Đi tới những chân trời khát vọng
Văn hoá là ngọn lửa thiêng liêng chiếu sáng hành trình của con người đi tìm chân trời trong sự phát triển vô cùng tận của lịch sử người.
Nói đến “chân trời khát vọng”, Phạm Văn Đồng có gợi lên một ý rất hay: “Văn hoá là gợi, là mở, là không thoả mãn cái đã có, là đi tìm chân trời…”. Và rồi ông khuyên, “không nên nóng vội. Vì không thể nóng vội được trước vấn đề rộng lớn như văn hoá” *. Đúng vậy.
Hành trình của con người đi tìm chân trời tự do được khởi đầu khi con người có ý thức về chính mình. Trên hành trình thực hiện khát vọng “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người”,* thì những cái mà con người giành được tuy vô cùng to lớn song vẫn còn cách quá xa mục tiêu mà họ muốn hướng tới. Dường như càng đi tới thì nó càng lùi xa ra như Phạm Văn Đồng từng suy tư : “mà không tìm thấy đâu, vì đi tới thì nó lại lùi xa …”**.
Chẳng thế mà cách nay gần 800 năm, thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của dòng Thiền Trúc Lâm đã từng cảm khái:
“Ngang đầu khang bất tận
Lại lộ hựu trùng trùng”.
Ngước nhìn mây núi bao la
Con đường phía trước bỗng xa nghìn trùng"
[Nguyễn Duy dịch thơ]
Tám trăm năm sau, trong tứ thơ hiện đại, Việt Phương lại có cách cảm khái của riêng mình, vừa gần gũi, vừa xa vắng:
Sẽ đến thời khắp bốn phương tử tế
Đi hết mọi chân trời và mọi nhẽ
Mênh mang buồn vui thế bạn bè ơi
Cái thời ấy chắc còn xa lắm. Con người có lẽ sẽ gặp ấy là con người nào đây?
Đâu là chốn:
“…cuối đất cùng trời
Đến nơi người thật là người với nhau”
Cuộc đi dài ấy đòi hỏi ý chí và nghị lực của con người hướng tới những chân trời khát vọng. Chính vì thế mà đã nảy sinh ra không ít những nôn nóng muốn “đốt cháy giai đoạn” nhằm đẩy nhanh hơn các bước đi đến mục tiêu. Và hệ luỵ của sự nôn nóng duy ý chí mang nặng tính chất không tưởng ấy là cái giá đắt phải trả của biết bao tâm huyết và không thiếu những hy sinh lớn lao. Bi kịch càng thấm thía hơn với những trái tim càng đập mãnh liệt, nhưng cái đầu càng lớn những suy tư, thì cái giá loài ngoài phải trả cho những nôn nóng chủ quan của họ lại càng lớn hơn. Đó chính là khúc bi tráng của con người trên hành trình tìm đường giải phóng cho chính mình. Hành trình ấy từng vang dội những “hùng ca” song cũng đầy rẫy những “ai ca”. Nhưng đó lại chính là sự tiến hoá của lịch sử. Và đó cũng là biện chứng của lịch sử. Trong quá trình tiến hoá ấy, những giá trị do con người tạo ra sẽ được bảo tồn và phát triển. Đó là văn hoá.
Văn hoá là ngọn lửa thiêng chiếu sáng hành trình của con người đi tìm chân trời trong sự phát triển vô cùng tận của lịch sử loài người. Đó cũng chính là quá trình tự phát triển của con người. Khi nói văn hoá tức là nói con người thì đồng thời phải hiểu rằng, nói con người cũng là nói văn hoá. Cho nên mới có định nghĩa “văn hoá là không thoả mãn cái đã có, là đi tìm chân trời”, thế nhưng lại “không tìm thấy đâu, vì đi tới thì nó lại lùi xa…” vừa nói ở trên!
Không thể có một bản chỉ đường đã được vạch sẵn, cứ thế mà ngoan ngoãn, cung cúc bước theo, mà phải biết tự mình tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Vào thế kỷ XIX, trước những thành tựu của khoa học buổi ấy, Hegel, nhà triết học Đức vĩ đại đã đưa ra một ý tưởng thật sâu sắc và cũng thật táo bạo: “Chúng ta đang dùng đầu để đứng”. Đó là bước khởi đầu chuẩn bị để loài người tiến đến một chặng đường lịch sử mới đầy thử thách của những biến động dữ dội. Bước vào thế kỷ XX vắt ngang sang thế kỷ XXI được mệnh danh là thế kỷ của bộ não với nền văn minh trí tuệ, ở đấy tiềm năng của bộ não được khai thác và phát huy tối đa. Và rồi, như Robert Wiener, người được xem là cha đẻ của ngành điều khiển học từng khuyến cáo: “Chúng ta đang làm biến đổi môi trường của ta đến tận gốc rễ đến mức rồi ta phải biến đổi chính mình mới tồn tại được trong môi trường đó”.
Sự biến đổi chính là một hằng số trong thế giới mà chúng ta đang sống. Cho nên, thật là chí lý khi hiểu ra rằng: “Chuẩn mực chính là sự thay đổi”. Đó chính là cái logic mới do thời đại tạo ra. Khuyến cáo vừa rồi của Michael Porter, người được mệnh danh là cha đẻ của chiến lược cạnh tranh cũng nói lên điều ấy: “Các chọn lựa chiến lược cụ thể có thể và thật sự thay đổi khi công nghệ và thị trường thay đổi. Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu các quy luật cơ bản của chiến lược, thay vì trở thành nạn nhân của các trào lưu thời thượng trong quản trị”. Cho nên, đổi mới để phát triển, thay đổi những thói quen cũ kỹ chỉ biết thuận chân theo những lối mòn quen thuộc là đòi hỏi của cuộc sống. Vì rằng, cứ theo những lối mòn ấy, người đi sau chỉ biết dẫm chân lên dấu chân của người đi trước, sẽ không tìm thấy lối ra trong một thế giới mà kiểu tư duy tuyến tính đã không đáp ứng được.
Chính vì “không thoả mãn cái đã có” nên phải “đi tìm chân trời”, cách đặt vấn đề như vậy đã là một sự bứt phá. Bởi vậy, trong cuộc “đi tìm chân trời”, quyết định không phải là một vùng đất mới sẽ đến, mà là một đôi mắt mới để phát hiện được những cái mình cần tìm.
Đều cực kỳ lý thú nếu lại đặt ra một câu hỏi : liệu có phải vì thế mà cha ông ta cách đây cả nghìn năm đã khuyến cáo: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành” Làm trai phải có chí xông trời thẳm, việc gì cứ phải lẽo đẽo lần theo vết chân của Phật tổ Như Lai.
Nên nhớ đây là thơ của một nhà sư, thiền sư Quảng Nghiêm [1122-1190], tác giả của bài kệ “Hưu hướng Như Lao” [“Đừng đi theo vết chân Như Lai”]. Xuất giá đi tu, thế mà lại bảo không cần phải dẫm theo đường mòn có sẵn, phải ngộ đạo theo cách của mình, Thật là chống giáo điều từ gốc!
Trong bài kệ còn có câu “ly tịch phương ngôn tích diệu khứ”, lìa được sự ham muốn đi vào niết bàn thì mới có thể bàn chuyện đi vào niết bàn.[ Ở đây, “tịch diệt” là thuật ngữ nhà Phật, mang ý nghĩa của hai chữ niết bàn]. Không cần phải đi tìm một thế giới giác ngộ nào khác ở ngoài cuộc đời mà ta đang sống. Mỗi người đều có thể đạt tới sự giác ngộ từ chính cuộc sống của mình. Con người phải biết và dám chịu trách nhiệm bởi chính mình chứ không chỉ cúi đầu tuân phục, nem nép theo cái gật chỉ huy! Cả nghìn năm trước mà thần thái của tứ thơ đã “hiện đại” đến thế thì quả thật, bản lĩnh ông cha ta thật muôn lần đáng kính nể.
Nếu không có bản lĩnh đó thì làm sao trụ vững trong cái kẹt địa- chính trị trứng chọi với đá, trong thế đứng đối diện trước Biển Đông vừa hiền hoà vừa dữ dội. Không có bản lĩnh đó thì làm sao có thể thường trực cảnh giác chống thiên tai dồn dập dữ dội đến từ trời, và nhân tai hung hãn xảo quyệt đến từ người. Trời thì gào thét dữ dội, người thì “khẩu Phật tâm xà” nghìn năm nung nấu mộng bành trướng. Từ trải nghiệm thực tiễn đó mà ông cha ta đã đúc kết thành một phong cách sống Việt Nam, gói gọn vào trong câu tục ngữ để truyền dạy cho con cháu: “Có cứng mới đứng đầu gió”.
Tự hào biết bao cái bản lĩnh dám “ đứng đầu gió” ấy. Bản lĩnh được xây đắp trên nền tảng của truyền thống văn hoá dân tộc, cội nguồn của sức sống Việt Nam. Vậy mà, đã có một thời, trong cảm hứng tụng ca, từng có nhà thơ khả kính đã say sưa mà rằng “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng…Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả” [ Chế Lan Viên]. Thế là, đã tìm thấy chân trời rồi ư? Đâu có! Nhưng rồi từ trong sự thăng hoa của cảm hứng tụng ca một cách vừa uyên bác vừa lung linh về cái “đẹp hơn tất cả” ấy, đành phải có cái nhìn không thoả đáng về ông cha mình: “Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/ Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá” [ Chế Lan Viên]. Bởi vậy, “Một câu hỏi lớn không lời đáp/Cho đến bây giờ mặt vẫn chau!”[ Huy Cận]. Thử tỉnh táo mà ngẫm nghĩ lại, liệu có dún thế không nhỉ? Nếu ông cha ta không trả lời được những câu hỏi lớn của lịch sử đặt ra vào lúc ấy, thì liệu đất nước ta sẽ ra sao đây?
Lịch sử đã chứng minh sống động ông cha ta đã trả lời những câu hỏi lớn của lịch sử như thế nào. Không đánh cho lũ ngoại xâm tan tác khiến cho “Thôi Tụ phải quỳ mà xin lỗi. Hoàng Phúc tự trói để ra hàng”, rồi “Mã Kỳ Phương Chính…ra đến biển chưa thôi trống ngực, Vương Thông Mã Anh… về đến Tàu còn đổ mồ hôi” [ Bình ngô đại cáo], thì làm gì chúng ta có một đất nước đứng hiên ngang trước Thái Bình Dương bao la quanh năm sóng vỗ, một đất nước với “hình khe thế núi gần xa, dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao” [ Chinh phụ ngâm], non sông quy về một mối như hôm nay? Nếu không có bản lĩnh để dám hiên ngang và khôn ngoan, biết nhu, biết cương nhằm đối phó với những kẻ thù luôn lớn hơn mình gấp bội, thì không biết những hậu duệ của Vương Thông kia còn láo xược đến thế nào nữa?
Càng ngẫm nghĩ, càng thấy cái lớn của ông cha ta để mà thể tất cho sự hạn hẹp của một thời chưa thoát khỏi sự trói buộc của những giáo điều từng tạo ra những niềm tin ngờ nghệch : “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ…Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”. Đó là theo cách “tô vẽ để mà tin”, niềm tin cả “sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”. Cho đến khi “tin mà không cần tô vẽ nữa”, sẽ” ngộ” ra rằng, vẫn có “Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao”. Khi đã nhận ra được và dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói lên sự thật, thì lúc đó mới đủ sức xây đắp một niềm tin đủ độ chín chắn và mãnh liệt để thật sự
“…là lửa đốt veo cái hôm qua tưởng lầm là chân lý
Sự chiếm lĩnh những chân trời xa không ngừng không nghỉ!”
[ Việt Phương]
Nhưng bằng cách nào để chiếm lĩnh chân trời?
Bằng văn hoá! Vì “văn hoá là đi tìm chân trời…”. Chính bởi vậy, “văn hoá là gợi, là mở, là không thoả mãn cái đã có”, cho nên “đừng có sợ, đừng có sợ một chút nào những ý kiến khác nhau! Nếu tất cả giống nhau thì xã hội thật là buồn . Ai không chấp người này nhận được điều này là vô văn hoá, phản văn hoá. Và những người này không thiếu đâu. Điều đó dễ hiểu!(*)
Thật ra thì cũng không dễ hiểu lắm đâu. Vì người ta cố tình không hiểu hay không hiểu ? E là, cả hai! Nhưng trong buổi Xuân về Tết đến, xin miễn nói những chuyện nặng đầu. Xin hãy : “Tối ba mươi khép cánh kiền khôn, ních then tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ đón xuân vào”[ Hồ Xuân Hương]. Ẩn giấu trong sự nghịch ngợm tai quái của một “thiên tài” là sự thâm trầm cần phải thấy cho ra thông điệp của nhà “kỳ nữ” có một không hai này gửi đến cuộc đời. Và phải chăng gửi cả cho hậu thế?
“Cánh kiền khôn” phải “ních chặt lại” không thì “ma vương” đã đáng sợ thế nào, thì “quỷ” dữ mà ma vương “bồng tới” còn đáng sợ gấp bội. Cha nào con nấy, cùng một lò mà ra cả đấy thôi, theo gương cha, con còn ăn bẩn và tàn bạo hơn vì đã đúc rút được kinh nghiệm từ cha! Nhưng “vỏ quýt dày” đã có “móng tay nhọn”. Không chỉ “ních chặt cánh kiền khôn” mà để phòng vệ từ xa, người ta dựng cây nêu cùng nhiều giải pháp khác nữa để cảnh báo cả ma lẫn quỷ! Theo “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, thì “chặt tre dựng cây nêu, kết ba bó lạt, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cánh đa lá dứa cài ngoài cửa ngõ, hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ, cái cung, cái nỏ… cũng là có ý trừ ma, trừ quỷ năm mới vào quấy nhà mình”.
Phải “khép cánh kiền khôn” đã mới có thể “lỏng then tạo hoá”. Có trừ được lũ ma quỷ này rồi, thì “thiếu nữ” mới “bế xuân vào” được chứ! Phải diệt được cái ác, thì cái thiện, cái mỹ mới có điều kiện nảy sinh và phát triển được chứ. Nghịch lý của cuộc đời chính là “thiếu nữ” và “mùa xuân” cứ phải đối diện với ma vương và quỷ sứ! Mà thường thì, ma quỷ đội lốt người, sống lẩn với người càng đáng sợ. Nhưng đó cũng là biện chứng của cuộc đời.
Bởi vậy, cùng với quyết tâm diệt trừ tham nhũng hại dân hại nước, hãy mở lòng ra để đón nhận một mùa Xuân của khát vọng. Đó là thái độ văn hoá, vì văn hoá là không thoả mãn cái đã có, là đi tìm chân trời!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý