Chấn hưng giáo dục - chấn hưng quốc gia
Trong bài viết này, tôi muốn phân tích một nguyên nhân cơ bản đã làm hỏng nền giáo dục của ta trong hai mươi năm qua mà hậu quả của nó bây giờ đã bắt đầu nặng và trong tương lai nếu tiếp tục thực hiện như bây giờ thì chưa lường hết được thảm họa của nó.
Thị trường hóa giáo dục
Tôi thuộc thế hệ lớn lên hoàn toàn trong chế độ mới sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế hệ chúng tôi đã biết thế nào là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa đầy lãng mạn trong những năm 60-70 của thế kỷ hai mươi. Những năm đó, đời sống vật chất quả là khó khăn nhưng việc đi học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, thì có thể nói là thiên đường nếu so với bây giờ.
Ngày ấy, chúng tôi đi học không mất tiền, những khoản đóng góp với nhà trường là rất ít vì đồng lương của bố mẹ cũng rất hạn hẹp. Những học sinh học kém được thầy cô giáo tổ chức học thêm, gọi là phụ đạo. Trường có thêm những buổi tối bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi quận, huyện, tỉnh, thành và đi thi học sinh giỏi toàn miền bắc. Không một nơi nào chúng tôi phải đóng tiền để khá lên hay thành học sinh giỏi đoạt giải các cấp. Chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm biếu tiền hay quà cáp cho thầy cô giáo. Những ngày lễ, tết, chúng tôi đến thăm thầy cô với những bông hoa và những trái cây tặng thầy cô để tỏ lòng biết ơn. Hoa thì thầy cô cắm vào lọ, trái cây thì cắt ra ngay để thầy trò cùng vui. Bố mẹ chúng tôi nếu có đến gặp thầy cô giáo chỉ để tỏ lòng biết ơn, hỏi để biết thêm về con cái của mình để kết hợp với nhà trường giáo dục. Không phải đến để biếu xén hay gửi gắm riêng con cái của mình kèm những lợi ích vật chất. Ngày ấy, người ta thấy xấu hổ cho nhân cách khi có ai đó nhận hay biếu quà, tiền bạc vì vụ lợi.
Tôi còn nhớ năm học 1965 - 1966, học lớp 9, chúng tôi đi sơ tán bên Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Thầy giáo Khôi, chủ nhiệm lớp, đánh mất một quyển sổ gạo của một bạn trong lớp. Trong suốt cả một năm, thầy lấy tiêu chuẩn gạo của mình nộp vào bếp ăn tập thể của chúng tôi, còn thầy phải dùng đồng lương ít ỏi của mình để mua gạo ngoài. Lúc nào thầy cũng vui vẻ, không cho ai biết việc mất một cuốn sổ gạo. Một năm sau, phòng lương thực huyện cấp lại sổ gạo, chúng tôi mới biết việc thầy làm. Thầy là thầy dạy văn của lớp. Những áng văn thầy dạy cho đến nay chúng tôi còn nhớ. Bản thân thầy, với tình cảm thương mến học sinh cùng việc làm vô tư, trong sáng, trong tâm hồn chúng tôi mãi mãi cũng là một tấm gương.
Thời bấy giờ có một thế hệ giáo viên thực sự vì học sinh thân yêu. Các thầy bộ môn thường tổ chức thêm các buổi học ngoài giờ mà chúng tôi gọi là ngoại khóa để bổ sung thêm những kiến thức ngoài sách giáo khoa. Biết bao nhiêu những đứa trẻ khi ấy bây giờ đã thành giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư... mà ngọn lửa của tình yêu khoa học đã được đốt lên trong những buổi học ngoài giờ như vậy.
Có thể nói, trong bom đạn của chiến tranh, đối với chúng tôi, những buổi học ở lớp vẫn là những ngày hội của cuộc đời. Khi đó, dạy dỗ, giúp đỡ người khác là vì tình yêu, vì trách nhiệm chứ không phải vì tiền. Đó là nền giáo dục thật sự. Bây giờ, chúng tôi đều đã trên dưới tuổi 50 cả mà vẫn thấy sung sướng khi nghĩ lại tuổi thơ gian khó của mình. Trong khó khăn nhất của chiến tranh, Bác Hồ vẫn quan tâm đến giáo dục, đến điều kiện làm việc dạy dỗ của thầy cô giáo, của học sinh, sinh viên. Người thấy rất rõ, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, phải có một lớp người mới. Lớp người ấy phải có những phẩm chất cơ bản: yêu đồng bào, yêu Tổ quốc, học tập tốt, lao động tốt, giữ gìn vệ sinh, thật thà, dũng cảm.
Từ năm 1980 trở đi, chúng ta có một nền giáo dục như vậy nữa không? Hai mươi năm, một thế hệ đã đi học và ra đời làm việc trong một nền giáo dục còn biết bao điều bất cập. Thế hệ ấy đã lớn lên như thế nào? Có thể thấy nổi lên các hiện tượng:
- Họ phải đua chen nhau để thi cử vào trường trung học, vào đại học, đi nước ngoài.
- Bố mẹ họ phải oằn lưng vì các khoản đóng góp mỗi năm một nhiều mà nếu chỉ trông vào thu nhập bằng lao động chính đáng thì phần lớn không thể nào lo nổi.
- Họ chứng kiến cuộc chạy đua của tiền bạc trong giáo dục. Nhà nhiều tiền, biết chạy các cửa, con cái được học ưu đãi hơn.
- Trẻ em từ 7 tuổi trở đi phải đi học suốt ngày, hết học ở trường lại học thêm ở lớp của các thầy cô đã dạy mình ở trường.
- Đóng học phí ở trường, đóng học phí ở nhà, đóng đủ loại tiền mà nhà trường thấy cần chi. Muốn vào được những trường có tiếng thì phải chi những khoản tiền lớn, có trường giá đến hơn 10 triệu đồng.
Để thi vào trường đại học, người ta mở những lớp ôn luyện thi đủ loại, đủ giá. Nơi mời được giáo sư này, tiến sĩ nọ có tiếng đến dạy thì giá cao, nơi không có giáo viên "nổi tiếng" thì giá thấp. Anh trưởng giả mới phất lên cách đây vài năm, nay có cơ ngơi khá giả có thể thành lớp học thêm được, thế là mở lớp, mời thầy đến dạy, chỉ đứng giữa thu tiền, mỗi vụ ôn luyện thi cũng thu được vài trăm triệu. Ông bạn tôi là giáo sư, tiến sĩ khoa học, nói thành thật: "Tớ kiếm tiền chủ yếu là dạy luyện thi đại học, chứ ở cơ quan có mấy việc mà làm".
Hàng năm, các trường đại học của ta đào tạo ra hàng vạn "ông cử". Không phải ai cũng dễ dàng tìm được việc làm vì nhu cầu chỉ đáp ứng được chừng 25-30% số đào tạo ra. Thế là lại xảy ra cuộc đua chen xin việc làm. Đi học đã mất hàng đống tiền. Nay đi xin việc làm lại phải tốn thêm hàng triệu đồng, chỗ béo bở, dễ kiếm tiền thì có khi là hàng chục triệu đồng. Bây giờ thật ít người thấy xấu hổ khi cho và nhận tiền. Mọi cái đều có giá của nó. Thằng bé 7 tuổi đã biết rằng trả tiền học thêm cho cô giáo thầy giáo của mình thì sẽ được khen nhiều hơn, được xếp loại ưu, còn không như vậy thì sẽ không được gì cả, không ít trường hợp còn thường xuyên bị mắng. Vậy thì khi trưởng thành, có ai dại gì từ chối các khoản tiền do người khác đem lại để mua lấy một chỗ làm việc, một sự ưu tiên, một quyền lợi. Đến người thầy là tượng trưng cho nhân cách của một xã hội còn không xấu hổ khi nhận tiền đút lót thì ông trưởng phòng nọ, giám đốc kia, đôi khi lên đến ông bộ trưởng nữa làm gì không bán chỗ làm việc, bán sự nâng đỡ cho người khác?
Nhờ dạy thêm để thu tiền học sinh theo cơ chế thị trường, đời sống giáo viên có khá hơn lên. Nhưng nó đã làm hỏng nền giáo dục. Dần dần tiền dạy thêm thay thế tiền lương, dần dần, đồng tiền thay thế tất cả. Không đứa trẻ nào bây giờ không biết muốn có điểm cao thì phải đi học thêm, ở lớp thì con nhà giàu được ưu đãi hơn con nhà nghèo khó.
Tôi đã ở nước Nga nhiều năm, trước và sau sự sụp đổ của Liên Xô. Tôi được tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của một xã hội, rồi xã hội đó chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Sự hình thành nên những nhà tài phiệt ở Nga đi đôi với sự cướp bóc tài sản xã hội, sự liên minh giữa quyền lực tài chính - tội phạm. Nhiều cái rất xấu xa đã nẩy nở và phát triển. Nhưng một điều rất may mắn cho nước Nga là nền giáo dục vẫn được gìn giữ. Người ta không thị trường hóa nền giáo dục. Trẻ em, vẫn như trước kia, đi học không mất tiền. Sách giáo khoa, khi lên lớp mới, đến mượn của nhà trường, kết thúc năm học lại đem trả, không mất tiền. Cả năm học cũng không thấy họ phải đóng góp thứ tiền nào. Các thầy giáo, cô giáo Nga thời còn Liên Xô thế nào, thì nay thế ấy. Đời sống có khó khăn hơn, nhiều tháng không có lương, nhưng không thấy ai chạy vạy, tổ chức dạy thêm kiếm tiền như ở ta. Họ cũng không ra đường bán hàng. Trẻ em Nga cho đến hôm nay vẫn không bị đầu độc bởi tiền bạc. Trước mắt học sinh, người thầy vẫn là biểu hiện của sự tôn kính.
Tôi cho rằng chúng ta đã có một bước lùi nghiêm trọng khi thu học phí đối với học sinh phổ thông. Hãy nhớ đến Bác Hồ. Ngay trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, năm 1967 - 1968, Bác chỉ thị phải nâng cao đời sống giáo viên, học sinh.
Hòa bình rồi, chúng ta lại thụt lùi.
Thật đáng xấu hổ khi một học sinh không được đến trường vì không có tiền học phí.
Nền giáo dục quốc gia không phải là sự mua bán tay đôi giữa phụ huynh học sinh và Nhà nước. Giáo dục là nghĩa vụ của Nhà nước. Đó là việc bắt buộc Nhà nước phải làm. Đó không phải là sự phân phối lợi nhuận. Thu nhập quốc dân trước hết phải dành cho hai việc tối quan trọng là quốc phòng và giáo dục.
Nền giáo dục phổ thông phải là quyền lợi của mọi người
Chúng ta không thể xây dựng một xã hội văn minh trên cơ sở những người không biết chữ. Nhưng trái lại, một xã hội văn minh không phải bao gồm tất cả những người có trình độ đại học.
Phần đông con người trên trái đất không cần sử dụng đến đại số tuyến tính, vi phân, tích phân, không cần biết đầy đủ các phản ứng nguyên tử, những cấu trúc ADN... Nhưng họ cần phải biết chữ, biết quá trình suy nghĩ, biết đến xã hội quanh mình, phải hiểu mặt đất, bầu trời, cây cối, sấm chớp, điện, nước... Nghĩa là họ cần có những kiến thức phổ thông. Một nền giáo dục quá mơ mộng như ở ta là vô lý hết mức. Các nhà cải cách giáo dục muốn con trẻ phải biết tất cả nên đã "đội chiếc mũ vừa to vừa nặng" lên đầu trẻ thơ. Chúng ta đặt ra những chế độ thi cử quá nghiêm ngặt, làm như là để tăng thêm vài ngàn người có trình độ hơi non một chút là xã hội hỏng đến nơi. Chúng ta đặt ra biết bao nhiêu trường chuyên, lớp chọn các cấp để "đào tạo nhân tài". Làm như có được vài cái huy chương vàng trong các cuộc thi quốc tế dành cho học sinh giỏi là đã có "thiên tài" đến nơi. Từ đó mà sinh ra các đội dự tuyển thi quốc tế, quốc gia, tỉnh, thành, quận, huyện mà không nhớ cho rằng kiến thức phổ thông chỉ là kiến thức phổ thông. Nền giáo dục quốc gia không thể tính bằng mấy cái huy chương hay bằng khen quốc tế. Trong khi các nước khác, nhiều khi họ cử đi thi chỉ là học sinh của một trường nào đó mà không hề tổ chức những đội thi để luyện "tay nghề" cả năm như ở ta.
Cần phải đơn giản hơn chương trình học để học sinh tiếp thu một cách tự nhiên, tự thấy mình lớn dần lên sau từng lớp học và thấy những ngày đi học là những ngày hội của cuộc đời. ở đó không có sự đánh đố giữa ông thầy và học sinh mà ở đó là nơi họ học những điều giản dị của cuộc đời. Làm sao ngoài giờ học ra, trẻ em là trẻ em, vui chơi, ca hát, lao động thích hợp với lứa tuổi của mình. Đừng bắt trẻ em phải gánh nặng nợ đời khi mới 7 tuổi!
Chương trình thi cử phải làm sao để một đứa trẻ học tập bình thường cũng có thể thi được với chương trình học của nó.
Tôi chưa thấy ở một nước nào mà những ngày thi tốt nghiệp phổ thông lại rầm rộ, tốn kém như ở nước ta. Tại sao chúng ta không thể bình thường hơn một công việc xã hội bình thường như thế được? Biết bao nhiêu trò ma mãnh, những vụ bắt phạm quy, những lò luyện thi, những cái "phao"...
Chúng ta cần làm sao tạo ra cho học sinh biết rằng nếu nó đi học đều đặn, nếu nó hiểu nội dung trong chương trình học, nó thuộc những điều thầy cô dạy là khi đi thi nó sẽ chắc chắn đỗ, là kết thúc trọn vẹn quá trình học 9 năm hay 12 năm của mình. Phải tạo cho học sinh niềm tin ở kiến thức nó thu lượm được qua các bài giảng của giáo viên ở trường và niềm tin trong thi cử. Xin nhớ cho, hầu hết học sinh, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, sẽ trở thành những công dân bình thường của xã hội, họ sẽ làm việc nơi đồng ruộng, trong nhà máy, làm việc ở các cửa hàng buôn bán... Họ sẽ lấy vợ, lấy chồng, sinh con. Cũng giống như chúng ta, họ sẽ chẳng còn thường xuyên nhớ đến các bài đã học trong trường phổ thông. Họ sẽ sử dụng những kiến thức bình thường với sự trợ giúp của các dụng cụ lao động được trang bị. Vậy thì có thêm vài ngàn học sinh kém hơn một chút được tốt nghiệp phổ thông đâu có tạo nên cho xã hội điều gì xấu xa mà ta đặt ra biết bao nhiêu thể lệ, quy định trong các kỳ thi đơn giản như vậy. Những hội đồng thi, hội đồng ra bài, duyệt bài, việc chuyển chéo giám thị trường này sang trường khác, tỉnh này sang tỉnh khác... làm cho sự việc đáng đơn giản thành ra phức tạp, những điều tự nhiên thành điều nghiêm trọng, rắc rối, kinh phí giáo dục đã eo hẹp lại phải chi vào việc bất bình thường, cha mẹ học sinh lại phải đóng góp một khoản mà hậu quả của nó là gây khó khăn cho chính con em mình.
Các kỳ thi bao giờ cũng đầy đủ thử thách, khó khăn mà mục đích đâu có phải là để cho thí sinh có cân dai võng lọng gì. Các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học chỉ để cho hàng vạn chàng trai, cô gái mới lớn được bước vào đời có trong tay một tấm bằng tốt nghiệp sau 12 năm học. Tấm bằng đó mới chỉ chứng nhận học có trình độ phổ thông. Muốn học lên, họ còn phải qua nhiều kỳ thi nữa, "rùng rợn" hơn. Đáng buồn thay, sự "rùng rợn" đó lại do chính các nhà quản lý giáo dục của ta định ra! Điều tự nhiên là muốn học lên để trở thành kỹ sư, bác sĩ, cử nhân rồi tiến sĩ của các ngành học thì phải học thật xuất sắc và tự trông cậy vào chính mình.
Tôi đã chứng kiến học sinh phổ thông của ta đi thi và giật mình. Ai cũng một tập bài mẫu, ai cũng thuộc làu làu đáp án các bài. Trước ngày học sinh vào thi, các máy photocopy làm việc hết công suất để bán cái mà học sinh gọi là "phao". Thay vì người ta dạy cho học sinh sự suy nghĩ, phương pháp làm việc, lô-gich của vấn đề thì người ta làm cho hàng trăm ngàn con người thuộc như nhau những bài "mẫu". Một xã hội sẽ ra sao nếu lớp trí thức của nó được đào tạo như vậy?
Đừng dọa nạt trẻ em và lứa tuổi vị thành niên bằng các kỳ thi. Hãy nâng đỡ tinh thần cho chúng nó, tạo cho chúng nó niềm tin ở bản thân mình. Đừng bắt trẻ em phải "luyện thi" ngay từ khi mới chập chững đến trường. Hãy cho chúng được học tập, vui chơi và khám phá cuộc sống theo cách của chúng. Các bậc phụ huynh cũng nên hiểu rằng trường đại học không phải là con đường duy nhất tốt cho cuộc đời. Hãy tùy năng lực của từng đứa trẻ mà hướng chúng con đường bước vào đời tốt nhất. Chỉ khi toàn xã hội có một suy nghĩ đúng đắn thì chúng ta mới mong nâng cao được nền giáo dục và tạo ra một lớp trí thức mới tự tin, đàng hoàng, trung thực và có phẩm giá. Tôi nghĩ, chúng ta nên thay đổi một vài vấn đề lớn trong giáo dục:
- Bãi bỏ chế độ thu học phí đối với học sinh phổ thông các cấp.
- Bãi bỏ việc tổ chức lớp dạy thêm thu tiền ngoài giờ, coi đó là một hình thức bóc lột trẻ em mà nghiêm cấm.
- Giảm chương trình phổ thông.
- Đơn giản các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông các cấp.
- Thi vào đại học nên để các trường tổ chức thi tuyển theo từng trường.
- Cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên để họ có thể sống vì nghề từ thu nhập do lương mà có.
Hãy làm sao cho con người có niềm tin là ngày mai phải tốt hơn hôm nay. Phải để cho người già phải ghen tỵ với trẻ nhỏ vì tuổi thơ của mình không được học như chúng nó bây giờ.
Hoàng Hà (Báo Văn nghệ)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm