Tin ở đức tin
Hồi xa xưa, Hà Nội lãng mạn vẫn còn tàu điện. Trên tàu điện thỉnh thoảng lại có một ông hom hem trung niên áo vét bạc màu, đeo kính râm gần giống như những người khiếm thị. Ông này quàng một cái khay gỗ, linh tinh bày nhiều loại gói. Có loại nguy hiểm như thuốc tẩy như thuốc chuột. Gió mùa đông bắc nhè nhẹ rít qua cửa sổ toa tầu và giọng ông rè rè cao: “Gió đông nam thổi ngược, gió đông bắc thổi xuôi. Anh nghi nghi hoặc hoặc. Chị nghi nghi hoặc hoặc. Uống một liều là giải hết nỗi nghi ngờ”. Ngôn từ sâu xa bí hiểm gần giống như câu thơ “Ai cũng hiểu nhưng một người không hiểu” mà một hãng được lớn bây giờ đang tìm cách sở hữu. Mọi người hoang mang nhao nhao đoán và ông trung niên điềm đạm giải thích, đấy là thuốc chữa hôi nách.
Theo nhiều nhà nổi tiếng là đạo đức thật thì xã hội đương đại của ngày hôm nay có nhiều nghi hoặc quá. Quanh một người bình thường luôn “thập diện mai phục” không biết bao nhiêu là đớn đau và bất trắc. Vâng, đã bao giờ bạn bị bằng hữu thân thiết bán rẻ chưa. Đã bao giờ bạn bị người tình quay quắt dối trá bội bạc chưa. Thậm chí tệ nữa, bạn đang hạnh phúc ê hề nhung lụa, bỗng một sáng giá vàng cổ phiếu xuống, bạn rơi xuống tận đáy ngầu đục thị trường. Chao ôi, hầu như những thảm cảnh này đều khắc nghiệt hơn hẳn cái bệnh ngoài da oái oăm kia. Và khi phải đối diện với những thứ kinh hoàng đó để mà trong trắng sống, nhỏ nhoi, con người ta là duy nhất chỉ còn một chỗ vịn, đấy là lòng tin.
Lòng tin hay còn được gọi trang trọng là đức tin, hay còn được bay bổng gọi là niềm tin, đại loại đa số các trọc phú đã trót có tiền thì đó là một thứ vừa thiêng liêng lại vừa vớ vẩn. Bởi đơn giản, trong lịch sử dằng dặc của nhân loại vẻn vẹn có dăm ba người là cặm cụi lao khổ vất vả rùi đi tìm nó rồi vinh danh nó. Đấy là Hoàng Tử Tất đạt Đa Xứ Nepal, sau này được gọi là Đức Phật. Đấy là anh thanh niên Giê – Xu xứ Nazareth, sau này được gọi là Đức Phật Ki tô. Đấy là ông thầy đồ Khổng Khâu nước Lỗ, sau này được gọi là Đức Vạn thế sư biểu. Đấy là, đấy là… Thế nhưng vẫn là quá ít nếu phải so với nhan nhản những người tinh khôn lành mạnh. Không phải ngẫu nhiên một nhân loại mênh mông văn minh đến thế, ranh mãnh đến thế lại chỉ có bơ vơ dăm ba người như vậy.
Này lòng tin, mày đang ở đâu…
Một thương nhân sắp sửa thành đại thương gia đã xuất sắc dạy con trả lời cho câu hỏi siêu hình này. Ông ta đem thằng con bảy tuổi đang chập chững bước vào tiểu học, để lên một mặt bàn chót vót cao rồi âu yếm nói : “Con nhảy xuống đây với bố nào”. Thằng con ngây thơ, tin tưởng lẫm chẫm lao xuống. Ông bố bình thản quay lưng châm thuốc, và đương nhiên thằng co rơi cái bịch, răng lợi văng vãi tung tóe. Lúc đấy ông bố mới ân cần nâng con dậy nghẹn ngào dặn “Con hãy nhớ, khi vào đời thì ngay cả bố mình cũng không thể tin được”. Thật là một bài học kinh dị sâu sắc. Tất nhiên, thằng con lớn lên trưởng thành trong thương trường và sẽ chỉ biết tin vào nó. Rồi nó thản nhiên cho melamine vào sữa bột, trộn phoocmôn vào bánh phở, dán bằng giả lên trán các tiến sĩ. Và nó cũng chun chút tin Thượng đế, vì lúc đó đã mỏi tay đếm tiền, nó giải trí bằng cách đọc slo-gan in trên tờ đô la xanh “We trust in God”.
Đức tin hình như càng ngày càng hiếm trong xã hội bây giờ. Những anh hùng thời đại nồng nặc mùi giấy bạc của ngày hôm nay chỉ còn đẫm đầy sự tự tin. Bọn họ tự tin đến mức tồng ngồng hoành tráng hát “Ra đi ra đi không quần không áo… Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền”. Sự tự tin quá mức dẫn đến sự đểu cáng, đến sự ngông cuồng tự mãn sẵn sàng bất chấp dẫm đạp lên người khác. Đức tin tuyệt đối không phải là sự tự tin. Tình yêu mà không có đức tin sẽ tha hóa thành ích kỉ nghi kị phàm tục. Tình thương mà không có đức tin thì sẽ trở nên trịch thượng thương hại, một thứ giả dối nhố nhăng thương vay khóc mướn. Đức tin đơn giản là sự chân thành vị tha, sự tuẫn tiết vì đạo lớn, sự bình dị tự nhiên trung thực. Những người tử tế thường nương vào nó để cứu mình rồi giúp đời.
Tuy nhiên, là những người có đức tin nồng nàn, thỉnh thoảng các nhà thơ hay bị quá lo khi trót làm những câu thơ sái: “Một lời là một vận vào khó nghe” ( Kiều). Gần đây có một nhà thơ nữ vừa mất đã làm một câu thơ tiên nghiệm “Vờ như mùa đông đã về”. Và chị đã đi vào cõi vĩnh hằng mà không kịp biết mùa đông. Một nam nhà thơ khác thấy vậy thì hồi hộp lắm, bởi anh trót viết một đoản thi với chủ đề: “Chưa tới mùa xuân”. Bạn bè thương quá, khuyên anh nên thêm ở câu kết một dòng “Khi tôi chết, Việt Nam vào World Cup”, bảo đảm tuổi thọ của anh sẽ dài như hy vọng của bóng đã nước nhà.
Khi đăng báo anh rưng rưng nghe theo và độc giả tin rằng anh sẽ là thi sỹ duy nhất bất tử.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005