Nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh dân tộc
Sứ mệnh thiêng liêng của thế hệ Việt Nam ngày nay là phải giữ gìn độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ trong một thế giới đầy biến động. Bản lĩnh của người lãnh đạo là phải biết khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh dân tộc được khởi nguồn từ mệnh lệnh trái tim của mỗi người dân Việt Nam.
Từ ngọn lửa yêu nước và khí phách anh hùng của ông cha
Có lẽ bài học vỡ lòng về yêu nước và khí phách anh hùng cho nhiều thế hệ Việt Nam xưa nay là chuyện Trần Quốc Toản đời nhà Trần thế kỷ XIII. Do không được cùng các vương hầu bàn việc quân cơ tìm kế sách chống quân xâm lược, trang thiếu niên anh hùng ấy đã giận dữ bóp nát quả cam đang cầm trong tay lúc nào không biết.
Chưa được dự bàn tại hội Bình Than vì tuổi nhỏ, không có nghĩa là không được thực hiện lòng yêu nước. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép về chuyện này như sau: "Trần Quốc Toản tủi phận lui về huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ “Phá Cường Địch, Báo Hoàng Ân”… khi đối trận tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch”[1].
Tuổi nhỏ, chí lớn, trang thiếu niên đã giành lấy quyền được yêu nước rồi dũng cảm thể hiện bằng hành động cái quyền thiêng liêng ấy. Hành động được lưu danh sử sách, từng làm xúc động bao nhiêu tấm lòng Việt Nam, nhen nhúm ngọn lửa yêu nước và khí phách anh hùng trong họ.
Sở dĩ cậu bé tuổi chỉ 15, 16 mà có khí phách lớn đến vậy là do đã được nuôi dưỡng trong hào khí của ông cha, hun đúc nên từ ý chí quật cường không chịu khuất phục trước sức mạnh cũng như tham vọng và mọi thủ đoạn đe dọa của kẻ thù. Không có một khí phách của Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”, khí phách của Trần Quốc Tuấn: “Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước đã” [1], khí phách của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”[1] thì làm sao có được khí phách của trang thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản?
Mà đâu chỉ các vương hầu với khí phách Đông A của dòng họ Trần. Nó còn tượng hình rõ trên hai chữ “Sát Thát” thích trên cánh tay của quân sĩ đời Trần quyết “cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” trước quân xâm lược.
Cần nhớ rằng đế quốc Nguyên Mông thời ấy đã từng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ bờ Thái Bình Dương đến bên kia Hắc Hải chưa hề có trong lịch sử thế giới mới càng hiểu khí phách ấy là lớn đến ngần nào.
Chẳng thế mà, sau khi lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, vua Trần Nhân Tông, nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, sách “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh”có một cách giải thích độc đáo nhằm nhấn mạnh ý thức cảnh giác của vị vua anh hùng khi gọi ngài là “một vị Vô Lượng Lực Đại Thế Chí Bồ Tát” để chỉ việc “dựng lên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm”!
Cách giải thích có phần khiên cưỡng ấy phải chăng nhằm đề cao lòng yêu nước và tinh thần cảnh giác để đối lập với những kẻ ươn hèn hốt hoảng núp bóng ngoại bang như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc. Những con chiên ghẻ này đã bôi nhọ tinh thần Đông Á, phản nước, phản dân muôn đời bị nguyền rủa. Sử chép: “Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc!”[1].
Nhưng cùng với những chuyện đó, sử cũng lại chép chuyện một hiền thần không phải là quý tộc họ Trần từng khiến tướng giặc Ô Mã Nhi phải thốt lên “Người này …có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa thể mưu tính được”.Đó là chuyện Đỗ Khắc Chung tại trại giặc. Khi Ô Mã Nhi hỏi: “Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”. Khắc Chung đáp: “Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem... [Ô Mã Nhi] sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp”. [1]
Quả vậy, tên tướng xâm lược đã hiểu ra một chân lý: Khi một nước “còn có người giỏi, [thì] chưa thể mưu tính được”. Và thật dễ hiểu, để “mưu tính” thì phải làm cho nước ấy hết người giỏi, mua chuộc người giỏi không được thì phải tìm cách trừ khử, đó là thủ đoạn muôn đời!
Nhắc đến chuyện đời Trần để lưu ý rằng, lịch sử là một nhân tố mà thiếu nó thì không một ý thức dân tộc nào có thể đứng vững được. Vì vậy, học lại bài học lịch sử để thường xuyên hun đúc và phát huy tinh thần dân tộc thể hiện trong lòng yêu nước và khí phách Trần Quốc Toản cho thế hệ trẻ là điều cực kỳ quan trọng để biết trân trọng từng thước đất ông cha để lại, không ngần ngại hy sinh chiến đấu để bảo vệ và xây dựng tổ quốc thân yêu của mình.
Đến sứ mệnh thiêng liêng của thế hệ Việt Nam ngày nay
Non sông gấm vóc ta có được đến bây giờ từng thấm đẫm bao nhiêu mồ hôi, xương máu của ông cha. Sứ mệnh thiêng liêng của thế hệ Việt Nam ngày nay là phải giữ gìn độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ trong một thế giới đầy biến động.
Điều ấy đòi hỏi phải thể hiện khí phách ấy trong những ứng xử linh hoạt, tinh tế và tỉnh táo trên cơ sở dựa chắc vào bản lĩnh của cả dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, trước hết là của tuổi trẻ Việt Nam, tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền yêu nước của mình.
Những sự kiện lịch sử được nhắc đến ở trên có ý nghĩa như những thông điệp của ông cha truyền gửi cho con cháu muôn đời. Những thông điệp kiểu như vậy từ những “tọa độ” có sức âm vang lịch sử như thế, sẽ góp phần nung nấu, giục giã ý thức dân tộc, điểm nhạy cảm nhất trong tâm tư tình cảm người Việt Nam ta.
Nói như vậy không phải tự vỗ ngực để cho rằng ý thức dân tộc là sản phẩm riêng của người Việt Nam. Nhưng cũng sẽ rất nông cạn và đánh mất một động lực cực lớn nếu không thấy hết nét đặc trưng làm nên điểm nhạy cảm độc đáo trong tâm thức người Việt.
Chẳng hạn như, nếu Tôn Trung Sơn, nhà tư tưởng lớn của lịch sử Trung Quốc hiện đại từng nghiêm khắc đưa ra nhận định có tính phê phán nhằm chấn hưng dân khí Trung Hoa: “Ở nước ta gia tộc và tông tộc được đồng bào sùng bái nhất, cho nên có thể nói nước ta chỉ có chủ nghĩa gia tộc, chủ nghĩa tông tộc nhưng thiếu hẳn chủ nghĩa dân tộc”, thì với Việt Nam lại không như thế.
Do đặc điểm hình thành trong cái thế kẹt của “trứng nằm dưới đá”, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc là vũ khí sống còn của người Việt chống lại ách đô hộ và âm mưu đồng hóa để có thể tồn tại và phát triển. Không có cái đó, sẽ không có Việt Nam hôm nay.
Chính vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 20 của thế kỷ XX đã khẳng định “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”[2]. Mỗi khi động lực ấy được khởi động, thì “nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn”.[3]
Đây là luận điểm đưa ra tại Đại hội lần thứ II của Đảng họp tại Việt Bắc năm 1951, đổi tên Đảng thành Đảng Lao Động Việt Nam. Tinh thần dân tộc là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam được Hồ chí Minh diễn đạt bằng khái niệm lòng yêu nước.
Mỗi khi nền độc lập của đất nước bị uy hiếp thì lòng yêu nước ấy lại bùng phát mãnh liệt: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. …Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày…”.
Những lời bất hủ ấy đã khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa yêu nước, thiêu cháy mọi sự ươn hèn khiếp hãi trước sức mạnh và thủ đoạn thâm độc, nham hiểm của kẻ thù, giục giã tinh thần và ý chí mỗi người Việt Nam hành động theo mệnh lệnh của trái tim để “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Mọi thế lực xâm lược trong lịch sử đều bị đánh cho tan tác vì chúng không hiểu được một thực tế Việt Nam, rất Việt Nam là: Họa xâm lăng, nguy cơ mất nước là ngọn lửa thử vàng làm lộ rõ bản lĩnh của từng con người Việt Nam, gắn kết họ lại thành một khối vững chắc vì đã loại bỏ được chuyện vàng thau lẫn lộn do một sự trải nghiệm thật nghiêm khắc: “Thật vàng không sợ lửa”.
Mệnh lệnh của trái tim và sự dẫn dắt của cái đầu biết tư duy
Xin dẫn ra một ví dụ từ lịch sử về ý chí Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, giải pháp Việt Nam thể hiện rất nổi bật và rất điển hình trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…"[4]
Mệnh lệnh ấy chính là mệnh lệnh của trái tim Việt Nam. Theo “mệnh lệnh” ấy thì mới có thể muôn người như một “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” đứng lên đánh giặc cứu nước.
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người hiểu rõ cái giá của hòa bình xây dựng, của tình hữu nghị để cùng phát triển. Nhẫn nại, kiên trì theo đuổi con đường đàm phán, cố gắng tránh chiến tranh, đổ máu, thậm chí không ngần ngại dùng “chính sách Câu Tiễn” để cứu vãn hòa bình đang mong manh như sợi chỉ mành trước gió, mặc dầu hiểu rất rõ bản chất của kẻ thù “ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới” .
Nhưng vì biết như vậy, nên Hồ Chí Minh và Đảng của mình luôn giành thế chủ động trong đấu tranh. Và đấy là bản lĩnh làm nên thắng lợi.
Đương nhiên, lòng yêu nước không chỉ biểu hiện bằng “gươm súng, cuốc thuổng, gậy gộc”, mà có khi chỉ là lá cờ Tổ quốc được giương lên để biểu thị một ý chí, một thái độ, một cảm xúc.
Chẳng hạn, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng che kín một mảng lớn khán đài sân vận động Mỹ Đình trong trận chung kết Việt Nam - Thái Lan. Chẳng ai “lập trình”, “lên kế hoạch”, “phân công, tổ chức” cho những lời gào thét bùng nổ niềm phấn khích vô hạn cũng như “điều hành, xin ý kiến chỉ đạo” những giọt nước sung sướng của Tấn Tài, cũng như của bao người khác trên sân vận động hoặc trước màn hình khi cái đầu kỳ diệu của Công Vinh biến giấc mơ thành hiện thực, đưa bóng đá Việt Nam lên ngôi vô địch.
Nhưng chính vì vậy mà những buồn vui, những háo hức say mê, những gào thét, phấn khích, những giọt nước mắt giàn dụa tuôn trào, mới thật sự nói lên cường độ mãnh liệt và ý nghĩa trong suốt của mệnh lệnh trái tim, những mệnh lệnh được ban ra từ trái tim của mỗi người yêu nước.
Chính những mệnh lệnh được ban ra từ trái tim ấy mới thật sự là sức mạnh vô bờ, khác nào sức mạnh của dòng sông tuôn về biển lớn mà quyết định tốc độ tuôn trào ấy là sức cuộn chảy từ bên dưới chứ không phải những váng bẩn, bèo bọt nổi lên trên.
Ở những đoạn sông chảy xiết, nhất là ở những khúc quanh đột ngột mở ra một hướng mới, đưa dòng nước xuôi về biển, váng bẩn sẽ càng nổi lên nhiều. Những đôi mắt cận thị bị những lợi ích vụn vặt trước mắt che lấp tầm nhìn, sẽ chỉ thấy được những bèo bọt, những váng bẩn mà không sao thấy được sức cuộn chảy từ bên dưới.
Ấy vậy mà, chính sức cuộn chảy từ bên dưới ấy mới làm nên lịch sử! Vì lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực lượng nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngay từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra mà vẫn không là phụ thuộc vào cá nhân họ.
Phải chăng vì thế mà Hegel cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân. Những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ. Ở đây, mệnh lệnh của trái tim được dẫn dắt bởi sức mạnh của cái đầu, cái đầu biết tư duy.
Trên ý nghĩa đó mà hiểu sâu về những mệnh lệnh của trái tim yêu nước đẩy tới những hành động, những sự kiện mà chỉ nhìn từ bên ngoài, chỉ là những biểu hiện đơn lẻ, bình thường, rời rạc nhưng phải thấy cho ra cái bản chất tiềm ẩn kín đáo bên trong của lòng yêu nước, điều mà Bác Hồ đòi hỏi “bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày…”.
Biết khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh được khởi nguồn từ mệnh lệnh trái tim ấy chính là bản lĩnh của người lãnh đạo. Làm phôi pha, thất thoát sức mạnh có thể “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn” ấy là có tội với dân tộc, với lịch sử.
Ghi chú:
[1]Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Tập II. NXBKHXH. Hà Nội 1988, tr.49, tr. 28, tr.81,tr. 55, tr.53, 54 (theo thứ tự trước sau của câu trích dẫn trong bài. Bản kỷ toàn thư. Quyển V. Kỷ nhà Trần
[2]Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập I. NXBCTQG Hà Nội 1995, tr.466, 467
[3]Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập VI. NXBCTQG Hà Nội 1995, tr 171, 172
[4]Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập IV. NXBCTQG Hà Nội 1995, tr 480
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh