Kỹ tác đặc biệt: Nghệ thuật
Con người xưa run rẩy bước trước thiên nhiên rộng lớn lao, kỳ bí và hùng mạnh. Nhưng nó không chỉ thụ động và chịu khuất phục suông. Chẳng những uốn mình theo thiên nhiên để ứng phó với mỗi hoàn cảnh như các sinh vật khác, nó còn dám tác động vào thiên nhiên để biến cải nó cho phù hợp với nhu cầu và cách sống của mình. Không lấy làm đủ với trái cây và muôn thú trời cho, nó đi vào chăn nuôi và canh tác. Không lấy làm đủ với vận dụng trời cho, nó đẽo đá làm công cụ, đập đá lấy lửa chế biến thức ăn, và đốn cây làm nhà thay hang ổ.
Rồi vào những thế kỷ gần đây, khám phá thiên nhiên bằng khoa học và chế ngự nó bằng kỹ thuật được rồi, con người thực sự cảm thấy mình là ông chủ của nó thay vì như xưa, coi nó là ông chủ của mình khi đồng hoá sấm sét và núi cao, biển rộng với thần thánh.
Có điều, trong khi lợi dụng thiên nhiên để thoả mãn các nhu cầu và ham muốn, con người đã lạm dụng và phá hoại nó quá đáng, khiến nổi giận lên, nó đang phá lại chúng ta. Quả thế, chất thải quá nhiều và bị vất ra bừa bãi đang làm ô nhiễm các dòng sông, đất đai, bầu khí quyển, thậm chí xoi thủng tầng ô-dôn chiếc lá chắn cho sự sống, hâm nóng trái đất khiến các núi băng tan ra sẽ nhấn chìm đồng bằng.
Gần đây, thời tiết thất thường với những Thằng nhóc (El Nino) và Con nhãi (La Nina) ngày càng bất trị qua gió bão và lụt lội khủng khiếp chúng gây nên, khiến loài người lại bắt đầu sợ thiên nhiên như tông tổ của mình mấy ngàn năm trước. Có điều thiên nhiên của người thái cổ vốn thần thánh, nên có vẻ nếu van xin thì nguôi giận được, chứ thiên nhiên vô tri hôm nay lại không thể nghe và hiểu, cũng không có hồn để mà động lòng!
Tuy thiên nhiên không hồn, nhưng nhiều người hôm nay, giống như nhà thơ, có thể mang linh hồn đến cho nó khi coi là bạn đường và bạn tri âm. Cách nhìn thiên nhiên như bạn của các nhà sinh thái học đó đang đi vào đúng hướng của Đông Á xưa vốn đề cao đạo đức hiếu sinh và đặt ngôi nhà ấm áp của mình dưới bóng tre xanh hay bóng cây cổ thụ. Và đây cũng là hướng đi của nghệ thuật và thái độ của nghệ sỹ, ít là ngày trước bên Đông Á:
"Là thi sĩ là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây..."
Nghệ thuật với Tự nhiên và thiên nhiên
Ngôn ngữ phương Tây chỉ có một từ Nature hay Natura để gọi cả Tự nhiên (tính hay cái mộc mạc chân chất do trời sinh) lẫn thiên nhiên (vẫn cái tự nhiên ấy, nhưng bao quát cả trời đất, bao gồm cả cái Lý vận hành huyền bí bên trong).
Con người chỉ nhìn ra Thiên nhiên khi đã có chút thảnh thơi để chiêm ngưỡng nó. Thiên nhiên ấy, bớt vẻ dữ dằn đi, sẽ được con người nhận ra là đẹp, vừa kỳ ẩn, vừa thân cận, dễ thương. Cho nên đôi trai gái khi yêu nhau, sẽ thích dẫn nhau vào giữa thiên nhiên để cùng nhau ngắm cảnh bình minh và nghe tiếng chim ca ríu rít. Thậm chí kẻ tu hành chiêm niệm cũng muốn gặp thánh thần giữa thiên và thích bầu bạn với cây cỏ, núi rừng. Như thánh Phan sinh Assisi quen thuộc gọi mặt trởi là cha, mặt đất là mẹ, chim là em trai và hoa là em gái.
Nói chi đến thi sĩ và nghệ sĩ, họ càng say mê thiên nhiên hơn ai hết. Và nếu tình yêu là nguồn hứng mạnh nhất cho họ sáng tác, thì khung cảnh tốt nhất cho họ sáng tác lại thiên nhiên. Này nhé, đến nói lên nguyện ước ba sinh, họ không thể không nhìn vô thiên nhiên và lấy hình ảnh biểu trưng chính thiên nhiên thơ mộng ấy: "Như chim liền cánh, như cây liền cành". Thiên nhiên quả là đẹp và ký bí đến nỗi Aristote phải cho rằng hướng đi của nghệ thuật chính là "Nhái lại" (Mimêsis) tự nhiên. Có điều, nếu chỉ là Nhái lại, tức bắt chước, thì ngày nay hội hoạ phải nhường chỗ cho nhiếp ảnh vả điện ảnh mất rồi!
Thực ra, nghệ thuật khi nó biết chọn góc nhắm, lấy hậu cảnh và tập trung tất cả xung quanh một cái gì họ muốn làm nổi bật hẳn lên. Nói chi đến điêu khắc và hội hoạ, chúng còn biến đổi thiên nhiên và có thể tưởng tượng ra một thiên nhiên khác với thế giới quen thuộc này. Vâng, không hề có nghệ thuật nếu không có sáng tạo của nghệ sĩ!
Mà thật ra, thiên nhiên đâu có đẹp đến như người ta tưởng. Cứ gom đủ thứ chim cho hót chung với nhau đi, xem chúng có hoà âm hay hoàn mỹ được không. Chính vì thế, người ta phải chế ra ống sáo và cái địch để thay chim mà tấu cho nhịp nhàng và trầm bổng, hoà điệu hơn.
Có thể nói âm nhạc, điêu khắc và hội hoạ là những nghệ thuật ra đời sớm nhất. Người ta chọn mà đẽo những mẩu đá khác nhau để tạo thành những âm thanh cung bậc khác nhau: đàn đá. Người ta vẽ lên hang những con thú bị đả thương để yểm chúng, nhưng không chỉ yểm vì họ còn cố vẽ cho "tự nhiên" và đẹp. Và cũng cho tự nhiên và đẹp, họ tô tạc thần thánh của họ trên các vách đá cao.
Nếu con người tu sửa tự nhiên cho đẹp hơn, ắt họ phải dựa vào một ý tưởng đẹp nào đó làm tiêu chuẩn và thước đo chứ. Và nếu họ không tìm thấy cái lý tưởng ấy trong thiên nhiên, thì chỉ còn tìm nó trong tâm trí thôi. Vâng, con người và chỉ con người có năng khiếu thẩm mỹ. Với một số người, năng khiếu ấy rất cao và bén nhạy, để với khéo ở tay chân, với kinh nghiệm và giáo dục để phát triển, họ có thể trở thành những nghệ sĩ, thậm chí siêu nghệ sĩ như Michelagenlo và Raphaele. Còn người thường, do khuynh hướng và khả năng thẩm mỹ có sẵn khi sinh ra ấy, ai cũng biết yêu cái đẹp và hộ có thể đánh giá là xấu hay đẹp ít là một gương mặt người, một cảnh trí, nói tóm lại những gì không đòi hỏi năng khiếu lớn và chuyên môn cao. Chính vì thế, để câu khách, mọi sản phẩm ngày nay, ngoài giá trị sử dụng ra, người ta cón tạo dáng cho đẹp và đặt trong những bao bì cũng đẹp nữa. Vâng, không bao giờ nghệ thuật lại chen chân nhiều vào mọi thứ của cuộc sống như trong thời đại hôm nay của chúng ta.
***
Nếu Aristote đặt nghệ thuật dưới nguyên tắc Nhái lại hay Bắt chước, thì H.Taine lại chia nghệ thuật thành hai nghành: Ngành Bắt chước của điêu khắc, hội hoạ... ngành sáng tạo, của âm nhạc, kiến trúc, tiểu thuyết, sân khấu, và ngày nay thì phải kể thêm điện ảnh và thời trang.
Chúng ta hãy bắt đầu với Bắt chước. Với kẻ khởi công tập vẽ, thì vẽ giống là khó vô cùng. Nhất là vẽ người. Càng khó gấp trăm nếu đấy là chân dung một người bằng xương bằng thịt.
Cho nên qua sát tỉ mỉ, tính cho đúng tỷ lệ các thành phần và vị trí hỗ tương của chúng. Thế rồi phải làm nổi hiện các cơ bắp của thân, nếp gấp của áo quần. Và sau cùng là pha màu và phối màu sao cho khéo.
Để bức tranh có tính nghệ thuật, thì không thể nô lệ trong bắt trước, mà bắt chước thông minh, sao cho cảnh thành sống động, sao cho những vẻ mặt trong đó toát lên xúc cảm. Bởi thế, vừa phải có tưởng tượng phong phú, vừa phải có những cảm nhận độc đáo, nhờ đó bút hay bay có thể múa lượn tự nhiên theo cảm hứng bên trong. Vâng, để vẽ nên cái bên ngoài cho hấn dẫn, thì phải cảm nhận được cái bên trong một cách tinh tế khác thường. Và để cho bức tranh có một nét gì nổi bật, thì nghệ sĩ cũng phải thêm cái này, bớt cái kia nữa1.
Còn với nghệ thuật sáng tạo, thì tuy chỉ dùng đến trí tưởng thôi, nhưng hình tưởng nào mà không nổi lên từ kinh nghiệm, và kinh nghiệm nào mà không phảng phất thiên nhiên, nên dù truyện hay thơ vẫn có chân trời là tự nhiên. Thế rồi, sự gợi hứng nhiều khi cũng đến từ thiên nhiên, từ một phong cảnh chân trởi xa thẳm khi chiều xuống.
Dù sáng tạo hay bắt chước, một tác phẩm luôn phải là một tổng thể, ở đó nổi lên một khí sắ hay tính chất nó thống trị tòn cảnh hay toàn thân, cái mà Taine gọi là "Tính chất áp đảo" (caractère dominateur). Để làm nổi bật yếu tố này, lăm skhi phải sắp xếp lại các tĩnh vật, thêm nay bớt đi một đôi nét, làm đậm nhạt đi màu sắc ở một thành phần. Do đó mà cái nổi bật trong một tác phẩm luôn phải nổi bật hơn là trong tự nhiên.
***
Nếu hội hoạ "nhái lại" thiên nhiên và âm nhạc khích động tâm tình, thì tiểu thuyết làm cả hai công việc ấy. Một cách gián tiếp thôi, cố nhiên, bởi phải qua ý tưởng, rồi ý tưởng phải qua những từ ngữ tả cảnh tả tình. Để độc giả qua ngôn từ có thể cảm giác được cảnh và cảm nhận được tâm tình như thế, nhà văn phải dùng thứ ngôn ngữ gợi hình gợi cảm, chứ không phải ngôn ngữ trừu tượng của khoa học hay triết học.
Thật ra, sự phân chia chức năng ấy ngày càng không rõ nữa, khi mà, dù chỉ tạo dáng thôi, nét vẽ của những bậc thầy như Michelagelo trong Pietà, như Leolardo da Vinci trong La Joconde cũng làm toát ra cảm xúc. Thậm chí hội hoạ Tây phương hôm nay còn đi xa hơn cái đẹp để tiến vô những vùng trời như của triết lý, nhất là những phong trào siêu thực và trừu tượng.
Siêu thực, xuất hiện từ sau thế chiến I, muốn xoá bỏ mọi khuôn khổ và ranh giới để đi vào tự nhiên tự phát, đi vào nội tâm của con người khi trình bày mộng mị và những khuynh hướng bản năng.
Trừu tượng, phát triển nhất vào nửa sau thế kỷ XX, muốn tách khỏi thế giới tự nhiên và cụ thể, chỉ dùng những hình ảnh thường và thô sơ nhất như hình khối, hình chữ nhật và sắp xếp chúng để diễn tả trực tiếp những cảm nhận, kể cả ảo giác, những gì chung chung giống như ý tưởng chúng vốn là tổng quát thôi. Thí dụ như con đường bên trong của ý hướng (intention). Phải chăng người ta muốn bắt chước các mô tượng (schèmes) trong triết lý duy tâm của Kant, những ảnh tượng (tâm lý) chung chung chúng luôn đi kèm những ý tưởng (vốn trừu tượng)?
Nghệ thuật với hình tượng (I'imaginaire)
Nhiếp ảnh thì chụp thẳng người hay sự vật. Vẽ chân dung hay vẽ cảnh cũng thế, nếu chỉ muốn "nhái" cho đúng, nghĩa là thấy sao (tri giác) vẽ đúng vậy, thế thôi. Có điều, nếu muốn có nghệ thuật thì dù ảnh cũng phải "lấy hình", do đó cần đến tưởng tượng và thẩm mỹ. Và cần tưởng tượng và thẩm mỹ hơn trong tranh tả cảnh hay chân dung.
Vả lại, dù là tri giác (perception, biết thẳng bằng cảm giác), mọi tri thức đều phải thông qua ý tưởng, mà ý tưởng thì luôn có mô tượng (schèma skhêma) đi kèm. Mô tượng, đó là những ảnh tượng tâm lý (images psychiques) mờ ẩn như mô hình Con chó nói chung trong óc , nó luôn xuất hiện cùng với ý tưởng Chó, dù đây là một ý tưởng về một con chó cụ thể hay về cả loài chó.Và như thế, dù nhìn mà vẽ, thấy thế nào vẽ thế ấy, anh vẫn vẽ bằng cả tri giác lẫn tưởng tượng. Mà trí tưởng tượng thì nó dù thích lang thang và phiêu lưu, chứ đâu chịu gò mình trong khuôn khổ, dù là khuôn khổ của chân lý. Có gì giống như Mâyâ của Ấn Độ vậy.
Vì trí tưởng tượng ưa phiêu lưu và thường hằng biến hoá như thế, nên một khi nó đã xâm nhập, cho dù cùng vẽ một chân dung chăng nữa, các hoạ sĩ vẫn vẽ rất khác nhau. Lại nữa, một trong những hoạ sĩ ấy, một lúc nào đó, có thể quên thực tại trước mắt mà đắm mình vào mộng mơ, tức vào thế giới hình tưởng trong đó các hình ảnh kỳ dị nối đuôi nhau xuất hiện. Để rồi khi tâm tình cùng mộng tưởng đã bốc cao, thì nếu tài vẽ cũng đi đôi với thần hứng, sẽ có một bức tranh bất hủ, nó không thuộc về nghệ thuật nữa, mà thành thơ mất rồi. Vâng phải có chất thơ nghệ thuật, thì tác phẩm mới đến từ một thế giới khác, tôi có ý nói bồng lai tiên cảnh, chứ không còn thuộc về thế giới phàm này của chúng ta. Quả thế, khi tri giác mờ nhạt đi, trạng thái tiền niệm lý sẽ phủ khắp ý thức trường đã đổi thành tưởng (tượng) trường. Theo J.P. Sartre, trí tưởng chính là khả năng ảo hoá hay siêu thực tại hoá (pouvoir d' irréaliser).
Có điều thi sĩ đu đưa với gió trăng được, chứ nghệ sĩ thì khó đấy. Bởi lẽ với bức tranh hay tượng, nghệ sĩ luôn bị những vật hạ phàm như cái đục hay cái bay, cùng với khối đá hoa cương phải gọt đẽo hay những sơn màu phải pha chế, chúng lôi ông trở về với thực tại nó chẳng thơ tý nào. Trong khi ấy thì nhà thơ chỉ việc lướt êm trên đầu ngọn bút hay nhả ngọc phun châu, mặc cho người ngưỡng mộ chép chép ghi ghi.
Vâng, phải nhàn một tí thì mới dễ thả hồn theo mộng để xuất khẩu thành thơ, để nhìn thấy siêu nhiên ngay ở những gì là tự nhiên. Nghĩa là nhìn thấy Chị Hằng ở mặt trăng, tiên cá trên lườn sóng và quái thần Titan nơi các dãy núi trùng trùng. Vâng, đây đã thành Hình tưởng (I'imaginaire) rồi, không còn hình ảnh của thực tại bên ngoài hay ảnh tượng tâm lý bên trong. Mà cảm nhận đã đi xa đến thế, thì không chỉ có Hình dù chỉ là hình tưởng, mà còn có Cảm nó khả dĩ vượt tới những điều sâu âm u nhất, ở đó chỉ có Vô thức (Inconscient) ngự trị, Vô thức cùng với những khuynh hướng thuần bản năng, với những tiềm năng do kinh nghiệm xưa tích tụ, mà C.G.Jung gọi là vô thức tập thể.
Đi đôi với các ham muốn có gốc sâu như thế là những loại hình tưởng tối dị kỳ, những hình tưởng mang tên huyễn tượng (fantasmes) nó là vang vọng của tiền sử, nên đầy khí vị huyền thoại2.
Nếu là huyễn tượng như thế, thì người thường chúng ta không thể "đồng cảm" với tác giả để thưởng thức được "thơ" nơi nghệ thuật của ông. Có lẽ vì thế mà thỉnh thoảng có nghệ sĩ hay thi sĩ muốn "trộ" người khác bằng những hình ảnh và cảm nghĩ cố tình làm cho quái dị để được đánh giá là siêu phàm, là thuộc về đỉnh (núi) Parnassos của Apollo và các nàng Musa, thần gọi hứng của nghệ thuật và thi ca.
Với thứ nghệ thuật thấp hơn một tí, thì tuy người "trần" có thể hiểu, nhưng thế giới của nghệ sĩ chưa hẳn là thế giới của ta. Bởi lẽ hình ảnh trong bức tranh chỉ là cái analogon (theo tiếng Sartre dùng (trong L'imaginaire) để nói tới cái giông giống thế, như bức vẽ với cảnh được vẽ) nó hướng ta về cái không có mặt đây, mà cái ấy ít nhiều đã được kiến tạo lại ở chân trời của một thế giới ảo. Do đó, để hiểu được tác giả và tác phẩm của ông, chúng ta cũng phải vượt ra khỏi phần nào thế giới thực của tri giác để buông mình vào thế giới của mộng mơ. Có điều thế giới của mộng mơ chỉ kết hợp thực với mơ, và không phân rõ mình với người, chứ chưa cắt đứt hẳn với thực tại. Và dù cho huyễn tượng có gốc ở nguyên thuỷ, chúng cũng từ kinh nghiệm về thực tại xa xưa mà phát sinh3.
Vì người nguyên thuỷ sống bên trên sự phân ly giữa ý thức và vô thức, giữa cái tôi với khác tôi, nên phải chăng cứ cố sống như thế để trở về với tự nhiên thuần tuý, thì người ta có thể khiến huyễn tượng nguyên thuỷ vọt ra cho sáng tạo nghệ thuật của mình? Thế nhưng, như chúng ta biết, để trở về với huyễn tượng kiểu ấy vào hôm nay, người ta không thể không đăng ký vào nhà thương điên.
█
Nghệ thuật và cái Đẹp
Một bức tranh hay pho tượng, chỉ xét về nghệ thuật thôi - gạt sang một bên giá trị thương mại của nó và những gì khác - , luôn phải nhắm cái đẹp. Đẹp không chỉ là Đích của tác phẩm, mà theo J.Maritain, nó còn là đích (fin au-delà de la fin) nữa.
Vậy đẹp là gì ? Khá nhiều triết gia lớn đã định nghĩa cái đẹp, trong đó có Platon và Aristote, thánh Toma và Hégel. Thế nhưng họ lại không thể đồng ý hoàn toàn với nhau. Vậy chúng ta hãy tra vấn hiện tượng, xem cái gì là đẹp và đẹp bởi cái gì.
Tuyết đang rơi, vừa mới phủ xuống cánh đồng, và người ta thốt nên: "Tuyết đẹp" ! Đẹp thế mà, chỉ một lát sau, khi chân người bước lên, làm lấm bê bết, thì tuy còn thấy trắng đấy, người ta đã kêu : "Xấu ơi là xấu ". Vậy cái khiến cho tuyết đẹp không phải chỉ màu trắng, mà sự thuần khiết của màu trắng, cùng với sự rực sáng (splendeur) của sắc trắng tinh thuần ấy. Và cũng thế đối với màu đỏ ối của sân trường phủ đầy hoa phượng vào mùa hè; đối với màu xanh thẳm của da trời không gợn mây lúc sáng và trưa; đối với hình tròn vành vạnh của trăng rằm và đường thẳng tắp của chân trời cuối đồng cỏ bao la hay xa xa trên biển lặng.
Không những có đẹp ở sáng ngời một màu hay đường nét, mà còn đẹp ở chói ngời một phối hợp hài hoà giữa những đường nét và màu sắc khác nhau ở một bức tranh, giữa những thanh âm và tiết tấu khác nhau cuả một bản nhạc.
Vâng, phải có một trong hai: sự thuần khiết hay hài hoà, và một thêm cho cả hai: sự hừng sáng. Nghĩa là khi sự tinh thuần hay hài hoà ấy đạt tới độ cao của nó, khiến nó hừng sáng nên trước giác quan, thì năng khiếu thẩm mĩ vốn tiềm tàng trong mỗi và mọi người mới được đánh thức, tuy rằng khả năng thẩm mĩ thì khác nhau từ người này đến người khác, cũng như mức thông minh hay thính tai, sáng mắt vậy.
Tôi nói "Mỗi và mọi người", vì khiếu thẩm mĩ thuộc bản tính của giống người chúng ta, khiến chúng ta đều thích đẹp và biết nhận ra cái đẹp ít là ở những gì tương đối dễ, như đã nói trên kia.
***
Thánh Tôma định nghĩa đẹp là "cái thấy thì thích" (id quod visum placet). Một thứ thích khác với thứ thích ăn uống hay chơi bời, nó thanh cao chứ không như hai thứ thích này. Đây là thích thuộc loại Tứ thú "Cầm kỳ thi họa" của nhà nho, nó khiến ta không vồ lấy để chiếm hữu, mà giữ một khoảng cách để cung chiêm; nó khiến ta chia sẻ với người khác trong chiêm ngưỡng, chứ không giấu riêng cho mình.
Do điều kiện hiện hữu "tinh thần nơi thể xác" của giống người, nên đẹp đối với chúng ta thường phải có tính khả giác. Khả giác, nhưng không mọi loại khả giác! Khả giác về mặt thính, thị thôi chứ không đối với những giác quan nghiêng về chiếm đoạt như khứu, xúc và vị.
Phải chăng chỉ có năm giác quan đối ngoại, và trong ấy chỉ thính, thị có khả năng thẩm mỹ thôi? Ta chỉ biết rằng, bên cạnh những giác quan tĩnh ấy, ngày nay có người đã nghĩ đến giác quan hành động, điều mà trên hai ngàn năm trước bên xứ Ấn, tâm lý học Sâmkhya đã nói đến4. Ta cũng nghĩ rằng nghệ thuật múa không chỉ có xúc giác của vũ sinh hay thị giác của người coi vào cuộc. Cần phải có một giác quan nữa nó đi cùng với hai giác quan kia để thẩm nhận được một cái đẹp động, và đây là một thẩm mỹ động, của cả người múa lẫn người coi, tôi có ý nói một thích thú nghệ thuật trong chính những bước nhảy của chân, múa lượn của tay và uốn éo của toàn thân mình.
Tôi nói Đẹp là của chiêm ngưỡng, nhưng chiêm ngưỡng nào mà chả bằng một vài giác quan chúng đồng thời cũng có thể đánh thức những giác quan khác hướng về chiếm đoạt. Do đó mà thấy một phụ nữ đẹp, người đàn ông dễ nảy sinh ham muốn. Và vì nghệ sĩ có giác quan nhạy bén, lại thiên về cái khả giác nữa, nên người có "máu nghệ sỹ" cũng là người dễ sa ngã về tình dục hơn. Chỉ có thần vũ vương Siva vốn thiêng liêng, nên tuy làm nên vạn vật bằng điệu múa, mà chỉ bị hút về cái đẹp của điệu múa, chứ không màng chi kết quả (của điệu múa) ở bên ngoài. Và cũng thế đối với ai yêu cái Đẹp lý tưởng cũng là ý tưởng Đẹp của Platon, nó vốn trừu tượng nên chẳng đẹp gì đối với những con người sống cụ thể bằng thể xác là chúng ta.
Thế nhưng liệu thật chỉ có Đẹp ở khả giác thôi, hay còn một thứ Đẹp khác mà vì sống bằng thể xác nên ta không cảm nhận nổi?
Chỉ biết rằng, dù đẹp người cũng có thứ đẹp dung tục, dễ khêu gợi ham muốn, và thứ đẹp thanh cao nó khiến ta nể trọng. Riêng cái đẹp phong cảnh thì dễ đưa tâm hồn lên, và như trong Chateaubriand, dễ hướng ta về đấng tạo hóa. Và nếu cái đẹp của tượng và tranh dựa nhiều vào ngoại giác, thì cái đẹp của thơ văn lại đi vào nội cảm và đã có khí vị tinh thần. Thế rồi còn một thứ hừng sáng khác, hừng sáng của một đức hạnh như Mahâtma Gandhi, nó cuốn hút toàn dân Ấn và khiến cả những kẻ địch người Anh cũng phải nể trọng: Một tâm hồn thực đẹp, người ta nói thế!
Và như thế, cũng như Thực và Thiện, Đẹp xem ra có tính suy loại (analogique) và phổ biến hoàn toàn. Nghĩa là ngoài cái đẹp khả giác (cho cảm giác) ra, có thể có Đẹp thuần thiêng liêng để tinh thần thưởng thức, nếu quả có hữu thể tinh thần. Và như thế, nhờ cái thang của suy loại dẫn lên, từ cái đẹp của cõi trần mà ta nhìn ra giới hạn, ta có thể thoáng thấy một thứ đẹp của cõi trần mà ta nhìn ra giới hạn, ta có thể thoáng thấy một thứ đẹp khác hẳn, như nhận định của Poe về Tennyson, mà thi sĩ Baudelaire diễn lại trong ngôn ngữ của ông như sau:
- "Chính bản năng bất tử hướng về cái Đẹp (cet immortel instinct du Bcau) khiến ta coi trái đất và cảnh vật của nó như cái gì thoáng qua (un apercu), như một nhắn gửi từ Trời (une correspondance du Ciel)... Chính do thơ và qua thơ, do nhạc và nhờ nhạc, mà hồn thoáng gặp những hừng sáng bên kia nấm mồ; và khi một áng thơ hay khiến lệ dâng khóe mắt, thì những hạt lệ kia không phải là bằng chứng của một bội tăng thích thú, nhưng chứng từ của một nỗi buồn ray rứt, của một khát mong căng thẳng, của một bản tính đọa đầy giữa thế giới chưa hoàn thiện, bản tính ấy muốn đạt thiên đường vừa thoáng thấy đó, đạt ngay trên trái đất này"5.
Vâng, cái đẹp tại đây luôn gợi ý cho thi nhân về cái Đẹp bất hủ ở một thế giới thật hoàn mỹ. Trên trần gian này, theo Jean Cocteau, "hễ cái Đẹp động, nó cũng cà thọt luôn" (La Beauté bouge, et la Beauté boite). Có gì giống như huyền nghiệm nhân Thérèse d'Avila khi gặp Chúa trong huyền thị, bởi thấy Chúa đáng yêu và đẹp quá, mà mình thì chưa thể chết để về ngay với ngài, nên vô cùng đau khổ6. Chính ở chỗ đó mà lắm nhà tư tưởng đã so sánh huyền nghiệm nhân với siêu thi nhân.
Sáng tạo với tự do, cám dỗ của cái mới lạ
Dù nhái lại (mimoũmai) tự nhiên, đã là nghệ thuật thì không thể không sáng tạo. Mà để sáng tạo được thì phải đưa tưởng tượng vô, cái trí tưởng nó chỉ hoạt động khi lỏng dây cương, không bị gò bó. Bởi thế, họa sĩ họa theo ngẫu hứng; và nói thuần theo cảm hứng là nói thơ, nó giống như nói sấm vậy. Đẹp lúc này không còn là cái được tìm kiếm, bởi Đẹp đã thành một với Thơ rồi. Mà Thơ thì phóng khoáng, luôn bơi trong tự do. Hay nói cách khác, Đẹp và tự do đã thành thứ oxy mà thơ hít thở, mà thơ được nuôi sống. Cho nên nếu không thể làm nghệ thuật chỉ theo đơn đặt hàng, thì càng không thể làm thơ khi bị ép buộc.
Nghệ thuật và thơ vốn phóng khoáng và dựa trên sáng tạo như thế, nên ông thầy dạy vẽ cấm vẽ theo mẫu, còn học làm thơ thì không thể có thầy. Vâng, ông thầy cùng lắm chỉ có thể giúp anh đôi điều về cái sườn, như niêm luật bằng trắc, cùng với nhịp và vần, thế thôi. Chứ để "xuất khẩu thành chương", thì chẳng những phải lời đẹp, ý hay, mà còn cảm hứng (inspiration) nó vừa là mẹ đẻ của thơ vừa là hồn thơ nữa. Hồn thơ, như J. Maritain phân tích, có thể lớn vụt thành phép màu, khiến ai không có thì không thể "rặn (đẻ)" ra cho có được. Phép màu này, ở chỗ thấp của nó, còn phân biệt được với tác phẩm, như dấu in lên tác phẩm ấy; chứ ở chỗ cao của nó, thì nó thành một với tác phẩm, và đây là huyền nhiệm (mystique) rồi. Trong thứ huyền nhiệm này, tác phẩm cùng với linh hồn tác giả đã hòa với nhau trên áng thơ hay trong điệu nhạc ngất ngây. Có gì giống như thân và kiếm bất phân trong nghệ thuật sử kiếm mà Kim Dung tưởng tượng ra, mà ông gọi là kiếm đạo.
Trong thứ huyền nhiệm của thơ, hay của nghệ thuật thành thơ ấy, tuy cảm hứng và cảm xúc của tác giả đã thành một với tác phẩm của ông, nhưng cái hồn ấy như một hố thẳm vẫn có gì sâu hơn, xa hơn, mà tác phẩm không lột hết được7.
Bao lâu ít nhiều có thứ "hồn" đó trong mình, thì dù ca sĩ ngâm bài thơ của Thế Lữ, dù nhạc sĩ tấu bản nhạc của Chopin, họ vẫn như sáng tác lại những tác phẩm đó, sáng tác vì hát tấu có hồn, và do có hồn mà hòa lòng và hứng của mình với của Thế Lữ hay Chopin, cùng với những biến ảo thêm vào cho âm điệu.
Và cũng thế với họa sĩ khi ông nhái lại tự nhiên. Thật ra, tác giả của phong cảnh hay người đẹp là Thiên nhiên chủ tạo (Nature naturante), chứ không phải ông. Nhưng khi nhái lại mà có chứng như thế, ông cũng như đưa hồn mình hòa trong cái hứng sáng tạo của Thiên nhiên để làm nên một siêu tác phẩm. Và chính vì có hồn của ông trong tự nhiên, nên hứng của ông cũng thổi vào tác phẩm cho có thêm những nét nó mang dấu ấn của riêng ông: ông đã đồng sáng tạo với Hóa công, hay với Thiên nhiên chủ tạo nếu anh muốn.
Nếu nghệ sĩ có thể hoàn thiện tự nhiên, thì trong nhiều lãnh vực, họ chỉ có thể nhái lại phần nào tự nhiên thôi. Tiếng chim họa mi chả hạn, không gì thuộc kỹ tác có thể mô phỏng nổi tiếng hót êm như du ấy. Vả lại, cái là tự nhiên luôn tỏa ra một hương vị "thiên nhiên" nó quyến rũ chúng ta. Quả thế, có lẽ mọc lên từ thiên nhiên và luôn thuộc về thiên nhiên kia, nên thân quen với nó rồi, con người không thể sống xa nó được. Chính vì vậy mà hôm nay, khi phải sống giữa các bức vách bê tông, người ta muốn bọc chúng lại bằng ván, rồi lấy bình hoa tươi đặt giữa, cũng như ấy lên cửa sổ những dây leo xanh.
***
Bầu không khí cách mạng của hai thế kỷ cuối trước ngàn năm ba đã hối thúc đổi mới tất cả, nên nghệ thuật cũng muốn ra khỏi truyền thống Nhái lại (mimêsis), cùng với những khuôn khổ xưa cũ. Thêm vào đấy, sự ra đời của những thuyết triết học duy lý, duy nghiệm, rồi duy tâm và hiện sinh khiến nghệ thuật cũng rời bỏ sự vật để đi vào nội giới, rời bỏ luôn khách giới và nội giới để thanh thoáng hoàn toàn trong sáng tạo. Bắt đầu, họ đi vào cái chung chung, tổng quát giống như ý tưởng. Rồi thay vì tự nhiên bên ngoài, họ quay sang diễn tả ấn tượng và cảm nhận bên trong của mình. Kịp đến khi vô thức được hình tượng kinh dị. Họ cũng không muốn trình diễn như trên sân khấu, nó cách ly nghệ sĩ với khán thính giả, mà đưa khán thính giả nhập cuộc chơi.
Trong hội họa, người ta không muốn bị che chắn bởi giới hạn và tính hai chiều của tranh, mà diễn tả tự nhiên dưới mọi chiều của nó. Người ta còn muốn diễn đạt không bằng những hình dạng cầu kỳ, nhưng bằng những gì đơn giản và cơ bản, phổ quát nhất, như hình lập phương nhiều kích cỡ với những sắp đặt đặc biệt. Và nếu trừu tượng duy tâm chỉ có thế giới trung tính của các ý tưởng, thì trừu tượng hội họa cũng chỉ có cảm nhận của người vẽ và cảm nhận của mỗi người xem, với các cảm nhận ấy độc lập với nhau, độc lập luôn cả với vũ trụ này cùng với những hiện tượng và sự vật trong đó. nghệ thuật trừu tượng còn được gọi là "Duy tối thượng" (suprématesme), mà theo Malévitch, nó vượt khỏi đối vật, tới một thứ "hoang mạc" ở đó chỉ có cảm nhận (sentiment) là thật thôi.8
Vâng, tất cả chỉ còn những cảm nhận mờ mịt và chung chung, độc lập cả với cái đẹp, như Paul Cézame nói: "Điểm tới (l'aboutissement) của nghệ thuật là hình dạng (figure)". Thế mà ở đây thì "điểm tới của hình dạng là Phi hình dạng (chỉ còn cảm nhận suông)".
Ở đây có gì giống với sự Định hư trong Thiền. Trong Thiền, người ta luyện định lực bằng cách tập trung chú ý vào một cái gì ngày càng đơn nhất và đơn giản: vào cái lá chẳng hạn, rồi vào màu xanh của cái lá, vào màu xanh suông không còn lá, vào cảm nhận như kết quả, mà không còn chỗ dựa cũ của nó là đối vật. Còn về mặt nghệ thuật, thì có nhận thức về cái đẹp tinh thuần của thần vũ vương Siva: Trong khi say sưa trong điệu múa, ông thần này chỉ say với cái Đẹp nghệ thuật của múa, chứ không màng chi đến những "sắc tướng" mà điệu múa của ông tạo nên.
Thế nhưng trong nghệ thuật phương Tây gần đây, không những vượt ra khỏi thực tại và sự đa dạng hình của nó, lắm kẻ như còn muốn chống phá cái đẹp, ít ra là cái đẹp tự nhiên của gương mặt con người. Như Van Gogh nói: "Cái hình dạng mà tôi làm nên gần như luôn luôn là đáng ghét đối với chính mắt tôi, huống nữa đối với mắt người khác"9
Có điều, nếu Picasso làm méo xệch mặt người chỉ để giỡn chơi và diễn đạt một ý nghĩ, thì có kẻ '"học đòi dởm" lại chỉ muốn phá hỏng gương mặt ấy do lập dị hay tính độc địa thôi. Có điều nữa là, dù muốn tạo nên những gương mặt xấu, người ta vẫn muốn vẽ thật đẹp những gương mặt gớm ghiếc ấy. Bởi vì người ta còn yêu nghệ thuật, hay ít là vì người ta còn muốn có danh và có tiền bán tranh. Mà tranh, thì không ai mua tranh xấu cả.
Còn cái mới lạ ư? Con người có thể mong muốn một thế giới khác hẳn, ít là để thay đổi. Nhưng thế giới ấy có thể thành địa ngục hay thiên đường, tùy theo ý muốn cũng như trạng thái hiếu nhân hay vị kỷ của tâm hồn chúng ta.
***
Như trên đã nói, thay vì đối vật, lắm người hôm nay quan tâm hơn đến cảm nhận, mà đã cảm nhận, thì phải có Cảm, nghĩa là tình cảm hay cảm xúc. Những cảm xúc hay tình cảm ấy có gốc ở ham muốn (désir, theo ý nghĩa thuần tâm lý học), và ham muốn có nguồn khởi phát ở bản năng cùng với những kết cấu vô thức khác. Trong những kết cấu vô thức này, đặc biệt là những cái vô thức khác. Trong những kết cấu vô thức này, đặc biệt có những cái đầy tính nguyên thủy chúng làm nên Vô thức tập thể, mà từ đó vọt ra những huyễn tượng kỳ bí vô cùng.
Hội họa gần đây cũng muốn đi vào cái đêm tối âm u và thường khi kinh dị của vô thức. Và đây là thứ hội họa gọi là dục tưởng (libidinale). Tại Việt Nam, không phải họa sĩ mà thi sĩ, cũng mấy người muốn đi vào con đường kinh dị của tiền sử hay nguyên thủy này. Có điều, nếu không lên cơn, thì làm sao có kinh nghiệm thực để nói lên? Họa chăng chỉ Hàn Mặc Tử, do cơn phong hành hạ mà điên dại đôi phen, họa may mới có đúng những cảm nhận ấy.
Nếu có nghệ thuật quái dị của huyễn tưởng, thì sao không thể có nghệ thuật huyền kỳ của huyền tưởng nhỉ? Tôi có ý nói huyền nghiệm mà một số châu tu Ấn, Phật, Kitô giáo đã trải qua. Kinh nghiệm của họ đôi khi cũng chứa những huyễn tượng kinh dị như được nói lên trong sách Đanien hay trong Khải huyền như Yoan. Nhưng thường thì đây là những huyền tượng tuy vô cùng lạ kỳ và tác động rất sâu xa vào tâm hồn kẻ nếm trải, nhưng lại thanh thoát khác hẳn và mang theo sự bình an "mà thế gian không cho được"10. Vâng, miễn là tiên tri hay huyền nghiệm nhân cũng là thi sĩ hay nghệ sĩ nữa, để biết trình bày thật khéo những cảm nhận của họ! Chứ còn hình tưởng, thì họ không thiếu những chi tiết lạ lùng nhất, thậm chí đơn giản nhất, còn đơn giản hơn gấp bội những hình tưởng của nghệ thuật Dada hay hội họa lập thể. Như hình tròn hay hình cầu trắng muốt thường đi theo huyền nhiệm về đấng Tối cao của Iganace de la Croix, huyền nghiệm về màu trắng sáng của một số chân tu trong Yoga và Thiền.
Thế nhưng nếu là họa sĩ hay thi sĩ, liệu những người đó có muốn tả lại những kinh nghiệm không cách gì tả nổi, như họ đã trải qua hay không? Chỉ biết rằng, văn hào Chateaubriand, trước cảnh tượng hùng vĩ của thác Niagara ầm ầm đổ dưới bóng trăng, đã thần hứng trào dâng thành một ánh văn bất hủ (trong tập Le génie du christianisme). Thế mà khi về già, muốn được hưởng lại cái thiên cảnh ấy, nhưng hưởng xong, ông lại đòi lấy bài viết xưa xé đi. Tại sao thế? Vì đây là bản "sao chép" quá dở, một chú kiến trước con voi. Thế mà con voi là kinh nghiệm kỳ diệu ấy lại chưa thể sánh với một huyền nghiệm dù thấp nhất!
1 H.Taine, Philosophie de Part, t.I, tr33-41
2M.Dufrenne, Esthétique et philosophie, t.II, tr.115
3 M.Dufrenne, op.c.,tr.114-116
4 Sâm khuya nói đến năm giác năng hành động là: Nói, cử động tay, chân, hành vi thải cặn và giao phối.
5 J. Maritain, L'intuition créatrice dans l'art et dans la poé sie.
6 Xx. Thérèse de Jésus, Le château de l'âme, ch. XI.
7 J. Maritain, sđd., tr.388.
8 J. Maritain, sđd., tr. 204
9 Xx.J. Maritain, sđd., tr. 197-198.
10Phúc âm Gioan, 14.27.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh