Vài suy nghĩ về thơ Việt đương đại

08:04 SA @ Thứ Bảy - 10 Tháng Tư, 2021

Trong nền văn học của mỗi quốc gia, ở từng thời đại hoặc giai đoạn lịch sử, mỗi thể loại lại có những bước thăng trầm. Những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI ở Việt Nam, nếu như diện mạo văn xuôi đã định hình khá rõ nét trong hành trình đổi mới thể loại và nhận được nhiều đồng thuận trong đánh giá, nhận định của giới nghiên cứu, thì về cơ bản thơ vẫn đang ở trong giai đoạn tìm đường. Một giai đoạn tranh tối tranh sáng, dở hay lẫn lộn, cái cũ còn dùng dằng, cái mới chưa tỏ mặt. Đánh giá về thơ, quả thực là việc khó ở thời điểm hiện tại. Bài viết này chỉ là một góc nhìn nhỏ, xuất phát từ đặc trưng thể loại, trước lộ trình đa dạng và phức tạp của thơ.

Trước hết, có thể thấy, ở Việt Nam đang tồn tại một tình thế rất mâu thuẫn trong đời sống của thơ. Đó là, trong khi thơ được tôn vinh cổ động, khua chiêng gõ mõ bao nhiêu, đồng thời được sản sinh ra ngày một ồ ạt bao nhiêu, thì ở hậu trường, nó lại sống cuộc đời hiu hắt bấy nhiêu. Thơ là thể loại văn học duy nhất có cả một ngày cho riêng mình (Ngày thơ Việt Nam - trong khi không có ngày của văn xuôi hay phê bình, dịch thuật), có hẳn một lá cờ cho riêng mình (lá cờ Thơ, được kéo lên trong mỗi Ngày thơ tổ chức náo nhiệt tại Văn Miếu - Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước). Náo nhiệt là thế, tưng bừng là thế, nhưng nếu làm cuộc du ngoạn quanh các nhà sách lớn ở Hà Nội, bên Bờ Hồ, thì thật trái ngược: sách văn học, chỉ thấy nghi ngút văn xuôi, gần như không sủi bóng một tập thơ nào cả. Người ta đi dự Ngày thơ chủ yếu là đi chơi, đi xem chứ không phải là đi nghe thơ, thưởng thơ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Nói gì cũng được, xin đừng đọc thơ - tâm lí ấy, lâu nay, là có thực. Người viết bài này từng đến dự buổi ra mắt tập thơ của một tác giả còn ít người biết, có nhà thơ Trần Đăng Khoa làm diễn giả. Hôm đó trời mưa như trút, mà vẫn nhiều người lóp ngóp đội mưa đến nghe. Ban tổ chức sung sướng nhận định: Điều đó chứng tỏ, bạn đọc không hề quay lưng lại với thơ, nếu là thơ đích thực! Ở trường hợp này thì tôi nghĩ khác. Tôi tin phần lớn mọi người đến vì tò mò, muốn xem mặt… ông thần đồng Trần Đăng Khoa mà thôi.

Xin đi vào vấn đề: Việt Nam vẫn được coi là đất nước của thi ca, vì sao ngày nay thơ lại thất thế sa cơ đến tội nghiệp như vậy?

Nguyên nhân thì nhiều người thấy được. Thứ nhất, cái thời nhàn tản ngâm ngợi đã qua lâu rồi, bây giờ là thời của tốc độ, thời mà ai cũng có nhiều việc phải làm - nhất là ở thị thành - nên người ta không có thời gian nhâm nhi thơ phú. Thứ hai, dân trí càng cao, càng có nhiều thứ trên đời khiến người ta quan tâm chứ không chỉ là văn chương như trước, và nếu để thỏa mãn nhu cầu hiểu biết thì thơ không so được với văn xuôi. Thứ ba, áp lực công việc càng lớn, càng nảy sinh nhu cầu giải trí bằng nghe nhạc xem phim hơn là đọc sách, nếu có thư giãn bằng văn học thì người ta tìm đến truyện, tiểu thuyết chứ không mấy ai giải trí bằng thơ. Thứ tư, thơ là câu chuyện của tâm hồn, tâm lí thực dụng trong xã hội tiêu dùng dễ coi thơ là cái gì viển vông vô ích. Thứ năm, nguyên nhân này quan trọng hơn cả, đó là thơ đương đại không tạo ra được sự cộng hưởng, tri âm với số đông người đọc. Cái lỗi này không thể đổ cho thời đại, mà do các nhà thơ.            

Thơ Việt đang đi về đâu, bao gồm những trào lưu, khuynh hướng nào?Có thể chia thành ba khuynh hướng lớn (tính từ 1975): truyền thống, cách tân, cách tân trên nền truyền thống. Về thơ cách tân, có nhà phê bình chia thành: thơ tân hình thức, thơ nữ quyền, thơ thị giác, thơ phản kháng, thơ hậu hiện đại… với những đại biểu như Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng… (xuất hiện từ trước 1975), Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trương Quế Chi… và nhóm Ngựa trời, nhóm Mở miệng (xuất hiện sau 1975). Truyền thống hay cách tân, cho đến thời điểm này đều tỏ ra chật vật, khó khăn trong việc tìm đường đến với trái tim ngày càng trở nên khó tính, khó chiều của bạn đọc. Một bị chê là cũ kĩ, quen thuộc, một bị chê là xa lạ, rắc rối, “không hiểu nói cái gì”.

Thời đại mới, tư duy mới, không thể nối dài mãi điệu thơ đã được khai sinh gần một thế kỉ. Trần Dần từng kêu gọi chôn Thơ mới vào lịch sử, để đổi mới. Thực tế thì qua từng giai đoạn, thơ Việt có nhúc nhích đổi mới nhưng chưa đủ nội lực để mở ra một thời đại mới trong thi ca. Và nếu lấy 1986 làm mốc mở ra văn học đổi mới, thì từ đó đến nay đã tròn 30 năm, vì sao các khuynh hướng đổi mới thơ đương đại vẫn chưa thắng thế, chưa thực hiện được cuộc “đổi gác” cho thơ? (Đầu thế kỉ trước, chỉ trong vòng 15 năm, Thơ mới đã làm được cuộc thay thế ngoạn mục đối với nền thơ trung đại). Vì sao số đông bạn đọc (trong đó có cả những “độc giả ưu tú” thuộc giới sáng tác và nghiên cứu) vẫn lạnh nhạt với thơ cách tân đương đại; có người coi đó là “ngụy thơ”, “phản thơ”, là trường phái thơ… “tân con cóc”? Nhiều cây bút tiên phong đổi mới thơ đổ lỗi cho tầm đón nhận (erwahrtungshorizont) của người đọc, cho rằng người đọc đã quen với hệ mĩ học cũ nên vấp phải lực cản tự thân trong tiếp nhận hệ mĩ học mới. Họ đòi bạn đọc phải thay máu, phải điều chỉnh cái đầu, phải thay đổi cách đọc, thậm chí phải “đào tạo lại”!

Sự đòi hỏi này không phải là không có lí. Thế kỉ trước, Thơ mới từng bị cho là dở khi mới xuất hiện, bởi người đọc đã quen với hệ mĩ học đầy tính quy phạm của văn thơ trung đại, nhưng rồi chính Thơ mới đã mở ra một thời đại rực rỡ trong thi ca. Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi cũng từng bị tẩy chay, về sau lại được ghi nhận. Như vậy, rõ ràng tầm đón nhận và cảm quan thẩm mĩ của người đọc có thể thay đổi theo thời gian. Nói một cách lạc quan, đến một lúc nào đó, rất có thể, đông đảo bạn đọc sẽ cảm thấy thích thú với những vần thơ trúc trắc, đọc lên như bị tra tấn hôm nay. Rất có thể, một lúc nào đó, thay vì xao xuyến trước mây thu và lá vàng, bạn đọc sẽ rung động trước chai lọ, cốc chén, gạt tàn hay cột đèn, xe bus… tràn ngập trong thơ, cũng như người ta thường yêu hương bưởi hương nhài nhưng vẫn có người thích ngửi mùi xăng xe cộ!

Có thể nói, không ai phủ nhận sự cần thiết phải đổi mới thơ, vấn đề là đổi mới như thế nào. Câu hỏi rằng một số sản phẩm của thơ đương đại có phải là thơ hay không, viết cho ai đọc, đã được đặt ra lâu nay. Theo quan niệm truyền thống, thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những xúc cảm mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu; và thiên về biểu hiện cảm xúc, hàm súc cô đọng, ngôn ngữ có nhịp điệu là những đặc trưng cơ bản của thơ(1). Nếu đem định nghĩa này đối chiếu với nhiều thi phẩm hôm nay thì thấy gần như không trùng khớp, bởi chúng mờ nhạt cảm xúc, khan hiếm tính nhạc, thi ảnh tù mù và không hàm súc cô đọng. Ai đó có thể phản biện rằng, thể loại là do con người tạo ra, con người có thể thay đổi nó, do đó, không có định nghĩa nào (về một thể loại) là bất biến. Nói như vậy không phải không có cơ sở, nhưng để biến đổi một thể loại cần cả một quá trình với những điều kiện tiền đề về xã hội, văn hóa, tư tưởng; cần có nội dung mới, tâm hồn mới trước khi có hình thức thể hiện mới; và cùng với sự biến đổi, có những yếu tố hạt nhân, cốt lõi thuộc về đặc trưng thể loại cần được gìn giữ, có những ranh giới về thể loại không thể vượt qua. Có thể lấy Thơ mới 1932 - 1945 làm ví dụ. Trong bối cảnh Âu hóa đầu thế kỉ XX, Thơ mới thực hiện cuộc hoán ngôi nhưng không đoạn tuyệt hẳn với thơ trung đại. Nó phá bỏ xiềng xích của niêm luật trong thơ trung đại nhưng vẫn giữ lại vần. Vần là yếu tố tích cực góp phần làm nên tính nhạc trong thơ, gắn với truyền thống của văn học truyền miệng đã đi vào tâm thức người Việt từ lâu đời, và đó là một nguyên nhân khiến cho Thơ mới, dù khởi đầu bị bài bác, đã sớm được chấp nhận.

Xem xét các khuynh hướng cách tân thơ đương đại, có thể thấy những nỗ lực đóng góp nhằm đổi mới thơ trước hết ở phương diện hình thức. Thơ đương đại ít sử dụng vần, nên nương vào nhịp điệu để tạo nhạc tính, sản sinh các loại nhịp đa dạng, tự do, linh hoạt hơn thơ cũ. Sự phong phú về hình thức vắt dòng, điệp cú pháp và dấu câu; mối liên hệ linh hoạt giữa các thi ảnh, thi ý, thi từ trong câu thơ theo cơ chế liên văn bản; việc tạo ra khoảng trống gợi mở xung quanh con chữ… cũng là những đổi mới đáng ghi nhận. Nhận xét thơ Việt trong khoảng 1996 - 2010, nhà thơ Inrasara khẳng định: “Mười lăm năm phát triển, nhà thơ hậu hiện đại Việt vận dụng mọi thủ pháp tiếp nhận từ đồng nghiệp trên thế giới để sáng tạo nhiều loại thơ chưa từng có mặt trong truyền thống thơ ca Việt Nam trước đó: phỏng nhại, siêu hư cấu sử kí, thơ phụ âm, thơ graphic, thơ thực hiện, thơ cụ thể, thơ phân thân, thơ động tác, thơ tịnh tiến, vân vân”. Không thể phủ nhận rằng, những năm qua, đã có những bài thơ hay, câu thơ hay mang yếu tố cách tân, ngoài những bài của tác giả có tiếng tăm còn có những bài bị chìm lẫn trong dòng chảy khổng lồ của thơ đương đại nên không được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, bên cạnh những tìm tòi sáng tạo đích thực, một số hiện tượng cách tân có xu hướng biến thơ thành trò chơi ngữ âm, trò chơi ngữ nghĩa và nặng về phô bày, sắp đặt câu chữ trong những hình thức lạ mắt, chẳng hạn đổ khuôn bài thơ thành hình tam giác, hình tròn, hình zic zăc, hay tạo ra những âm thanh u ơ vô nghĩa, và dùng ngôn từ phản cảm để dung tục hóa thơ… Sự vượt qua đường biên thể loại, ra ngoài quỹ đạo của thơ cũng xuất hiện, chẳng hạn: “Không ít nhà thơ viết truyện rất ngắn mà cứ xếp nó vào mục thơ, có kẻ viết thơ như viết tiểu luận ngôn ngữ” (Inrasara).    

Sự lạ hóa hình thức văn bản thơ chỉ có giá trị khi nó góp phần tạo nghĩa, hỗ trợ tích cực cho nghĩa được biểu đạt. Như sự xuống dòng thành hình bậc thang này:
  Đổ
        chiều
                           từ              
                                  trên
                                                     cao
Sài Gòn theo lối về men dần lòng chảo
(Thung lũng Anh và Em -  Vi Thùy Linh)
Nhưng khi đi quá vào sân trình diễn, khổ thơ sau chỉ là một trò chơi xếp hình vui mắt, cho dù tác giả có ít nhiều cắt nghĩa về nội dung nam quyền, nữ quyền thể hiện qua hình thức văn bản:
Tao không muốn mầy làm thơ tình buồn
Tao không muốn mầy làm thơ tình
Tao không muốn mầy làm thơ
Tao không muốn mầy làm
Tao không muốn
Tao không
Tao
T
(Ở nơi ấy, nhà thơ - Inrasara)
Hay thuần túy chỉ là trò chơi ngữ âm, “thơ con âm”, “thi pháp âm bồi” - cách gọi của nhà thơ Dương Tường:
Noel lụa len len đêm tổ tông truyền
Hồ bờ len người len đèn len liễu loan mắt
Loen màu nhen răm răm gaine men
Em về phố lặng
Lòng đổ chuông
llềnh lluềnh nước
lli
lluâng
lloang llưng
llênh llinh lluông buông boong
ad lllibitum
               (Noel 1 - Dương Tường)

Những dòng thơ có xu hướng “trọng âm khinh nghĩa” gần với quan niệm của Roman Jakobson về thơ này khiến người ta nhớ đến giai thoại xưa về cụ Nguyễn Công Trứ. Một lần đang cưỡi bò rong chơi, cụ gặp một đám thầy cử tân khoa sính chữ đang đua nhau khoe tài học của mình. Cụ liền bắt chuyện và nói rằng “Tình cờ lão có nghe lỏm được đoạn văn của một danh sĩ, xin đọc các thầy nghe rồi nhờ các thầy luận giải giùm”. Cụ đọc: Sông Nhĩ Hà sâu ba mươi sáu thước, chim ăn chim béo, cá không ăn cá bay về núi Hồng Sơn. Nhớ thuở xa vua Thần Nông giá sắt, vua Đế Thuấn canh vân. Cùng quăng, cùng quẳng, cùng quằng, tổng bất ngoại bò vàng chi liếm lá. Nghe xong, các thầy cử tấm tắc khen là “văn kêu, ý lạ”, nhưng chịu không biết bình giải thế nào. Cụ Nguyễn chỉ còn biết ôm bụng cười. Thực ra những câu này chẳng có ý nghĩa gì cả. Cụ bịa ra để giễu cợt họ mà thôi.    

Thơ vốn là sự “dao động giữa âm thanh và ý nghĩa” (Paul Valéry). “Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên). Nếu bỏ nhạc, thơ sẽ thành một cái gì đó nặng nhọc gần giống văn xuôi. Nếu bỏ ý, thơ chỉ còn là những âm thanh mê sảng. Bỏ cái gì cũng là chặt đứt một bên cánh của thơ. Thơ cách tân nhiều khi mất cánh và rơi vào cái vực của sự cực đoan ấy.   

Hàm súc vốn là đặc tính của ngôn ngữ văn học, đặc biệt thơ ca, nhưng thơ Việt ngày nay đầy rẫy những sản phẩm dài dòng, lan man, ở nhiều câu có thể thêm một chữ, bớt một chữ, thậm chí vài chữ, đều được. Ít tìm thấy trong đó dấu vết của thôi xao. (Xin dẫn lại điển tích thôi xao: Giả Đảo, nhà sư giỏi thơ đời Đường, một đêm cưỡi lừa đi dưới trăng sáng, ngâm bài thơ vừa làm có câu Chim ngủ ở cây bờ ao/ Nhà sư đẩy cửa dưới trăng và cứ băn khoăn, cân nhắc mãi nên dùng từ thôi (đẩy) hay xao (gõ) trong câu thơ thứ hai. Tình cờ gặp ông quan Hàn Dũ, cũng là nhà thơ, Giả Đảo được khuyên nên dùng từ xao (vừa có âm thanh, vừa có động tác). Từ đó, thôi xao trở thành thuật ngữ chỉ sự khổ công tìm từ, chọn chữ trong văn thơ. Giả Đảo còn có câu thơ Nhị cú tam niên đắc, nghĩa là “Hai câu mất ba năm mới làm được”). Người xưa làm thơ cực nhọc thế, mà thơ ngày nay luôn tạo cảm giác được viết ra rất dễ dãi. Nhiều bài (kể cả của nhà thơ danh tiếng) chỉ là phép cộng của những lời nói bình thường, tầm phào, xuống dòng liên tục (khiến người đọc nghĩ: làm thơ như vậy, mỗi ngày có thể “sản xuất” ra được vài tập). Có những nhà thơ trẻ lên sân khấu đọc thơ của mình nhưng phải cầm giấy (họ nói: thơ ngày nay không cần phải thuộc!). Lạ nhỉ, chẳng lẽ chuyển hệ hình từ “nghe bằng tai” sang “đọc bằng mắt” thì thơ không cần thuộc? Chỉ có viết ào ào, không trăn trở, thì mới không thuộc thơ mình. Mình còn không thuộc nổi thơ mình, thì mong bạn đọc thuộc thơ, yêu thơ mình sao được?    

Ở trên là nói về phương diện hình thức. Về nội dung phản ánh đời sống, nhìn chung thơ đương đại cũng chưa tạo được sự cộng hưởng, tri âm nơi người đọc. Bên cạnh một số trường phái thơ phi chính thống với ý thức phản kháng, “nổi loạn”, “giải trung tâm”, lâu nay thơ có xu hướng đi vào cái tôi nhỏ hẹp có phần lạc lõng của tác giả, như con ốc co rút mình trong vỏ, rên rỉ với những nỗi niềm vụn vặt ngày thường không đáng được chia sẻ với số đông. Trước kia, thời chiến tranh, nhà thơ đại diện cho cộng đồng, xem thường mọi đau khổ riêng tư để vươn tới những điều lớn lao, kiểu Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo (Phạm Tiến Duật). Nhà thơ trẻ ngày nay thì có khi chỉ giẫm phải cái gai mồng tơi cũng xuýt xoa nâng lên thành bi kịch. Soi vào thơ, người nông dân, công nhân, chiến sĩ… ít tìm thấy bóng dáng, tâm hồn mình trong đó. Những vấn đề quan trọng của đất nước, dân tộc, thời đại, những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc về thân phận con người cũng ít hiện hình trong đó. Vậy làm sao mà số đông người đọc không lạnh nhạt với thơ? Nhà phê bình Nga Belinski nói: “Bất cứ thi sĩ nào cũng không thể trở thành vĩ đại nếu chỉ do ở mình, và chỉ miêu tả mình - dù là miêu tả những nỗi khổ đau của mình hay những hạnh phúc của mình”; và “Chỉ những nhà thơ nhỏ mới vì mình mà đau khổ và chỉ họ nghe thấy tiếng nói lí nhí của họ thôi”. Có nhà thơ trẻ tuyên bố: Tôi làm thơ cho riêng mình, không cần đám đông chia sẻ. Nếu đã không cần, sao còn công bố thơ trên sách báo?

Thực ra, tình trạng nhạt thơ, hờ hững với thơ đương đại không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Đặng Tiến, nhà phê bình hải ngoại, đã viết về tình trạng đọc thơ ở Pháp: “Điều làm cho quảng đại quần chúng lơ là với thơ mới, thơ đương đại là ngôn từ trúc trắc, bí hiểm, xa cách với lời ăn tiếng nói ngày ngày của họ; và khi vượt qua ngôn ngữ ấy thì họ gặp phải một nội dung riêng tư, lạ lẫm, không can hệ gì đến vận mệnh của họ. Thơ đương đại nói chung xa rời những ưu tư thực tế, kinh tế, xã hội, chính trị của con người, do đó, họ tìm đến những ca khúc - là nghệ thuật của quần chúng - không những vì ngôn từ bình dị mà còn vì nội dung gần gũi”(2). Theo một số nguồn thông tin khác, thì thái độ đối với thơ ở Mĩ hiện nay còn tệ hơn. Alec Schachner, nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia (New York) cho biết những người Mĩ bình thường không dành thời gian cho thơ, “họ thấy thơ ca, đặc biệt thơ hiện đại, là quá mịt mù, quá khó khăn để đọc hiểu hoặc giải khuây”, do đó, thơ hiện đại Mĩ thường chỉ có trên mạng hoặc xuất bản trên máy in cá nhân với số lượng hạn chế, và “nói chung là không thể mua được ở các hiệu sách”(3). Nguyễn Đỗ, nhà thơ sống ở Mĩ, cho biết các tạp chí thơ ở nước này thường chỉ ra một năm một số, “báo ngày rất ít khi đăng thơ”, “được đăng thì hầu hết không có nhuận bút”, và “nếu muốn đăng, một số tạp chí sẽ nhận đăng nhưng bạn phải đóng tiền”(4).


Những thông tin trên cho thấy nguyên nhân khiến nhiều người đọc quay lưng lại với thơ ở Việt Nam chẳng khác gì ở các nước phương Tây. Ngoài yếu tố tâm lí thời đại, còn có nguyên nhân căn bản từ chính thơ hiện nay, và đó là cơ sở để bác bỏ những cách lí giải đổ lỗi cho dân trí, tầm đón nhận, hay sự “kìm hãm” của thể chế chính trị, sự phân biệt ngoại vi - trung tâm ở Việt Nam đối với thơ… Một số nhà thơ, nhà phê bình cấp tiến tỏ ra xót xa cho các trào lưu cách tân thơ Việt phải chịu thân phận của “kẻ bên lề” nằm ngoài dòng chính thống, bị phân biệt đối xử. Nghĩ như vậy là không đúng. Một khi thơ đã hay, tự nó sẽ đường hoàng ngạo nghễ rời khỏi ngoại biên để đi vào trung tâm, không ai ngăn cản được. Lỗi là ở nó, do nó chưa hay mà thôi.

*
*   *


Thơ hay phải là thơ mang chứa những thông điệp nhân văn có tính phổ quát, điều này đúng với mọi dân tộc và mọi thời đại. Thực tế cho thấy, những thi phẩm được coi là hay nhất trong thi ca Việt hiện đại thường là những vần thơ giản dị, nói một cách ám ảnh và tài hoa những điều vĩnh cửu, muôn thuở của con người, và được đồng cảm bởi số đông người đọc. Những vần thơ này thường đến từ phía trực giác, xuất thần, không cần lí giải, không cần chứng minh. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng coi Tiếng thu của Lưu Trọng Lư là “bài thơ thơ nhất của Việt Nam”, bài thơ giản dị tới mức không cần viện đến thi pháp học hay con dao cùn của lí trí để “mổ xẻ những con chữ rất ngơ ngác này”. Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây cứ biếc như vặn mình mà biếc (Thi Hoàng), Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay (Phạm Tiến Duật), Tôi giờ về với trăng sao/ Xin trời một trận mưa rào đón tôi (Đồng Đức Bốn)… cũng là những vần thơ như vậy. Đó là thứ thơ phải lấy hồn mình ra để đọc, chứ không phải bằng lí thuyết khô cứng nào đó mà những nhà nghiên cứu ít có năng lực thẩm văn phải cầu viện tới. Cũng vì yêu cái giản dị, mang hồn cốt dân tộc mà người đọc dễ dàng thể tất cho cái hơi hướng Nguyễn Bính rõ rệt trong Lời thề cỏ may của Phạm Công Trứ, hay gần đây nhiều người thích thú đi tìm những vần lục bát dân dã hiền lành mà tươi ròng sự sống trong các bản photocopy đóng tập của hai thi sĩ “hồn rơm” Văn Thùy, Bảo Sinh… Trần Đăng Khoa định nghĩa: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” – nhận định này chắc chắn thuyết phục được số đông người đọc. Người Việt vốn được xem là dân tộc ít có tư duy triết học, nên tư duy thơ của người Việt cũng phù hợp với những hình thức giản dị, giàu xúc cảm hơn là khó hiểu, trừu tượng. Mặt khác, ở thời hiện đại, vốn đã chịu nhiều áp lực từ đời sống, người ta càng ngại phải đương đầu với những thứ nặng nề khó hiểu, trong khi “đặc tính của thơ hiện đại được bàn cãi nhiều nhất là tính khó hiểu và tối nghĩa của nó” (Delmore Schwartz). Điều đáng nói là khó hiểu nhiều khi không đồng nghĩa với chiều sâu của tư duy mà chỉ là vỏ bọc của sự sơ sài, nông cạn. Nếu còn tiếp tục đánh đu với sự tối nghĩa và khó hiểu, đôi khi để lòe bạn đọc, thì hứng thú dành cho thơ đương đại, có chăng, chỉ giới hạn trong một vài nhóm tác giả mà thôi.


Người viết bài này từng thấy trên facebook, một tác giả thơ đưa lên trang cá nhân của mình bài thơ Bờ sông vẫn gió của Trúc Thông, kèm theo một câu hỏi: “Vì sao bài thơ được nhiều người yêu thích?”. Hầu hết các comment đều giải thích: vì đọc lên “rưng rưng, thấy một phần của mình trong đó”, “thấy có chút gì của mình thấp thoáng trong đó”… Có thể nói, đó là những câu trả lời thấm thía nhất cho sự cộng hưởng, tri âm, cho sức lay động của một bài thơ đạt đến ngưỡng của sự giản dị mà ám ảnh, không dùng thủ pháp cầu kì.

Có nhà phê bình cho rằng: không thể đứng ở hệ mĩ học này để phán xét thơ thuộc hệ mĩ học khác. Không thể lấy Thơ mới, thơ chống Mĩ hay lục bát truyền thống ra làm chuẩn mực đánh giá thơ cách tân. Quan điểm này về cơ bản là đúng nhưng chưa toàn diện. Bởi dù ở hệ mĩ học nào, thơ vẫn phải mang theo mình ít nhất một “mẫu số chung”, một cái gen di truyền thuộc về căn cốt của thơ, nếu không, nó không còn là thơ nữa. Nếu lập luận như trên thì, có thể dẫn tới một ngụy biện rằng, ăn cơm cũng ngon mà ăn đất ăn sỏi cũng ngon, vì “không thể lấy mĩ học của cơm để đánh giá mĩ học của đất”. Mặt khác, nếu một cá nhân hay nhóm tác giả muốn cộng đồng bỏ phiếu cho giá trị của thơ mình, thì phải chỉ ra được cái mĩ học đứng sau thơ ấy là mĩ học gì, hướng tới cái đẹp nào trong trời đất này, chứ không thể nhân danh cách tân chung chung để cho ra đời những sản phẩm không có ích gì với đại chúng. Thơ muôn đời vẫn phải là thơ chứ quyết không thể trở thành thứ lai tạp dị hình lấn sân của văn xuôi, kịch hay tiểu luận phê bình, cũng như đàn ông phải là đàn ông, đàn bà phải là đàn bà, một thứ nhập nhằng nửa đàn ông nửa đàn bà không bao giờ là loại giới tính mà con người bình thường hướng đến.


*
*   *


Dù đổi mới đến thế nào, mỗi thể loại văn học vẫn phải duy trì những yếu tố cốt tử thuộc về đặc trưng của nó, bởi thể loại luôn bao hàm hai mặt - vừa có tính ổn định, bền vững, vừa được đổi mới, phát triển. Bakhtin nói: “Thể loại bao giờ cũng vẫn thế, bao giờ cũng đồng thời vừa cũ vừa mới. Thể loại được tái sinh và đổi mới trong từng giai đoạn mới của sự phát triển văn học và trong từng tác phẩm cá biệt của thể loại đó”. Tương tự, “thơ hay là thơ nằm ở khu vực giữa lạ và quen” (Lã Nguyên). Đi quá xa vào việc làm mới, làm lạ về mặt hình thức mà bỏ qua tính ổn định, bền vững của thể loại cũng đồng nghĩa với việc bỏ quên người đọc.

Và văn học, một khi xa rời những vấn đề mang tính vĩnh cửu của nhân loại, xa rời trách nhiệm công dân, thờ ơ trước vận mệnh của đất nước, dân tộc, con người, thì bị nhân quần xa lánh là điều tất yếu, dễ hiểu.    

Mong rằng những phế phẩm từ nó chỉ là những xác chữ thử nghiệm - như xác của bầy mối sau cơn bão - để mở ra một hướng đi mới, trong một quá trình vận động vẫn đang ở thì tiếp diễn, chưa hoàn thành

P.D.N
------ 
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên). Từ điển thuật ngữ văn học. Nxb Giáo dục, 2006, tr.309, 310.
2. Đặng Tiến. Người Pháp đọc thơ. http://thethaovanhoa.vn
3. Alec Schachner. Người Mĩ không còn biết tới thơ!. http://thethaovanhoa.vn
4. Nguyễn Đỗ. Chuyện nước Mĩ: Ai dám vỗ ngực mình nhà thơ?. http://thethaovanhoa.vn
http://baovannghe.com.vn/vai-suy-nghi-ve-tho-viet-duong-dai-204.html?vip=bvn

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt chỉ biết làm thơ, viết truyện mô tả, và dịch sách?

    09/03/2021Luật sư, TS. Nguyễn Hữu LiêmHãy nhìn Việt Nam gần suốt thế kỷ qua cho đến hôm nay. Lâu lắm mới có một vài tác giả viết về tư tưởng, nhưng phần lớn thiếu sáng tạo, và rồi bị bỏ quên...
  • Cuộc đời gửi lại trong thơ

    29/08/2019Lưu Khánh ThơXuân Quỳnh (1942-1988) là một gương mặt độc đáo trong nền thơ Việt Nam hiện đại. Từ giã trần gian đã hơn 20 năm nhưng thơ chị vẫn luôn có mặt trong hành trang tinh thần của nhiều thế hệ bạn đọc...
  • Chuyện bây giờ mới kể về bài thơ “Viết ở Lạng Sơn” của Lưu Quang Vũ

    20/02/2019PGS.TS.Lưu Khánh ThơTrở về Hà Nội sau chuyến công tác Lạng Sơn đúng thời điểm diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, Lưu Quang Vũ bị ám ảnh khôn nguôi khung cảnh thị xã bị tàn phá tiêu điều, bị băm nát bởi đạn pháo của kẻ thù...
  • Tôi viết bài thơ Em ơi, Hà Nội phố

    24/04/2018Phan VũNgày 25-9 tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố - sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. TTCT giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ...
  • Thi sĩ Lưu Quang Vũ: Những câu thơ tiên tri

    17/04/2018Nguyễn Việt ChiếnLưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của thơ hiện đại là khá đa dạng. Nó không chỉ nằm ở bình diện phát hiện các vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ mà sự đóng góp ấy còn thể hiện ở việc khắc họa chiều sâu những rung động suy tư của tâm trạng con người trong đời sống hiện đại.
  • Nữ sĩ Ngân Giang – Nữ hoàng Đường thi Việt Nam

    29/08/2017Minh Châu – Quỳnh MyTrong gần 80 năm cầm bút, Nữ sĩ Ngân Giang đã để lại cho nền thi ca nước nhà một khối lượng thi phẩm lớn (4000 bài thơ) và được người đời mệnh danh là Nữ hoàng Đường thi Việt Nam. Thời gian trôi mải miết, dù đã về với cõi tiên, nhưng bà vẫn để lại cho thế hệ sau nhiều bâng khuâng...
  • "Sống là dâng hiến"

    06/05/2017Hồng TháiTập thơ nổi tiếng một thời “Cửa mở” của ông thì có thể đóng thành tập. Nhưng chất xám và tình dâng hiến đã biến thành cuộc sống hữu ích kia rồi. Đó là gì nếu không phải là lẽ sống của Việt Phương, của những người thế hệ ông đã miệt mài hy sinh cho thế hệ sau!
  • "Phản đề" dành cho người Việt trẻ

    30/03/2017Nhà thơ Lê Ðạt, đã ngoài 70 - cho dù cuộc đời ông như chính nhà thơ thừa nhận là rất "li kỳ" và chịu nhiều thăng trầm dâu bể. Trẻ, ở chính cái cách mà ông nhìn nhận rất "thiện chí" và cởi mở về lớp trẻ, về thế hệ trẻ hiện nay...
  • Trần Dần - Thơ ở đâu?

    15/10/2015Phạm Xuân NguyênNgày thơ Việt Nam lần thứ VI ở Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu như thường niên vì vậy được hưởng lộc đất trời, thu hút rất đông người đến xem, đến nghe, đến gặp gỡ, giao lưu. Nhưng trong khá nhiều người đến Văn Miếu rằm này, vì xuân, vì thơ, riêng còn một lý do cũng rất thơ rất xuân: đón nhận tập thơ mới của Trần Dần. Vâng, sau những Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Mùa sạch từ thời đổi mới, sau Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mới được trao vài năm trước, bây giờ Trần Dần lại xuất hiện...
  • Trần Dần - nhà cách tân thơ Việt

    27/08/2015Nguyễn Trọng TạoKhông phải đến hôm nay người ta mới gọi Trần Dần là “nhà cách tân”. Từ năm 1946 khi tham gia nhóm Dạ Đài, Trần Dần đã cùng với Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch... soạn ra bản “tuyên ngôn tượng trưng” nhằm cách tân thơ Việt sau rất nhiều thành công của Thơ Mới (trước năm 1945). ..
  • Ý thức luân lý của người Việt

    16/04/2014Vũ HạnhĐiều mà người ta càng tìm hiểu kỹ, càng thấy rõ rệt, là người Việt-Nam có một ý thức luân lý hết sức sâu xa...
  • xem toàn bộ