Nếu thực lòng muốn thay đổi

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Mười Một, 2003

Về vấn đề này, các GS Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tuy, Văn Như Cương... đã có nhiều bài viết tâm huyết đăng trên nhiều báo. Tinh thần của những bài viết đó, theo những chỗ tôi lĩnh hội được, phê phán gay gắt lối dạy và học theo kiểu thầy đọc trò chép, chối bỏ hoàn toàn phương pháp tự học, huỷ diệt ý thức và ý chí sáng tạo của thế hệ trẻ. Tôi hoàn toàn đồng cảm với lời phê phán đó và thấy không cần thiết phải nói thêm. Tôi chỉ muốn bàn thêm về nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ này.

Như nhiều người đã biết và còn nhớ, cải cách giáo dục (CCGD) diễn ra gần như cùng lúc với công cuộc đổi mới đất nước. Trong không khí chộn rộn đó, trong mắt không ít người, cái gì của đất nước ta cũng cũ kỹ, lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cần phải thay đổi, bổ sung sửa chữa... ; mà không thấy rằng, trên cái mặt bằng có vẻ như cũ kỹ, lạc hậu ấy, có một số lĩnh vững ta đã đạt trình độ văn minh của thế giới. Giáo dục là một trong những lĩnh vực như thế.

Dĩ nhiên dù đã thành đạt thế, chứ thành đạt nữa, khi lịch sử đã chuyển giai đoạn, giáo dục cũng phải đổi mới. Nhưng đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào, rõ ràng là phải tính toán , phải cân nhắc hết sức cẩn thận. Nhưng với những gì được đưa ra thực hành trong 20 năm qua, dưới danh nghĩa CCGD, cho thấy, ngành giáo dục - đào tạo chưa có sự tính toán, cân nhắc đó, do vậy đã dẫn đến thảm cảnh như đã trình bày ở phần một.

Cùng với việc đó cơn lũ cơ chế thị trường ào vào, biến nhà trường thành chợ. Tại đó, mọi giá trị đều bị quy thành tiền và phải mua bán như mọi thứ hàng hoá khác. Dạy thêm - học thêm; thi đi, cử lại nhiều lần, nhiều bậc; rồi thì đại học chính quy - không chính quy... là những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của thực trạng đau buồn này. Trong khi đó, một giá trị khác, rất cần cho con người mới xã hội chủ nghĩa, nếu không muốn nói là cần nhất, là đạo đức và nhân cách thì gần như bị thả nổi. (Mà như thế là đúng: Một khi người thầy đã nghiến răng cầm lấy đồng tiền thấm đầy mồ hôi, đôi khi còn thấm cả máu, của các bậc cha mẹ học sinh khốn khó thì còn nói đạo đức, nhân cách làm sao được nữa!)

Chúng ta không bao giờ nuôi ảo vọng đưa nhà trường chúng ta trở về "đỉnh cao muôn trượng" của những năm 60 thế kỷ trước. Nhưng chúng ta cũng không được phép để nhà trường chúng ta cứ như những cái chợ như thế này mãi. Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá IX năm vừa rồi, và gần đây được ông nhắc lại trong Đại hội Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam, rằng nếu thấy sai thì kiên quyết sửa, dù phải tốn kém. Thủ tướng không nói sai ở đâu và sửa như thế nào, nhưng qua cụm từ dù có tốn kém mà Thủ tướng nhắc đi, nhắc lại hai lần, ta có thể hình dung được phạm vi và quy mô của sự sửa chữa mà Thủ tướng đã cảm nhận được. Phạm vi và quy mô đó hẳn phải bao trùm mối quan hệ giữa mục tiêu giáo dục - đào tạo và các giải pháp để đạt được mục tiêu đó. Nói cách khác, phải làm lại từ đầu, nếu chúng ta thật lòng muốn thay đổi thực trạng nền giáo dục đất nước hiện nay.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: