Năm kiến nghị về phát triển giáo dục
Nhận định: Ở thời điểm hiện nay, rõ ràng là yêu cầu cải cách và đổi mới giáo dục đã trở nên hết sức bức bách đối với cuộc sống và sự phát triển của toàn xã hội. Trong những yêu cầu đó, có những yêu cầu trực tiếp khắc phục những yếu kém của hệ thống giáo dục hiện tại, đồng thời cũng đã xuất hiện các yêu cầu nhìn xa hơn chuẩn bị cho việc đổi mới giáo dục hướng tới một nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức trong thế kỷ 21 mà con đường hội nhập đã khẳng định.
1. Giải pháp nào để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu?
Tốc độ tăng đầu tư ngân sách giáo dục (GD), việc huy động nguồn lực phát triển GD, sự quan tâm của chính quyền địa phương, việc phân bổ ngân sách các địa phương cho GD trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa tương xứng với “quốc sách hàng đầu”.
GD là “quốc sách hàng đầu” còn chưa được nhận thức đầy đủ và thực sự chỉ đạo hành động. GD vẫn được xem như là công việc riêng của ngành GD; chưa tạo ra được sự liên kết, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng xã hội và ngành GD để phát triển sự nghiệp GD; việc kết hợp GD nhà trường với gia đình và xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
2. “Đầu tư cho GD là đầu tư phát triển ” nên hiểu và thể hiện trong thực tiễn như thế nào?
Định hướng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước như thế nào để giải quyết mối tương quan giữa đầu tư cho công bằng xã hội và hiệu quả đầu tư phát triển?
Để đảm bảo công bằng xã hội thì ngân sách Nhà nước cần tập trung cho GD cơ sở: Bao cấp từ mẫu giáo đến hết trình độ phổ cập (nay là THCS), sẽ chỉ cấp học bổng cho con em gia đình nghèo, sẽ tăng học phí đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ). Ngược lại, đầu tư cho GD được hiểu là đầu tư phát triển lại cần chú ý đến hiệu quả đầu tư. Hiệu quả lớn đến GDP khi đầu tư cho những người có khả năng nhiều hơn là cho những người ít có khả năng (đầu tư trọng điểm). Như vậy sẽ có thể dẫn đến sự không công bằng nhưng được lợi về hiệu quả.
Hiện nay, chúng ta bao cấp cho tiểu học, thu học phí một phần cho THCS, xã hội hóa mẫu giáo và vẫn bao cấp phần lớn cho GD ĐH-CĐ. Đầu tư trọng điểm chưa thể hiện rõ. Đầu tư còn mang nặng tính đối phó chưa có định hướng chiến lược.
Vậy, nên chăng định hướng đầu tư như sau: Ngân sách Nhà nước bao cấp cho toàn bộ GD cơ sở từ mẫu giáo đến phổ cập, đầu tư cho các cơ sở GD trọng điểm (các cấp) để tăng hiệu quả; và chỉ bù đắp một phần cho GD ĐH- CĐ nói chung (sẽ phải điều chỉnh chính sách học phí ĐH-CĐ để phù hợp với nhu cầu chất lượng: Cân bằng đầu tư - chất lượng). Chính phủ sẽ quan tâm đầy đủ đến diện chính sách và những vùng còn khó khăn.
3. Xã hội hóa GD, huy động nguồn lực xã hội phát triển GD.
Khi thực hiện vấn đề này, còn vướng mắc ở một số khái niệm cơ bản quyết định tới việc hoạch định chính sách: thương mại hóa; không vụ lợi; hình thức sở hữu trong các trường dân lập; trường dân lập, tư thục có phải là một doanh nghiệp không?
Nên định nghĩa rõ từ thương mại hóa GD. Ví dụ: Mua bằng bán điểm, văn bằng thật - chất lượng giả, tuyển sinh quá chỉ tiêu, quá năng lực... là những biểu hiện thương mại hóa. Thu chi sai nguyên tắc, sử dụng văn bằng chứng chỉ giả lại thuộc lĩnh vực hành chính hoặc luật pháp.
Nên hiểu vụ lợi là như thế nào? Việc huy động nguồn lực xã hội phát triển GD là cần thiết và đúng đắn. Nếu quan niệm đầu tư cho GD không được vụ lợi có cản trở việc huy động không?
Hiện đang tồn tại các loại hình: công lập - bán công - dân lập - tư thục. Bán công về thực chất là một hình thức ngoài công lập nhưng sử dụng cơ sở vật chất của công (sở hữu Nhà nước nhưng lợi ích cá nhân); dân lập (có tổ chức KT-XH đứng tên thành lập - một cách hình thức) thực chất là tư thục của một hay một nhóm người hoặc một số đông dưới dạng cổ phần. Hình thức sở hữu sẽ quyết định chính sách. Vậy nên chăng chỉ dùng: công lập và tư thục?
4. Vấn đề cơ cấu trình độ đào tạo; mối quan hệ giữa dạy nghề và hệ thống GD-ĐT; định hướng cơ cấu trình độ đào tạo chưa rõ ràng nên ảnh hưởng đến quyết sách phát triển hệ thống GD-ĐT!
Lâu nay tồn tại một quan điểm cho rằng chúng ta đào tạo thầy nhiều hơn thợ, cơ cấu nhân lực có hình tam giác ngược (lẽ ra phải xuôi) với những tỉ lệ đề xuất khác nhau, đôi khi rất không hợp lý trong tình hình hiện nay (1-10-40) hoặc (1-4-10) nhưng không có luận cứ đầy đủ.
Khi bước vào thời kỳ phát triển kinh tế tri thức, cấu trúc nhân lực đã thay đổi, cạnh đáy của tam giác đã thu hẹp nhanh. Công nhân áo trắng đã phổ biến. Việc đào tạo công nhân bậc cao và kỹ thuật viên có trình độ cao đẳng chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong hệ thống giáo dục (ví dụ Singapore, Australia).
Vậy, cần xây dựng một hệ thống đào tạo nghề hoàn chỉnh bằng cách tổ chức đào tạo nghề bậc cao (công nhân bậc cao, kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ trình độ cao) có khả năng liên thông với hệ thống CĐ-ĐH. Thay đổi vị trí của Tổng cục Dạy nghề để có thể phát huy tốt hơn nữa vai trò trong mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống GD-ĐT chung.
5. Về quy mô và giải pháp phát triển ĐH-CĐ, giữa chất lượng và quy mô thì nên chọn ưu tiên nào trong 5 năm tới?
Trên thế giới hiện nay, ở những nước phát triển đang chuyển sang nền ĐH đại chúng (>15% số người trong độ tuổi học ĐH-CĐ) để từng bước chuyển sang phổ cập (>50% số người trong độ tuổi học ĐH-CĐ); trong khi chúng ta vẫn ở giai đoạn tinh hoa (khoảng 8%). Khi chuyển từ tinh hoa sang đại chúng sẽ có những thay đổi quan trọng về cấu trúc hệ thống, quan điểm đầu tư từ ngân sách, mức thu học phí, chế độ đối với đội ngũ giáo viên, thiết kế chương trình và học chế... Trong xã hội đã có ý kiến về việc chậm mở rộng quy mô đào tạo ĐH theo hướng đại chúng hóa ĐH ở nước ta so với các nước khác trong khu vực.
Thực tế ở nước ta cho thấy, nước ta về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp. Các nước đặt vấn đề đại chúng hóa ĐH thường chỉ sau khi đã trở thành một nước công nghiệp phát triển hàng chục năm. Ở nước ta, Nghị quyết Trung ương 2 đặt chỉ tiêu sau 5 năm, đến năm 2000 chúng ta tăng quy mô GD ĐH lên 1,5 lần so với năm 1996 và việc tăng quy mô phải gắn liền với việc bảo đảm chất lượng và hiệu quả (tức phải đáp ứng yêu cầu về cơ cấu nhân lực trình độ ĐH theo nhu cầu của KT-XH). Chúng ta đã đạt mức tăng quy mô ĐH năm 2000 so với năm 1996 là 2,22 lần, nhưng chất lượng ĐH rất thấp và cơ cấu ngành nghề tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, thời gian 5 năm tới nên tập trung vào vấn đề chất lượng và điều chỉnh cơ cấu đào tạo ĐH, chưa nên quá thiên về mở rộng quy mô, càng chưa nên nói đến việc “đại chúng hóa” ĐH. Tuy vậy, hiện có các ý kiến đề nghị Trung ương quyết định về 3 tỉ lệ tăng quy mô ĐH-CĐ hàng năm:
- Tăng 5% tuyển mới hàng năm (sẽ đạt 150 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010) như Nghị quyết của Đại hội 9.
- Tăng 5% quy mô hàng năm (sẽ đạt 200 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2010), sẽ đáp ứng yêu cầu quy hoạch mạng lưới các trường ĐH do Chính phủ quyết định.
- Tăng 5% tuyển mới hàng năm trong 5 năm đầu và 7% tuyển mới vào 5 năm sau (cũng sẽ đạt 200 sinh viên /1 vạn dân, gần bằng Thái Lan hiện nay).
(Theo NLĐ)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm