Ghi chú về nghệ thuật
Tâm trí tôi như một vùng đồi núi hoang vắng rộng rãi nhưng cũng chật hẹp vì không có cơ cấu hạ tầng của xã hội hiện đại. Sự học hành của tôi không cho phép mở những con đường lớn vào khoa học. Tuy vậy tôi cũng đã lần mò ở mọi ngõ ngách của các lĩnh vực và các ngành khoa học qua những cuốn sách dày, mỏng, Đông, Tây, cứ ngẫu nhiên rơi xuống tay mình...
Chỉ hơn một trăm chín chục trang mà Ghi chú về nghệ thuật này cần cho những người dạy học vì kiểu sách giáo khoa về nghệ thuật, trong đó có hội họa, rất hiếm. Nó cũng cần thiết đối với học trò vì học gì đi chăng nữa, nhất là học nghệ thuật thì chính là tự học. Cuốn sách không chỉ dùng cho giới làm nghệ thuật mà ngay cả người muốn hiểu nghệ thuật thì đây có thể là cánh cửa đầu tiên. Có ai lại không yêu thích nghệ thuật? Chả lẽ người ngoài thì hiểu mà những người trong cuộc, những kẻ sáng tạo lại không hiểu công việc mình đang làm. Ghi chú về nghệ thuật giúp người ta hiểu được mình. của họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã gói ghém được tất cả các kiến thức nền, giúp cho người đọc hiểu phần móng của ngôi nhà nghệ thuật được xây thế nào. Lê Thiết Cương |
Không phải theo tinh thần “Trong các quý ông, quý bà, chỉ có một người hiểu tôi, song người đó lại hiểu lầm tôi”, lại càng không có cái kiên nhẫn của trái núi đá: Trân trân nhìn hai con bọ gậy bò trong một cái lọ thủy tinh trong suốt một tuần lễ để thấy chúng chết đi trong chốc lát mà cái lọ nhung nhúc những sinh vật nhỏ bé kia. Cũng không thể làm như một con côn trùng bò ra cái mép lá nhân loại để nhìn ngắm cái vô cùng của vũ trụ.
Thế giới hiện đại thì đầy ắp các nhà lý luận và các nhà văn hóa vĩ đại. Họ mọc ra nhanh và đồ sộ như các tòa nhà cao tầng ở các đô thị. Tiếc rằng đô thị đó quá giống nhau. Tôi cũng không dám làm việc xếp những pho sách của mình đọc thành một bậc thang dài để với tới họ, xây nhà như họ.
Tuy nhiên tôi trình bày những “Ghi chú về nghệ thuật” để khỏi quên đi mất. Tôi nhặt nhạnh những hòn cuội đẹp trong các thung lũng, các triền đồi, các bờ suối của núi rừng tri thức mà tôi đã đi qua với rất nhiều mơ ước và ham thích- xếp chúng thành một món.
Sự nghi ngờ là điều tôi hy vọng ở bạn đọc của tôi.
"Ghi chú về nghệ thuật" của Nguyễn Quân
(Ngọc Bích, báo Thanh Tra)
"Ghi chú về nghệ thuật” là cuốn sách gói ghém các kiến thức nền của ngôi nhà nghệ thuật, hữu ích cho giới làm nghệ thuật, những người muốn hiểu nghệ thuật và những ai yêu thích nghệ thuật. Cuốn sách được họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân viết năm 1981, NXB Mỹ Thuật in lần đầu năm 1990. Tháng 9/2008, NXB Trẻ, Tạp chí Tia sáng, GS. Hoàng Ngọc Hiến và họa sỹ Lê Thiết Cương đã cùng tác giả Nguyễn Quân cho tái bản lần thứ nhất cuốn sách này.
