100 năm hội họa trừu tượng
Một trong những bước ngoặt quan trọng của hội hoạ phương Tây vào những năm đầu của thế kỷ XX, là sự xuất hiện của những tác phẩm hội hoạ trừu tượng đầu tiên của : Picabia, Caoutchouc (1909), Kandinsky, Aquarelle abstraite (1910) ; Mondrian, Malevitch, Léger, Kupka, Magnelli (1911-1920), khẳng định sự tồn tại độc lập của chức năng thẩm mỹ đối với các chức năng khác của hội hoạ, như : chức năng thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật cái đẹp của thiên nhiên và hiện thực cuộc sống của con người, dưới các góc cạnh lịch sử, xã hội, đạo đức, tôn giáo, v.v.
Mặt khác, sự ra đời của hội hoạ trừu tượng còn khẳng định bản chất tự do của nghệ thuật, đi đôi với ý thức về vai trò quan trọng của chủ thể sáng tạo là người hoạ sĩ. Nghệ thuật không còn phụ thuộc vào những động cơ chính trị, tôn giáo, hay đạo đức nữa, mà trở thành một hoạt động thuần tuý thẩm mỹ, với những tiêu chuẩn, quy ước, không vượt ra ngoài phạm vi văn hoá.
Cái đẹp trừu tượng
Người ta còn nhớ giai thoại kể rằng Kandinsky đã là người đầu tiên phát hiện ra cái đẹp trừu tượng, một lần khi nhìn nghiêng chính một bức tranh tượng hình của mình dựng ở dưới đất, và một lần trên bức tranh “Những đống rơm” của Monet, bị ánh sáng làm cho biến mất hết mọi yếu tố hiện thực, chỉ còn nhìn thấy những mảng màu và ánh sáng. Sự kiện này đã xảy ra vào năm 1885 ở Moskova, tại một cuộc triển lãm tranh của trường phái ấn tượng Pháp.
Kandinsky, Première aquarelle abstraite, 1910
Thực ra, những tín hiệu đầu tiên của cái đẹp trừu tượng đã xuất hiện ngay từ cuối thế kỷ XIX, khi người ta bắt đầu cảm thụ được cái đẹp của sự cách điệu hóa, của nhịp điệu, như trên các bức họa của: Van Gogh, Les champs de blé aux corbeaux, hoặc Route aux cyprès et à l’étoile, 1890; Cézanne, La Montagne Sainte Victoire,1904, và Les jardins des Lauves,1906, Munch, Le Cri, 1893) Monet, Les Nymphéas,1910 ...; hay cái đẹp xuất thần, tự thân, của những mảng màu được bố trí một cách khác thường trên các tác phẩm của Gauguin, Le Cheval blanc, 1898, và Trois Tahitiennes sur fond jaune, 1899; hay của các họa sĩ nhóm dã thú: Sérusier, Le Talisman, 1888; Vuillard, Chân dung tự họa, 1892, v.v.
Chắc chắn không phải là một sự tình cờ, mà cái đẹp trừu tượng đã manh nha xuất hiện gần như cùng một lúc trong nhiều phong cách, nhiều trường phái, vào những năm đầu của thế kỷ XX, từ tượng trưng, ấn tượng, biểu hiện, dã thú, vị lai, đến lập thể…nói lên sự khao khát của đa số các họa sĩ đương thời muốn thoátara khỏi sự lệ thuộc vào đối tượng, vào những lệ luật cũ, và vào thế giới tự nhiên - thế giới của những khái niệm - mà họ thường phải dựa vào để diễn đạt những ý tưởng thẩm mỹ của mình.
Nói tóm lại, hội họa trừu tượng muốn dựa vào chính nó để chinh phục cái đẹp và cái gu thẩm mỹ của người đời, vì nó cho rằng cái chức năng chính của nó, là chức năng thẩm mỹ.
Cũng có thể, hiện tượng có nguồn gốc từ cái phản ứng của những người nghệ sĩ đương thời trước những gì đang diễn ra trước mắt họ, trong đời sống thực tế hằng ngày, trước mối đe doạ của cuộc chiến tranh đang sắp xảy ra (1914 -1918)?
Từ lập thể đến trừu tượng
Có thể nói, giai đoạn lập thể của Picasso, và nhất là của Braque, vào những năm 1908, là giai đoạn hội họa lập thể đã đi đến gần với hội họa trừu tượng nhất.
Braque, Phong cảnh ở La Roche Guyon, 1908
Trên các bức họa lập thể đầu tiên vẽ phong cảnh ở Estaque và La Roche Guyon (miền nam nước Pháp) của Picasso, Braque, và Dufy, người ta nhận thấy một sự “cách điệu hóa” khá triệt để. Các họa sĩ hầu như đã gạn lọc đi hết những yếu tố “tượng hình” - nghĩa là những yếu tố có thật, mà con mắt ta nhìn thấy - và chỉ giữ lại những nét chính, đó là cái “nhịp điệu” đặc thù của phong cảnh ở đây.
Nói một cách khác, người họa sĩ xa rời cái đẹp tượng hình của thiên nhiên trước mắt, để chỉ tập trung sáng tạo nên cái đẹp trừu tượng dựa vào một sự cách điệu hóa triệt để, biến toàn bộ cái phong cảnh thật kia thành nhịp điệu trừu tượng.
Nhưng nếu ta cho rằng cái đẹp trừu tượng bắt nguồn từ sự cách điệu hóa, thì có lẽ phải đi ngược trở lên đến Greco (thế kỷ XVI), hay xa hơn nữa! Còn như, nếu ta cho rằng nó bắt nguồn từ cái đẹp của nhịp điệu hay của ký hiệu, thì lại phải xuất phát ngay từ... những hiện tượng thiên nhiên, từ cái đẹp của những nhũ đá trong một thạch động, cho đến cái đẹp của một cây cổ thụ đứng giữa trời, của một thác nước, hay của những nếp áo...
Lộ trình của hội họa trừu tượng
Robert Delaunay, Fenêtres, 1913 | Jackson Pollock, Bức hoạ số 3, 1949 (phong cách dripping) |
Hội họa trừu tượng, trải qua nhiều bước thăng trầm kể từ khi ra đời, có thể được phân ra làm ba giai đoạn chính: giai đoạn đầu (1908-1920) với một số họa sĩ có thể đếm trên đầu ngón tay: phong cách biểu tượng trừu tượng, có: Kandinsky, Franz Marc; phong cách lập thể trừu tượng, có: Braque, Fernand Léger, Delaunay, Marcel Duchamp...; phong cách trừu tượng trữ tình có: Magnelli; phong cách trừu tượng hình học thuần tuý có: Mondrian, Théo Van Doesburg, Malevitch, Albers...; phong cách vị lai trừu tượng, có nhóm các họa sĩ Ý: Umberto Boccioni, Severini, Balla...; chuyển từ ấn tượng sang trừu tượng, có nhóm các họa sĩ người Nga: Michel Larionov, Natalia Gontcharova...
Larionov, Lumières de rue, 1911
Kịp đến những năm sau Đại chiến thứ hai, ở Mỹ và Âu châu, mới lại có một sự nở rộ của hội họa trừu tượng với những tên tuổi mới, như: Jackson Pollock, với phong cách dripping, Frank Kline, Rothko, Reinhardt ...(Mỹ); Hartung, Soulages, Vedova...(Âu châu).
Trong nền hội họa trừu tượng đương đại, có thể phân biệt được nhiều xu hướng và nhiều phong cách, nhưng nhìn chung, vẫn là những phong cách kể trên. Có điều, bên trong các phong cách đó, người ta phân biệt được thêm hai xu hướng chính, có thể coi như hai đối cực: đó là xu hướng thiên về nhịp điệu, và xu hướng thiên về ký hiệu.
Luật chơi và những thoả hiệp
Trong hội họa tượng hình, từ xưa đến nay, cái tiêu chuẩn đầu tiên dựa trên đó người ta vẫn đánh giá cái đẹp, hay cái đạt của một tác phẩm, là tính chất “hiện thực” của nó, hoặc chỉ đơn giản là sự “giống như thật” của đối tượng được vẽ trên tranh. Xét cho cùng, ngôn ngữ của hội họa tượng hình không phải là ngôn ngữ tạo hình (theo nghĩa tưởng tượng ra mà sáng tạo), mà là một ngôn ngữ thể hiện, chủ yếu là sao chép đối tượng, hoặc cách điệu hóa nó, nhưng dẫu sao cũng sử dụng các yếu tố có tên gọi, có ngữ nghĩa, để diễn đạt.
Hội họa, trong nhiều thời đại, đã từng có những chức năng như: giao tiếp, thông tin, thậm chí tuyên truyền, hoặc giáo dục. Khi người ta đánh giá một bức họa với đề tài tôn giáo, hay lịch sử, người ta thường xét xem nó có tính thuyết phục hay không: cách thể hiện có thật, có khéo, có sinh động hay không. Cũng như, khi đánh giá một bức chân dung, hay một bức tĩnh vật, người ta thường đánh giá trước tiên trên sự “giống như thật” của nó...
Trong hội họa trừu tượng, không còn cái tiêu chuẩn hiện thực đó nữa. Ngược lại, ở đây, tiêu chuẩn quan trọng nhất chỉ có thể là cái đẹp thẩm mỹ, nhưng cái đẹp thẩm mỹ thì lại rất khó thẩm định, bởi nó dựa trên rất nhiều tiêu chuẩn và quy ước đôi khi chồng chéo lên nhau, và nhất là vì nó tuỳ thuộc ở trình độ hiểu biết về thẩm mỹ, ở cái gu của mỗi người.
Cũng vì những lẽ ấy, mà trong hội họa trừu tượng, luật chơi tưởng như đơn giản, vì nó khá tự do, chỉ cần đáp ứng hai điều kiện: trừu tượng và đẹp, nhưng thực ra điều kiện đẹp trong hội họa trừu tượng lại khá phức tạp, vì những tiêu chuẩn, quy ước để thẩm định cái đẹp trừu tượng rất khó xác định. Do đó, tính chất chủ quan của sự thẩm định lại càng cao hơn, so với hội họa tượng hình !
Mondrian, Bố cục với 4 màu xanh, đỏ, đen, vàng (1921)
Nhưng có lẽ chính đó lại là cái điều mà người họa sĩ mong muốn chăng? Hoặc giả, bối cảnh chung của xã hội đã đưa đẩy họ đến cái tâm thức ấy? Có phải vì con người thời nay khao khát những cái gì mà họ không có được trong cuộc sống bon chen hằng ngày, trong một xã hội mà luật chơi ngày càng gò bó, khắc nghiệt, hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát của họ? Hay chỉ đơn giản vì họ ngày càng ý thức được vai trò của cái tôi, tức của chủ thể trong nghệ thuật, cũng như họ đã ý thức được sự cần thiết phải có một không gian tự do cho nghệ thuật và nói chung cho mỗi cá nhân trong cuộc sống?
Luật chơi trong hội họa trừu tượng là tuyệt đối không thể hiện những hình tượng gợi nhắc đến những khái niệm đã có tên gọi, ví dụ như: cái bàn, đám mây, Mặt trăng..., nói chung, những sự vật có thật trong thiên nhiên và trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trong phong cách trừu tượng hình học, chẳng hạn, người ta vẫn chấp nhận một cách thoải mái những khái niệm có tên gọi, như: đường thẳng, đường cong, hình chữ nhật, hình tam giác, hình tròn...
Hiện tượng này rõ ràng nói lên một sự mâu thuẫn. Song chắc hẳn người ta cũng đã phải chấp nhận một thoả hiệp nào đó trên định nghĩa của khái niệm trừu tượng? Có lẽ nên hiểu trừu tượng là không bao gồm những hình tượng phản ánh thế giới tự nhiên và con người? Nhưng các hình thể hình học đều là do óc sáng tạo của con người mà ra cả. Phải chăng hình học đã được coi như là một ngoại lệ?
Dẫu sao, mâu thuẫn trong nghệ thuật cũng không phải là một chuyện gì to tát, đôi khi người ta vẫn phải chấp nhận nó như một sự thoả hiệp, cũng như người ta đã phải chấp nhận khái niệm tuyệt đối với một cái nghĩa rất tương đối, để có được một sự đồng thuận, hoặc để phục vụ cho một lợi ích xã hội thiết thực nào đó. Một ví dụ là, có thể nói, chỉ riêng phong cách trừu tượng hình học của những Mondrian, Théo Van Doesburg, Malévitch, Ben Nicholson, Herbin..., cho đến tận ngày nay vẫn có một ảnh hưởng quyết định lên thẩm mỹ hiện đại, đặc biệt là lên nghệ thuật design áp dụng vào trong công nghiệp, thương nghiệp, và nói chung, trong đời sống hằng ngày.
Nhìn chung, không thể nào có một khái niệm trừu tượng tuyệt đối được. Một nét cọ, một mảng màu, đã là một khái niệm rồi, và gần như là bao giờ cũng gợi nhắc đến một cái gì cụ thể trong thế giới ta đang sống. Do đó, có những họa sĩ, vì lý do thuần tuý thẩm mỹ, đã không nề hà, kết hợp thoải mái những yếu tố tượng hình với những yếu tố trừu tượng trên cùng một bức họa. Chỉ cần đi xem một cuộc triển lãm về hội họa trừu tượng gần đây nhất, như triển lãm Réalités Nouvelles 2008 ở Parc Floral, Paris, là ta thấy rõ điều đó. Và đây cũng là một thoả hiệp khác đối với luật chơi đã được đặt ra.
Hội họa trừu tượng trước sau cũng chỉ là một hoạt động tinh thần của con người, một hoạt động văn hóa, và nó cũng chỉ đáp ứng một nhu cầu duy nhất, nhu cầu thẩm mỹ thuần tuý, một nhu cầu bản năng của con người.
Cái đẹp cụ thể
Ý niệm về cái đẹp trong đầu óc của mỗi người chúng ta, là một cái gì rất chủ quan, và rất mơ hồ, lại không thể nào truyền đạt từ người này sang người khác được, bởi vì đó chỉ là một ý niệm ảo, đôi khi chưa định hình rõ rệt, cho nên chính mắt ta còn không trông thấy được, huống chi là mắt người khác!
Jérôme Benitta, Không đề, 2008 (Salon Réalités Nouvelles 2008 - Parc Floral, Paris) |
Bởi vậy cho nên cái đẹp chỉ có thể tồn tại ở ngoài ta, thông qua những sự vật cụ thể, mà con mắt của ta và con mắt của người khác đều cùng nhìn thấy được, để nếu có một sự đồng cảm nào đó, thì giữa ta và họ mới có thể đi đến một sự đồng thuận trên cái đẹp đó.
Trong truyền thống dân gian ở một vài nước Á Đông, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, để chỉ cái đẹp của một người phụ nữ, người ta thường đem cái đẹp của một vật cụ thể nào đó đã được coi là mẫu mực và đã được sự đồng thuận của mọi người ra để so sánh, chẳng hạn như trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, khuôn mặt của Thuý Vân đã được ví với mặt trăng: “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” (Nguyễn Du, Truyện Kiều), hoặc câu nói trong dân gian “mắt phượng, mày ngài”, v.v.
Cũng bởi vậy cho nên trong nghệ thuật, ta chỉ có thể đánh giá được cái đẹp qua các tác phẩm cụ thể, mà mắt ta nhìn thấy được. Do đó, đối với người sáng tạo cũng như đối với người thưởng thức, cần có những cuộc triển lãm công cộng, những phòng tranh, những viện bảo tàng, và ở thời đại ngày nay, cần có những tài liệu điện ảnh, những cuộc thảo luận công khai về nghệ thuật, thông qua những phương tiện truyền thông hiện đại.
Quả vậy, làm sao một họa sĩ, với sự đánh giá tất nhiên chủ quan của mình, mà có thể biết được rằng tác phẩm của mình đẹp, hay xấu, nếu không có con mắt thẩm định của người khác?
Braque, Phong cảnh ở Estaques, 1908 |
Nhưng ngay cả với con mắt và ý kiến của người khác, cùng lắm thì người ta cũng chỉ đi đến được một sự đồng thuận nào đó mà thôi, không thể nào có được một sự đánh giá có tính chất tuyệt đối, vì ý kiến của người khác về cái đẹp hay cái xấu của tác phẩm cũng chỉ là chủ quan, vì nó tuỳ thuộc vào cái gu của mỗi người, mà cơ sở của cái gu thì cũng chỉ có một phần được coi là khách quan, đó là những hiểu biết về nghệ thuật, đặc biệt là về lịch sử nghệ thuật, về các tiêu chuẩn quy ước, các kỹ thuật thực hiện một bức tranh, các quy luật vật lý thông thường về các vật liệu, chất liệu, về màu sắc và ánh sáng... Chính trên những hiểu biết có tính chất khách quan này, mà ít ra người ta cũng có thể có được sự đồng thuận trên một số khía cạnh của tác phẩm. Còn cái gu thì vô cùng, nhất là khi nói đến màu sắc, người này thích màu này, người kia nhạy cảm với màu kia, khó có thể tranh cãi trên một cơ sở nào được cả, vì nó tuỳ thuộc vào sở thích và vào những yếu tố sinh lý, văn hóa, giáo dục, đặc thù của mỗi con người.
Do đó, hội họa trừu tượng, mặc dầu đã giải thoát người họa sĩ khỏi quỹ đạo của các đối tượng có thực trong thế giới tự nhiên, nhưng vẫn đặt y đứng trước những luật chơi mới, những thử thách mới, và cuộc săn tìm cái đẹp trong một nền hội họa không có đối tượng này, dù cho có gian khổ đến đâu, cũng cho phép y thể hiện được cho tới cùng cái tiềm năng sáng tạo và cái bản sắc của mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh