Bài học từ người quét rác
Bài học từ người quét rác tập hợp những bài viết hay nhất trên các báo Vietnamnet, Vnexpress, Tạp chí Trí Tri, Thế giới Doanh nhân, Kinh doanh và Tiếp thị, Tuổi trẻ, Thanh niên,… của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng – một con người đầy tinh thần nhiệt huyết, cống hiến sẻ chia và trách nhiệm xã hội.
Cuốn sách được chia làm ba phần:
- Phần một: Những kinh nghiệm và quan sát của tác giả về thực tế kinh doanh tại Việt Nam.
- Phần hai: Mong muốn nâng cao văn hóa đọc, thúc đẩy và khuyến khích các bạn trẻ tiếp thu tri thức của thế giới nhằm vận dụng hiệu quả vào thực tế tại nước ta.
- Phần ba: Những trải nghiệm thú vị của tác giả trên đường đời.
Với những kiến thức đã học, những kinh nghiệm được rút ra trong thực tế kinh doanh của mình, tác giả đã chia sẻ với bạn đọc rất nhiều vấn đề: khởi nghiệp, phân biệt lãnh đạo (leader) với nhà quản lý (manager), đàm phán trong kinh doanh, quản lý rủi ro, săn nhân sự giỏi, giữ chân người tài… đó là những vấn đề nhiều người quan tâm nhưng không phải ai cũng có lời giả cho các vấn đề đó. Qua những trang viết giản dị, mộc mạc, đầy tâm huyết của mình, tác giả Nguyễn Mạnh Hùng còn chia sẻ những vấn đề đang bức xúc của xã hội như: vấn đề sách giáo khoa, văn minh đô thị, quà cáp Tết, cách ứng xử của con người với nhau trong xã hội hiện đại…
Chúng ta thành công bởi vì chúng ta có quyết tâm cao độ, có đam mê với công việc và yêu nghề. Chúng ta thành công bởi vì chúng ta biết lắng nghe và học hỏi từ tất cả những người xung quanh mình – không chỉ từ các triệu phú, tỷ phú, những chủ tịch và lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn và các cơ quan lớn, từ những giáo sư, tiến sỹ danh tiếng mà từ những người giản dị nhất quanh mình – những người bạn và đồng nghiệp, những người hàng xóm và những người ta tình cờ gặp được: bác nông dân, anh thợ máy… Thậm chí từ những người quét rác. Tất cả họ là những người thầy xuất sắc nhất.” – Nguyễn Mạnh Hùng.
Qua những trang viết đầy tâm huyết, tác giả thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nhân, thể hiện những trăn trở trong xã hội còn nhiều vấn đề nổi cộm, mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình, đặc biệt cho giới trẻ. Đặc biệt, cuốn sách thể hiện ước mơ cháy bỏng của tác giả về một nền văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ.
“Bài học từ người quét rác của thầy Hùng khiến tôi chiêm nghiệm một điều quan trọng của đời doanh nhân, rằng phải mở lòng với tất cả, đừng phân biệt ai. Đất nước này rất cần phát triển, cần nhiều hơn các đầu tầu doanh nhân, đại gia nhưng cũng cần phải giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn, hay như báo chí vẫn nói: đó là phẩm giá của dân tộc.”- Đặng Đức Dũng -Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Hưng Việt, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.
Trích đoạn sách hay:
"Học là việc của cả đời. Ngày tốt nghiệp đại học tôi mới mới bắt đầu sự nghiệp học hành của chính mình - học từ cuộc sống. Biết bao người thầy sau này đã dạy cho tôi vô vàn kiến thức. Họ là các giáo sư, tiến sĩ, các chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên tôi không thể nào quên được một người thầy đặc biệt của mình - thầy Allen.
Hàng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain - Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều bắt gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện "Hello, how are you" (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi. Về phần mình tôi luôn lẳng lặng bước đi, khuôn mặt lạnh tanh và khó chịu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên một ý nghĩ duy nhất "Thằng cha này thấy sang bắt quàng làm họ. Hắn thấy tôi có chức vụ, có tiền bạc, có học thức nên muốn bắt quen đây. Hắn thì có khác gì mấy cô công nhân vệ sinh hay đi dọn rác trước cổng nhà mình ở phố Thái Hà, Hà Nội".
Ngày tiếp theo, anh công nhân vệ sinh vẫn cười tươi, vẫn chào tôi hết sức niềm nở. Tôi vẫn khó chịu và đút hai tay vào túi quần đi thẳng. Khuôn mặt vênh váo. Ngày thứ ba vẫn vậy, anh quét rác lại chào tôi rất vui vẻ, khuôn mặt và thân hình thể hiện sự thân thiện với tôi. Tuy nhiên, trong lần này, để cho xong chuyện tôi đã trả lời anh ta một cách miễn cưỡng: "I am fine, thank you. And you?" (Tôi khỏe, cám ơn anh. Thế còn anh?) Tôi nói xong và chợt nhận thấy rằng mình đã cười. Tôi đã cười mà không biết, điều này không như trong kế hoạch ban đầu của một người coi thường anh công nhân dọn vệ sinh. Thú vị hơn tôi phát hiện ra khuôn mặt tươi tỉnh của chính mình, rằng hình như mình vui hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc hơn, thư giãn hơn.
Vừa đi tôi vừa nghĩ về mình rồi lẩm bẩm: "Ta thật là ngu dốt". Quả thật, từ trước đến nay, trong suốt bao nhiêu năm qua tôi đã có một suy nghĩ không đúng, rằng khi cười với ai đó tôi mang lại niềm vui cho họ. Khi bắt tay ai tôi luôn nghĩ mình ban ơn cho họ. Khi gần gũi ai, tôi luôn nghĩ họ được lợi từ tôi. Và, tôi thấy mình thật sai lầm. Bởi, khi tôi cười với anh công nhân quét rác này người được lợi đầu tiên không phải là anh ta mà là chính tôi.
Và tôi chợt nhận ra rằng anh ta đâu có biết tôi là ai. Anh không hề biết tôi có bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, có học thức đến đâu. Trong mắt anh ta tôi từ ký túc xá bước ra tức tôi là sinh viên, là người đi học. Dù có học tiến sĩ, thạc sĩ hay đại học vẫn là người đi học, là Trên thực tế tôi chỉ là một người châu Á da vàng, mũi tẹt. Nhưng anh ta cũng chẳng để ý đến chuyện ấy. Anh chỉ cười và chào tôi như đã và đang làm việc đó với tất cả những ai từ ký túc xá bước ra. Tất cả mọi người là bình đẳng. Tất cả chúng ta là con người. Tôi thấy xấu hổ và tôi đã nhận ra vấn đề. Tôi đã được học một bài quý giá. Từ đó đi đâu, gặp ai tôi cũng chào và cười. Không chỉ cười mà là cười rất tươi. Cười từ trái tim mình, từ đáy lòng mình.
Một bữa nọ khi từ thư viện về tôi phát hiện ra Allen - người quét rác đang ngồi uống cà phê trong quán. Anh ăn mặc rất lịch sự, vừa nhấm nháp ly café vừa đọc sách. Ngạc nhiên và tò mò, tôi lại gần làm quen, cùng uống café, cùng nghe nhạc với anh. Tôi không ngờ rằng người mặc bộ quần áo bảo hộ, đi lau nhà, quét rác mỗi sáng bây giờ lại biến thành một người lịch lãm, trí tuệ thế này. Anh đọc sách say sưa và đọc khá nhanh. Bài học nữa tôi đã học được: Mỗi lúc chúng ta đang đảm nhận vai diễn nào đó, lúc đóng vai nào phải làm tốt vai đó. Hơn nữa, không nên coi thường người công nhân quét rác. Anh ấy cũng đọc sách, cũng nghe nhạc, cũng thưởng thức café và các món ăn.
Allen đã kể cho tôi nghe vanh vách về Kim Tự Tháp ở Ai Cập, về những gì còn sót lại từ vườn treo Babillon ở Iraq, về vùng đất lạnh và băng giá Siberie của nước Nga. Anh nói về thời kỳ La Mã, về chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ, về cuộc sống của người Eskimo. Đặc biệt anh nói về Việt Nam khi biết tôi là người Việt (Sau này anh kể rằng anh cứ ngỡ tôi là người Thái hay Indonesia).
Hóa ra Alen đam mê đi du lịch. Anh đi du lịch qua sách. Những hiểu biết của anh làm tôi kinh ngạc. Hóa ra anh rất hiểu biết và có trí nhớ và sự tưởng tượng tuyệt vời. Allen hỏi tôi khu vực Hạ Long có bao nhiêu hòn đảo? Khi đó, vì không biết, tôi đã nói đại rằng quãng 1.000 hòn. Allen đã giảng giải về các hòn đảo, về địa lý, khí hậu, thảm thực vật và thủy sản cũng như tính chất vùng biển của 1.960 hòn đảo, (chứ không phải con số 1.000 như tôi nghĩ) trong vùng diện tích 1.553 km2 này. Nhờ Allen mà tôi, có lẽ, đến chết không quên được những con số này.
Allen đề nghị tôi phân tích về nhạc Việt Nam, nhất là vấn đề đặc biệt của loại nhạc 5 nốt này. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ biết đến nhạc của đất nước mình lại chỉ có 5 nốt. Tôi luôn nghĩ nhạc gì thì nhạc, đã là nhạc thì phải là 7 nốt chứ. Cuối cùng tôi đã phải há miệng ra nghe Allen nói về chèo, về cải lương, về chầu văn, và về các loại nhạc cụ của Việt Nam, đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên. Allen đã dạy cho tôi bài học quý giá về tính tìm tòi khám phá, rằng tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát và ghi nhớ nhiều hơn.
Chính từ bài học quý giá này mà ngay sau khi về Việt Nam tôi đã quyết định lái xe làm một chuyến xuyên Việt. Tôi cũng quyết đi tham quan toàn bộ đất nước mình, không bỏ sót tỉnh nào. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, rằng tôi đã đi đến tận 39 quốc gia nhưng lại chẳng hiểu được nhiều thứ đang diễn ra ngay tại đất nước mình.
Ngày tôi đến thăm nhà của Allen, tôi lại học thêm được một bài học quý giá nữa. Allen có khoảng gần 1.000 cuốn sách. Là người học nhiều, đi nhiều, thường xuyên mua và đọc sách nhưng tủ sách của tôi cũng chỉ có quãng 3.000 cuốn. Còn Allen, một công nhân vệ sinh đã có một tủ sách quá vĩ đại. Anh đam mê sách và đã bỏ một khoản tiền lớn ra mua, trưng bày sách. Anh nói đã đọc hết những cuốn sách này. Thậm chí có những cuốn đọc đến 2-3 lần. Tôi nhớ khi đó tôi có mong muốn quỳ dưới chân anh xin nhận anh làm thầy.
Cũng tại những lần đến thăm anh, tôi đã được học cách nấu ăn. Làm sao nấu đơn giản, đủ chất, ngon miệng mà không quá cầu kỳ. Một tình bạn thân thiết đã nảy mầm giữa một doanh nhân với một anh quét rác. Chuyện này tôi không thể tưởng tượng được trước đó một vài năm. Từ ngày gặp Allen tôi bỏ hẳn các tính xấu của mình: kiêu ngạo, soi mói, coi thường người khác. Tôi cũng trở nên điềm đạm hơn, nói nhỏ hơn, ít nóng tính hơn. Tôi cũng không còn "bệnh" nhìn hình dáng bên ngoài mà kết luận con người nữa. Tôi luôn niềm nở và giúp đỡ mọi người. Tôi quyết định chọn sứ mệnh "sẻ chia" của mình từ ngày đó.
Cũng nhờ Allen và những người thầy khác sau này tôi đã hiểu và thực hành nguyên tắc "cho mà không đòi hỏi, cho mà không cần nhận". Tôi cũng đã triển khai mỗi ngày, mỗi giờ cách sống "pay it forward" - đáp đền tiếp nối. Cũng từ ngày đó cuộc đời của tôi luôn hạnh phúc, bình an và chan chứa yêu thương.
Gần chục năm đã trôi qua. Bây giờ nghĩ lại, nếu không gặp được Allen, chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền, không chút nghỉ ngơi, không dành thời gian để hiểu và sống hạnh phúc với những người xung quanh, trong đó có các bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm. Tôi thật biết ơn thầy tôi, bạn tôi - Allen."
Tham khảo:
http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2009/12/3BA164F6/
http://vnexpress.net/GL/Topic/?ID=5917
Tác giả: Trong suốt hơn 15 năm sống và học tập ở nước ngoài, đã từng đặt chân đến 39 quốc gia, 12 năm làm việc tại FPT, sáu năm giảng dạy về quản trị kinh doanh đi đâu, lúc nào Nguyễn Mạnh Hùng cũng sưu tầm sách, nói chuyện về sách, văn hóa đọc, thúc đẩy và hướng dẫn mọi người đọc sách. Với anh sách là người thầy vĩ đại, người bạn thân thiết, nhà tư vấn tuyệt vời. Sách đã giúp ông có được sự nghiệp và niềm hạnh phúc của ngày hôm nay. Anh không chỉ đam mê mà còn thực sự tri ân sách. Đã nhiều năm nay, ông và các đồng sự của mình vẫn đang cùng nhau xây dựng “Vườn Yêu Thương”, nơi vun đắp niềm vui và hạnh phúc, đam mê và cống hiến.
Thông tin về cuốn sách:
Tên sách | Bài học từ người quét rác |
Tác giả | Nguyễn Mạnh Hùng |
Giá | 50.000đ |
Số trang | 264 |
Nhà xuất bản | Thời đại |
Khổ | 15.5 x 20.5 (cm) |
Dạng bìa | Bìa mềm |
Thông tin bổ sung và sách mẫu xin liên hệ:
Miền Bắc
Nguyễn Thị Bích Ngọc (Ms.)
Phụ trách truyền thông
0987985037
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà
Showroom: 119C5 Tô Hiệu, Cầu Giấy, HN
Tel: 04 6 281 3638 - Fax: 04 6 2813673
Email: [email protected]
Miền Nam
Nguyễn Hoài Nguyên Thảo (Ms.)
Phụ trách truyền thông
0987 513 205
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà
VP HCM: 533/9 Huỳnh Văn Bánh, P. 14, Q. Phú Nhuận
Tel: 08 6 276 1719 - Fax: 08 3 9913276.
Email: [email protected]
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn