Hành trình đơn độc

06:09 CH @ Thứ Ba - 08 Tháng Hai, 2022

Khi Facebook phổ cập đời sống, thì công chúng bỗng dưng xác lập được một giá trị khác của thơ. Nói cụ thể hơn, bất cứ một giải thưởng thơ hoặc một tác phẩm thơ nào, thì những ánh mắt khắt khe nhất để đánh giá, không phải là ban giám khảo trực tiếp mà là quyền lực trên không gian mạng. Đó là điều đáng lo hay đáng mừng?

Trước hết, xin khẳng định lại một điều cơ bản, tác phẩm văn chương đích thực không sợ sự khen chê, mà chỉ sợ sự lãng quên. Những tranh luận có thể thừa một chút nộ khí và thiếu một chút bình tĩnh, cũng cho thấy công chúng vẫn quan tâm đến thi ca. Bây giờ, nhờ tiện ích công nghệ, những người sáng tác nhận ra năng lực cảm thụ của công chúng đã đa dạng hơn và thái độ bày tỏ của công chúng cũng đã phong phú hơn. Bằng Facebook cá nhân, mỗi người đều có thể đưa ra nhận định riêng về thơ hoặc giải thưởng thơ. Cho nên, quyền đánh giá chia đều cho tất cả mọi người. Ý kiến trên mạng xã hội cũng là một “ban giám khảo” khác, nhộn nhịp hơn và vui vẻ hơn.

Trong kỷ nguyên nghe nhìn, thơ đang có khoảng cách với đời sống. Độc giả thèm khát những câu thơ tương tác trực tiếp với thực trạng xã hội, chứ độc giả đã chán ngấy những vần điệu than mây khóc gió. Tôi cho rằng, có không ít thơ hay vẫn đang nằm trong sổ tay của các nhà thơ, và bị sự bận bịu cơm áo giam kín lại. Giữa thời cuộc đang âu lo về sự sạt lở nhân tính, nhà thơ rất cần có thêm sự can đảm mới mong có được những bài thơ rung động công chúng.

Mối quan hệ giữa thơ với giải thưởng thơ và công chúng thơ, thực sự mơ hồ và mông lung. Thơ có cần đi qua giải thưởng thơ để đến với công chúng thơ chăng? Có chứ, nếu những người tổ chức giải thưởng thơ không ung dung chủ quan ngồi chờ sung rụng, kiểu được hoa mừng hoa được nụ mừng nụ. Tiền thưởng tuy quan trọng, nhưng không quan trọng bằng thiện chí của nơi đăng cai. Giải thưởng thơ phải cao hơn một chốn tranh tài, mà phải là một chốn hội tụ những giọng điệu khác nhau, những thể nghiệm khác nhau, những thao thức khác nhau của người làm thơ. Nếu đạt tiêu chí ấy, thì giải thưởng thơ mới làm được chiếc cầu nối đáng tin cậy giữa thơ và công chúng thơ.

Tuy nhiên, không có giải thưởng thơ thì thơ vẫn xuất hiện. Lầm lũi viết những câu thơ, để làm gì nhỉ? Nhọc nhằn viết những câu thơ, để làm gì nhỉ? Đau đớn viết những câu thơ, để làm gì nhỉ? Không hề dễ dàng trả lời khi cuộc sống hối thúc mỗi người phải nhìn vào túi tiền đầy vơi, phải nhìn vào danh vọng cao thấp, phải nhìn vào hạnh phúc ngắn dài... Chẳng ai chọn thơ để mưu sinh, nhưng thơ vẫn tồn tại, bất chấp không gian nhộn nhịp hay nhân tình lạnh lẽo. Vì thơ luôn cho con người cơ hội thấu hiểu bản thân. Chỉ cần xuất hiện đúng lúc, thơ trợ lực con người chiến thắng sự yếu hèn và đánh bại sự sợ hãi. Đoạn cuối Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ (232-202 trước Công nguyên) bị Hàn Tín vây khốn ở Cai Hạ. Cái chết của bá vương lừng lẫy bên bờ Ô Giang chắc chắn sẽ oan nghiệt hơn và bẽ bàng hơn trong mắt hậu thế, nếu Hạng Vũ không để lại bài thơ Cai Hạ ca ngậm ngùi cùng nàng Ngu Cơ: “Lực bạt sơn hế, khí cái thế. Thời bất lợi hế, Truy bất thệ. Truy bất thệ hế, khả nại hề. Ngu hế, Ngu hế, nại nhược hà”. Khoảnh khắc sinh tử, thơ bật ra xoa dịu cho lòng cay đắng, thở bật ra vuốt mắt cho kẻ sa lầy, để rồi ngàn năm sau thơ phục dựng trái tim bậc kiêu hùng ngã ngựa vẫn múa kiếm hát vang! Xã hội càng tiến bộ, thơ càng được in ồ ạt.

Tín hiệu ấy đáng mừng chứ không phải đáng lo, bởi ai cũng được bày tỏ niềm riêng, ai cũng được dự phần sáng tạo. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức cho độc giả, đòi hỏi phải chọn lọc hơn, phải tinh tế hơn. Trước bao nhiêu vần điệu du dương đầy thỏa mãn, người đọc lương thiện sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều sự thật ê chề và nhiều trắc ẩn chênh vênh bị xua đuổi khỏi những trang thơ tán tụng đong đưa. Quá trình đô thị hóa hối hả, nhiệm vụ nặng nề của thi ca là níu giữ giùm cộng đồng chút giá trị ít ỏi của những vẻ đẹp thoáng qua như những nỗi mơ mộng hắt hiu.

Thế kỷ 21, dù áp dụng ẩn dụ mạnh mẽ và dù theo đuổi trường phái tân kỳ, thì vai trò của nhà thơ cũng sẽ lu mờ dần trong tài sản tinh thần hiện đại, nếu chúng ta không học cách bênh vực sự chân thành lặng lẽ đang chơi với giữa sự toan tính khéo léo và sự hào nhoáng tráo trở. Đức tin dành cho thi ca vẫn còn nguyên, nếu từ run rẩy chữ nghĩa mong manh nhói lên giọng thơ buồn u uẩn góp phần hóa giải tổn thương thời đại!

Những câu thơ viết trên tờ giấy úa nhàu hoặc những câu thơ viết trên màn hình di động, đều không thể che đậy được tâm trạng cô đơn của nhà thơ. Trong hữu hạn kiếp người, một cá nhân vô cùng nhỏ bé khi so sánh với một đám đông, nhưng một cá nhân vẫn đại diện cho một đám đông lúc bài thơ bắt đầu bằng thái độ phân vân giữa việc nâng niu cái phổ quát và việc tôn trọng cái khác biệt. Thơ nối gần gũi với mông lung! Thơ nối bận bịu với xa vắng!

Người Việt muốn hội nhập văn hóa thế giới, điều trước tiên phải làm là tự soi rọi tâm hồn mình, để suy nghiệm tâm hồn Việt nắng mưa nhẫn nại, tâm hồn Việt gió mây chịu đựng, tâm hồn Việt dằn vặt yêu thương, tâm hồn Việt bãi bờ tha thứ, tâm hồn Việt đại ngàn khoan dung. Thi ca có thể gánh vác sứ mệnh ấy, nếu công chúng chia sẻ được những thao thức của nhà thơ chưa bao giờ khô cạn trên từng dòng bản thảo xanh xao.

Công chúng chưa bao giờ quay mặt với thơ. Thế nhưng, nhà thơ lại đang loay hoay trong những ứng xử ít chất thơ. Trước khi trách công chúng hờ hững, thì phải trách nhà thơ chưa sòng phẳng với thơ. Cụ thể hơn, chúng ta đang khan hiếm những tiếng nói chân thành và thẳng thắn dành cho thơ. Chúng ta đang thừa chiêu trò mà đang thiếu khát vọng, đang thừa hư vinh mà đang thiếu phong cách, đang thừa giải thưởng mà đang thiếu tác phẩm, đang thừa chen lấn mà đang thiếu cá tính, đang thừa quan chức mà đang thiếu danh sư... Nghịch lý ấy, được thúc đẩy từ thái độ khôn ngoan và toan tính khôn vặt theo kiểu kinh tế thị trường. Không ít người đang xem sản phẩm sáng tạo như một phương tiện để mưu cầu lợi ích, hơn là cống hiến cho cộng đồng. Mà khi đã có ý niệm mua bán và trao đổi, thì ai cũng tuân thủ nguyên tắc “dĩ hòa vi quý”, ai cũng chấp nhận phương pháp “hòa khí sinh tài” và ai cũng vun vén luật chơi chợ xổm “được hàng tôi, trôi hàng bà” giữa thời siêu thị đã tràn ngập khắp nơi. Từ đó nảy sinh những màn nhảy múa ồn ã của “cá mè một lứa”, và đẩy những nhân tố có thực lực ít chịu thỏa hiệp bầy đàn vào cảnh “áo gấm đi đêm”.

Hành trình sáng tạo nào cũng đơn độc. Nhà thơ nhẫn nại và nhẫn nhục trước bản thảo, thì thi ca mới có cơ hội bay bổng vào lòng công chúng. Nhà thơ chết vì thơ thì thơ sống, mà nhà thơ sống bằng thơ hoặc bằng giải thưởng thơ thì thơ chết. Bài toán oái oăm kia, chưa bao giờ nguôi ám ảnh từng thế hệ bạn đọc. Công chúng luôn công tâm, thời gian luôn công tâm. Trong những giấc mơ nặng trĩu kiếp người, thơ vỗ về và an ủi đắng cay, thơ chở che và nâng đỡ bất hạnh. Nhà thơ không cần sốt ruột với những lời tán tụng rộn ràng và tràng vỗ tay phù phiếm, vì công chúng vẫn đợi nhà thơ ở cuối con đường khấp khểnh âu lo và lận đận. Và từng câu thơ mang ánh sáng số phận của nhà thơ được san sẻ cho số phận của bạn đọc vô danh một cách nhân ái và bao dung.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vài suy nghĩ về thơ Việt đương đại

    10/04/2021Phạm Duy NghĩaBài viết này chỉ là một góc nhìn nhỏ, xuất phát từ đặc trưng thể loại, trước lộ trình đa dạng và phức tạp của thơ...
  • "Đại dịch cô đơn": Đây là cách chúng ta tự giam cầm mình trong chiếc lồng thời đại WiFi

    08/04/2020Trang LyChúng ta tự nhốt mình trong chiếc lồng KẾT NỐI đầy đủ với WiFi, Internet, Smartphone nhưng lại NGẮT KẾT NỐI với những con người bằng xương, bằng thịt...
  • Cuộc đời gửi lại trong thơ

    29/08/2019Lưu Khánh ThơXuân Quỳnh (1942-1988) là một gương mặt độc đáo trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Từ giã trần gian đã hơn 20 năm nhưng thơ chị vẫn luôn có mặt trong hành trang tinh thần của nhiều thế hệ bạn đọc...
  • Xuân về, điểm lại những câu thơ kinh điển mùa xuân

    08/02/2019Trang Văn LộcMùa xuân là tươi mới, là tái sinh cảnh vật, lòng người. vì thế thi nhân gởi vào xuân để ngụ ý tình đời, tình xuân. Nhân xuân đến, xuân đi, xuân sắp vãn…điểm lại những câu thơ xuân kinh điển mà nhấp thêm dư vị ngọt ngào của xuân...
  • Đối mặt với lương tri

    18/10/2018Đăng BảyTiểu thuyết Cuộc cờ của tác giả Phạm Quang Long là câu chuyện về dự án “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” ở một địa phương với những thành công và hệ lụy của nó đang là hiện thực ấm nóng. Diễn biến số phận của một dự án – từ nghị quyết, quy hoạch đến triển khai - dưới sự điều hành của giới chức sắc sở tại, đó là cả một cuộc cờ ly kỳ và gay cấn làm sao...
  • Vài câu thơ thiền định mỗi ngày

    30/07/2018Nguyễn Tất ThịnhSau mỗi ngày, tôi tự có những câu thơ ngắn răn rèn mình thường xuyên như hơi thở...
  • Thơ đời tuy đục mà trong

    11/07/2017Thu Ngân thực hiệnTrong giới văn nghệ sĩ, nhà thơ Bùi Chí Vinh là cái tên được nhắc tới với nhiều giai thoại, bởi anh có tài ứng khẩu thành thơ nhiều đề tài hóc búa do bạn bè thách đố bên chiếu rượu...
  • Cô đơn hay lộng gió thời đại?

    12/08/2016Đinh Quang TốnVăn nghệ sĩ muốn sáng tạo thì phải hiểu thấu mọi điều từ nội tâm con người đến mọi sự việc hành động của toàn xã hội. Anh cô đơn, không hòa đồng với mọi người thì làm sao hiểu được họ? Những điều anh viết ra sao có được hơi thở cuộc sống? Những điều anh bịa ra rất dễ quái đản! Không, văn nghệ sĩ, trong đó có các nhà thơ nhà văn phải có một tâm hồn lộng gió thời đại thì mới mong có được những tác phẩm có sức sống...
  • Bài thơ Nếu của nhà thơ Rudyard Kipling

    10/05/2016Nếu (tiếng Anh If) – là bài thơ nổi tiếng nhất của Rudyard Kipling sáng tác năm 1895 và in năm 1910 trong cuốn Phần thưởng và tiên (Rewards and Fairies), gồm truyện và thơ. Bài thơ này nằm trong truyện Chiến hữu giày vuông (Brother Square-Toes). Theo kết quả thăm dò dư luận của đài BBC năm 1995, bài thơ này được coi là bài thơ tiếng Anh hay nhất mọi thời đại...
  • Trần Dần - Thơ ở đâu?

    15/10/2015Phạm Xuân NguyênNgày thơ Việt Nam lần thứ VI ở Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu như thường niên vì vậy được hưởng lộc đất trời, thu hút rất đông người đến xem, đến nghe, đến gặp gỡ, giao lưu. Nhưng trong khá nhiều người đến Văn Miếu rằm này, vì xuân, vì thơ, riêng còn một lý do cũng rất thơ rất xuân: đón nhận tập thơ mới của Trần Dần. Vâng, sau những Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Mùa sạch từ thời đổi mới, sau Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mới được trao vài năm trước, bây giờ Trần Dần lại xuất hiện...
  • Bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần

    02/09/2015Trích từ tập Trần Dần - Thơ, Nhà xuất bản Đà Nẵng - Năm 2008Nhất định thắng là một trong những bài thơ dài tiểu biểu của nhà thơ Trần Dần. Nhân dịp Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành tâp thơ đẹp đẽ và đầy đặn nhất từ trước tới nay về thơ Trần Dần - "Trần Dần - Thơ", TTO xin mời bạn đọc cùng chia sẻ những câu thơ đã một thời dậy sóng...
  • Lưu Quang Vũ và một quãng đời, một quãng thơ thường bị bỏ quên

    15/05/2015Vương Trí NhànTrước khi vùng vẫy tung hoành trên sân khấu, Lưu Quang Vũ đã được biết tới như một người làm thơ. Ấy là một nhà thơ thuộc loại bẩm sinh, dễ dàng giãi bày mọi vui buồn của mình trên trang giấy. Những lúc mở lòng ra chan hoà tâm tình với người thân, với bè bạn, với cuộc đời, anh đã có thơ; những lúc buồn bã quay về một mình đơn độc, anh lại cũng chỉ có cách tìm tới thơ để tự an ủi. ..
  • Kẻ sĩ xưa và nay: nỗi cô đơn triền miên

    23/05/2014Nguyễn Quang ThânVăn hóa bao giờ cũng chuyển mình rất chậm, qua chọn lọc lâu dài của thời gian, không như giá trị vật chất hay kỹ thuật. Văn hóa là những gì còn được ghi nhớ sau bao thứ bị con người quên đi, nó giống như hạt ngọc còn lại trong con lòng con trai ngọc sau khi cái xác trai thối rữa tan biến thành cát bụi trooi theo dòng nước...
  • Cô đơn đón Tết

    02/02/2014Doãn DũngCó một góc nhìn khác về Tết. Một người trốn chạy những lễ nghĩa của Tết, một người có trạng thái tâm lý dường như mâu thuẫn, không ăn Tết với người thân, mà một mình, giữa những nơi xa lạ… Lớp người trẻ bây giờ cũng vậy đó, họ tranh thủ đi đâu đó vào dịp Tết, không nhất thiết phải quây quần với gia đình theo truyền thống.
  • Sự cô đơn của đọc

    27/10/2010Bùi Việt PhươngVăn hóa đọc dần bị thay thế bằng văn hóa đọc miệng người khác nói. Từ chỗ mượn mắt của người khác đọc hộ, nghe người khác nói, đến chỗ mượn cả trái tim và khối óc của người khác nghĩ hộ mình, rung động hộ mình, chỉ là một bước ngắn...
  • Cô đơn của viết

    21/07/2010Nguyễn Thị Từ Huy“Nỗi cô đơn của viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm”. Phải chăng Duras muốn nói: thiếu nỗi cô đơn người ta sẽ không làm gì để biểu hiện cái riêng của mình, không nhìn gì bằng con mắt riêng của mình, tức là chỉ thấy điều mà tất cả mọi người đều thấy, và bị nhấn chìm trong đó, trong cái nhìn tập thể vô bản sắc.
  • xem toàn bộ