Thơ đời tuy đục mà trong
Trong giới văn nghệ sĩ, nhà thơ Bùi Chí Vinh là cái tên được nhắc tới với nhiều giai thoại, bởi anh có tài ứng khẩu thành thơ nhiều đề tài hóc búa do bạn bè thách đố bên chiếu rượu...
Còn trên thi đàn, thơ đời Bùi Chí Vinh người khoái cũng nhiều, người ghét cũng lắm, thậm chí là một cái gai trong mắt nhiều người vì dám nói thẳng, nói thật, tung hê hết thảy sự đời trong đục, kiểu “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”. Nhưng cũng cái dáng vẻ ngang tàng, gai góc ấy khi thỏ thẻ thơ tình lại biến hóa thành trong veo không có tuổi, kiểu như: “Cô gái ơi anh nhớ em/ Như con nít nhớ cà – rem vậy mà…”.
Tự nhận mình sinh ra dưới một ngôi sao “quậy”, cầm tinh con ngựa bất kham, từng khoác áo lính một thời tuổi trẻ, nhưng có lúc phải làm đủ thứ nghề mạt lộ để sinh nhai như lời tự bạch: “Ta sinh ra gặp buổi nhiễu nhương/ Bất lương bàn luận chuyện hiền lương/ Kẻ sĩ cúi đầu làm binh sĩ/ Thơ quốc doanh cười cợt thơ Đường…”. Vài năm nay, anh chuyển sang cầm cọ vẽ tranh và đã có hai triển lãm cá nhân gây được sự chú ý trong công chúng.
Tranh Hoàng Tường
- Trước đây mọi người quen gọi anh là nhà thơ, nhưng bây giờ gọi anh là họa sĩ trẻ cũng được phải không ạ?
Cứ gọi tôi là Bùi Chí Vinh – Bình Chí Vui là được rồi. Thật ra tôi làm quen với hội họa từ nhỏ, năm chín tuổi đã đoạt giải hội họa Thiếu nhi châu Á với bức tranh màu nước Quang Trung hành quân. Nhưng rồi do cái duyên, tôi gắn bó với văn chương nhiều hơn trong một thời gian dài. Thật vây, mỗi khi làm một công việc mới nào đó tôi đều không có sự tính toán nào. Tôi tin mọi việc đều do sự sắp đặt của số phận cả, và “cùng tắc biến, biến tắc thông”.
- Bùi Chí Vinh một tay chọc trời khuấy nước mà cũng tin vào số phận sao? Cái sự “cùng tắc biến, biến tắc thông” của anh là gì vậy?
Sao lại không chứ. Tính cách nào, số phận nấy mà. Tôi tin vào số phận, vào Thượng đế, vào luật nhân quả. Nếu có niềm tin, con người ta sẽ sợ làm điều ác, điều xấu. Tôi chỉ không sợ cái ác, cái xấu khi phải đối đầu với nó thôi.
Đời tôi có những việc rất lạ mà tôi tin đó là sự trợ lực của Thượng đế. Tôi có niềm tin vào tâm linh, dù chúng ta đang sống trong thế giới duy vật. Đó là một khi cuộc sống bị đẩy vô chân tường thì tôi lại bộc lộ ra một khả năng mới và sống được bằng khả năng đó. Tôi quăng mình vào thơ một cách dữ dội nhưng rồi đến lúc chỉ được làm thơ tình để mọi người vỗ tay, hay thơ minh họa nghị quyết… tôi không thích nữa và dừng lại. Đưa đẩy thế nào tôi chuyển sang viết truyện cho tuổi mới lớn và bán vào hàng chạy nhất lúc đó cùng với Nguyễn Nhật Ánh. Khi người đặt hàng tôi viết truyện thiếu nhi là ông Nguyễn Thắng Vu, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng qua đời thì lại có người đặt hàng tôi viết kịch bản điện ảnh. Khi những nhà đầu tư làm phim gặp khó khăn thì khả năng hội họa của tôi lại trỗi dậy. Hai triển lãm vừa qua, mỗi cái tôi bán được năm bức tranh. Là “họa sĩ trẻ” mà được như vậy cũng là thành công rồi.
- Hỏi thật, anh đã thành danh trong văn chương, khi “tay ngang” đến với hội họa, anh không sợ bị cho là lấn sân, không “biết mình biết ta” sao?
Tôi có biết gì về hội họa đâu, bỗng một ngày muốn vẽ thì cầm cọ vẽ thôi. Vẽ xong cũng không có ý định triển lãm, nhưng rồi cái duyên cứ đưa đến. Tranh của tôi không giống ai, nó là minh họa cho cái đầu, cho suy nghĩ của tôi nên có sự hồn nhiên, chân thật lẫn dữ dội, thống khổ. Mỗi người có một sứ mệnh riêng nên tôi không nghĩ là mình lấn sân. Và vì “biết mình biết ta” nên tôi chỉ dạo chơi với hội họa một cách thoải mái nhưng hết mình. Bùi Chí Vinh là thế, chơi cái gì cũng phải hết mình.
Người cầm bút mà lúc nào cũng cười xởi lởi trong đám đông thì tác phẩm cũng mang màu đồng phục, giống với mọi người.
- Như vậy sau hội họa, sẽ còn điều bí ẩn nào đó đang chờ anh khám phá phải không?
Như tôi đã nói, đó là một phản xạ tâm linh nên tôi cũng không biết trước. Có thể đó là sự trở lại với văn chương, vì tôi còn nhiều dự định đang ấp ủ.
Nếu có điều kiện viết tiểu thuyết lịch sử hoặc làm kịch bản phim, tôi sẽ chọn viết về thời đại Quang Trung – Nguyễn Huệ, vì những con người anh hùng áo vải thời đó rất ly kỳ. Nó sẽ rất phong phú bởi nhiều tình tiết, chi tiết dạng giả sử, ngoại sử rất hấp dẫn, nhưng đều trên cơ sở khoa học, hợp lý mà tôi có thể tưởng tượng và làm được. Không chỉ có Nguyễn Huệ mà cả Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, rồi sự xuất hiện của Nguyễn Hữu Chỉnh – một tài năng lớn của thời Lê – Mạc nhưng đi theo Nguyễn Huệ, Ngô Thời Nhiệm cũng vậy. Những người này có đời sống riêng rất đặc biệt, Ngô Thời Nhiệm là đệ nhất văn thần, còn Nguyễn Hữu Chỉnh là đệ nhất quân sư thời đó. Có thể thấy những nhân vật lỗi lạc nhất của Bắc Hà đều theo Nguyễn Huệ, cả những người Hoa tham gia phong trào phản Thanh phục Minh cũng theo Nguyễn Huệ. Chỉ có minh chúa mới có sức thu phục nhân tâm như thế.
- Người ta thường sợ hạn năm tuổi, còn Bùi Chí Vinh thì có cảm giác gì khi “đáo tuế”?
Tôi sinh năm Giáp Ngọ 1954, năm nay 2014 cũng là Giáp Ngọ, vậy là đúng 60 năm cuộc đời. Người ta thường sợ hạn năm tuổi, còn tôi lại không nghĩ vậy. Cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều vận hạn khắc nghiệt ở những năm khác nên đến năm tuổi, có khi tôi sẽ phục sinh, nạp đủ năng lượng để sải vó, để rong ruổi, để chinh phục những điều mới mẻ.
“Ngày ta sinh Nguyễn Huệ đã bùng hà/ Nên con – ngựa – tử – vi không người cưỡi/ Ta sút chuồng phá bỏ yên cương/ Lặng lẽ ruổi đời mình lên núi…”. Hình như kiêu hãnh và cô độc là con đường mà anh đã chọn và theo đuổi đến cùng…
Đúng rồi, vì “Chỉ có cô đơn mới đủ làm ta khóc/ Tiếng khóc của ta là tiếng hí của người/ Ta không biết ta là người hay ngựa/ Chỉ một mình Nguyễn Huệ hiểu ta thôi”… Đó là bốn câu đầu và cuối mà tôi đã viết trong bài Ngày sinh của ngựa. Bài thơ này mới nghe qua tưởng rất ngông cuồng, nhưng thật ra không phải vậy. Câu “Ngày ta sinh ra bầy rắn đã rung chuông”, tôi vừa mượn ý bài Ngày sinh của rắn của Phạm Công Thiện, nhưng hình ảnh rắn cũng để nói về một cái gì đó hiểm độc. Sự rình rập, mai phục trong bụi của rắn đối lập với hình ảnh con ngựa tung vó chạy trên đồng cỏ, càn lướt trên thảo nguyên. Trong đời tôi, Nguyễn Huệ là vị anh hùng mà tôi cảm phục, thần tượng nhất. Không chỉ là người làm nên chiến công hiển hách, chưa hề thất trận mà về mặt nhân quyền, ông có nhiều cải cách cho dân.
Thời nào cũng vậy, cách cô độc của một kẻ sĩ cầm bút đi liền với sự kiêu hãnh. Cô độc vì cảm thấy “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn” nên phải lùi lại. Nhưng trong biểu hiện sự cô độc phải có cá tính riêng. Người cầm bút mà lúc nào cũng cười xởi lởi trong đám đông thì tác phẩm cũng mang màu đồng phục, giống với mọi người.
- Văn chương cũng là một sản phẩm của xã hội. Có ý kiến cho rằng người viết trẻ bây giờ có kỹ năng nhưng ít có vốn sống nên tác phẩm của họ cũng lơ lửng. Anh thấy nhận xét trên thế nào?
Phải nói rằng viết văn là một nghề cực nhọc, đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn sự dấn thân, bản lĩnh của người viết. Viết văn phải lương thiện, phải thực hiện đúng chức năng “văn dĩ tải đạo”. Tức phải tải được đạo lý, nhân nghĩa, chính trực, chứ nếu viết văn để tải cái hả hê, cái tham vọng của cá nhân thì nên chọn công việc khác hơn là viết văn. Tôi tin những ai còn lương tri, còn tài năng để làm việc thiện thì người đó sẽ tồn tại cùng với lịch sử, với thời gian.
Bây giờ văn chương rất hỗn độn. Văn chương thậm chí tải cái ác, cái lơ lửng, khích cái tà đạo nhưng lại được một bộ phận không nhỏ cổ vũ. Có lẽ do đời sống bây giờ thực dụng, người ta không còn lý tưởng nên văn chương biến thành minh họa cho xã hội. Hơn bao giờ hết, giữa xã hội hỗn độn, các giá trị thiện ác, chính tà lẫn lộn thì văn chương càng phải làm nhiệm vụ “văn dĩ tải đạo” hơn nữa. Nhưng nhìn vào tương lai của văn học trẻ bây giờ tôi không cảm nhận được điều đó. Hiện nay tuy có rất nhiều người viết trẻ, nhưng tôi lại thấy văn học trẻ rất bế tắc. Lý do họ bị khống chế quá nhiều. Trong bản thân mỗi người có sẵn một người tự kiểm duyệt những con chữ của mình. Thế nên nhiều tác phẩm ra đời kiểu “đầu voi đuôi chuột”, mở ra vấn đề lớn nhưng kết thúc không đâu vào đâu.
Viết văn phải lương thiện, phải thực hiện đúng chức năng “văn dĩ tải đạo”. Những ai còn lương tri, còn tài năng để làm việc thiện thì người đó sẽ tồn tại cùng với lịch sử, với thời gian.
- Đời sống thực dụng, các giá trị thiện ác, chính tà lẫn lộn. Nghe thật đáng sợ, nhưng chẳng lẽ chúng ta phó mặc, không làm gì sao? Có lẽ nên bắt đầu từ giáo dục, anh có thấy như vậy không?
Thời của tôi, từ khi còn nhỏ, học tiểu học là đã được nhà trường dạy môn Đức dục. Đó là cách tập tu thân, cư xử có đạo đức, theo đạo lý, lẽ phải nhưng không giáo điều, lên gân mà hết sức đơn giản, gần gũi như thưa gởi, xin phép cha mẹ khi ra khỏi nhà, chào người lớn tuổi, gặp đám tang cúi đầu chào, nghe thấy quốc ca dù ở đâu cũng đứng nghiêm, không nhặt của rơi… Những điều rất cơ bản trong một xã hội văn minh mà một đứa trẻ cần phải biết cách ứng xử với bạn bè trang lứa, với cha mẹ, người lớn, hàng xóm, với cả người nước ngoài đến nước mình. Lên trung học, bước vào đệ thất (tức lớp 6) thì học thêm môn Công dân, mở rộng hơn dạy về cách sống yêu nước, dám dấn thân, hy sinh, nghĩ đến đất nước trước khi nghĩ đến bản thân. Nhờ những bài học Đức dục, Công dân mà một đứa trẻ khi lớn lên bên cạnh kiến thức thì đã được trang bị nền tảng văn hóa để biết cách sống đẹp. Đất nước ta đã từng có những thế hệ được thừa hưởng nền giáo dục nhân văn như thế, từ đó mới có những người sống vì lý tưởng, dám dấn thân, dám hy sinh.
Có lần tôi tham gia biểu tình và bị cảnh sát rượt, tôi phải quăng chiếc xe đang chạy trên đường Pasteur để thoát thân. Hai ngày sau quay lại thấy chiếc xe máy vẫn còn nguyên chỗ cũ. Lúc đó tôi mới 15 tuổi, tôi không cảm động hay thấy việc đó có gì đặc biệt. Vì đó là điều bình thường trong xã hội mà con người được giáo dục không được tham lam, tước đoạt của cải của người khác, dù để trước mặt. Thời tao loạn mà còn như thế. Còn bây giờ, chúng ta đã qua thời nghèo đói để biện mình cho việc “bần cùng sinh đạo tặc”, vậy mà những tin “hôi của” xảy ra khắp nơi. Hơn cả buồn là sự xót xa.
- Anh từng làm “sếp” của những tay anh chị giang hồ mà vẫn cảm hóa được họ bằng thơ kia mà.
Bởi tôi tin “nhân chi sơ, tính bản thiện”, và thơ từ trái tim khác với thơ từ cái lưỡi.
Sau giải phóng, tôi được phân công về công tác tại Trường Thanh niên Xây dựng cuộc sống mới ở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Tân Phú (Đồng Nai) giáo dục cho thanh niên loại 4. Có những người có học thức và cả những người thất học, họ phạm pháp nhưng chưa đến mức phải ở tù nên bị thử thách, trải qua môi trường cải tạo, xây dựng cuộc sống mới ở trường này. Tôi làm tuyên huấn, trực tiếp dạy học cho họ bằng vốn sống và kiến thức mình chứ không theo giáo trình nào cả. Ở đó, tôi thấy sự ngây thơ và hướng thiện của họ còn mạnh mẽ hơn chính những cán bộ thanh niên xung phong đang giáo dục, hướng dẫn họ.
Tôi còn nhớ, có lần một học viên là giang hồ anh chị nổi tiếng vùng Tân Định bị đưa vào trường, anh này bất phục và có ý định bỏ trốn bằng vũ lực. Thấy được thái độ của anh ta, tôi làm bài thơĐiều tôi chưa chuẩn bị – là lời suy niệm của một “đại ca” dân Sài Gòn có học thức, nhưng cũng là châm ngôn của những người giảng dạy là “lấy tình thương xóa bỏ hận thù”. Liền sau đó tôi bị cấp trên nhắc nhở, cho rằng tôi đi lệch phương pháp của trường.
- “Đời sống có gì hơn quả bóng/ Tay trơn không níu được bao giờ/ Hạnh phúc có hơn gì quả bóng/ Lủng mấy lần xì hết ước mơ… Quả bóng tròn như thể công danh/ Anh chụp suốt một đời không dính…”. Có khi nào anh nghĩ đời mình trắc trở do thơ anh vận vào đời không?
Nhờ làm thơ về bóng đá mà tôi sống được đó chứ. Thời điểm sau khi bị buộc cởi áo lính là thời tôi thê thảm nhất. Đi đâu tôi cũng nghe đồn “cấp trên cấm đăng bài Bùi Chí Vinh trên báo”, còn nếu phải đăng thì “chỉ đăng thơ tình và duy nhất thơ tình mà thôi”. Tuy chỉ cấm bằng miệng chứ chẳng có văn bản nào, nhưng không nơi nào dám làm trái. Tôi phải xoay xở và nghĩ ra đề tài làm thơ về bóng đá. Thuởấy nhà báo Hồ Nguyễn phụ trách tờLong An Bóng đá và tờLong An Cuối tuần rất ưu ái tài nghệ làm thơ đa hệ và hoàn cảnh thắt ngặt của tôi bèn đề nghị mỗi số báo tôi có một bài thơ về thể thao hoặc trào phúng hài hước. Những bài thơ như một loại biên niên sử ghi chép các giải World Cup, Euro lẫn các giải vô địch Việt Nam đã giúp tôi sống được qua lúc khó khăn đó.
Thơ từ trái tim khác với thơ từ cái lưỡi.
- Lý lịch của anh rất đỏ mà cũng phải khổ sở như vậy sao?
Gia đình tôi là gia đình cách mạng. Ba tôi từng là thành viên Ban tuyên truyền thi hành Hiệp định Geneve, là một nho sĩ Bắc Hà, là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Mẹ tôi cũng hoạt động trong Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và cũng là đảng viên Đảng Lao động. Bà từng bị bắt ở bót Catinat và ở tù chung với bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, Lan Mê Linh… Ba tôi cũng muốn hướng tôi đi theo con đường của ông, nhưng tôi vốn cầm tinh con ngựa, có máu lang bạt, nổi loạn nên không muốn đi theo lối mòn. Nhà tôi ở xóm Lách dưới chân cầu Công Lý toàn là người lao động nghèo. Lớn lên tôi thấy hàng xóm tuy nghèo nhưng là những người tử tế, cư xử minh bạch, quân tử, ngay cả tiếng chửi thề cũng khí khái chứ không bừa phứa, vô lối. Vì vậy, tuy sống ở khu bùn lầy nước đọng nhưng chất hiệp sĩ cứ ngấm vào người từ lúc nào, khoái làm anh hùng nghĩa hiệp để bảo vệ người cô thế. Trong hoàn cảnh đó, những người có lý tưởng tham gia đấu tranh rất nhanh. Năm 15 tuổi tôi đã tham gia hoạt đồng cách mạng. Và cuộc đời đã quăng quật thằng tôi không thương tiếc để tôi phải thấm thía câu thế thái nhân tình.
- Nhưng có lẽ nhờ thấm đòn mà anh cũng khôn ngoan hơn?
Một con người có khi trộn lẫn nhiều yếu tố, nhưng dù thế nào cũng trên cơ sở Chân – Thiện – Mỹ. Khi tôi phân thân ra thì tôi vẫn là tôi, không giả dối, đánh lừa mình. Phân thân không phải là biến thành diễn viên mà là để linh hoạt tồn tại như câu nói nổi tiếng của Pele: “Tại sao tôi biến thành một cầu thủ thiên tài trong bóng đá? Bởi vì tôi biết linh hoạt như một giọt thủy ngân trên sân cỏ”.
- Những biến thiên của một cuộc đời rất vô cùng. Giờ đây, nhớ về cậu bé xóm Lách ngày nào, anh có thấy hài lòng với những gì mình đã làm được trong cuộc đời chưa?
Với một thằng bé xuất thân từ xóm Lách với đủ trò thả diều, câu lươn, bắt dế… và phải kiếm kế sinh nhai từ thuở nhỏ như dạy toán, luận văn cho những đứa cùng lớp, làm lồng đèn trung thu, nhiều trò thủ công khác để có tiền… thì tôi có chút hãnh diện, nhưng cũng chưa hài lòng, bởi với đất nước có bổn phận phải làm nhiều việc. Thời nào cũng vậy, bổng lộc là xương máu tạo anh hùng. Những câu thơ cũ tôi viết từ năm 1978 giờ vẫn “nóng”: “Biên giới như người đau mới mạnh/ Giặc sang truyền dịch sốt rét rừng/ Lẽ nào ta ngồi ôm ảo ảnh/ Nhấp ngụm trà luận chuyện văn chương…”.
- Xin được chia sẻ cùng anh những nỗi niềm của một người Việt Nam.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015