Đứng trước giá vẽ hôm nay

03:02 CH @ Thứ Sáu - 18 Tháng Chín, 2009

Nhìn chung trong lịch sử hội họa, có thời kỳ người ta quan niệm muốn vẽ một bức tranh đẹp phải dùng một kiểu mẫu đẹp. Họa sĩ Zeuxis ở thời cổ Hy Lạp khi muốn vẽ một người đàn bà đẹp đã phải đi tìm gặp hàng trăm người đẹp trong kinh thành để lựa chọn lấy năm người đẹp hơn cả làm kiểu mẫu. Trong năm người đó, họa sĩ lấy ra những vẻ đẹp riêng biệt của mỗi người, mong tạo được một cái đẹp như ý muốn. Không hiểu trong công việc tổng hợp các vẻ đẹp để tìm một cái đẹp lý tưởng, Zeuxis có được thỏa mãn hay không? Nhưng chỉ biết có nhiều người vẽ tranh thời đó cũng nghĩ và làm như vậy. Về sau này, họa sĩ Raphael viết thư cho một người bạn, khi nhớ đến chuyện của Zeuxis, họa sĩ bèn viết đùa người bạn: “Để vẽ một người đàn bà đẹp tôi cần phải gặp nhiều người đẹp với điều kiện là bạn phải cùng đi với tôi để lựa chọn lấy một người đẹp nhất. Nhưng nghĩ lại ở trên đời này đàn bà đẹp thật là hiếm mà người lựa chọn đúng được cái đẹp lại càng hiếm hơn, cho nên tôi tạm dùng người mẫu trong ý tưởng của tôi”.

Có nhiều người đã hỏi: tại sao hội họa bây giờ ít khi vẽ những người đàn bà đẹp? Tôi cũng muốn hỏi: thế nào mới là một người đàn bà đẹp? Và nếu ở đời này đã tìm được một người đẹp trên hết mọi người đẹp, nghĩa là một nhan sắc lý tưởng, hoàn hảo, tuyệt mỹ, thì họa sĩ vẽ cái đó để làm gì? Một bức họa vẽ người đẹp cũng chỉ là một bức họa, đâu có phải chính là người đẹp?

Người họa sĩ không vì sự vật hữu hình mà tạo ra hình thể đường nét màu sắc. Nếu họ có sắp đặt, bố trí hình thể và màu sắc lên bức tranh cũng chỉ với mong muốn người xem tranh có thể thu nhận những cái vô hình mà con mắt không thể trông thấy và cả lý luận của trí óc cũng không thể giải thích. Tất nhiên là trong công việc sáng tác người họa sĩ phải vay mượn ở thế giới hữu hình nhưng cần thiết tối thiểu - và chỉ tối thiểu thôi. Hắn phải biết gạn lọc, tước bỏ những cái vô ích rườm rà; những cái hợp lý đối với cuộc đời nhưng sẽ trở nên phi lý trong bức họa, những cái có giá trị với đạo đức luân lý của con người trong xã hội loài người nhưng lại phạm tới “thuần phong mỹ tục” của thế giới nghệ thuật, những cái được hoan nghênh cổ vũ trong cuộc sống tầm thường nhưng lại bị bản chất của cái đẹp trong hội họa khước từ. Người sáng tác chẳng bao giờ ý niệm một bức họa bắt rễ từ quãng không. Khởi điểm bao giờ cũng phải do sự vật trông thấy hoặc cảm thấy được. Những cái mà người ta thường gọi là trừu tượng không phải là những cái chặt đứt chiếc cầu liên hệ nối liền với thực tế. Nhưng là những cái gì bắt rễ từ trong thực tế để rồi còn vượt xa hơn thực tế và làm giàu cho thực tế. Thiên nhiên, tạo vật chỉ là một tổng hợp mà thực tại là một mảnh nhỏ, người họa sĩ lúc sáng tác cắt rời ra khỏi thiên nhiên. Không phải vì vậy mà nó không còn là một phần của thiên nhiên nữa. Công việc của người họa sĩ cũng không phải là dùng những hình thể, đường nét, màu sắc để diễn dịch một ý nghĩ, một tư tưởng hay một suy luận đã được cân nhắc kỹ càng. Không thể có sự phô trương trí thức nào có thể đạt tới mức của nghệ thuật. Một pho sách giá trị về triết học dù có viết bằng văn vần thì cũng chẳng phải là một bài thơ có giá trị. Nếu mục đích của hội họa là phiên dịch những tư tưởng về triết học sang địa hạt của thị giác, thì hội họa đã làm một công việc thừa và vô ích, chắc chắn nó sẽ thất bại. Trường hợp đó không phải là triết học mà cũng chẳng phải là nghệ thuật.

Một số người sáng tác hội họa đã nhầm lẫn. Họ cho rằng: sao chép lại thiên nhiên sự vật là một điều thấp kém, tầm thường bèn quay sang vẽ những loại tranh “phá thể”, đường nét chưa thành đường nét và hình thể cũng chằng phải là hình thể. Họ chạy theo hình thức diễn tả mới. Của lối vẽ trừu tượng một cách vô ý thức, không quan niệm nổi phần nội dung nào đã đòi hỏi đến hình thức diễn tả đó.


Nếu hội họa không phải để tạo ra một trò giải trí tầm thường, nghĩa là làm công việc giúp vui cho con mắt, thì công việc của nó cũng chẳng phải để làm cho trí óc đã mệt mỏi về những suy luận lại mệt mỏi thêm nữa. Giá trị của nó và sức mạnh của nó là phải gây được sự xúc động và thông cảm, nó phải khuấy động được tới những khu vực sâu kín nhất, những tầng bí ẩn nhất trong tâm hồn con người. Và để đạt được điều đó, chẳng cần trình bày một lý luận nào. Công việc chính yếu và trước hết là nó phải đưa lại cho người thưởng ngoạn những cảm khoái tế nhị hơn hết mọi cảm khoái. Cái cảm khoái đó đến với người xem tranh nhanh chóng, bén nhọn như một tia chớp ngắn. Nó phải tới trước lý trí.

Đứng về phía người thưởng ngoạn, không bao giờ nên hy vọng chỉ dùng con đường suy luận để đi vào tác phẩm. Điều nhầm lẫn nhất là người xem tranh cứ gắng tìm hiểu xem bức tranh này họa sĩ vẽ cái gì? Bức tranh kia gói ghém những tư tưởng cao siêu nào? Có ai đứng trước người đẹp phải suy luận mới nhận ra vẻ đẹp của họ đâu? Nhan sắc là để cho chúng ta chiêm ngưỡng, không phải để cho chúng ta lý luận. Cảm thông với cái đẹp là một cái gì đột nhiên nhận thấy trong một khoảnh khắc nhanh chóng chứ không phái do sự kéo dài của suy luận. Nhưng để có được một khoảnh khắc nhanh chóng đó, phải là công việc của một sự trau dồi, học hỏi lâu dài. Những người thường làm quen với những sinh hoạt hội họa là những người có nhiều may mắn để thu nhận được cái gì thuộc về nghệ thuật và cái gì không phải nghệ thuật.

Công việc tìm hiểu, nghiên cứu và suy luận về một tác phẩm nghệ thuật là công việc cần phải có, nhưng nó thuộc trong phạm vi khác và nó có những mục đích khác hơn là sự thưởng ngoạn. Người làm công việc nghệ thuật tất nhiên là những con người có nhiều thắc mắc, băn khoăn. Nhưng trong lúc hắn sáng tác thì con người khác trong hắn đã thay thế con người suy tư, lý luận.

Sự suy luận của con người phải ngừng lại ở một chỗ nhất định, ở một giới hạn nào đó. Triết học không thể giải thích được tất cả Có lúc phải đến một ngõ cụt của đêm tối. Và lúc đó phải nhờ những nạm hào quang chói lọi của màu sắc nghệ thuật tung ra soi đường. Vai trò của đường nét, hình thể, màu sắc không chỉ đóng khung trong một vai thông dịch hèn mọn cho tư tưởng. Nhiều lúc nó phải vượt trên sự thông thái qua cả biên giới của lý trí. Nó phải tạo ra được những ma lực có khả năng vượt các tác quan để khuấy động tới cái bản thể sâu thẳm nhất của con người. Nó phải quay vào bên trong để nghe ngóng những chuyến động của tâm hồn và nói lên được những điều đó bằng ngôn ngữ của nó. Và chỉ bằng ngôn ngữ của nó thôi. Về phía người họa sĩ, trong lúc đặt mình trước giá vẽ để sáng tác, phải biết chờ đợi.


Có lẽ cái nhầm lẫn lớn nhất của các nhà thẩm mỹ học cổ điển là khi nói về đường nét, màu sắc, bố cục họ đều cho rằng đó là những yếu tố biểu dương một ý nghĩa nhất định không thể dời đổi.

Ngày nay người họa sĩ ngồi trước khung vải trắng không còn suy nghĩ gì cả. Nét bút đầu tiên đặt lên nền vải kéo theo sau nó những nét bút khác vào một cuộc phiêu lưu mà chính người là họa sĩ không thể suy đoán và toan tính từ trước. Cái phần của những áp lực bên trong dưới thể thức của sự cô đọng toát lên nền vải. Đó không phải là một tư tưởng riêng rẽ đã biến thành hành động, cũng chẳng phải là một sự xui khiến của bản năng đơn độc. Màu sắc, đường nét hiện trên bức họa là tất cả những phóng thích của những chứa chấp nuôi sẵn bên trong đã hóa thân thành những giấc mộng. Có thể bảo rằng người nghệ sĩ ngày nay sáng tác trong những cơn mê sảng. Có thể những cảnh tượng hắn ném lên khung vải chỉ gồm toàn những cơn ác mộng; nhưng những điều đó nào phải do hắn hoàn toàn bịa đặt, tưởng tượng. Hắn chỉ thu nhận ở cuộc đời để rồi trả lại cho cuộc đời. Đằng sau hắn, đằng trước hắn và ngay cả bên trong, biết bao nhiêu dây rễ ràng buộc hắn vào cuộc đời. Chính những dây rễ đó quấn chặt vào hắn buộc hắn phải thét lên; đó chỉ là một tiếng “kêu”, nhưng tiếng kêu ấy đã là một ngôn ngữ vì nó có thế gợi ra những bấp bênh của hoàn cảnh, thân phận con người trong xã hội và thiên nhiên câm lặng chẳng hề nghe biết đến những đòi hỏi những khát vọng của con người. Những lời ca, những bức họa linh động và êm dịu nhất họ chẳng phải là những tác phẩm tiềm tàng trong đó những ý nghĩa buồn thảm và chua xót nhất. Nhưng không phải là những nỗi bi thảm đưa con người đến hố sâu của tuyệt vọng, con người sẽ tìm được an ủi ở chính trong những nỗi bi thảm đó. Ngày nay, đứng trước giá vẽ, người họa sĩ sống trong tình trạng của một kẻ “nhập đồng”, hắn “lắng nghe” hình ảnh từ những cõi siêu hình vô thức xa xôi nào đưa tới. Có thể bảo được thân phận hắn cũng gần giống như những sợi dây ăng ten căng ra ở giữa bốn phương trời. Người thưởng ngoạn lúc đứng trước những họa phẩm của hắn đã nhiều lần sững sờ ngơ ngác vì không thể tìm thấy những hình thể quen thuộc; mà chỉ toàn những tảng màu vung vãi, chẳng theo đúng qui luật, trật tự cố hữu đã có sẵn từ ngàn năm. Ở đây là trận cuồng phong hỗn loạn mà trong đó màu sắc đạt tới độ sáng chói gay gắt, hoặc lắng chìm xám ngắt đến độ chỉ gồm toàn bóng tối chập chờn, nứt rạn trong một thể chất sống sượng sần sùi. Người xem tranh bối rối như lạc vào trong một thế trận mê hồn; tiếp theo sự kinh ngạc bối rối là những cơn thịnh nộ nổi lên khép tội, cho đó là một phỉ báng nghệ thuật. Những lời kết án có vẻ thông thái hơn cho rằng hội họa ngày nay là thứ nghệ thuật của sự tình cờ, ngẫu nhiên, nổi loạn và hỗn độn. Sự thực thì hội họa ngày nay quả có dung nạp sự tình cờ nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng là những sự tình cờ đã được lựa chọn. Trong cái vẻ hỗn độn, vô trật tự của bức họa ngày nay, người họa sĩ tuy không khuôn nắn theo cái trật tự cổ kính đã trở thành những ước lệ tầm thường, nhàm chán nhưng tất nhiên đã đặt cho mình một nền nếp, kỷ luật mới.

Người ta còn buộc tội những bức họa ngày nay cổ võ cho những sự phi lý, nó đã tạo thành bởi những tư tưởng nổi loạn vì mất hết niềm tin. Nhưng nếu công bằng mà nhận xét, trong vũ trụ bao la, kẻ đầu tiên tạo ra những điều phi lý chắc chắn không phải là anh chàng họa sĩ hèn mọn. Còn có thể buộc tội cho hắn là đã xa rời thiên nhiên, hành hạ tạo vật bằng những cơn mê loạn điên cuồng. Nhưng đấy cũng là một điều mới lạ. Tác phẩm do hắn tạo ra phải chăng vì thiên nhiên tạo vật, phải chăng để ca tụng loài người? Thật ra chỉ là sự xót thương chính bản thân mình qua cây cỏ, ruộng đồng, qua những làn môi, cặp mắt. Tác phẩm của hắn tựa chiếc vỏ kén óng mượt tơ vàng, chẳng phải dành cho nàng con gái may thành bộ cánh mỹ miều nhưng chính là để bao bọc che chở hắn khỏi trần truồng cô quạnh. Hành động của hắn chẳng hề là hành động nổi loạn với mục đích hủy diệt, phá bỏ tất cả những giá trị xứng đáng do con người đã tạo thành.

Khát vọng của người sáng tác bao giờ cũng tiêu biểu cho những phần tứ tiến bộ và sáng suốt nhất trong xã hội con người. Và hành động của hắn tượng trưng và phản ảnh niềm khao khát vượt lên mọi đau khổ; tính chất nổi loạn trong hành động đó thật ra là một sự vươn mình cần thiết của nghệ thuật hôm nay.

Người nghệ sĩ sáng tạo; trước hết tìm đến sự thư thái, sự bình an cho chính mình.

Muốn được vậy, họ phải làm thế nào gỡ mình ra khỏi các khuôn mẫu, các trói buộc của cuộc đời đã chụp vào đã nhào nặn nên cái nhìn của họ. Để tìm được một cái nhìn tự do hơn. Nghĩa là một cái nhìn đã tháo gỡ khỏi ý niệm, khỏi thành kiến, khỏi ấn tượng, khỏi mọi quen thuộc.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phái đẹp qua hội họa

    08/03/2020Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp hình thể và vị trí thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng cùng thiên chức của người phụ nữ đã được đề cao và khai thác đến đỉnh điểm, để từ đó khẳng định và chứng minh một chân lý: Không có phụ nữ, không có nhân loại và cũng không thể có nền văn hoá – văn minh trên trái đất...
  • Dễ và khó

    17/03/2019Lê Thiết CươngĐể vẽ sơn mài thì phải hiểu chất liệu đặc biệt này. Từ cấu tạo của vóc, đặc tính của vàng bạc quỳ, các loại son, cánh gián, then v.v… Để vẽ lụa, làm gốm, vẽ sơn dầu cũng vậy. Từ chỗ hiểu chất liệu, kỹ thuật thể hiện đến chỗ thuần thục là cả một quá trình. Bất kể chất liệu nào của hội họa giá vẽ cũng vậy. Còn nghệ thuật mới (nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art…) thì sao?
  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20

    31/10/2013H.L. (theo The Times)Pablo Picasso, danh họa người Tây Ban Nha, đứng đầu top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times, Anh, công bố. Cuộc bình chọn thu hút sự tham gia của 1,4 triệu người.
  • Kỹ tác đặc biệt: Nghệ thuật

    08/09/2009Hoành SơnCon người xưa run rẩy bước trước thiên nhiên rộng lớn lao, kỳ bí và hùng mạnh. Nhưng nó không chỉ thụ động và chịu khuất phục suông. Chẳng những uốn mình theo thiên nhiên để ứng phó với mỗi hoàn cảnh như các sinh vật khác, nó còn dám tác động vào thiên nhiên để biến cải nó cho phù hợp với nhu cầu và cách sống của mình... Rồi vào những thế kỷ gần đây, khám phá thiên nhiên bằng khoa học và chế ngự nó bằng kỹ thuật được rồi, con người thực sự cảm thấy mình là ông chủ của nó thay vì như xưa, coi nó là ông chủ của mình khi đồng hoá sấm sét và núi cao, biển rộng với thần thánh.
  • Họa sĩ - vĩ đại và mong manh

    17/08/2009Nguyên HưngĐó là một họa sĩ bậc thầy! Đó là một đỉnh Thái Sơn trong hội hoạ. Người ta vẫn hay nói về một vài họa sĩ như thế. Phải chăng trong hội họa có những đỉnh cao, đỉnh thấp? Và, cách đặt vấn đề như thế phỏng có lợi ích gì không?
  • Xem lại những bức tranh thiếu nữ của Dương Bích Liên

    27/07/2009Trịnh ChuDương Bích Liên không những thể hiện được tâm hồn mà còn vẽ được cái duyên của người phụ nữ - là cái khó nhất, mơ hồ nhất. Các cô gái trong tranh Dương Bích Liên đẹp, nữ tính đúng nghĩa, dịu dàng, thùy mị, đằm thắm… và rất Việt Nam. Tranh ông thường quan tâm đặc tả chi tiết (chủ yếu là ánh mắt).
  • Vẻ đẹp người phụ nữ trong mắt các nghệ sĩ

    17/06/2009Chương trình triển lãm mỹ thuật, hội họa và thủ pháp nghệ thuật với chủ đề “Hòa quyện” đã nhận được sự ủng hộ và góp sức của những nghệ sĩ tên tuổi như: họa sĩ Nguyễn Thân, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Trần Huy Hoan, nhiếp ảnh gia - họa sĩ Huỳnh Ngọc Dân, họa sĩ Văn Y, nhà thiết kế - họa sĩ Ngô Thái Uyên…
  • 100 năm hội họa trừu tượng

    14/04/2009Văn NgọcMột trong những bước ngoặt quan trọng của hội hoạ phương Tây vào những năm đầu của thế kỷ XX, là sự xuất hiện của những tác phẩm hội hoạ trừu tượng đầu tiên của : Picabia, Caoutchouc (1909), Kandinsky, Aquarelle abstraite (1910) ; Mondrian, Malevitch, Léger, Kupka, Magnelli (1911-1920), khẳng định sự tồn tại độc lập của chức năng thẩm mỹ đối với các chức năng khác của hội hoạ, như : chức năng thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật cái đẹp của thiên nhiên và hiện thực cuộc sống của con người, dưới các góc cạnh lịch sử, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v.
  • Hiện tại và hiện đại

    02/12/2008Trần DuyMột nền hội họa hiện đại là một nền hội họa thuật tả những chuyển động của xã hội trong cuộc sống đang diễn biến tích cực về sự thay đổi trong sản xuất, trong tư duy của con người để tồn tại ở xã hội ấy. Tất nhiên ở thời đại nào đều có ngôn ngữ riêng của thời đại ấy.
  • Tính thời đại trong nghệ thuật

    11/11/2008Trần DuyMột trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy. Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.
  • Hội họa của nỗi u hoài

    11/11/2008Diên VỹHọa sĩ Thái Tuấn, một gương mặt lớn của hội họa Sài Gòn, đã ra đi vĩnh viễn ngày 26/09 vừa qua trong căn nhà nhỏ ông đã sống và vẽ từ khi rời Hà Nội vào Nam năm 1954.
  • Ghi chú về nghệ thuật

    25/10/2008Nguyễn QuânTâm trí tôi như một vùng đồi núi hoang vắng rộng rãi nhưng cũng chật hẹp vì không có cơ cấu hạ tầng của xã hội hiện đại. Sự học hành của tôi không cho phép mở những con đường lớn vào khoa học. Tuy vậy tôi cũng đã lần mò ở mọi ngõ ngách của các lĩnh vực và các ngành khoa học qua những cuốn sách dày, mỏng, Đông, Tây, cứ ngẫu nhiên rơi xuống tay mình...
  • xem toàn bộ