Ngay lời mở sách, Nguyễn Quân đã lý giải cho cái tên "Ghi chú về nghệ thuật": "Tôi nhặt nhạnh những hòn cuội đẹp trong các thung lũng, các triền đồi, các bờ suối của núi rừng tri thức mà tôi đã đi qua với rất nhiều mơ ước và ham thích - xếp chúng thành một món". Tác giả ghi lại những kết luận, những giả thiết, những suy ngẫm về nhiều vấn đề khác nhau trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, đọc cuốn sách, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, sự nhặt nhạnh đó không hề vụn vặt, hỗn độn, ngẫu hứng, mà được Nguyễn Quân sắp xếp dựa trên một tư duy nghiên cứu vừa uyển chuyển vừa dứt khoát. Đó là sự gặp gỡ của tư duy khoa học và tư duy nghệ thuật.
Trong buổi giới thiệu sách tối 26/9 vừa qua, nhà thơ Đỗ Trung Lai nhận định: “Đọc cuốn sách của Nguyễn Quân, tôi thấy được sự thông thái của nhà khoa học và sự tinh tế của người nghệ sỹ. Cuốn sách về nghệ thuật của anh đầy tinh thần khoa học”.
“Ghi chú về nghệ thuật” dày gần 200 trang, nội dung chia làm 13 chương, xoay quanh những vấn đề về nghệ thuật, thẩm mỹ. Chương mở đầu, Nguyễn Quân bàn về những cửa vào nội giới và “vấn đề” hạnh phúc. Tiếp đó là những luận điểm: Nghệ thuật có từ đâu, Bản chất nghệ thuật, Cơ năng xúc cảm và cơ chế đồng cảm, Sáng tạo nghệ thuật và tiềm thức, Khoa học và nghệ thuật, Chất văn học trong nghệ thuật… Cuối cùng, tác giả quay trở lại vấn đề chung nhất: Nội giới của con người. Ông viết: “Có ít nhất năm hình cầu bao bọc con người là: Tình yêu, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, và thiện cảm – xã hội”. Trong đó, tình yêu bắt rễ sâu và trực tiếp nhất từ bản năng sinh học, bản năng sống cơ bản của con người.
Nguyễn Quân vốn được giới nghệ sỹ gọi là “dân Tây học trong sáng tác và phê bình mỹ thuật”. Tư tưởng của ông vừa rất truyền thống, lại mang đậm “tiếng nói của đổi mới” (từ dùng của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng). Trong hội thảo trò chuyện với Nguyễn Quân và giới thiệu cuốn “Ghi chú về nghệ thuật”, Giáo sư Chu Hảo không ngần ngại đặt họa sỹ Nguyễn Quân cùng với nhà thơ Lê Đạt ở hai vị trí đặc biệt nhất trong làng nghệ thuật Việt Nam về sự đổi mới và sáng tạo.
“Ghi chú về nghệ thuật” được viết từ năm 1981 nhưng tới lần tái bản thứ nhất này, những người trẻ vẫn tìm thấy trong lối viết của Nguyễn Quân sự chia sẻ và động viên, bởi nó vẫn còn mang dấu vết của con đường đi tìm chân lý với những hồ nghi nhưng đầy khát vọng và luôn cần sự đồng cảm.
Họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân - Sinh năm 1948 tại Phú Thọ - 1971 Tốt nghiệp Đại học Merseburg Đức - 1980 Giải thưởng Triển lãm Toàn quốc 1980 - 1978-1984 Phó chủ nhiệm khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội - 1984-1989 Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam - 1986-1989 Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, Phó Giám đốc NXB Mỹ thuật, Hà Nội - 1989 Chuyên viên NXB Mỹ Thuật - Có các triển lãm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Vũng Tàu, An Giang, Hồng Kông, Paris, Thụy Sỹ, Singapore…. Tác phẩm được lưu giữ tại các bảo tàng công cộng Hà Nội, Singapore, Fukuoka, Nhật, Ba Lan và trong nhiều sưu tập tư nhân ở châu Á, châu Âu, Úc và Bắc Mỹ. - Đã xuất bản 14 cuốn sách về nghệ thuật và nhiều bài báo in trên các tạp chí trong nước và quốc tế. |
Những ghi chú của Nguyễn Quân
(Ngô Xuân, VieTimes)
Một cuốn sách được tái bản lại sau hơn 20 năm, bìa rất giản dị: không hình minh họa, chỉ độc chữ “Nguyễn Quân” cùng một mũi tên (viết bằng tay) chỉ về dòng chữ khiêm tốn bên trái “ghi chú về nghệ thuật”. Mầu bìa nhờ nhờ cháo lòng, đúng ra giống một tờ giấy trắng để lâu ngày bị vò lại. Ngay cái dụng ý ở bìa này đã cho thấy đích nhắm đến của tác giả đối với độc giả, là chỉ coi đây là những ghi chú, ghi chép, chứ không phải một công trình nghiên cứu hoặc những khảo cứu đồ sộ.
Thế nhưng học giả Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết giới thiệu về cuốn sách này vào năm 1990 lại cho rằng, sự “giả vờ khiêm tốn” này có “âm mưu” của nó: “Ghi chú” không chỉ là một tên gọi khiêm tốn. “Ghi chú” còn là một thể loại miễn cho tác giả điểm lại lịch sử của vấn đề và chú dẫn “nguồn của cứ liệu”. Chuyên gia từng ngành sẽ đánh giá những đóng góp của tác giả Ghi chú về mặt học thuật. Và đắc nhất là câu mào đầu: Một cuốn sách hay đáng giá hơn ngàn lẻ một cuộc tranh cãi tốn sức
Ghi chú về nghệ thuật là cuốn sách đầu tiên trong 14 cuốn sách xuất bản về nghệ thuật của họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân. Cuốn sách này được viết năm 1981, in lần đầu năm 1990. Giống như cuốn tiểu thuyết “Nửa kia của Hitler” của Eric-Emmanuel Schmitt, mỗi người khi đứng trước hai hay nhiều ngã rẽ đều sẽ có đáp số cuộc đời phụ thuộc vào việc chọn ngã rẽ nào cho mình. Không rõ Nguyễn Quân có trở thành một nhà toán học giỏi, một dịch giả thành công hay một thầy giáo dạy ngoại ngữ hay không, nhưng chắc chắn nền phê bình Mỹ thuật Việt Nam sẽ thiếu đi một ngọn cờ “đầu têu” (chữ của nhà thơ Dương Tường dành cho Nguyễn Quân) trong thời buổi khủng hoảng lối đi của Mỹ thuật Việt Nam.
Sinh năm 1948, từng học chuyên ngành toán học và điều khiển học, rồi dịch sách văn học Đức và dạy ngoại ngữ, nhưng cuối cùng nghệ thuật mới là chốn níu kéo bước dừng chân của Nguyễn Quân. Trong buổi giới thiệu lại hai cuốn sách “Ghi chú về nghệ thuật” xuất bản từ năm 1981 và cuốn “10 năm sáng tác” tại Viet Art vừa qua, ông có tâm sự với bạn đọc: Có người nói với tôi, ông có nuối tiếc điều gì vì không được học hành MT đầy đủ không? Tôi trả lời: Không phải là tự khen, nhưng từ cổ chí kim các bậc vĩ nhân đều phải trải qua quá trình tự học. Họa sĩ Picasso không chỉ tự học mà còn “tự bịa” ra một trường phái MT mới thay đổi cách nhìn quen thuộc của cả nền Hội họa. Anh tự học có cái tỉ mẩn riêng, giống như anh đi mót khoai bao giờ cũng cẩn thận và mót được nhiều hơn anh địa chủ. Đó là lợi thế của những người tự học. Có thể nếu được học hành bài bản, tôi sẽ thành công hơn chăng? Nhưng tôi hài lòng với sự tự học để trở thành một Nguyễn Quân như bây giờ.
"Ghi chú về nghệ thuật" là một quyển sách khá mỏng, chưa tới hai trăm trang giấy. Nó cũng như tác giả, không làm những điều đồ sộ nhưng thực sự là đồ sộ. Những ghi chú nghe qua thì đơn giản nhưng hàm lượng tri thức và chiêm nghiệm trong đó đủ để mỗi luận đề có thể phát triển thành một luận án nghiên cứu Mỹ thuật. Những vấn đề …đi thẳng vào bản chất của Nghệ thuật, của những cái gì nằm ở phía bóng đen, chứ không phải phía ánh sáng. Nguyễn Quân hoàn toàn không dùng những tư tưởng của Schopenhauer, Freud hay Hegel làm tựa đề cho những luận điểm của mình, mà ông dùng chính kinh nghiệm, cảm nhận, suy tưởng…trong suốt hàng chục năm cảm nhận, thẩm thấu, trăn trở cùng MT để đưa ra những vấn đề cốt lõi, nguyên ủy của nghệ thuật: Nghệ thuật có từ đâu; Bản chất nghệ thuật; Những cửa vào nội gới và “vấn đề” hạnh phúc; Sáng tạo nghệ thuật và tiềm thức; cơ chế tự chỉnh – phương pháp hộp đen và sáng tạo nghệ thuật…
Nguyễn Quân cho rằng, con người có thể hiểu được tất cả mọi thứ nhưng không thể hiểu được hết mình. Nghệ thuật dấn thân nhất cũng là nghệ thuật nhìn vào trong, khám phá nội giới chứ không phải bên ngoài, đặc biệt là khu vực “không thể hiểu” chỉ có trong mỹ thuật. Chính xác đó là khu vực không thể “tri giác” chứ không phải là chưa hiểuchưa phải để hiểu. Nó có lẽ giống như “cõi cực lạc”, “cõi không”, “cõi tĩnh lặng”, cõi phi trần thế mà Phật giáo hay nói tới, có điều nó nằm ngayVà chỉ thấy nó trong ba trưởng hợp vô cùng hi hữu ở một đời người là cực điểm trong con người, ngay trong mỗi mặt cắt thực tại và dính liền với mỗi chúng ta. Tiếc rằng chỉ thấy nó trong ba trường hợp vô cùng hi hữu ở một đời người là cực điểm của tình yêu, trong sáng tại nghệ thuật thực sự và phút lóa sáng không giải thích nổi của phát minh khoa học. Đây chính là sự bí ẩn làm cho ta luôn cảm thấy suy cảm của ta bị dẫn dắt, bị tác động, và hướng về một cái gì đó. Sáng tác nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật luôn hấp dẫn, luôn bí ẩn vì nó đụng tới một phần của thế giới tầng thượng này.
Có lẽ thấm thía được phần nào cái vô nghĩa của công việc phê bình mỹ thuật, ông đã trích một câu “ngớ ngẩn nhưng vô cùng sâu sắc” của họa sĩ G.Rouault về phê bình mỹ thuật: “Phê bình dùng từ ngữ nên nó ngay từ đầu đã không phù hợp với tác phẩm nghệ thuật rồi”.
Vậy, tất cả những gì Nguyễn Quân muốn đến với bạn đọc, một lần nữa qua cuốn sách được tái bản này chỉ đơn thuần là một ĐƯỜNG CHỈ DẪN. Nó có thể là cánh cửa đầu tiên đến với nghệ thuật, nhưng không phải là cuốn cẩm nang, cũng không là chìa khóa mở chiếc rương kho báu.
Sự nghi ngờ là điều Nguyễn Quân muốn ở bạn đọc của ông.
Nguyễn Quân - người 'Việt hóa' nghệ thuật siêu thực
(Gia đình và Xã hội)
Con đường của họa sĩ đi từ biểu hiện đến siêu thực, và đọng lại ở phong cách “siêu thực phương Đông", phản chiếu bí ẩn của tâm thức người Việt... Ông vốn là một cử nhân Toán tu nghiệp, đã làm nhiều nghề, rồi vẽ tranh và theo nghiệp mỹ thuật.
Thời bao cấp, Nguyễn Quân vẫn lần lượt cho ra đời Nghệ thuật tạo hình Việt Nam, Raphaelo, Tiếng nói của hình và sắc, Ghi chú về nghệ thuật, những cuốn sách không giấu giếm niềm háo hức say mê đối với thứ nghệ thuật và thẩm mỹ đa chiều.
Con đường ở tự người đi
Ông là người luôn có một đám đông "nhiều màu sắc" vây quanh, nhưng cũng luôn lạc lõng ngay giữa đám đông.
Nguyễn Quân trước hết là một người tự học. Không hẳn để khắc phục những thiếu thốn về trường lớp, trang bị cơ sở, người hướng đạo. Học như một cách khắc phục những ngộ nhận áp đặt tất yếu của môi trường, như một con đường tìm tòi khai lộ phẩm chất bản thân, đáp trả những khao khát, ẩn ức của đời người và tư tưởng, để vượt khỏi những rào cản của tồn tại cá nhân vừa độc nhất vừa đơn lẻ, hữu hạn. Như một cao vọng.
Những sách nghiên cứu của ông không đơn thuần tổng kết sơ đồ hóa khô khan kiến thức áp đặt từ bên ngoài, mà mở ra một chu trình sống thực sự của bản thân người nghiên cứu, kể từ khi bắt đầu va chạm, tiếp nhận và đắm mình trong thế giới nghệ thuật, dù phương Tây hay truyền thống.
Bóng dáng của những ngỡ ngàng rung động hay ngây ngất choáng ngợp, và quan trọng hơn là một tâm thế chứng nghiệm, tâm thế người trong cuộc với những ngả đường, hiện tượng, cả thiên tài... của ngành mỹ thuật, là tính cách độc đáo trong nghiên cứu của Nguyễn Quân.
Lịch sử và những vấn đề bản chất của sáng tạo mỹ thuật cũng trùng hợp vẫn con đường tự khai phá những nội lực bản thân của ông. Nói cách khác, lịch sử nghệ thuật trọn vẹn là lịch sử trong cảm nhận chứng giải của một cái tôi mạnh mẽ, nhạy cảm, đầy phát hiện và "theo chiều ngược lại”.
Những người trẻ tìm thấy trong lối viết của ông điều gần giống như chia sẻ và động viên bởi nó còn mang dấu vết của con đường đi tìm chân lý với những hồ nghi nhưng đầy khát vọng và luôn cần đồng cảm.
Bên kia những rào cản
Nguyễn Quân thuộc số những họa sĩ bị "mổ xẻ" nhiều nhất, giới thẩm bình nghệ thuật xem sáng tác của ông như phương án dẫn dắt cho một thế hệ người vẽ tự "đổi mới”, tìm đến đường biên của nghệ thuật hiện đại thế giới. Con đường của Nguyễn Quân từ biểu hiện đến siêu thực và đọng lại ở một phong cách "siêu thực phương Đông".
Mảng màu êm và trầm, hình nét chuyển động nhuần nhị êm ả trong thời kỳ đầu. Biểu hiện tạo ra thứ nhịp điệu hài hòa duy cảm thuần Việt, tinh thần này lặp lại khá rõ nét trong một số học trò của ông. Giai đoạn tranh Bàn thờ có nude, tranh về Cái chết như cách gọi của Nguyễn Quân, được vẽ hoàn toàn dưới ánh sáng hiện đại với sơn dầu hoàn hảo. Những mảnh nhỏ của thế giới tự nhiên, hoa trái, gốc cây, đá, bụi mưa... cho đến những phần cơ thể con người được đặt vào trong một tiểu vũ trụ riêng, mang cùng một linh hồn, trong cùng một đốn ngộ, một satna như cách gọi của Phật.
Một sớm mai đêm chưa tàn còn đẫm sương giá và bóng đen tuyệt không xóa sổ mọi cảnh vật, có tiếng chuông sớm bập bềnh, len lỏi, thoắt ẩn hiện giữa thinh không tinh khiết. Tiếng chuông vừa rành rọt vừa đứt quãng va đập vào tâm trí người thức sớm, làm hiện lên rõ mồn một những không gian bị khuất lấp dưới thứ ánh sáng lạ lùng của tiềm thức. Có thể hội hoạ của Nguyễn Quân cũng đem đến cho người xem cảm giác tương tự.
Họa sĩ vẽ những hiện thực không được nhìn thấy bằng mắt. Đôi khi là vẽ một lối cảm nghĩ, điều này khiến ông gần hơn với xu hướng của các họa sĩ trẻ hiện tại, mặc dầu vẫn thong thả tự chiêm ngưỡng trong form hình và màu viên mãn.
Nguyễn Quân nói, ông thích Chùa Dâu hay Tú Xương chẳng kém gì Van Gogh hay Klee... không phải một sự chia đều thiện cảm hay thích nghi để tồn tại. Trong khoảng cách thực ra còn rất xa giữa cảm thức nghệ thuật của phương Đông và Tây như từng nhận thấy, ông đứng ở vị trí của trái tim duy cảm, duy mỹ và tri thức năng động. Những ràng buộc riêng tư với Nguyễn Quân có thể là động lực trực tiếp và sâu xa của sáng tạo. Khi con ốm, ông sẵn lòng vứt hết "nghệ thuật phù phiếm" nếu có thể đổi lấy yên lành cho con, nhưng cũng chính tình phụ tử như một bí mật sinh tồn đẩy ông đứng lên bên giá vẽ.
Nghệ thuật cuối cùng là con đường trở về với bản thể cá nhân, sự tồn tại riêng tư tự do nhất. Vượt lên trên những rào cản của định kiến, trì trệ, tầm thường và giả tạo, con người sống phần tinh túy và rộng lớn dành cho nghệ thuật.
Hà Nội những năm tháng này vẫn còn những căn gác nhỏ ẩn dật ngoắt nghéo sau cái ồn ào hỗn độn. Nhiều gió. Và bụi của kỷ niệm. Một giá sách chất chồng cũ - mới, lặng lẽ lưu giữ gia tài tinh thần của những thế hệ. Một cuốn sách có lời ghi tặng của tác giả, Nguyễn Quân, từ cách nay mười lăm năm. Như một sự hoang đường...
Cuối thu, đến độ, ngoảnh nhìn
(Trịnh Cẩm Nhi, Lao Động Cuối tuần)
Hơn một phần tư thế kỷ của một đời người luôn sáng tạo cật lực cũng là dài lâu, đành rằng với lịch sử chỉ là thoáng chốc. Nhưng thường thì trong thoáng chốc đó của thời gian, nghệ thuật, với dòng chảy bất tận của nó, vẫn có được những mùa màng, hoa trái đủ nuôi dưỡng bền lâu cho phần hồn của mọi người.
Cái lạnh lùng của đời sống hàng ngày tạo cho người ta một thói quen khi gặp gỡ với những giá trị văn hoá như một lẽ đương nhiên từ trên trời rơi xuống, ít ai đoái hoài đến nỗi nhọc nhằn của thân phận người nghệ sĩ đã đánh cược cả cuộc đời mình cho một giá trị của nghệ thuật. Tôi cứ nghĩ như thế khi cầm trên tay hai cuốn sách mới của hoạ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân vừa "ra lò" vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 60 của ông.
Tuổi 60 thường là dịp dừng chân để ngoảnh nhìn lại những bộn bề của một chặng đường nghệ thuật. Cũng là dịp người nghệ sĩ tìm câu trả lời "Tôi là ai?" trước đồng loại. Với hai cuốn sách, một là những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc trong 10 năm vừa rồi được chọn lọc và tình bày kỹ càng, sang trọng của NXB Mỹ thuật. Và cuốn thứ hai viết từ năm 1981 xuất bản lần đầu năm 1990, đến năm nay tái bản lần thứ 2 với NXB Trẻ, là tập hợp những suy ngẫm của ông về lao động nghệ thuật có tên "Ghi chú về nghệ thuật".
Tượng gỗ Chim và Cá, Nguyễn Quân |
Tôi nghĩ, ông có quyền yên tâm về thành quả của mình, về câu hỏi lớn của ông với công chúng, với đồng nghiệp. Ông là Nguyễn Quân, người mà như nhà thơ Dương Tường đã định nghĩa: "Kẻ đầu têu" trong làng hoạ đương đại VN. Ơ cuốn "Ghi chú về nghệ thuật", dù là được viết từ hơn một phần tư thế kỷ rồi, đến nay những giải thích và tự sự của ông vẫn rất thời sự với những vấn đề của hội hoạ của quan niệm thẩm mỹ ngày hôm nay. Không lớn tiếng, không ồn ào áp đặt nhưng lại đụng chạm được đến nhiều tầng của tâm lý sáng tạo nghệ thuật cũng như cách tiếp cận để thưởng thức nghệ thuật.
Nguyễn Quân, có lẽ là một trong những người dung nạp được những thành quả của phân tâm học, cùng những tư tưởng triết lý phương Đông, rồi đánh riêng cho mình một chìa khoá để mở những cánh cửa thông thoáng, giản dị giữa nội giới và ngoại giới, khéo léo né tránh được bóng dáng khổng lồ của triết học lẫn những gì cực đoan của tính dục trong phân tâm học, một khoa học mà cho đến nay, lĩnh vực nào của xã hội cũng muốn lợi dụng.
Ông không lạ hoá những hành vi ứng xử trong nghệ thuật của cả người sáng tác lẫn người thưởng ngoạn, mà ông trao cho họ chiếc chìa khoá của ông để mỗi người tự mở cho mình một khoảng trời riêng. Và ở đó, mọi thứ đều sẽ dễ hiểu hơn, dễ cảm hơn đúng như ông đã viết trong lời mở sách: "... Tôi nhặt nhạnh những hòn cuội đẹp trong các thung lũng, các triền đồi, các bờ suối của núi rừng tri thức mà tôi đã đi qua với rất nhiều mơ ước và ham thích - xếp chúng thành một món...". Chỉ riêng ý niệm này thôi, theo tôi, từ những bạn đồng nghiệp đến những người đầu tiên tiếp xúc với nghệ thuật đều phải cảm ơn ông.
Trở lại với cuốn sách tranh, tượng trong 10 năm vừa qua của ông càng thấy được rõ hơn quan niệm thẩm mỹ được ông nhất quán từ những tác phẩm đầu tiên đến nay. Nguyễn Quân sáng tạo ra, hoặc nói một cách khác, cụ thể hoá những hiện thực được đồng hiện từ ký ức đến những giấc mơ xa vời nhất.
Ở đó, chất chứa nỗi khát khao của ông đến một đời sống trần tục, nhưng cũng đầy thánh thiện. Hình như chính tâm khảm ông như vậy nên trong tác phẩm hội hoạ của ông luôn bề bộn chi tiết, đôi khi nó như nhắc riêng cho người xem một kỷ niệm buồn, hay một nỗi thèm muốn bạo dạn - chợt đến. Đó chính là thành công của ông trong hội hoạ.
Khác với hội hoạ, điêu khắc Nguyễn Quân lại tinh giản đến mộc mạc, dường như ông đã trút bỏ đi, không đắn đo sự phân thân của ông khi ngập chìm trong vô vàn lý giải trước khi ông đặt hình và sắc lên toan. Ông sang một vũ trụ khác bình tĩnh hơn, đằm thắm hơn. Xem những bức tượng chân dung của ông đơn giản khúc triết, hoặc những bức tượng vườn tinh tế, điệu đà, tôi thầm nghĩ, chắc mọi người cũng sẽ nghĩ như tôi rằng, Nguyễn Quân sẽ nghỉ vẽ một thời gian để làm tượng thì chắc chắn sẽ nhiều bất ngờ.
Cuối thu - đến độ - ngoảnh nhìn, để rồi lại đến một hành trình mới và công chúng thưởng ngoạn cùng bè bạn đồng nghiệp đang chờ đón ở ông với rất rất nhiều yêu mến.
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Cố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TPhật giáo trong thời đại chúng ta
14/11/2018Nhiều tác giảNhững quy luật Tâm lý về Sự Tiến Hóa của các Dân tộc
28/05/2017Gustave Le BonDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Khi những nỗi sợ hãi không còn... đáng sợ
16/10/2008Hương GiangNền đạo đức Tin Lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
29/09/2008Minh Bùi tổng hợpChủ nghĩa duy vật nhân văn
08/09/2008TS. Hồ Bá ThâmWikinomics: Sự cộng tác đại chúng đã làm thay đổi thế giới như thế nào?
27/08/2008Anthony D. Williams. Don TapscottChiến tranh tiền tệ
27/06/2008Minh Bùi (sưu tầm)