, phong trần và thoảng mùi phố thị. Anh cho mẹ tiền sắm tết, mua cho mỗi đứa em một đôi giày - món quà ngoài sức tưởng tượng.
Anh về, không thoảng mùi xà bông như bố. Món quà quý nhất, được chờ đợi nhất là những băng pháo, từ pháo tép, pháo hoa, phào đùng… nặng trĩu ba lô (hồi đó chưa cấm pháo như bây giờ). Ngày ấy, pháo là tết, tết là pháo. Pháo là dấu hiệu biểu tỏ “thực lực” gia đình. Người ta mượn pháo để “chơi sang” với làng nước. Anh tôi đưa về ba mâm pháo Sài Gòn, được mọi người trầm trồ là “đặc biệt giá trị” so với pháo Đà Nẵng vẫn bày bán ở chợ quê. Chưa hết, lại còn một quả pháo sáng và một cặp pháo đại. Đúng mười hai giờ đêm, làng tôi đì đùng tiếng pháo. Pháo sáng nhà tôi bắn cao quá ngọn tre, táp sém rặng chuối mẹ mới trồng. Rồi pháo đại nổ, xới tung một hố nhỏ trong vườn. Sáng mồng một, mọi người treo mấy mâm pháo còn lại lên ngọn mít. Pháo nổ to, giòn, khói mù mịt, xác pháo tả tơi khắp ngõ. Tôi căng tai nghe pháo hàng xóm nổ để xem tiếng pháo nhà ai dứt sau cùng. Bây giờ nghĩ lại, thấy may mà đã cấm pháo, bon chen kiểu đó không cháy nhà, phỏng người mới lạ!
Chợ Dâu ở Hà Nội. Ảnh: CTV
Trưa mồng một, chúng tôi đi chơi. Đó là những cuộc chơi đã đời. Tôi trở thành nhân vật trung tâm của nhóm nhờ xúng xính trong giày mới, áo mới và trong niềm kiêu hãnh về độ dài “kỷ lục” của tiếng pháo nhà mình. Bắt chước người lớn, chúng tôi lần lượt ghé thăm từng nhà trong làng. Quên cả ngượng ngùng đời thường, đứa nào cũng cố nói một câu cho chỉn để chúc phúc chủ nhà. Những lúc ấy, thấy mình bỗng lớn. Cuộc chơi kéo dài đến đêm khuya. Người chơi không ăn cũng no và bạ đâu ăn đó. Nhưng hết ngày mồng ba thì cuộc chơi của đám trẻ nông thôn cũng bắt đầu vãn. Tiềm lực hạn hẹp không cho phép người nông thôn kéo dài quãng ăn chơi. Bàn thờ và gian bếp chỉ đẹp và sung túc từ 29 đến mồng ba. Sau đó thì bánh trái, thức ăn được dọn xuống để dùng dần. Sáng mồng bốn, khi một vài nhà bắt đầu ra đồng thì hứng thú đi chơi cũng xẹp. Đi chơi vào thời điểm ấy là một kiểu “phong lưu” quá mức và rất dễ “mang tiếng thế gian”.
Lớn lên, tôi vào thành phố học hành, lập nghiệp. Bước sang tháng Chạp là tranh thủ đi mua quà cáp, lỉnh kỉnh đủ thứ, lo cả chuyện về, chuyện đi, tàu xe gian nan. Cực thân mà lòng cứ rộn ràng tưởng tượng hình ảnh vài ba gia đình xung quanh lại hùn nhau mổ một con heo, mươi nhà chung nhau một con bò, con bê.
Độ 28, 29 tháng Chạp, xóm nào cũng râm ran tiếng kêu của heo, tiếng rống của bò. Chợ quê hàng không nhiều nhưng nhộn nhịp hẳn. Các cô, các mẹ, các chị tất bật với nước mắm, đậu xanh, nếp, măng khô đến lá giong, cây giang chẻ lạt, hương trầm… Từ đầu làng, cuối xóm, tiếng xầm xịch của chày giã làm đủ các loại bánh ong, bánh chưng, bánh dày, bánh trôi… Rồi lại quây quần bên nồi bánh chưng kể chuyện cổ tích, nói chuyện làng, chuyện xã…
Tết quê giờ đã khác xưa. Bây giờ, làng phong quang hơn; con em đi ra nhiều hơn, trong đó có một số người thành đạt nhờ học hành, kinh doanh. Người làng đã có tiền để ăn tết cho thật đàng hoàng. Nhiều người không còn rủ nhau lên núi chặt đào phai nữa. Một chậu quất trĩu quả hay một cành đào Hà Nội tuy đắt nhưng sang hơn nhiều. Hàng xóm đã bớt giã thịt, quây bột làm giò. Bánh chưng gói ít thôi vì gói nhiều e ăn không hết. Bạn bè đến thăm nhà ngồi chưa ấm chỗ đã rủ nhau “đi quán”… Những câu chuyện ồn ào của họ sực mùi phương xa. Rồi cả đám bỗng quay lại miền ký ức: Ê, mày nhớ cái bà Vân mà tụi mình hay hái trộm ổi lúc cận tết không? Bà giờ già trên 70 tuổi rồi… Nhớ hồi nhỏ, cỡ giờ này cả bọn đi chặt lá dong vui nổ trời…
Có ai đó nói tết đang thay đổi. Điều đó là hiển nhiên. Nhưng tết vẫn là tết. Tết có thể được hiện đại hơn do những câu chuyện đẹp về ngày tết trong ký ức tuổi thơ không còn nữa, hoặc do chính chúng ta đã có sự thay đổi quan niệm. Tuy vậy, chắc chắn tết vẫn là dịp để đoàn tụ. “Về quê ăn tết” đâu chỉ là khái niệm đi-về mà là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn. Điều đó khiến những người con tha hương luôn thấy chộn rộn mỗi dịp cuối năm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá