Đức tin
Cách đây 65 năm, ngày 14.8.1943, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh đã từ trần tại nhà tù Côn Đảo sau khi vào tù lần thứ năm (4.10.1939), bị kết tội gây rối trị an và đày ra đảo ngày 10.12.1940. Bài báo Đức tin dưới đây do ông viết trong Khám Lớn Sài Gòn, ký tên Nguyễn An Ninh, gửi ra đăng báo Thần Chung số ra ngày 23.3.1929 trong lúc ông bị tù lần thứ hai (1928 – 1931). Bài báo này viết vào thời kỳ Nguyễn An Ninh đi sâu vận động quần chúng, tập hợp lớp trẻ và những người yêu nước vào tổ chức “Thanh niên Cao Vọng” để chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho cách mạng khi có yêu cầu. |
Đức Tin
Trong sách của Lương Khải Siêu có một đoạn nói về cái lực của cái lòng tin của con người. Một người kia đi lạc vào rừng nhằm lúc rạng đông mặt đất còn mờ mờ. Xa quá năm thước không thể thấy rõ hình dạng được. Người này thấy trước mình cách chừng mười thước có một con cọp nằm rình đợi con thịt đi ngang qua. Anh ta lật đật núp sau một hòn đá to. Thời may con cọp không thấy anh ta. Mà vì trời còn mờ mờ, đã lỡ bước đi trờ tới cận quá, nếu trở lui lại thì e không khỏi con cọp ngó thấy.
Càng đợi lâu dài nữa thì trời càng thêm sáng, thì lại càng không thể tính việc trở bước được. Trong các phương thế để cứu thân lúc ấy, chỉ có cái phương giết cho được con cọp là cái phương chắc cứu mình được hơn hết. Túng thế, anh ta giương cung lên, hai tay của anh ta lúc ấy giương cung nhẹ nhàng như uốn trúc, cặp con mắt của anh ta nhắm ngay giữa mình con cọp, nhắm chắc chắn, nhắm mạnh mẽ, không thể nào cây tên đi ngoài cái đường nhắm ấy được. Vừa buông dây tên ra thì nghe một tiếng dội thật mạnh. Con cọp bị mũi tên, chết ngay không vùng vẫy chi hết. Nhưng mà anh đi lạc sợ cho con cọp chưa thật chết, không dám lại gần mà coi. Đợi cho đến mặt trời lên khỏi đầu, sương mù đã tan bớt thì anh ta thấy con cọp ấy lại là màu xám. Bò lần lại gần thì thấy là một cục đá dài, hình như con cọp nằm. Cây tên cặm ngay giữa cục đá, đâm thủng vào tới nửa cây.
Anh bắn đấy lấy làm lạ, rờ cục đá thì thật là thứ đá xanh, coi kỹ cây tên thì thật là cây tên của mình, rút cây tên ra thì rút không nổi. Anh ta nghĩ cho mình khi nãy sợ hãi như gặp cọp thật thì muốn tức cười, nhưng mà vì lấy làm lạ sao mũi tên lại đâm thủng vào đá xanh được như thế ấy, cho nên trong bụng muốn cười mà miệng không cười được. Anh ta mới lui lại chỗ cũ mà bắn thử mũi tên trúng hòn đá thì cây tên dội văng ra xa gãy mũi. Anh ta xích lại gần bắn thử ba lần nữa mà mỗi lần vào cây tên cũng dội văng ra gãy mũi.
Vì sao bắn cây tên đầu lại thủng vào tới nửa cây, còn mấy cây sau lại dội văng ra đi? Vì lúc bắn cây tên đầu, anh đi lạc ấy tưởng chắc rằng mình gặp cọp. Vì chắc rằng cọp nên lúc ấy anh đi lạc mắc trong hai cửa này: một là muốn cho mình sống thì phải giết cọp cho chết; hai là nếu để cọp sống thì chắc là mình chết. Vì vậy mà anh đi lạc dụng hết cả sức lực cả tinh thần của mình mà giương tên nhắm bắn cọp. Một người kia không ưa chạy nhảy, mà gặp lúc nguy có thể hại đến tánh mạng của mình thì chạy thật mau, gặp mương rộng rào cao cũng nhảy qua khỏi được. Thường ngày lắm khi có xảy ra nhiều việc như vậy.
Đến khi anh đi lạc bắn mấy mũi sau thì anh ta biết rằng bắn vào một cục đá, bắn thử coi cây tên có phủng vào cục đá được không. Có lẽ lúc bắn cây tên chót anh ta cũng có tỉ rằng cục đá ấy là con cọp. Anh ta muốn tưởng rằng cục đá ấy là con cọp, chớ anh ta hết tin chắc rằng cục đá ấy là con cọp như lúc đầu được nữa. Vì hết tin là gặp cọp nên hết lo cứu mình hết gom được cả sức lại mà giết cọp đặng cứu mình như khi trước.
Chuyện này là một chuyện đặt ra để cho mình dễ hiểu rõ cái lực của lòng tin quyết của con người. Hằng ngày thường có nhiều chuyện có thật cũng làm cho ta thấy rõ được cái lực của lòng tin của con người.
(... Tòa kiểm duyệt bỏ một đoạn)
Còn như những việc chung, từ người dẫu lòng tin mạnh thế nào không ai làm nổi một mình, những việc này nếu mấy người chung cùng với nhau đó mà không tin nhau trước hết thì không thể nào lập thành nổi. Như một chánh phủ, một hội buôn, một hội tương trợ, nếu những người hội trước hết không tin nhau thì không thể nào có chánh phủ, có hội buôn, có hội tương trợ được. Một cái chợ đông bị một đám ăn cướp không mấy đứa đánh cướp được, là vì bọn ăn cướp nó chắc rằng chúng nó đồng tâm đồng lực với nhau như một người, còn bao nhiêu người bị cướp ấy mỗi người đều chắc rằng hễ chống cự lại thì chết. Nếu mỗi người bị cướp ấy chắc rằng mấy người bị cướp kia cũng đồng tâm đồng lực kháng cự lại cùng mình thì bọn ăn cướp có thể nào cướp được.
Như thế thì có nhiều việc nếu mình không tin chắc trước rằng việc ấy có, thì việc ấy không bao giờ có được. Nghĩa là: lòng tin của con người tạo thành ra nhiều việc lắm, mà chỉ có một mình lòng tin của con người tạo thành ra được mà thôi.
Đây tôi không nói về cái lòng tín ngưỡng của những người ngu tối tin ma, tin quỷ, tin cô, tin cậu, vái Bà, cầu Thầy, xin việc này nọ, hoặc cầu bệnh hoặc cầu con, hoặc xin làm giàu hoặc xin lên tước. Người tin dị đoan với người tin đạo, hai người khác xa nhau. Lòng tin của người tin đạo là lòng tin mạnh mẽ sanh tạo ra việc như đã nói trên đây.
Người "luân lý" quyết chắc rằng điều phải là phải, điều quấy là quấy, quyết sống là thờ thiện, ghét ác; người luân lý quyết chắc rằng điều phải là hơn điều quấy; thiện hơn ác, cho nên đã buộc mình phải làm phải, buộc mình phải diệt ác trong tâm mình, buộc mình phải làm cho thiện thắng ác trong nhơn loại. Người "tin đạo" vì còn cái tánh buôn đổi, hai chữ thiện ác không đủ làm cho họ dám bỏ cuộc giàu sang sung sướng của họ, bỏ quyền tước, bỏ vợ con, chịu đau khổ, chịu sống chết vì thờ thiện ghét ác, cho nên họ phải cần tin sau sẽ có người, sau sẽ có một cảnh khác sẽ trả lại bội phần những điều họ chịu mất trong đời này vì việc phải vì điều thiện. Cái lòng tin dạo là để giúp tin chắc rằng thiện là phải, rằng thiện thắng ác, thắng trong đời này, thắng trong tâm của con người, thắng đời đời ngày sau.
Một cái ý kiến thật hay, thật rộng, thật cao, nếu không có cái đức tin làm gốc để chịu ý kiến ấy, thì cái ý kiến ấy có cũng như không có. Thì cái ý kiến chẳng qua là một cái tư tưởng, một cái mộng tưởng mà thôi. Một ý kiến hay cũng như một cái bao không. Nếu không có đức tin đựng đầy ở trong thì cái bao đứng không được.
Một cái ý kiến hay có thể làm cho bao nhiêu người hễ có một chút trí sáng thì hiểu nổi. Trong bọn hiểu đó lại chia ra một bọn hiểu không mà thôi và một bọn đã hiểu mà lại ưa thích cái ý kiến ấy. Mà trong cả bọn đồng hiểu ý kiến ấy là cao là rộng, là hay, là phải thì chỉ có một mình người tin chắc rằng ý kiến ấy là cao, là quý hơn hết mà hy sinh các điều của mình quý bấy lâu nay đặng đeo đuổi theo, đặng làm thành, đặng trọng thờ cái ý kiến ấy cho trọn, thì chỉ một mình người này làm cho cái ý kiến ấy thành hình nổi, làm cho ý kiến ấy sống nổi mà thôi.
Hiểu ấy là dễ, tin mới là khó. Biết ấy là dễ, làm mới là khó. Vì trong lúc ra làm thành thì gặp biết bao nhiêu điều trăn trở. Bọn vì tư lợi mà chống phá lại, bọn vì tánh ưa thủ cựu mà không muốn sửa đổi, bọn mình tính làm ơn cho nó nhưng vì nó ngu dại mà cản trở, có khi lại kháng cự lại mình, cho đến chánh mình đây là một mối cản trở rất lớn trong việc làm của mình. Vì không bỏ được cảnh giàu sang sung sướng, vì không nỡ xa cha mẹ, bỏ vợ con, vì sợ rủi ro, sợ đau khổ, lo sợ cho ngày sau, vì sợ người ta không hiểu, rủi thất bại bị cười bị chửi, vì tham sống, vì bao nhiêu điều do dự sợ hãi dại dột nữa, không biết rõ là vì sao, là tại nơi đâu mà ra, cũng không giải rõ ra được, sợ như người ngồi trên vực sâu của Pascal nói, ngồi trên tấm ván rộng dư, biết chắc rằng không thể nào té được, mà vì biết rằng dưới tấm ván ấy có vực sâu thì run sợ tái mặt đổ mồ hôi. Mấy điều cản trở ấy, không có đức tin thì không phương thắng nổi. Mà hễ có đức tin thì không điều ngăn cản nào mà đức tin không thắng nổi.
Nguyễn An Ninh, báo Thần Chung, 23/3/1929
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá