Trần Dần - Thơ ở đâu?
Hà Nội, sau hơn một tháng chịu đựng cái rét lạnh lùng đến mức kỷ lục, ngày Rằm tháng Giêng (21/2/2008) bỗng bừng nắng ấm. Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI ở Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu như thường niên vì vậy được hưởng lộc đất trời, thu hút rất đông người đến xem, đến nghe, đến gặp gỡ, giao lưu. Nhưng trong khá nhiều người đến Văn Miếu rằm này, vì xuân, vì thơ, riêng còn một lý do cũng rất thơ rất xuân: đón nhận tập thơ mới của Trần Dần. Vâng, sau những Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Mùa sạch từ thời đổi mới, sau Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mới được trao vài năm trước, bây giờ Trần Dần lại xuất hiện. Trần Dần – Thơ. Một tập sách dày gần năm trăm trang in lại và in mới (chủ yếu) những sáng tác của Trần Dần trong mấy chục năm im lặng khuất mình trong bóng tối hiến mình cho con chữ. Bìa gấp ngoài tập thơ in một bức vẽ của chính Trần Dần minh họa cho một bài thơ ông viết thời 1960 – 1964:
Bài hát người lớn
Đi chởi! Đi chơi!
Đầu trọc bình vôi
Hai tay hai hòn sỏi
Đi chơi! Đi chởi!
Hai tay hai hòn sỏi
Đầu trọc bình vôi...
Đi chởi! Đi chơi!
Trần Dần - Thơ là một ấn phẩm thơ sang trọng, bề thế, xứng đáng với người thơ ấy và thơ này, xứng đáng sự háo hức chờ đợi của người yêu thơ. Việc ra được tập thơ là một công gian khó của Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Nhà xuất bản Đà Nẵng. Tập thơ in ra là một sự kiện của văn học và văn hóa. Và mọi người yêu thơ, yêu Trần Dần, háo hức trông chờ ngày Thơ năm nay tại Văn Miếu được cầm trên tay Trần Dần - Thơ với tâm trạng đón chờ một sự kiện đẹp của Thơ, của Người.
Nhưng cái sự kiện ấy đã trở thành phản sự kiện.
Trong dòng người chen vai thích cánh vào Văn Miếu (một dấu hiệu đẹp cho Thơ), nhiều người đã được biết Trần Dần - Thơ ra đời, đã hay tin hôm nay tập thơ được bày bán tại quầy của Nhã Nam ở cả sân Thái Miếu và sân Thái Học. Họ đến quầy sách, họ nhìn vào các tập sách bày ra:Trần Dần - Thơ không thấy có. Họ hỏi các nhân viên bán hàng, đáp lại là sự im lặng rụt rè, và một câu trả lời nhỏ và ngắn: không được bày bán. Các nhà thơ hỏi nhau: vì sao? Các nhà báo hỏi nhau: vì sao? Chuông điện thoại réo rắt và thông tin được cập nhật truyền miệng: trước hôm rằm, Cục Xuất bản đã có cú điện thoại cho Nhã Nam bảo không được đưa Trần Dần - Thơ vào bán trong Văn Miếu ngày thơ. Nhưng... Nhưng... ai muốn mua, ai muốn có tập thơ ngay, hãy ra nhanh phố sách Đinh Lễ là có. Và từ Văn Miếu đã có những người ra vội Đinh Lễ.
Một số phóng viên túm lấy tôi phỏng vấn nhanh. Câu hỏi: Việc này thế nào và tại sao lại thế. Việc thế nào thì tôi cũng chỉ cập nhật tức thì những thông tin như đã nêu trên và nói lại với các phóng viên. Còn tại sao ư? Tại vì nỗi sợ của ai đó. Sợ Trần Dần - Thơ xuất hiện trong ngày thơ sẽ hút sự chú ý, đặc biệt chú ý, của mọi người vào ông và thơ ông. Sợ những con chữ Trần Dần sẽ khuấy động, khuấy đảo tâm cảm mỗi người đọc và gây ra những phản ứng thơ mạnh mẽ có thể khiến bàng hoàng trước một khối năng lượng sáng tạo cực mạnh, cực lớn từ gần nửa thế kỷ trước soi chiếu và phóng nổ vào hôm nay. Nói chung lại là sợ Chữ, sợ Thơ của một Nhà Thơ. Lẽ ra những điều này phải là mừng, là vui, và thế thì Trần Dần - Thơ là điểm nhấn đẹp cho ngày thơ năm nay, là niềm vinh quang cho những người làm thơ Việt. Nhưng đã không có sự lẽ ra đó.
Các nhà thơ ở Văn Miếu cũng đành hèn yếu và im lặng trước việc Thơ bị chặn cửa như vậy. Họ xì xào, họ xôn xao khi không thấy có Trần Dần - Thơ. Nhưng họ không dám trực tiếp lên tiếng hỏi thẳng ban tổ chức, hỏi nhà chức quyền, vì cớ gì một tập thơ đã được cấp giấy phép xuất bản, một tập thơ đã được in ra sau khi bị loại bỏ khoảng bốn chục trang, bỏ đi một số bài viết và bài thơ theo yêu cầu biên tập, tập thơ đó lại không được xuất hiện đàng hoàng, công khai tại một nơi không thể đẹp hơn cho thơ là văn Miếu và vào một ngày không thể hay hơn cho thơ là ngày thơ Việt Nam.
Một nhà báo nữ đã làm luận văn thạc sĩ về những bài viết về Trần Dần đến Văn Miếu mang theo cả toàn bộ bản thảo tập thơ với háo hức mua Trần Dần - Thơ để đối chiếu xem những chỗ nào bị cắt bỏ. Trước việc xảy ra, chị phẫn nộ và bảo tối qua tình cờ đọc đúng cái câu Trần Dần như đã tiên liệu số phận của mình và thơ mình:
Tất cả đến với tôi - phải đến tự đàng trước.
Đàng sau có gì? toàn LÁ-CHẾT những ngày qua.
Đến với Trần Dần và thơ ông là phải đến từ tương lai, chứ không phải đến từ quá khứ. Cái sự hành xử đối với Trần Dần - Thơ tại Văn Miếu trong Ngày thơ Việt Nam lần VI đúng là “LÁ-CHẾT những ngày qua”.
Ba tấm poster cho tác phẩm Trần Dần – Thơ do Công ty Nhã Nam chuẩn bị không được trưng bày |
Từ Văn Miếu tôi và họa sĩ, nhà thơ Như Huy (người có bài viết “Tác phẩm Mùa sạch của Trần Dần qua góc nhìn của Nghệ thuật Ý niệm” in trong tập) đến trụ sở Công ty Nhã Nam. Ông giám đốc dẫn chúng tôi lên tầng ba. Ba poster dành cho Trần Dần - Thơ được chuẩn bị công phu đã không ra được Văn Miếu nên đành đứng đó. Ôi, Trần Dần!
Tôi có vệ tinh
rồi có nhà ga xanh
nhà ga tim
trong một vũ trụ
chẳng hiền lành.
Cái lồng chim quá chật
tôi bay đâu
cũng đụng đầu.
Giám đốc Nhã Nam cho biết một thông tin từ Đinh Lễ báo về là đã có người lấy sách thật Trần Dần - Thơ mang đi. Thế nghĩa là gì anh biết không? Nghĩa là chỉ ít hôm nữa Trần Dần - Thơ sách lậu sẽ tràn lan. Mà những kẻ làm lậu cuốn này chắc phải dùng scanner thôi, chứ không thể kỳ khu làm đúng như Nhã Nam đã làm được. Bởi vì Trần Dần - Thơ thật ngoài những bản thơ in đúng kiểu viết, kiểu chữ, kiểu trình bày của Trần Dần, còn có những bản in màu như tranh các trang thơ thị giác ông làm ra.
Trần Dần - Thơ ở đâu?
Thưa: ở thơ ông, ở người đọc thơ là bạn, là tôi. Ông không hiện diện ở Văn Miếu không phải do ông, không phải do Văn Miếu. Nhưng bạn sẽ gặp được ông, đọc được ông ở nơi bạn đến. Và khi đọc thơ Trần Dần, bạn hãy cùng ông thanh thản trong một tình yêu thương lớn và một niềm tin lớn.
Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó.
Hãy thắp sáng mọi chòm sao cũ!
Cả những vì sao đã tắt lụi từ lâu.
Tôi chẳng muốn mang sang gì cả.
Nỗi buồn ga cuối còn nguyên.
Bạn hãy nhận lấy Trần Dần - Thơ như vậy!
Hà Nội – Sài Gòn
Rằm tháng Giêng Mậu Tý 2008
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn