Lev Tolstoi nói về đức tin

10:08 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười Một, 2017

Ai từng đọc Chiến Tranh và Hòa Bình (1869) của văn hào Nga Lev Tolstoy băn khoăn bi kịch, ngỡ ngàng thời trai tơ trước những diễn biến tình cảm yêu đương bổi hổi bổi hồi trong Anna Karenina (1877) và ngấu nghiến bộ 2 tập viết về tiểu sử của ông ngồn ngộn chi tiết– xuất bản bằng tiếng Việt đâu chừng những năm 80 của thế kỷ trước– chắc đôi lần ao ước được tiếp xúc với cuốn Tự Thú (1879): "Câu chuyện kể về cuộc khủng hoảng tâm linh xảy ra vào lúc nửa đời, mà những thành tố đã lên men (had been fermenting) trong con người này từ trong tuổi trẻ của ông" (David Patterson).

Như thế, thêm vào cái kiến thức thuần lý, mà trước đây đối với tôi là thứ kiến thức duy nhất, tôi tất yếu bị dẫn đến chỗ phải thừa nhận một loại kiến thức khác, một loại phi thuần lý, mà tất cả nhân loại đều có: đức tin, là cái cung cấp cho chúng ta khả tính (possibility) của sự sống. Đối với riêng tôi, thì đức tin vẫn phi thuần lý như bao giờ, nhưng mà tôi không thể không nhận thức rằng chỉ có một mình nó mới cung cấp cho nhân loại một câu trả lời cho câu hỏi về cuộc sống, và như thế, khiến cho người ta có thể sống được.

Kiến thức thuần lý đã dẫn tôi đến cái kết luận rằng đời là vô nghĩa; đời tôi đi tới chỗ bế tắc, và tôi đã muốn loại bỏ chính mình. Khi tôi nhìn quanh, vào những con người, tôi thấy rằng họ đang sống và tôi xác tín rằng họ biết cái ý nghĩa của cuộc đời. Rồi tôi quay lại nhìn vào chính mình; chừng nào tôi hiểu ý nghĩa của cuộc sống, tôi sống. Như với những người khác, với tôi cũng vậy; đức tin cung cấp cho tôi ý nghĩa của cuộc sống và khả tính của sự sống.

Khi xem xét thêm về những con người tại những nước khác, về những kẻ đồng thời với tôi, và về những người mà đã qua đời, tôi thấy cùng một điều tương tự. Bất cứ nơi nào có cuộc sống, có đức tin; từ khởi thủy của nhân loại, đức tin đã khiến cho chúng ta sống được; và những đặc tính chủ yếu (main characteristics) của đức tin thì có mặt khắp mọi nơi và luôn giống nhau.

Bất luận câu trả lời nào mà một đức tin nhất định có thể cung cấp cho chúng ta, thì mọi câu trả lời của đức tin đều mang đến ý nghĩa vô hạn cho cái sự tồn tại hữu hạn của con người, cái ý nghĩa không bị hủy diệt bởi sự đau khổ, sự thiếu hụt, và cái chết. Bởi thế, ý nghĩa của cuộc sống và cái khả tính của sự sống chỉ có thể được tìm thấy trong đức tin thôi. Tôi nhận thức rằng cái ý nghĩa cốt tủy của đức tin không chỉ nằm trong “sự hiển thị của những điều không thấy được”, và vân vân, hay trong sự mặc khải (đây chỉ là một mô tả về một trong số những dấu hiệu của đức tin); nó cũng không phải chỉ đơn giản là mối quan hệ giữa con người với Thượng Đế (đức tin phải trước tiên được quy định và sau đó Thượng Đế, chứ không phải ngược lại); đức tin cũng không phải là sự nhất trí với cái mà người ta được nói cho biết- cho dẫu người ta rất thường hay nghĩ đức tin là những cái như vậy. Đức tin là sự nhận biết về ý nghĩa của nhân sinh, nhờ đó mà con người tiếp tục sống, chứ không tự hủy diệt chính mình. Đức tin là lực của cuộc sống. Nếu một người sống, thì y phải có đức tin vào một cái gì đó. Nếu y không tin rằng y phải sống cho một cái gì đó, thì y sẽ không sống. Nếu y không thấy và không hiểu bản chất hư ảo của cái hữu hạn, thì y tin vào cái hữu hạn; nếu y hiểu bản chất hư ảo của cái hữu hạn, thì y phải tin vào cái vô hạn. Không có đức tin, thì không thể nào sống được.

Tôi nhìn lại cái tiến trình của cuộc sống nội tâm của tôi và tôi kinh hãi. Bây giờ thì tôi thấy rõ rằng, để cho một người có thể sống, y phải hoặc là không thấy cái vô hạn hoặc là y phải có một giải thích về ý nghĩa của cuộc sống mà nhờ đó cái hữu hạn và cái vô hạn sẽ được làm cho cân bằng (to be equated) với nhau. Tôi đã có một giải thích như thế, nhưng tôi không cần nó bao lâu mà tôi (còn) tin vào cái hữu hạn, và tôi bắt đầu dùng lý tính để trắc nghiệm nó. Và trong ánh sáng của lý tính, mọi mảnh nhỏ (bit) của lời giải thích trước kia của tôi đều tan thành tro bụi. Nhưng rồi đến một lúc mà tôi không còn tin vào cái hữu hạn được nữa. Và rồi, dùng những nền tảng của lý tính, tôi bắt đầu dựa vào những gì mà tôi biết để ráp những mảnh ấy lại thành một lời giải thích mà sẽ ban cho cuộc sống ý nghĩa, nhưng rồi cũng chẳng đi tới đâu. Cùng với những trí óc kiệt xuất nhất (the finest minds) mà nhân loại đã từng sản sinh ra, tôi đạt tới câu trả lời 0=0, và tôi hoàn toàn kinh ngạc trước một giải đáp như thế; kinh ngạc khi phát hiện ra rằng không có câu trả lời nào khác.


Theo Lev Tolstoy. (1996). Confession. New York: W.W. Norton & Company, Inc.// (2007). Tự thú. Đỗ Tư Nghĩa dịch. TP.HCM: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.118- tr.122

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tinh thần bất ổn

    13/07/2017Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi được rằng đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng, có thể là khủng hoảng tăng trưởng, cách gì thì cũng là một khủng hoảng khá sâu sắc, và nhiều người không nghi ngờ gì mức độ nghiêm trọng của nó.
  • Thế kỷ XXI: Tìm về đức tin và cuộc sống nội tâm

    25/02/2017Thanh ThảoĐó sẽ là một thế kỷ không dễ dàng. Khoa học kỹ thuật sẽ có những bước tiến vũ bão, kéo con người vào “cuộc chơi” của nó. Nghĩa là, nếu lỏng tay, con người sẽ bị điều khiển bởi chính những sáng tạo của mình. Đó là một nghịch lý có thật. Con người sẽ thoát ra khỏi nghịch lý ấy bằng cách nào?
  • Bi kịch nhị nguyên và số phận con người

    18/05/2015Phan Bích HợpKhái niệm Nhị nguyên luận được dùng trong nhiều lĩnh vực của tri thức. Bất cứ một lý thuyết nào xác định sự phân ly không thể thu hẹp được giữa hai loại sự vật thì đều có thể gọi là thuyết nhị nguyên...
  • Vấn đề về các Giá trị Xã hội

    13/11/2008SorosTrong chương này tôi sẽ khảo sát vấn đề về các giá trị xã hội sâu hơn. Điều này sẽ đặt nền móng cho xem xét phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu như nó thịnh hành ngày nay...
  • Về tính quy luật của sự hình thành hệ giá trị và chuẩn mực đạo đức mới

    27/06/2007Nguyễn Văn PhúcTrên bìnhđiện lý luận, cần phân tíchtoàn diện và đầyđủ những nhân tố tácđộng đến quá trình hình thành hệ giá trị và chuẩn mựcđạo đức mới, trongđó, kinh tế thị trường, tiếnbộ công nghệ, giaolưu văn hoá là những nhântố cơ bản nhất...