Đức tin và lối đến Thiên đường

04:50 CH @ Thứ Sáu - 23 Tháng Mười Hai, 2016

Điều quan trọng nhất để con người tìm thấy vẻ đẹp kỳ diệu của đời sống là đức tin. Và đức tin không chỉ dành cho con người mà là sự tồn tại của chính các vị Thánh.

Mỗi sáng thức dậy, bạn có thể thấy thêm một cuốn sách Thánh được in ra, thêm một nhà thờ, thêm một ngôi chùa mọc lên trên thế gian của chúng ta. Và mỗi sáng thức dậy, bạn có thể thấy thêm một người đến nhà thờ, đến với chùa chiền, đến với các buổi giảng kinh... Nhưng mỗi sáng thức dậy, bạn sẽ thấy thêm một người đánh mất đức tin vào đời sống trên thế gian này và trở nên tuyệt vọng hoặc trở nên tội lỗi.

Và có lẽ, trong lịch sử nhân loại, chưa bao giờ những cuộc chiến tranh lại nhiều như bây giờ và man rợ như bây giờ. Ngay trong chính đời sống của mỗi con người đang hiện hữu trên thế gian này, chúng ta cũng nhận ra chúng ta dần dần trở lên mù loà trong chính ánh sáng mà chúng ta từng được khai mở và được ban phước.

Thế gian đang đến gần với Thiên đường như con người trên thế gian này đêm ngày nguyện cầu hay đang lạc đường và tàn lụi ? Với cái nhìn một cách đầy đủ và công bằng vào đời sống của con người, chúng ta có thể nói: thế gian đang lạc đường và tàn lụi.

Bạn có thể không đồng tình với câu trả lời như một sự tuyệt vọng này của tôi. Bởi bạn đang sống trong một đời sống nhiều của cải vật chất hơn. Bạn đang mỗi ngày lút sâu trong đầm lầy của thói ngạo mạn và tăm tối khi thấy mình đang sở hữu nhiều vật chất và quyền lực hơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ bạn.

Nhưng nếu chúng ta đặt câu hỏi về đời sống này với đúng bản chất tinh thần của nó và lắng nghe câu trả lời thành thực nhất theo một phép liên hoàn từ nhiều thế hệ trong gia đình bạn: cụ kỵ, ông bà, cha mẹ...thì bạn sẽ nhận thấy những câu trả lời này sẽ dựng lên một lộ trình của tinh thần đời sống giống như tiến trình đóng băng của một dòng sông.

Dòng nước bị băng hoá từ từ và cuối cùng trở nên bất động: cái chết của dòng chảy - sự sống. Sự băng giá từ từ hay một cái chết chậm không làm cho bạn nhận biết về nó. Ngược lại, bạn đã lầm tưởng bạn đang đến gần với một thế giới ánh sáng.

Cũng trong hơn 100 năm nay, từ thế kỷ 20 đến thập niên đầu của thế kỷ 21, các cuộc chiến tranh tôn giáo trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Sự mù loà về Thượng đế, Thần Phật hay các vị Thánh và đức tin bắt đầu từ chính những nơi ở ngay trên thế gian này mà chúng ta tin Thượng đế, Thần Phật hay các vị Thánh thường đến trú ngụ.

Cho dù tôi không hiểu một chút nào về bản chất của các tôn giáo hay lịch sử của nó thì tôi vẫn có thể cất lên một câu hỏi chính xác về những gì đang xẩy ra trong đời sống tôn giáo của nhân loại: Chúng ta sẽ lý giải như thế nào khi những người Thiên chúa giáo tìm mọi cách chống lại những người Hồi giáo hay những người Phật giáo và ngược lại.

Tại sao Jesus lại đối nghịch với Đức Phật hay Thánh Ala? Mọi đối nghịch một cách tồi tệ và u tối này sinh ra bởi chính chúng ta. Thật hổ thẹn và tội lỗi khi một người Thiên chúa giáo kêu gọi chống lại một người Hồi giáo và ngược lại. Nhưng điều tồi tệ này đã và đang xảy ra.

Nó làm cho tinh thần tối thượng của các tôn giáo bị tàn phá. Nó làm cho chúng ta tin rằng lực lượng của Bóng tối đã chiếm ngự thế gian như quá nhiều các tác phẩm văn học, điện ảnh và những lời tiên tri đã thường đề cập tới là một hiện thực.


Lời truyền tin (2000), sơn dầu trên vải, Nguyễn Đình Đăng

Những "Nhà nước" của các tôn giáo là những người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc mở cửa cho lực lượng của Bóng tối tràn đến thế gian.

Còn đối với những người vô thần lúc này lại có quá nhiều cơ hội để cười nhạo các tôn giáo và các vị Thánh. Và trong mắt họ lúc này, nhà thờ hay chùa chiền chỉ là những túp lều được sơn quét sặc sỡ mị dân phù phiếm trên một thế giới quá nhiều lầm lạc, nhiều thù hận và nhiều tội lỗi và trở lên trơ trẽn.

Khai mạc Thánh lễ tại Sở Kiện, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ảnh: MT

Phải chăng Chúa và Phật đang bỏ loài người như ca từ trong một bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn? Không, Họ không rời bỏ chúng ta như những vẻ đẹp của đời sống này không rời bỏ chúng ta. Chỉ chúng ta đang trở lên mù loà và mỗi ngày rời bỏ Họ. Chúng ta ngày ngày tìm đến những nơi chốn tôn nghiêm và quỳ gối hay cúi đầu cầu xin Thượng đế, Thần Phật và các vị Thánh ban phước cho chúng ta. Và quá nhiều người trong chúng ta trở nên tức tối hoặc tuyệt vọng khi những lời cầu xin của chúng ta không được đáp lại.

Thực tế, hàng ngày, Thượng đế vẫn gửi những món quà cho chúng ta. Chỉ có điều chúng ta không nhận ra những món quà ấy. Bởi chúng ta đã hoàn toàn hiểu sai lệch và lạc đường trong hành trình đi tìm những vẻ đẹp vĩnh hằng của đời sống.

Nhiều lúc nhìn con người chen chúc nhau trên mọi ngả đường của thế gian, chúng ta giật mình kinh hãi nhận ra rằng: chúng ta đang mang trên mình những con mắt và những cái tai giống đồ mỹ ký không một chút giá trị thực nào. Chúng ta không có khả năng nhìn ra những vẻ đẹp và không có khả năng nghe thấy những điều kỳ diệu trong đời sống của mình.

Giáng sinh năm ngoái, tôi không đi nhà thờ mà ngồi xem lại bộ phim hoạt hình The Polar Express khi chuông nhà thờ ở thị xã Hà Đông vang lên trong giá lạnh.

Bộ phim kể về một cậu bé đã đi một chuyến tàu trong giấc mơ lên phương Bắc. Ở đó, cậu đã gặp ông già Noel và được tặng một chiếc chuông gắn trên chiếc xe kéo tuần lộc. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, cậu bé mở một gói quà và thấy chiếc chuông đó. Cậu lắc khẽ chiếc chuông và một âm thanh diệu kỳ mà cậu đã nghe thấy trong cơn mơ của mình giờ đây đang tràn ngập tâm hồn cậu. Cậu tin cậu đã đến được miền đất ấy và gặp được ông già Noel.

Nhưng khi cha mẹ cậu nhìn thấy chiếc chuông cũ kỹ thì muốn vứt đi. Cậu bé nói cho cha mẹ mình về tiếng chuông diệu kỳ ấy. Cả hai người lớn kia lắc mãi và lắc mãi chiếc chuông nhưng họ không nghe thấy gì. Họ không tin có điều ấy.

Tiếng chuông diệu kỳ kia là có thật. Nó không phải là chuyện cổ tích. Nhưng chỉ có những cái tai của một tâm hồn trong sáng và tràn ngập đức tin thì mới nghe thấy. Những người lớn chúng ta đã đánh mất tâm hồn ấy và chúng ta không hề nghe được những điều kỳ diệu của đời sống này. Các vị Thánh cùng những phép thiêng không bao giờ rời bỏ chúng ta. Họ luôn luôn ở bên cạnh chúng ta đợi tâm hồn và đức tin chúng ta hồi phục như những bà mẹ thức trắng bên giường những đứa con đang trong cơn sốt mê sảng và chờ chúng tỉnh dậy.

Có rất nhiều cậu bé, cô bé trên thế gian này giống cậu bé trong bộ phim kia đã đến được nơi chốn mà chúng ta thường nhếch mép cười khẩy và mỉa mai đó chỉ là một ảo giác. Nhưng chúng ta lại luôn luôn nói về Thiên đường và cầu xin được đến Thiên đường sau khi rời bỏ đời sống thế gian này. Và sự khao khát đến được Thiên đường của chúng ta như thế rõ ràng là một thói hưởng thụ như mọi thói hưởng thụ vật chất trong đời sống chúng ta mà thôi. Chúng ta không hề hiểu rằng: chỉ có một đời sống đích thực ý nghĩa của chúng ta mới đủ trả cho tấm vé lên chuyến tàu đến Thiên đường của mỗi chúng ta.

Nhưng điều tối quan trọng là chúng ta đã sai lầm tệ hại khi hiểu rằng giữa thế gian chúng ta đang sống và Thiên đường được phân cách bằng một đường biên giới như đường biên giới giữa các quốc gia. Thế là, chúng ta cho phép mình sống tuỳ tiện với mọi ham muốn thấp hèn ở phần bên này của đời sống: Thế gian mà không chịu hối hận. Rồi chúng ta đợi một ngày với ý nghĩ rằng những khôn lỏi và mưu mô sẽ giúp chúng ta nhanh chân hơn người khác lọt sang phía bên kia: Thiên đường, để tha hồ tiếp tục hưởng thụ và thoả mãn những dục vọng của chúng ta như khi đang sống ở Thế gian mà chẳng phải làm gì.

Thực tế, chỉ có một đường biên giới duy nhất giữa thế gian và Thiên đường. Đó là chính thân xác tội lỗi của chúng ta. Khi chúng ta ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh, huỷ diệt mọi hận thù, khi chúng ta chia sẻ và yêu thương con người và thiên nhiên một cách chân thành, khi chúng ta luôn mỉm cười với người bên cạnh, khi chúng ta thấy ngập tràn hạnh phúc mỗi lúc chìa bàn tay nhân ái về phía những số phận khổ đau... thì ngay lập tức Thiên đường tràn ngập ngay nơi ta ở, cho dù đó là một căn phòng chật chội và treo nhiều quần áo cũ.

Tại sao chúng ta lại không chịu thừa nhận những điều kỳ diệu của đời sống như thừa nhận tiếng chuông mà cậu bé nghe được trong cơn mơ của mình? Tại sao chúng ta lại không hiểu đó là một hiện thực? Bởi chúng ta là những kẻ bị chủ nghĩa vật chất mê dụ.

Chúng ta chỉ muốn thừa nhận những điều kỳ diệu của đời sống này như thừa nhận sự hiện diện của những miếng bít tết trên đĩa sứ. Nó làm thoả mãn vị giác của chúng ta và những cơn đói nhục dục.

Có một câu hỏi mà một người bạn tôi từng hỏi nhưng chưa ai trả lời làm thoả mãn ông. Câu hỏi đó là: Nếu Chúa Jesus, thánh Ala và Đức Phật có quyền năng tối thượng sao Họ không "phẩy tay" để xua đi ngay lập tức mọi đói rét, bệnh tật, thù hận, khổ đau trên thế gian này mà cứ để thế gian chìm đắm mãi trong bóng tối của những đau khổ ấy?

Tôi đã nói với bạn tôi rằng câu trả lời ở đây chính là vấn đề về đức tin và ý nghĩa đích thực của hạnh phúc.

Điều quan trọng nhất để con người tìm thấy vẻ đẹp kỳ diệu của đời sống của họ là đức tin. Và đức tin không chỉ dành cho con người mà là sự tồn tại của chính Họ. Nếu Họ, Chúa Jesus, thánh Ala, Đức Phật... không làm cho con người có đức tin thì Họ là những người thất bại đầu tiên.

Khi tất cả con người trên thế gian này không còn đức tin thì hoặc Họ không còn lý do gì để hiển hiện trong một hình thức nào đó trên thế gian này nữa hoặc Họ phải dời đến một một nơi chốn nào đó trong vũ trụ.

Thượng đế đã mở sẵn lối đi đến Thiên đường và đã mách bảo chúng ta hàng ngày mà chúng ta không hề nghe thấy. Và bi hài thay, có không ít những người Thiên chúa giáo, những người Hồi giáo và những Phật tử lại luôn luôn tranh giành quyền sở hữu Thiên đường như một quyền lợi cho nhóm của mình. Đấy chính là sự lạc đường và suy tàn của chúng ta. Và đấy là nguyên nhân sinh ra những cuộc chiến tranh tôn giáo ngập tràn máu chảy và sự hận thù. Đấy là một tội lỗi kinh khủng nhất bởi có những người, hay những nhóm người lợi dụng sự sợ hãi, lợi dụng lòng tin một cách ngây thơ của con người, lợi dụng bản chất huyền diệu của tôn giáo để thoả mãn những dục vọng của mình.

Chúng ta đang mắc một sai lầm khi nghĩ rằng chỉ khi mình trở thành con chiên của Chúa, của thánh Ala hay là đệ tử của Đức Phật thì chúng ta sẽ được Họ ban phước. Tôi hoàn toàn tin có một Đấng Tối Cao mà Chúa Jesus, thánh Ala và Đức Phật là hiện thân của Người trên thế gian này để khai mở tâm hồn con người và cứu vớt con người. Họ không phải những Người phân chia quyền lực và lôi kéo con người trên thế gian về phe mình. Nhưng hiện thực của thế giới tôn giáo đặc biệt trong đời sống hiện đại đã đi ngược lại bản chất tinh thần tối thượng của nó.

Nhưng trong đêm khuya khoắt này, cho dù tôi đang viết những lời đầy buồn bã và thất vọng này thì trên thế gian chúng ta có bao ngôi nhà ấm áp và lấp lánh ánh lửa. Ở đó, có biết bao người đang nói với nhau về những điều tốt đẹp và huyền diệu của đời sống. Và có biết bao đưa trẻ đã lên con tàu trong cơn mơ của chúng để đến với miền đất kỳ diệu. Để sáng hôm sau thức dậy, chúng mang một niềm tin bất diệt về những điều kỳ diệu mà chúng đã được ban phước. Chúng sẽ mang theo đức tin ấy để từng ngày xây dựng một thế giới tốt lành trên thế gian còn quá nhiều bóng tối và máu chảy của chúng ta.

Giáng sinh, 2009.

Phụ lục cho bài viết: Trường ca: Nhân chứng của một cái chết

(Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1999, khúc 14, 16, 19)

Khúc mười bốn

Trong mưa đêm và mây đen tôi nhìn thấy ngôi sao. Bền bỉ sáng, ngôi sao từ thuở tôi sinh ra cho tới đêm này. Không gần hơn không xa hơn, ngôi sao, và không bao giờ tắt. Sáng bền bỉ trong mây mù như con mắt không chớp, nhìn tôi.

Gió thổi suốt tháng năm qua ngôi nhà của tôi. Ngôi nhà như lễ đặt tên, như lễ xưng tội, như một bằng chứng. Chiếc dây phơi căng qua sân ám ảnh và tuyệt vọng trong những đêm tháng Chạp. Ở đó, một chiếc áo chưa khô, bị bỏ lại, than khóc vì sợ hãi suốt đêm. Ở đó, một con thạch sùng đã liều lĩnh băng qua và lạnh cóng bốn bàn chân. Ở đó, một con chim không chịu nổi cơn buồn ngủ ngã nhào xuống. Ở đó trong một đêm âm u, hoang vắng, tôi đứng như một thân cây tối thẫm. Tinh thần tôi bay lên để nhìn ngôi sao rõ hơn.

Và đêm này, trên ban công ngôi nhà, trong rền rĩ mưa. Tôi ngước về chốn xa xăm, xúc động tràn nước mắt. Vẫn nơi đó, không hề suy chuyển ngôi sao toả sáng. Ngôi sao không hề sáng hơn trong những đêm mùa hạ trong trời. Ngôi sao không mờ hơn trong mây mù và những đêm mưa như đêm này. Chỉ tôi đã lớn lên và nhiều hơn khoảnh khắc bất động. Những ngón tay tôi mờ dần đi trên những bức tường. Và giọng nói tôi vọng đến một chốn xa xăm. Và bánh xe của cỗ xe mơ mỗi ngày một quay nhanh và vang lên những tiếng nghiến như tiếng nức nở của một đứa trẻ. Một con đường tỏ dần trong tôi và ánh ngày rạng toả. Một bản nhạc trong lặng im tấu lên rộn rã. Một lễ hội toàn người lạ kéo tôi như đi lạc mất đường về.

Đã có những tháng năm tôi trốn chạy. Nhưng ở đâu ngôi sao cũng mọc trước mặt tôi. Tôi đã từng giá lạnh, đã từng hoang vu, đã từng không trả lời được câu hỏi về số phận. Trong những đêm của năm tháng đó, tôi đứng một mình trên cánh đồng xứ sở sau những mùa gặt hái. Sương mù giăng như khói và mây mù che lớp lớp bầu trời. Tôi cất tiếng hỏi những ngôi mộ nhiều tuổi tác. Nhưng không một ngôi mộ nào cất tiếng trả lời tôi. Những ngôi mộ ngồi lặng im và suy nghĩ triền miên về sự sống và cái chết. Và tôi thấy tỏa về xa xăm ánh sáng ngôi sao. Tôi nghe thì thầm một giọng nói. Và thời gian năm tháng ấy đi qua tôi náo nức, và bí ẩn, và câm lặng một niềm tin.

Đêm nay trong thị xã lẻ loi, đơn điệu, nước đang lặng lẽ dâng lên. Và lặng lẽ ánh sáng ngôi sao ngập tràn trong tôi. Và tôi lại mơ về bến bờ xanh tươi của đại dương đã chết.

Khúc 16:

Viết trong đêm mưa tôi gửi cho Người. Chưa bao giờ mưa nhiều đến thế. Có lẽ mưa kéo dài đến 100 năm. Và mấy trăm năm rồi không ai viết cho Người.

Trong những đêm gần sáng tôi thấy Người đi bên những đám mây hừng đông. Tôi không thể đến bên Người. Nhưng giọng tôi thì Người nghe thấy.

Trái đất giờ này quá suy nhược. Sự mệt mỏi bò lên đỉnh sợi tóc. Ngày già đi quá nhanh và đêm nào cũng lạnh thấu xương. Chúng tôi ngồi co ro trên Trái Đất trơ trụi và đang trôi mê sảng. Có ai đó trong chúng tôi cởi áo đốt lên đống lửa. Và ai đó cất tiếng khóc nguyện cầu. Tiếng hát loang đi như tiếng cổ xưa. Dọc những triền sông về thượng nguồn. Nơi bầy thú rừng lang thang đói khát và mệt mỏi.

Chúng tôi sinh ra và có lẽ nào tàn lụi. Ôi thế kỷ này răng hàm chúng tôi lại mệt mỏi rã rời. Một thế kỷ thực phẩm còn mệt mỏi hơn. Sao chúng tôi phải gánh theo cơn đói. Để suốt đời chúng tôi phải nấu nhừ ngũ cốc và chọc tiết súc vật.

Sao chúng tôi không là những đám mây, bay thanh thản mọi nẻo đường vũ trụ. Sao da thịt chúng tôi lại thế này. Thật không thể tin vào mắt mình được nữa. Sao mắt chúng tôi lại cứng dần và biến thành những viên sỏi. Tai chúng tôi ngứa ngáy mọc lên nấm độc. Lưỡi chúng tôi hóa thành đầu rắn. Và trái tim hóa trái cây dại đầy nhựa chát. Có phải đây là trò đùa hay sự trừng phạt của Người?

Đêm mỗi lúc lạnh thấu xương. Chúng tôi cởi áo nhóm lên ngọn lửa. Và chúng tôi không ai bảo ai cùng cất lên tiếng hát. Người nghe thấy chăng tiếng hát đầy sợ hãi. Đấy chính là lời cầu nguyện của chúng tôi.

Khúc mười chín

Mưa vẫn rì rầm bay

Về những nơi bóng tối còn phủ đầy

Trong đáy sâu của nước

Chiếc xe bò yên nghỉ

Phía trên những đám cỏ bồng bềnh trôi

Con bò đã thoát khỏi ách xe

Nước đẩy nó ra quảng trường thị xã

Nơi có những ngọn đèn trong nước

Như con ngươi của người mù

Cố ngước lên tìm đường

Để thoát khỏi đám đông gào thét

Linh hồn con bò đã bay lên

Nhưng cặp sừng của nó quá nặng

Và người đánh xe

Chưa dứt cơn say

Rúc đầu vào thùng xe

Mơ con bò sinh ra một chú bê

Mưa vẫn rì rầm bay

Tất cả giờ rơi vào lặng câm và bóng tối

Và lúc này câu cầu hiện lên

Trong cái chết của thị xã

Cây cầu vụt lên như ánh sáng

Ánh sáng từ thị xã ra đi

Hay từ chốn xa xăm rọi về

Từ trong thị xã ngập nước

Họ đi lên cầu

Một người đàn ông và một người đàn bà

Cả hai không mảnh vải che thân

Như vừa sinh ra

Họ ướt át và run rẩy

Đến giữa cầu họ dừng bước và quay lại

Họ nhìn thị xã

Và hai mắt họ

Hai cửa sổ bị phá toang

Họ không chạy trốn cơn thịnh nộ của trời xanh

Họ chỉ đi lên cao hơn

Để nhìn rõ toàn bộ thị xã

Họ là những kẻ may mắn chăng?

Không! Họ chỉ là

những kẻ phải sống

Để chứng kiến cảnh này

Họ đứng lặng im

Trong ánh sáng một cây đèn

trên cầu còn sót lại

Mưa vẫn rì rầm bay trên đầu

Mang theo tiếng hát nguyện cầu

và nỗi sợ hãi của họ

Họ đứng lặng im

Nhớ về những giấc mơ

Trong những ngôi nhà đầy bụi

Và trên những con đường

Chạy ra ngoại ô

Đầy phân bò và đá

Nơi họ đã băng qua

Để khóc một mình trên cánh đồng

Liền với chân trời những đêm tối

Rồi vội vã trở về thị xã

Vào lúc rạng đông

Mưa rì rầm bay

Và mất dần về bóng tối phía xa

Một ngôi sao trên đầu

Vẫn lặng lẽ theo dõi họ

Và lúc này

Họ không còn khóc than

Không còn tuyệt vọng

Không còn dày vò

Về những năm tháng đã đi qua

Họ chỉ đang hình dung

Con đường sẽ dẫn họ về thị xã

Trong buổi bình minh

Của một ngày Chủ nhật.

Hà Đông - mùa đông 1998

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giữ lấy đức tin bền vững

    24/02/2021Vương ThảoCó những tác phẩm sẽ đi qua nhiều thời đại và có thể mãi mãi. Bởi tình yêu, khát vọng và đức tin sẽ cho con người ý nghĩa để sống và để dâng hiến. "Tình ca" của Hoàng Việt đã được đặt trong tình yêu với tự do, hòa bình của cả một dân tộc và của mọi con người.
  • Sự khác biệt giữa đức tin và lý trí

    15/04/2017Người ta luôn luôn viện dẫn kinh nghiệm, lý trí hoặc đức tin để hậu thuẫn cho những điều họ tin tưởng. Tôi hiểu lý trí và kinh nghiệm là gì, nhưng còn đức tin? Nó có phải là một bột phát cảm tính hoặc cơn dâng trào của tình cảm? Nó có đi ngược lại, hay có thể hòa giải được, với tất cả lý trí và kinh nghiệm? Các nhà tư tư tưởng lớn nói gì về đức tin?
  • Thế kỷ XXI: Tìm về đức tin và cuộc sống nội tâm

    25/02/2017Thanh ThảoĐó sẽ là một thế kỷ không dễ dàng. Khoa học kỹ thuật sẽ có những bước tiến vũ bão, kéo con người vào “cuộc chơi” của nó. Nghĩa là, nếu lỏng tay, con người sẽ bị điều khiển bởi chính những sáng tạo của mình. Đó là một nghịch lý có thật. Con người sẽ thoát ra khỏi nghịch lý ấy bằng cách nào?
  • Tín ngưỡng hướng về con người

    10/05/2016Nguyễn Hào HảiCon người trong đời sống có cần đến những niềm tin, đức tin để sống không? Pascal, nhà triết học Pháp đã cho rằng: "Con người sống không có niềm tin, không có đức tin sẽ trở thành một quái vật"...
  • Cái thiêng tôn giáo

    28/09/2009Hồ LiênÝ tưởng về sự thiêng liêng đã xuất hiện khá sớm trong bước chuyển từ con người động vật thành con người xã hội. Ý tưởng ấy là sản phẩm của đời sống xã hội, khi nhu cầu gắn kết các thành viên của cộng đồng đòi hỏi một đức tin về nguồn gốc thánh thần và ý nghĩa cao quý của cuộc sống con người.
  • Tâm Linh…???... Chính là đức tin vậy

    04/02/2009Nguyễn Tất ThịnhNgười khác có thể tin Bạn sẽ có điều không hay, nhưng chính Bạn thì lại có khuynh hướng tin vào những điều, những cách thức có thể nào đó để mình hay hơn hoặc đỡ tồi đi. Bởi vậy Bạn biết sợ, lo xa mà muốn biết trước, cho dù manh nha…Đó là điều kì diệu ! Cho nên bản chất của Đức Tin là ở trong chính Bạn...
  • Tin ở đức tin

    23/12/2008Nguyễn Việt HàĐức tin hình như càng ngày càng hiếm trong xã hội bây giờ. Những anh hùng thời đại nồng nặc mùi giấy bạc của ngày hôm nay chỉ còn đẫm đầy sự tự tin. Bọn họ tự tin đến mức tồng ngồng hoành tráng hát “Ra đi ra đi không quần không áo… Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền”. Sự tự tin quá mức dẫn đến sự đểu cáng, đến sự ngông cuồng tự mãn sẵn sàng bất chấp dẫm đạp lên người khác.
  • xem toàn bộ