Xuân về, điểm lại những câu thơ kinh điển mùa xuân
Mùa xuân là tươi mới, là tái sinh cảnh vật, lòng người. vì thế thi nhân gởi vào xuân để ngụ ý tình đời, tình xuân. Nhân xuân đến, xuân đi, xuân sắp vãn…điểm lại những câu thơ xuân kinh điển mà nhấp thêm dư vị ngọt ngào của xuân. Nói là “kinh điển” vì không mới, mọi người quá quen nhưng chưa bao giờ là cũ. Càng đọc càng khám phá thêm ý xuân trong tình xuân.
Thế là tôi tìm đến “ông già mù ngửi văn” trong Liêu Trai. Vài câu kính cẩn ra mắt, tôi gặng hỏi:
- Sao người đời gọi cụ là Tỵ Văn?
Ông lảo cười khanh khách rồi buột miệng:
- Người đời gán tôi biệt danh ấy, nghe cũng vui vui. Bồ Tùng Linh sinh ra tôi, chỉ là lão mù chuyên bốc thuốc. Nhân gặp hai sĩ tử đi thi, họ biết tôi ngửi mùi văn để nhận ra hay, dở thôi. Thế nhà thầy bệnh gì mà tìm đến đây?
Tôi vội đáp:
- Bẩm cụ, tôi mắc mớ về tình xuân trong thơ xuân, vừa nói vừa đốt nhanh câu thơ…
- Cụ cười, à, Nhất chi Mai của Mãn Giác Thiền Sư :
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
Lời kết trong bài kệ, nhắn nhủ môn đệ của mình như lời tuyên ngôn sinh diệt - bất diệt. Đạo và Đời, triết lí sinh hóa vô thường mà tất yếu: cái tàn lụi, hủy diệt là cội nguồn khai sinh sự sống. Niềm lạc quan vô biên, tĩnh tại đến không ngờ trước cái chết.
Lại nhận ra sự đồng điệu, biết có phải không, tôi bèn đốt bài thơ Cuối Xuân Tức Sự, tro chưa tàn, cụ thốt lên:
- Thích nhất 2 câu cuối: Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.
Khép lòng mình trước “khách tục”, bọn gian thần đố kị mà mở lòng mình lắng nghe nhip gõ thời gian cuối xuân. Bâng khuâng, lưu luyến cảnh tiễn xuân đi nhưng rộng mở tâm hồn đón nhận sự sống mới bắt đầu hoa xoan, dấu hiệu hạ sang, tràn đầy sinh lực. là quy luật tự nhiên cũng là quy luật đời người. Kết thúc giai đoạn này khởi đầy giai đoạn khác: Lui về ở ẩn rối tiếp tục vâng lệnh vua lại làm quan để giúp đời, giúp nước như ông từng tâm niệm” Bui có một lòng trung lẫn hiếu/ Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen”. Đấy là cách nhìn, cách sống lạc quan, tin tưởng dù nếm trải qua biến cố, thăng trầm cuộc đời của bậc khai quốc công thần triều Lê – Nguyễn Trãi.
Thầm nghĩ xuân đi rồi xuân đến, bao giờ cũng gieo vào lòng người ước nguyện an lạc - thanh bình, tôi vội viết mấy dòng rồi đốt. Cụ tiện tay rót chén trà, nhấp giọng. một thoáng trầm ngâm, cụ chắp tay, thẳng một mạch bài “sớm xuân”
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phấp phới sấn hoa bay
Ước nguyện quốc thái dân an đã thành hiện thực ở ông vua kháng chiến, sau gian lao giành lại thanh bình cho đất nước. Đất nước đang trỗi dậy sức xuân mang đến niềm hoan hỉ mọi nhà sau những tháng năm nhọc nhằn trước họa ngoại xâm. Đấy là tình vua lo cho dân cho nước. Lúc trở thành Phật Hoàng, Trần Nhân Tông vẫn là vị vua của Đạo và Đời. Tôi chợt nhớ sự kiện đại lễ Tưởng Niệm 710 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2018) diễn ra tại Quảng Ninh vừa qua. Tâm niệm: A di đà phật!
.
- Nhà thầy biết không, hào khí Đông A (Trần) ngút trời mây, tự hào bản lĩnh Đại Việt. Có dịp đến Hải Dương viếng đền Kiếp Bạc thờ đức thánh Trần tọa lạc bên bờ Lục Đầu Giang, là đại bản doanh vua tôi thời Trần chống Nguyên Mông.Cổng đền uy nghi, bề thế trên cùng khắc đại tự “Dĩ Thiên Vô Cực” (sự nghiệp này còn mãi với trời đất) Nhắc, nhớ niềm tin mãnh liệt về tiền đồ tươi sáng như mùa xuân đất nước.
Mừng xuân, mừng đất nước thanh bình, mọi người vui xuân với trò chơi dân gian ngày tết cổ truyền dân tộc. Đánh Đu, tôi tủm tỉm cười viết rồi hỏa tán bài thơ. Thế là ông cụ khanh khách cười, liền nói”
-Thích nhất cặp câu: Trai đu gối hạc ôm ôm cật
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Phải nghiệm, nói ra cái tục mới hay. Nhà thầy thử liêt ra, sắp xếp các yếu tố đối : từ loại, thanh, hình ảnh quá chuẩn không thể chỉnh. Đôi trai gái chồng khít trùng nhau, tạo cảm giác êm ái nhẹ nhàng, hoạt động liên tục ngày càng nhanh. Hiểu cái tục để thấm thía tài nghệ chữ nghĩa của Xuân Hương đã bứt phá thể thơ vốn dùng ngôn ngữ tao nhã đài các. Quả là đáo để thật!
Tôi tiếp lời: thế còn câu kết “Cọc nhổ đi rồi lổ bỏ không” cụ nghĩ sao? Đang hào hứng đùa vui, cụ như hướng vào cõi xa xăm, chậm rãi nói:
- Cái này có vẻ buồn, ngậm ngùi tiếc nuối. Cuộc vui nào cũng tàn. Chơi xuân rồi có tình với xuân không? “Chơi xuân có biết xuân chăng tá” có điều gì chua chát vì sự vô tâm của người đời. Đó là tiếng lòng của nữ sĩ trải qua nhiều trắc trở truân chuyên tình đời…
Nhìn tuần trà sắp vãn, tôi nôn nóng, sợ không kịp, bèn đốt cháy thời gian: viết lấy viết để rồi vo tròn thành khối to, bỏ vào lửa, khói bốc lên nghi ngút. Ông cụ nhăn mặt, quát “làm gì đốt nhiều, lộn xôn thế!” tôi chưa kịp đáp thì cụ :
- Thôi, hãy để ta phân loại, chọn mùi đăc trưng tình xuân trong thơ xuân vậy… Đốt cháy giai đoạn à! Cụ khẽ khàng tiếp giọng:
- Thoát nhanh đến câu thơ Xuân Diệu, ông hoàng của tình yêu. Mà tình yêu là sự sống, sự sống tràn đầy sinh lực chính là mùa xuân:
Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đã đến lâu rồi (Nguyên Đán)
Một Xuân Diệu ham sống, ham đời, ham yêu đến tận cùng. Chắc là tình xuân trong lòng nhà thơ tràn ra cõi nhân gian mà ngất ngây với đất trời, cỏ cây, hoa lá… Tình yêu-Tuổi trẻ-Mùa xuân mãi mãi không có tuổi, không tháng, không mùa “Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng” là thế đấy.
Đến lúc, tôi chen vào: Xuân là lễ hội. Lễ hội không thể không nhắc đến lễ chùa Hương người Việt từ bao đời nay. Nguyễn Nhược Pháp thuật lại tình xuân ở em bé hồn nhiên trong sáng độ tuổi 15 : “Hôm nay em đi chùa Hương / Hoa cỏ còn mờ hơi sương” cùng ba mẹ lễ phật để rồi cuối cùng chếch choáng men say mà nguyện cầu: Say trong giấc mơ màng:
Em cầu xin giời phật
Sao cho em lấy chàng.
Đúng là tình xuân không có tuổi! Phải vậy không cụ? Ông cười cười rồi cất giọng:
- Lễ hội mùa xuân, nhắc nhớ đến Nguyễn Bính : “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” và cô gái nhận ra mình “Lòng thấy giăng tơ một mối tình”. Chẳng biết tình duyên “ Cô gái trong khung cửi” sau này có viên mãn không, chỉ biết cảnh xuân đã khơi dậy niềm rung động đầu đời để xuân tình bén gót thiếu nữ đang xuân...
Giờ thì tôi tường tận xuân là khai sáng cảnh vật, tình xuân trong lòng người. Cảm ơn cụ!
Hẹn gặp xuân sau. Vậy nhé!
Lộc Trang
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015