Đạo Công giáo với vấn đề mê tín và tệ nạn xã hội
Có một số người vẫn đồng nhất tôn giáo với mê tín, lạc hậu. Ngay trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2000 viết : “ Mê tín : Tin một cách mù quáng vào thần thánh, ma quỷ, số mệnh và những điều huyền hoặc” ( tr.628). Thế nhưng, ngày nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không phải tôn giáo là đồng nhất với mê tín, lạc hậu mặc dù chúng đều tồn tại trên cơ sở niềm tin. GS Đặng Nghiêm Vạn- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo cho rằng: “Cũng cần thấy niềm tin tôn giáo không phải là niềm tin mê muội cuồng tín, thiếu suy nghĩ…Người tín đồ tôn giáo trước hết là người hiểu một cách “ trí tuệ” điều mình tin, điều mình coi là thiêng liêng. Niềm tin tôn giáo cũng không thể xem là những hiện tượng phản văn hoá, trái với tiến bộ, văn minh” ( 1). Chúng ta có thể xem xét vấn đề này qua trường hợp của đạo Công giáo.
1. Đạo Công giáo nghiêm cấm các hành vi mê tín, dị đoan
Công giáo là một tôn giáo độc thần, vì vậy giáo lý của đạo nghiêm cấm việc thờ các thần linh khác và tất cả các hành vi có ảnh hưởng đến căn tính được ghi trong điều răn thứ nhất: Thờ phượng một Chúa Trời và kính mến Chúa trên hết mọi sự. Do đó, các hiện tượng vốn được coi là quen thuộc với phong tục dân gian ở á Đông và Việt Nam như lên đồng, bói toán, chọn ngày tốt xấu, chọn đất chôn táng, đốt vàng mã…đều bị đạo Công giáo cấm tín đồ tham gia. Ai dù vô tình hay cố ý tham gia đều coi là lỗi phạm giới răn thứ nhất và buộc phải sám hối, xưng tội trước toà giải tội.
Ngay từ những buổi đầu truyền giáo đến Việt Nam, nhiều giáo sĩ dù nhận ra ở xứ sở này có nhiều điều tốt đẹp từ truyền thống gia đình đến văn hoá, xã hội nhưng cũng chỉ ra nhiều phong tục mê tín, dị đoan. Alexandre de Rhodes ( Đắc Lộ) đã dành hẳn chương 25 trong cuốn Histoire du Royaume de Tunquin ( Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài) để nói về những tập tục lạc hậu này. Ông viết: “Người Đàng Ngoài có tâm tình hiếu thảo rất đặc biệt đối với cha mẹ đã qua đời và tiêu phí quá đáng để cúng giỗ. Vì thế không những họ đâm ra nghèo túng mà còn làm cho họ mắc nợ nần, bởi muốn theo tục lệ và phép xã giao nên không những phải chi dụng về cỗ bàn mà còn về các nghi lễ khác, vừa vô ích vừa phù phiếm, nhưng theo phép xử thế, họ không sao tự miễn cho mình được. Thí dụ, họ đua nhau dựng nhà, sắm các dụng cụ bếp núc bằng tre nứa và giấy hoa rồi đem đi đốt. Họ điên dại tin rằng nhờ đồ vàng mã này người quá cố được nhà đẹp, đồ dùng tươm tất trong thế giới các người tới. Cũng điên dại như thế, vào ngày cuối năm, họ sắm quần áo cũng làm bằng giấy hoa rồi đem đốt. Họ kỳ khôi tưởng rằng hàng mã này sẽ hoá thành áo mới, vải đẹp để dùng trong năm mới. Vì thế chúng tôi đã công khai công kích dị đoan và chế diễu tập quán kỳ dị này” (2). Đọc những dòng trên, chúng ta có lẽ cũng ngạc nhiên, vì đến tận hôm nay, không ít người “ vẫn điên dại” và chắc là điên dại hơn vì họ sống ở thời kỳ khoa học hiện đại, có trình độ học thức gấp nhiều lần những người dân Đàng Ngoài sống cách đây gần 400 năm, xong họ vẫn đốt và còn đốt vàng mã nhiều hơn, kỳ dị hơn từ ô tô cho đến người mẫu, từ tiền giả đến tiền thật…
Nhiều tập tục khác của người dân Đàng Ngoài khi đó cũng được coi là kỳ lạ với thế giới phương Tây. Chẳng hạn, như việc chọn “ngày lành, tháng tốt” để khởi sự mọi công việc hay những kiêng kỵ vô lý: “ Nếu buổi sáng lúc ra khỏi nhà để làm việc gì tốt và hệ trọng tới kết quả của công ăn việc làm mà gặp đàn bà chứ không phải đàn ông, thì họ trở về và rầu rĩ ngồi ở nhà, vì cho rằng việc này (nếu cứ tiếp tục) sẽ hỏng, cho dù họ biết rằng nếu bỏ thì sẽ mất” (3). Hoặc ngay việc đặt tên cho con cái cũng tuân theo những quan niệm kỳ dị. Đắc Lộ viết: “Người Đàng Ngoài còn theo dị đoan trong sự đặt tên và đổi tên gọi của mình. Thí dụ, nếu có đứa con nào chết, thì họ tránh không lấy tên đó đặt cho người con khác vì sợ tà ma, họ cho là chúng đã giết đứa bé mới chết, nay nghe thấy cúng tên đó đặt cho đứa bé mới sinh thì lại đến giết như đã giết đứa thứ nhất. Cũng vì họ cho tà ma hay ghen ghét và xảo quyệt gây hết các thứ bệnh và tai hoạ xảy đến cho con cái họ, nên họ thường lấy những tên xấu xí, bẩn thỉu mà đặt cho con. Họ điên dại tưởng rằng với tên nhơ bẩn này, họ làm cho ma tà hay hãm hại không dám động tới bản thân con cái họ. Họ không biết rằng, kẻ công khai ghen ghét sự lành và sức khoẻ của họ chúng không ưa thích gì ngoài những thứ rác rưởi” (4).
Một số tập tục khác cũng thịnh hành trong đời sống người Việt xưa ( và cả bây giờ) là rất chú ý chọn đất để chôn táng người chết nhất là cha mẹ: “ Họ điên rồ tin rằng tất cả vận tốt của gia đình, của cải, danh vọng và cả sức khoẻ đều phụ thuộc vào việc chọn đất để mả. Để làm việc này, họ dùng một số người gian dối biết thuật xem đất cát gọi là thày địa lý. Thày đem địa bàn xoay xở trong cánh đồng và dùng một số ít dụng cụ toán học khác, chăm chỉ làm như thể tìm vàng, sau cùng cũng vờ như tìm được chỗ thuận tiện để chôn xác, dĩ nhiên những người thừa kế trả công họ khá hậu hĩnh và tức khắc làm nhiệm vụ sửa soạn và thu xếp chỗ đất theo lệnh và chỉ thị của kẻ gian giảo đã kiếm được đất tốt” (5).
Nhiều Thư chung của các Giám mục từ rất sớm đã cấm các tập tục mê tín dị đoan, được coi là “ sự rối”. Chẳng hạn ngày 7-6-1759, giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài ( Santiago Hernandez Tuấn) đã ra thư cấm “36 sự rối ở nước An Nam”: “ Liệm xác đàn ông 7 lần, đàn bà 9 lần, cùng đại, tiểu liệm thì cấm cả; Bổn đạo bắt chước kẻ ngoại đạo dẫy mả, cải táng chỗ nọ, chỗ kia để được gặp sự may lành, thì là sự rối”.
Có một số dị đoan đưa người ta đến những hành động dã man, hung bạo: “Nếu đứa con thứ nhất chết, theo họ tưởng, vì tà ma ghen ghét và sau đó đứa con thứ hai ngã bệnh vô phương cứu chữa thì trước khi đứa bé này chết, họ đưa nó ra ngoài đồng và dùng dao hung ác chặt làm hai, tưởng làm cho tà ma sửng sốt vì hành động vô nhân đạo này và làm cho nó sợ, không còn tiếp tục hãm hại những trẻ khác sẽ sinh sau này nữa. Do đó tà ma đã làm cho họ trở nên vô nhân đạo…Cũng vì thế mà ngày nay giáo dân tân tòng rất sợ nên rất ân cần ngăn lương dân phạm tội” (6).
Sự công kích, chế diễu, ngăn cản tập tục trên đây của các nhà truyền giáo là một bằng chứng cho thấy đạo Công giáo không chấp nhận những phong tục mê tín, dị đoan.
2. Đạo Công giáo phê phán những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội.
Cùng với việc chống đối các hành vi mê tín, dị đoan, đạo Công giáo cũng phê phán nghiêm khắc những tập tục lạc hậu và những tệ nạn xã hội trong cộng đồng.
Một hiện tượng phổ biến trong đời sống của người Việt xưa là là người đàn ông có “ năm thê bảy thiếp”. Hình như ai càng có nhiều thê thiếp càng danh giá, quyền quý: Trai chính chuyên thường dăm bảy vợ; Gái chính chuyên chỉ có một chồng. Nhưng chính lối sống đó đã đẩy bao phụ nữ vào cảnh bị ngược đãi. Thi sĩ Hồ Xuân Hương phải cay đắng kêu lên:
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Giáo lý Công giáo quy định hôn nhân một vợ một chồng. Đây là quan niệm tiến bộ ngay cả với thế giới văn minh ngày nay. Dĩ nhiên khi phổ biến quan niệm này, nó đã bị chống đối gay gắt. Chính chúa Trịnh đã ra văn thư đầu tiên cấm đạo Công giáo vì lý do như vậy. Văn thư viết: “ Đạo nào các ngươi giảng trong nước ta? Các người truyền cho thần dân ta chỉ được lấy một vợ mà ta thì muốn có nhiều con trung thành với ta. Từ nay các ngươi hãy gạt đi đừng gỉang đạo đó nữa. Nếu các người không tuân lệnh thì ta sẽ chém đầu các ngươi và ngăn cấm các ngươi từ nay chớ tiếp tục làm điều ta cấm” (7).
Nhiều hương ước của các làng Công giáo cổ trước đây đều có quy định khá nghiêm ngặt về hôn nhân chung thuỷ. Hương ước của làng Vĩnh Trị ghi trong điều 103: “ Làng toàn tòng Công giáo chỉ được phép nhất phu nhất phụ thôi. Vậy ai còn vợ cả mà lấy vợ hai thì làng không ăn ngồi với nữa để khỏi làm gương xấu cho kẻ khác”. Hương ước làng Nam Am, điều 67 viết: “Lại dân toàn tòng, theo luật tôn giáo, không được phép lấy vợ lẽ, ai phạm đến cũng như tội thông dâm, nếu có con thì đứa con ấy cũng như ngoại tình. Con ngoại tình, con vợ lẽ, là con giai khi đến tuổi nhập bạ thì phải nộp phạt cho làng 5đ.000”.
Thủ tục cưới xin ở các làng Công giáo cũng đơn giản và đỡ tốn kém hơn so với phong tục dân gian hiện hành. Hương ước làng Nam Am, điều 63 ghi:
“ Cưới xin ngày trước có 6 lễ nhưng nay chỉ theo 3 lễ như sau này thôi:
1. Lễ Vấn danh hay thường gọi là lễ giạm vợ. Sự này bắt đầu mà hai bên cha mẹ hội kiến để nói chuyện và so sánh tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ của các con mà định cuộc hôn nhân cho đôi trẻ. Lễ vật thì là chè, cau, bánh trái đáng giá độ vài đồng.
2. Lễ ăn hỏi: Hôm này thì nhàgiai cho chú rể cùng bà cónính lễ sang nhà gái. Hôm đó chú rể đi lễ nhà thờ cùng là ra mắt họ hàng nhà vợ. Hai bên thông gia định ngày cưới và thách cưới. Lễ vật thì tuỳ theo từng nhà giàu nghèo nhưng đáng độ 3đ00 đến 20đ00.
3. Lễ cưới: Hôm đó chú rể cùng ông thân sinh và bà con sính lễ vật cùngtiền nong sang nhà gái đón dâu. Bên nhà gái cũng cho bà con đưa dâu về nhà chồng.
Lễ vật và tiền nong thì tuỳ theo từng nhà giàu, nghèo nhưng tất cả đáng độ 10đ00, 20đ00 hay 30đ00 chi đó” (8).
Theo một thống kê cho biết sau 8 năm thực hiện luật hôn nhân và gia đình ở Việt Nam có 22.049 vụ ly hôn. Mỗi năm số vụ ly hôn lại tăng 10-12%. Tại Hà Nội cứ 20.000 vụ kết hôn thì có 4.500 vụ ra toà ly hôn. Trong khi đó ở xã Hải Vân ( Hải Hậu, Nam Định) nơi có 6000 giáo dân sinh sống, trong thời gian đó chỉ có 2 cặp bỏ nhau. Ngay một họ giáo ở ngoại thành Hà Nội là Ngọc Hồi nơi có 1500 giáo dân nhưng từ năm 1945 đến nay chỉ có 1 cặp sống ly thân. Vì thế hôn nhân chung thuỷ một vợ một chồng là một nét đẹp trong lối sống của người Công giáo và hấp dẫn người không phải Công giáo đến với tôn giáo này. Năm 2001, trong số 121.667 người gia nhập đạo Công giáo thì có đến 35.096 người trở lại để kết hôn với người Công giáo.
Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có một tệ nạn uống rượu say sưa không những tốn kém mà rất hại cho sức khoẻ. Giám mục Paul Seitz Kim đã lên án tập tục này và coi đó là một trong các yếu tố tiêu diệt nòi giống người Thượng ở đây. Thư chung ngày 19-12-1958 viết:
“ Trong thư chung năm 1956, tôi đã giải thích với anh em về vấn đề này.
Các cha xứ anh em vui sưóng và chính tôi cũng hoan hỉ khi nhận thấy một số đông đã nhận thức cái tai hại đang đe doạ mình và sẵn lòng vâng nghe lời tôi. Trong năm vừa qua, anh em đã cố gắng nhiều để bài trừ bệnh rượu. Hôm nay, tôi gởi lời khen ngợi anh em và tôi qủa quyết rằng Thiên chúa đã hài lòng và chúc lành cho anh em.
Đây là tôi chỉ nhắc lại hai điều: Không những phải hạn chế số ghè anh em thường quen uống mà nhất là phải kiêng bỏ thứ rượu trắng.
Muốn được tiền, những con buôn không ngần ngại bán cho anh em với một giá rất đắt thứ thuốc độc giết hại nòi giống anh em.
Phải từ chối đừng mua. Hãy trục xuất ra khỏi làng những ai mang rượu trắng đến bán. Hãy nói với những kẻ ấy rằng, anh em không muốn những thứ hàng hoá của ma quỷ nhưng chỉ muốn họ đem bán các thứ thốc men, hàng vải những đồ vật hữu ích và tốt, những thực phẩm. Và anh em sẽ thấy những con buôn không còn mang rượu trắng đến cám dỗ anh em nữa và họ sẽ thuận ý đem bán cho anh em các thứ khác.
Cũng như vấn đề thuốc men. Hãy can đảm nói với những người đàn anh và đại diện chính quyền: chính quyền chắc chắn sẽ ủng hộ anh em giữ trọn điều dốc quyết.
Anh em phải biết rằng: từ nay tôi truyền cho tất cả các linh mục không được ban phép giải tội và các phép Bí tích cho những ai cố tâm mua và uống thứ rượu trắng để say sưa.
Hơn thế nữa, tôi nhắc lại mỗi năm là các bậc đàn anh ở trong làng phải triệu tập đại hội để cùng nhau đọc lại thư chung và bệnh rượu và tìm những quyết định kịp thời về cách thức bài trừ bệnh ấy trong mỗi làng. Hội nghị ấy là một huấn lệnh mà Giám mục anh em đã công bố nên phải tuân theo.
Hãy tin chắc rằng: điều kiện thứ tư để người Thượng được tồn tại là phải diệt trừ bệnh rượu”.
Những năm cuối của thế kỷ XX, khi cả nước phải đối mặt với tệ nạn ma tuý kéo theo nhiều vấn nạn xã hội khác nhất là căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, Hồng y Phạm Đình Tụng đã ra Thư chung ngày 22-10-1996 kêu gọi: “ Tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy chung tay góp sức chặn đứng và tẩy sạch tệ nạn này ra khỏi gia đình và làng xóm chúng ta. Tôi đề nghị các cha rao giảng về tai hại của tệ nạn này để mọi người hiểu rõ. Mỗi xứ cần có kế hoạch điều tra và phát hiện kịp thời số người nghiện hút. Các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo dõi con em không để chúng đi lại những nơi có nguy cơ bị lôi cuốn hay giao tiếp với những con nghiện. đối với những người đã trót nghiện, chúng ta hãy lấy tinh thần bác ái khuyên bảo và làm mọi cách giúp đỡ họ cai nghiện càng sớm càng tốt, nếu không bệnh của họ sẽ lây sang người khác một cách nhanh chóng như vết dầu loang”.
Tai nạn giao thông cũng là vấn nạn lớn của đất nước hiện nay. Người ta tính trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có 30 người tử vong vì tai nạn giao thông. Nguyên nhân thì nhiều nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là ý tức của người tham gia giao thông. Trước tình hình đó, nhiều giáo phận đã tổ chức học tập luật giao thông cho tín hữu nhất là thanh niên. Giám mục Thái Bình Nguyễn Văn Sang trong thư chung ngày 10-9-2004 đã nhắc nhở: “ Các thanh niên nam nữ không đua dòi đua xe, lạng lách đùa cợt với sinh mạng của mình và của người khác; Phải thường xuyên kiểm tra phương tiện giao thông đầy đủ mới di chuyển. Ví dụ đội mũ bảo hiểm, phanh đèn , bằng lái cẩn thận; Phải đấu tranh với các phần tử vô tình hay hữu ý vi phạm luật giao thông”.
Việt Nam hiện nay đang hội nhập với thế giới mạnh mẽ, xây dựng nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hoá. Đây là xu hướng phát triển tất yếu đang hứa hẹn nhiều thành công nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức như có nhà nghiên cứu đã nhận định: đây là thời cơ vàng đi liền với những thảm hoạ đen. Đứng trước tình hình đó, các Giám mục Việt Nam trong Thư chung 2001 đã cảnh báo: “Hoàn cảnh đang thay đổi sâu rộng và nhanh chóng do tác động của xu thế toàn cầu hoá. Đó đây trên bình diện quốc gia, mức sống của người dân còn thấp, lao động không đủ sống; Sự sống không được tôn trọng và bảo vệ đúng mức, lại thường xuyên bị đe doạ bởi thiên tai và nạn huỷ diệt môi trường, bởi tai nạn giao thông và các tệ nạn như nghiện ngập ma tuý, mãi dâm, HIV/AIDS, sự gian dối có chiều hướng lan tràn trong xã hội như hàng giả, bằng giả, hối lộ và tham nhũng. Ngoài ra sự chênh lệch giàu nghèo, giữa thành thị và nông thôn ngày càng gia tăng, tạo nên một làn sóng người đổ xô về thành thị…Tình trạng xã hội này đặt ra nhiều thách thức. Nền kinh tế thị trường có xu hướng biến tất cả thành hàng hoá và có nguy cơ lấy đồng tiền làm thước đo mọi sự”.
Tóm lại, bằng giáo lý và qua lối sống đạo của người tín hữu, đạo Công giáo đang cùng với các tôn giáo chân chính khác góp phần làm lành mạnh hoá đời sống xã hội và văn hoá Việt Nam.
Chú thích:
1- Những vấn dề tôn giáo hiện nay, Nxb KHXH 1994, tr.63
2,3,4,5,6,7- A. Rhodes: Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, (Bản dịch của Hồng Nhuệ- Nguyễn Khắc Xuyên). Tủ sách Đại kết 1994, tr.57; tr.62; tr.71-72; tr.71; tr.72; tr.124
8- HĐGMVN- Uỷ ban Giáo dân: Sống đạo theo cung cách Việt Nam, Nxb Tôn giáo 2004, tr. 56-57.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015