Xem lại những bức tranh thiếu nữ của Dương Bích Liên
Xưa nay người ta vẫn thường ca tụng: chưa có ai vẽ thiếu nữ lại mơ mộng, điệu đàng như Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân. Phải thừa nhận Tô Ngọc Vân tài hoa, mẫu mực, rất điêu luyện trong sử dụng màu trắng: vẽ được cái nhung, cái tuyết của tà áo trắng cùng những đường cong uốn lượn sáng lòa sắc màu người thiếu nữ. Thế nhưng rất tiếc, cái đẹp của Tô Ngọc Vân là cái đẹp điệu đàng, kiểu cách. Một cái đẹp làm dáng, ngoại hình, lãnh đạm với người xem. Ngược lại, Dương Bích Liên không những thể hiện được tâm hồn mà còn vẽ được cái duyên của người phụ nữ - là cái khó nhất, mơ hồ nhất. Các cô gái trong tranh Dương Bích Liên đẹp, nữ tính đúng nghĩa, dịu dàng, thùy mị, đằm thắm… và rất Việt Nam. Tranh ông thường quan tâm đặc tả chi tiết (chủ yếu là ánh mắt).
Nằm trong nhóm “tứ kiệt” thứ hai của nền mỹ thuật Việt Nam thập niên 70, 80 thế kỷ XX: Sáng (Nguyễn Sáng) - Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm) - Liên (Dương Bích Liên) - Phái (Bùi Xuân Phái), Dương Bích Liên là một tài năng đặc biệt. Nghệ thuật của ông chắt lọc, tinh tế, nhất quán trong bút pháp tả thực những mộng mơ, bay bổng. Tranh có hồn, có suy tư sâu lắng, đầy trăn trở và khát vọng hướng tới một vẻ đẹp chân chính. Dương Bích Liên là một nghệ sĩ tài năng, đa dạng, uyên bác, có đời sống nội tâm phong phú và là một trong những họa sĩ hàng đầu của hội họa Việt Nam hiện đại được lịch sử vinh danh.
Ông sinh ngày 17 tháng 7 năm 1924, tại Hà Nội, trong một gia đình trí thức quan lại giàu có Những tưởng rồi đây Dương Bích Liên sẽ theo con đường quan nghiệp. Nào ngờ, tiềm ẩn bên trong tâm hồn cậu ấm là một tình yêu nghệ thuật cháy bỏng, như thể đó là hơi thở, là máu thịt của cậu, để rồi năm 1944, cậu thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XVIII (1944-1945). Và từ đó chúng ta có Dương Bích Liên - một con người có tâm hồn nhiều trăn trở và rung động tinh tế, trữ tình, khi đậm đà duyên dáng, lúc âm vang sâu thẳm…
Chân dung - Sơn dầu
Để làm nên tên tuổi nghệ thuật Dương Bích Liên phải kể đến những tác phẩm nổi tiếng như: Chiều vàng - sơn mài, diễn tả một phong cảnh buổi chiều với những ánh nắng vàng lộng lẫy. Cảnh vật như được dát vàng dưới nét cọ Dương Bích Liên; Hồ Chủ tịch qua suối - sơn mài, giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1980. Hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Đi học đêm - sơn dầu, Mùa gặt - sơn mài; Hào- sơn dầu;… Nhưng thực ra ở lĩnh vực chân dung thiếu nữ mới là sở trường của Dương Bích Liên. Bởi trên hết và trước hết, Dương Bích Liên là mẫu nghệ sĩ thuần túy cho vẻ đẹp trinh nguyên, trong sáng.
Qua nét cọ của ông, người ta thấy hồn vía và cốt cách người phụ nữ Việt Nam - cái mà không phải họa sĩ nào cũng thể hiện được. Thiếu nữ trong tranh Dương Bích Liên không có vẻ sắc sảo, lộng lẫy, kiêu sa nhưng đều có tố chất riêng: không khoe khoang và khoe sắc. Vì cái sắc đã ở trong sự kiêu kỳ, kín đáo bao nhiêu thì đẹp bấy nhiêu! Điều đó thể hiện cách thế của ông trong việc phản ánh cái đẹp qua lăng kính của người nghệ sĩ trí thức: không thích cái đẹp rực rỡ, bên ngoài mà quí cái duyên lặng thầm bên trong. Bức Tuyết Mai - sơn dầu, nền nã với gam màu trầm sáng, rất cổ điển mà cũng thật hiện đại. Bố cục thoải mái, dễ chịu. Nổi bật lên là hình ảnh người thiếu nữ với vẻ đẹp tự nhiên, bình dị, thanh nhã, kín đáo, không kiểu cách. Đôi mắt to, đen thoáng chút ưu tư dịu dàng. Bàn tay thơ mộng, mềm như dải lụa dài, vời vợi, chất chứa bao nỗi niềm. Bức tranh gây một ấn tượng mạnh mẽ và lắng đọng.
Tuyết mai - Sơn dầu
Nghệ thuật Dương Bích Liên sang trọng, ám ảnh, đậm chất trữ tình của cái tôi uyên bác, tài hoa. Ông dám xả thân cho nghệ thuật với một ý chí khác biệt, siêu thường, một tinh thần bất tuân phục cái vây hãm, ức chế của ngoại cảnh. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận một lối sống cô độc, lập dị, khác đời Dương Bích Liên là mẫu nghệ sĩ điển hình đó: “Đời không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu đời, vì thế nên tôi xin thu mình nhớ lại” là cách mà Dương Bích Liên chọn để bước qua những hơn thiệt, thị phi, ngộ nhận. Thay vì lập ngôn với đời, ông im lặng, chọn tiếng nói của hình khối và màu sắc để xoa dịu trái tim đau nghệ sĩ. Nhưng hình và sắc cũng không cứu nổi Dương Bích Liên thoát khỏi nghiệp của một nghệ sĩ cô đơn, như cô đơn vốn là cội nguồn của mọi sáng tạo vậy!
Mùa thu và thiếu nữ - Sơn mài
Ở bức Mùa thu và thiếu nữ - sơn mài, màu sắc giỏi, đặt màu tím trên màu vàng làm màu vàng phát sáng lên. Ưu điểm của sơn mài là màu vàng và màu đỏ, thậm chí là đỏ sậm thì bức tranh mới quí. Tuy nhiên do không đi vào đặc tả nhân vật nên người xem vẫn cảm thấy bức tranh như chưa hoàn chỉnh.
Thiếu nữ và hoa cúc trắng - bột màu.
Tác phẩm của Dương Bích Liên có hình hài, diện mạo rất riêng. Người nào ra người đó: có duyên mà lại khác nhau. Ông thích chọn người có nội tâm, với cái nhìn thụ quang, thu vào, không lộ thần. Các phụ nữ trong tranh Dương Bích Liên biết nói bằng mắt và nói ngay giá trị của nó: kín đáo, dung dị và trí thức… Sang mà không lòe loẹt. Đẹp mà không lẳng lơ. Bức tranh Thiếu nữ và hoa cúc trắng - bột màu. Với đôi mắt mở to, trong sáng. Hình khối lớn, tạo hình đơn giản nhưng dứt khoát, chững chạc vừa độ. Khi nhìn thấy dịu nhẹ và đáng yêu, làm thỏa mãn mỹ cảm người thưởng ngoạn. Dương Bích Liên cho ta cả cái Đẹp lẫn cái Thiện.
Thiếu phụ - sơn dầu
Thế giới nghệ thuật Dương Bích Liên đầy biểu cảm, tinh tế mà dứt khoát, dữ dội, đầy trăn trở của định mệnh người tài. Bức Thiếu phụ - sơn dầu, đường nét và màu sắc đều đạt. Dương Bích Liên dùng màu nóng nhưng không làm người ta lóa mắt mà chứa đựng một tiếng nói trữ tình sâu thẳm. Người xem thấy được tâm hồn và có sự giao cảm với nhân vật. Đấy chính là tài năng.
Không hiểu do thiếu nguyên liệu hay vì một lý do nào khác mà người thưởng lãm có cảm giác hình như Dương Bích Liên chưa công phu trong việc sử dụng khả năng chất liệu sơn dầu, có nhiều bức rất giống với bột màu hoặc màu nước. Chất liệu sơn dầu chưa điển hình, ít quan tâm đến phông (nền), xử lý nền chưa đẹp, chưa tôn nhân vật lên. Hơn nữa chỉ vẽ chân dung nên không có tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách trong tình huống điển hình: hạnh phúc, khổ đau… Vẽ còn lệ thuộc nhiều vào mẫu, phần sáng tạo ít…
Dĩ vãng- Sơn dầu
Đến với nghệ thuật là để thỏa mãn khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ. Do đó, dù phải ứng xử với nhiều biến cố của thời đại, nhưng trước sau Dương Bích Liên vẫn thuần túy là một nghệ sĩ, một nhân cách lớn đã để lại cho đời những tác phẩm xuất sắc, một sắc vàng lặng lẽ góp phần tôn vinh nền mỹ thuật Việt Nam. Ông qua đời ngày 12 tháng 12 năm 1988. Đến năm 2000, ông được Đảng và Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về mỹ thuật nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của Dương Bích Liên đối với nền nghệ thuật tạo hình nước nhà. Đó là một phần thưởng xứng đáng dành cho người nghệ sĩ tài hoa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh