Đổi mới giáo dục ĐH theo hướng nào?
Tuy đã có nhiều cố gắng thể hiện tư duy mới, nhưng dự thảo vẫn chưa đưa ra được những ý tưởng khả thi có khả năng tạo nên chuyển biến đột phá làm xoay chuyển tình hình theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước.
Giáo dục là một hệ thống phức tạp, đòi hỏi tiếp cận các vấn đề giáo dục phải có cách nhìn tổng thể. Trước đây đại học của ta được xây dựng theo một mô hình, tuy có nhiều khiếm khuyết và không còn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhưng có logic nội tại của nó.
Thời gian qua ta sửa từng mặt, từng mảng mà không nhằm cả hệ thống, rốt cuộc biến nó thành ra đầu Ngô mình Sở, mà điển hình là nhiều sự lúng túng, lộn xộn trong các vấn đề học vị, chức danh GS, PGS, đại học đại cương, xây dựng các ĐH Quốc gia, ĐH sư phạm... Ưu điểm của dự thảo lần này là đã dựa trên ý thức rằng vì ta là nước đi sau, phải hội nhập để phát triển nên cần định hướng việc đổi mới GDĐH là hiện đại hóa theo xu thế chung của thế giới.
Đây thực chất là một cuộc cải cách toàn diện và sâu rộng từ mục tiêu, đến nội dung, phương pháp và tổ chức, quản lý. Vì vậy, muốn cho cuộc cải cách thành công, phải có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, và phải thực hiện mạnh mẽ, kiên quyết theo những bước đi thích hợp trong một lộ trình thống nhất. Dù thế nào một kế hoạch như thế cũng không thể hi vọng soạn thảo ra trong mấy tháng như ta đã làm, mà cần tính đến một vài năm và hơn nữa, phải do một tổ chức có năng lực nghiên cứu ở tầm chiến lược, một cách chuyên nhiệp, trước khi trình Chính phủ và Quốc hội phê chuẩn.
Trước mắt, để tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ công cuộc cải cách, cần xử lý ngay một số khâu then chốt tác động đến toàn bộ hệ thống ĐH nhưng ở đó lại đang duy trì những kiểu quản lý lạc hậu, từ lâu đã gây nhiều bức xúc trong dân.
Mấy khâu then chốt ấy là:
- Thi cử, đặc biệt là thi tuyển sinh ĐH và cao đẳng. Học thì phải thi nhưng cần đoạn tuyệt với cách thi lạc hậu hiện nay, chuyển hẳn sang cách thi cử và tuyển sinh cho ĐH như ở các nước tiên tiến.
- Đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Thật đáng xấu hổ khi đất nước còn nghèo và lạc hậu mà đã ra đời gần như một công nghiệp với đủ mọi thủ đoạn dối trá, phục vụ việc sản xuất ra các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ dỏm. Không chỉnh đốn tận gốc việc này, mà lại đặt kế hoạch đến 2010 đào tạo 15.000 tiến sĩ thì chắc chắn đất nước sẽ tràn ngập tiến sĩ giấy, không còn chỗ cho khoa học chân chính phát triển.
- Vấn đề các chức vụ GS, PGS. Việc đào tạo TS bừa bãi đi đôi với việc công nhận GS, PGS tùy tiện, vô tội vạ đã đẩy uy tín nền đại học ta xuống thấp chưa từng có. Không cải tổ căn bản công tác này, trả lại cho các ĐH quyền tuyển chọn GS, PGS theo nhu cầu của họ, đồng thời có cơ chế bảo đảm một trình độ tối thiểu cho các chức vụ này, thì tất yếu chất lượng GDĐH sẽ suy giảm không giới hạn.
- Chính sách đối với người thầy, và công tác nghiên cứu khoa học ở ĐH. Các thầy ĐH của ta tuổi trung bình cao, trình độ khoa học nói chung còn thấp, mà đã hàng chục năm không có thói quen cập nhật kiến thức, lại phải dạy hằng tuần 25-30 giờ hay trên nữa, thì lấy đâu giờ và sức lực để nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Điều quá hiển nhiên mà chúng ta cứ cố tình làm ngơ là khi đồng lương chính thức quá thấp thì tất yếu đẻ ra hàng loạt cách làm và hoạt động để tăng thu nhập cho đủ sống, mà sự xoay xở ấy suy cho cùng cũng dựa vào ngân sách nhà nước và túi tiền của nhân dân, chứ đâu có nguồn tài chính nào khác. Hậu quả của cách quản lý thiển cận ấy là đã thúc đẩy GD phát triển theo hướng sai lệch nguy hiểm cho tương lai đất nước. Cho nên, chừng nào còn chế độ lương kỳ quặc này, lương không ra lương, thì sẽ còn nhiều thầy không ra thầy, ĐH không ra ĐH.
- Đổi mới công tác đào tạo giáo viên phổ thông. Rất may, vừa qua cuộc hội thảo về công tác này do Viện Nghiên cứu giáo dục ở TP.HCM tổ chức đã đưa ra được nhiều ý tưởng mới, có thể làm cơ sở cho những giải pháp thỏa đáng sau này.
- Xây dựng mới một ĐH đa ngành hiện đại làm “hoa tiêu” cho cải cách GDĐH. Nhà nước đã từng bỏ ra 300 - 400 triệu đôla cho SEA Games 2003 để tạo một bứt phá về thể thao, chẳng lẽ không dám dành một khoản tiền ngang như thế để xây dựng mới một ĐH thật đàng hoàng, theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tạo ra bứt phá cho GDĐH và khoa học!
Đó là mấy vấn đề cấp bách nhất, cần xử lý trong khi chờ đợi kế hoạch cải cách toàn diện. Đáng tiếc, dự thảo tuy có đề cập đến các vấn đề ấy nhưng còn hời hợt, mặt khác lại quá chú trọng đến các biện pháp cụ thể cải tổ quản lý theo hướng tự do hóa GDĐH mà hiện nay các nước tiên tiến cũng đang còn mò mẫm. Đương nhiên, cải tổ quản lý là một trong các vấn đề then chốt nhất, vì thế phải được nghiên cứu nghiêm túc và phải đặt trong một kế hoạch tổng thể cải cách.
Từ một thực trạng quản lý còn bao cấp quan liêu nặng nề, với những yếu tố tiêu cực mà mọi người đều biết và đến nay chưa được kiểm soát có hiệu quả, nếu chuyển sang một số giải pháp tự do hóa GDĐH thái quá như dự thảo đã đề ra, e rằng có nguy cơ đẩy GDĐH lún sâu thêm nữa vào con đường tiêu cực, con đường tự hoại.
Quản lý phải được phân cấp mạnh mẽ, các ĐH phải được trao quyền tự chủ rộng rãi, xã hội hóa GD theo đúng nghĩa cần được đẩy mạnh, trường tư phải được tạo mọi điều kiện dễ dàng để phát triển, các ĐH lớn nước ngoài cần được chào mời mở chi nhánh ở VN..., đó là những biện pháp có thể và cần làm.
Ngay cả việc vận dụng cơ chế thị trường và một số phương pháp quản lý doanh nghiệp tư nhân vào GDĐH cũng nên được nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm các nước để thực hiện dần. Tuy nhiên điều cần thận trọng cân nhắc kỹ là những giải pháp liên quan đến xu hướng tư thục hóa GDĐH.
Chẳng hạn, hầu hết ĐH tư ở Mỹ (Mỹ là một trong số ít nước phương Tây có nhiều ĐH tư - nhưng cũng chỉ chiếm trên dưới 1/4 tổng số sinh viên) đều là những tổ chức phi lợi nhuận, chứ không phải là trường tư theo kiểu công ty cổ phần vì mục đích lợi nhuận như loại trường tư mà dự thảo đề nghị Nhà nước phải ưu đãi, hỗ trợ.
Dự thảo còn đề ra chủ trương chuyển một số trường công sang hoạt động theo cơ chế tư thục, và nếu tư thục được hiểu như trên thì có khác gì đem bán rẻ tài sản công để kinh doanh.
Ít ra cho đến giờ phút này, chưa có một nước nào trên thế giới, dù là Mỹ, Nhật hay một nước nào khác ở châu Âu lại dám có chủ trương táo bạo biến GDĐH thành một ngành kinh doanh kiếm lời trong nước mình. Mong rằng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Chính phủ nên cân nhắc để có quyết sách đúng đắn, đừng để đục nước béo cò.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu